Điểm Báo Pháp – 11/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 11/12/2015

Lá phiếu của lãnh tụ đảng cực hữu Marine Le Pen làm rung chuyển chính trường Pháp. – Reuters

Theo RFI – Tú Anh – 11-12-2015

Pháp: Ngăn đường cực hữu, một chiến lược can đảm và dài hạn

Vòng hai bầu cử cấp vùng đầy bất trắc, cánh hữu tại Pháp tìm không ra chiến lược chống cực hữu, thái độ lố lăng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump, cơn sốt bài Hồi giáo tại Hoa Kỳ, mồ chôn tập thể của Daech tại Irak, hé lộ bí mật quốc phòng Pháp, một tỷ phú TC «mất tích» là những chủ đề trong mục điểm báo hôm nay 11/12/2015.

Hai ngày trước khi diễn ra những trận thư hùng quyết định trong vòng hai bầu cử cấp vùng vào chủ nhật 13/12, tình trạng các đảng chính trị truyền thống tại Pháp thiếu vắng đối sách đương đầu với phong trào cực hữu chiếm phần lớn các trang báo Pháp hôm nay.

Thiếu ý thức hệ

Tại sao họ bỏ phiếu cho Mặt Trận Quốc Gia của hai dì cháu bà Le Pen? Câu hỏi này được La Croix đưa lên trang nhất. Le Monde khẳng định : không tìm ra được một giải pháp chống cực hữu, lãnh đạo phe hữu chia rẽ. Trong khi đó, Le Figaro, thân hữu, dành hai trang và một bài bình luận gián tiếp ủng hộ chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy với dự án chính trị «cực mạnh» đối đầu với «cực hữu».

Bên cạnh bức hí họa hai nhà lãnh đạo Alain Juppé và Nicolas Sarkozy mặc chung chiến áo thung với đảng hiệu LR (Les Républicains), nhưng mỗi người khoa tay nhìn về một hướng khác nhau, Le Monde giải thích: Một lần nữa nội bộ phe hữu cộng hòa bị dằn co giữa hai đối sách. Hơn bao giờ hết, câu hỏi làm cách nào ngăn chận thế đang lên của Mặt Trận Quốc Gia được đặt ra: bằng chiến lược trung dung hơn hay nghiêng hơn về phía hữu?.

Theo Le Monde, kết quả không khả quan của phe hữu truyền thống cho thấy đối lập bị chia rẽ về ý thức hệ, mà hệ quả thấy được là không có chiến lược vận động tranh cử. Trong khi cưu thủ tướng Alain Juppé và nhiều nhân vật năng ký khác của đảng chủ trương «ôn hòa», nhóm thứ hai theo phe chủ tịch Nicolas Sarkozy chọn đối sách «tiến sát» thông điệp của cực hữu để giữ cử tri ở lại phe mình. Hệ quả là phe hữu sử dụng ngôn từ và đề tài mị dân của cực hữu.

«Vì 18 quán bánh mì kẹp thịt trừu?»

Sự thiếu vắng chiến lược và chiến thuật còn rõ nét hơn trên thực địa. Le Monde đưa độc giả đến một ngôi làng trù phú ở sát biên giới Đức với bài phóng sự: Tại Alsace, cử tri qua biên giới bỏ phiếu cho bà Le Pen.

Vị xã trưởng vò đầu bức tóc than thở: ông không thể nào hiểu được vì sao một ngôi làng có tuyền thống theo cánh hữu ôn hòa, đảng Xã Hội không chen chân được, dân cư sung túc, đa số mỗi ngày vượt biên giới sang Đức làm việc, từng nhiệt tâm lo liệu cho hai gia đình tị nạn hội nhập thành dân Pháp, thế mà vừa qua, gần phân nửa cử tri lại dồn phiếu cho đảng bài ngoại có chủ trương co cụm, đóng cửa biên giới để bảo vệ quyền lợi… dân Pháp?

Con gái 17 tuổi của ông cũng nói khi đủ tuối cô bé sẽ bầu cho Măt Trận Quốc Gia, cho dù ông nội và hai người bác chết vì Phát xít Đức. Phải chăng vì sự hiện diện của 18 tiệm bán bánh mì kẹp thịt trừu «không rõ lai lịch chủ nhân» như đại diện của đảng cực hữu biện minh?

Giải pháp lâu dài và can đảm từ sáng kiến của xã hội công dân

Để tìm câu trả lời «hợp lý» nhất, các đặc phái viên của nhật báo Công giáo đi một vòng các tỉnh nhỏ tiếp xúc với cử tri của đảng cực hữu. Với tỷ lệ 30% số phiếu, đảng này đã xâm nhập vào mọi thành phần xã hội và ở mọi lứa tuổi, ngay cả những «cộng đồng» thuộc loại «khó nuốt» nhất như giai cấp trung lưu, công chức, tư chức trung cấp và cả lãnh vực công như y tế, bệnh viện, thuộc ảnh hưởng truyền thống của đảng Xã Hội và công nhân thợ thuyền, cử tri của đảng Cộng sản.

Những người này giải thích: bà Le Pen quan tâm đến số phận chúng tôi, Mặt Trân Quốc Gia là đảng cánh hữu thực thụ, đi sát với dân, không phải là phát-xít, di dân đông quá đe dọa trật tự xã hội, đạo Hồi đi ngược lại cội nguồn văn hóa Pháp, người dân quá chán nãn vị tiền hưu không đủ sống. Một công nhân hãng sữa bị thất nghiệp còn nói : trước đây tôi bầu cho bà Ségolène Royal (ứng cử viên tổng thống đảng Xã Hội năm 2012), nhưng bây giờ tôi ủng hộ một phụ nữ khác.

Từ những chứng nhân cụ thể này, bài xã luận tựa đề «Chút ánh sáng hy vọng» của La Croix nhận định: cho dù kết quả ngày Chủ nhật ra sao, nước Pháp vẫn đứng trước một vấn đề : chiến thuật rút tên nhường chổ của hai đảng truyền thống, thỏa hiệp giờ chót, diễn văn dao to búa lớn chỉ tạm ngăn chận đảng cực hữu chiến thắng mà thôi .

Giải pháp hiệu quả nhất cần đến lòng can đảm và kiên nhẫn. Các nhà chính trị phải can đảm nói thật với dân là cần nhiều thời gian và mồ hôi mới chấn hưng được kinh tế. Nói thật rồi phải làm thật, chia sẻ gánh nặng và lợi nhuận đồng đều, để trong xã hội không có một bộ phận bị bỏ quên. La Croix khen ngợi Quốc Hội Pháp, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, vẫn đồng loạt biểu quyết hai đạo luật đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ nhất là luật chống lãng phí thực phẩm, buộc các siêu thị trên toàn quốc phải cung cấp thực phẩm gần hết hạn cho các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ người thiếu thốn thay vì vất bỏ. Thứ hai là thực hiện 10 thí điểm «lãnh thổ không thất nghiệp» trước khi mở rộng hơn, theo sáng kiến của các tổ chức xã hội công dân : tuyển dụng người thất nghiệp làm công tác hữu ích thay vì trợ cấp. Những sáng kiến này dần dần sẽ đem lại tin tưởng cho công luận.

Donald Trump, cơn ác mộng của nước Mỹ

Khác với các đồng nghiệp, Libération có thể làm độc giả bất ngờ vì tựa lớn trên trang nhất: Bí mật của cảnh sát khoa học. Thực ra nhật báo cánh tả muốn đưa người đọc vào thế giới của cảnh sát điều tra từ sau loạt khủng bố 13/11 đến nay. Hơn 300 cảnh sát khoa học đã cật lực «khai thác» các dấu tích trên hiện trường , từ những vỏ đạn AK cho đến mẫu ADN để nhận diện, truy tìm gốc tích những tên khủng bố. Cảnh sát còn biết được tại sao nhóm thánh chiến này lại sát hại 129 nạn nhân bằng AK nhưng chỉ giết được có một người bằng các đai chất nổ.

Trong bài «Trump: Chuyện đùa biến thành ác mộng», Libération cho biết ứng cử viên đảng Cộng hòa có tên Donald Trump «lá chủ bài hay lợi thế» thật ra chỉ là cơn mộng dữ.

Thoạt đầu, đảng Cộng hòa xem nhà tỷ phú hay khoa trương, lớn lối này là một lá bài tốt. Nhưng 6 tháng trôi qua, người ta thấy ông là món quà tẩm độc. Ưng cử viên Donald Trump không chừa một ai: Báo chí Mỹ bắt đầu tràn ngập những bài bình luận, bỏ nhà tỷ phú này chung một rọ với Hitler, Mussolini, Berlusconi, và Marine Le Pen của Pháp. Ông sỉ nhục người Châu Mỹ La tinh, dọa xây bức tường ở biên giới Mêhicô, rồi đòi cấm người Hồi giáo sang Mỹ.Vấn đề là mỗi lần ông gây «sốc» là mỗi lần ông lên điểm và gây hại cho hình ảnh của đảng Cộng hòa. Thế nhưng, vì muốn hạ Hillary Clinton bằng mọi giá, nên đảng bảo thủ vẫn chấp nhận ông Trump, cho dù ông là thuốc độc.

Cùng nhận định này, Le Monde đề tựa: Đảng Cộng hòa là nạn nhân tự nguyện của Trump. Dưới bức ảnh chụp nhà tỷ phú với con ó thật trong văn phòng là bức tranh hí họa một trăng liềm bám trên mái tóc vàng: Vào lúc ông đòi đánh Hồi giáo thì Donald Trump phát hiện ông lãnh một lưởi liềm trên đầu. Bị thế giới hồi giáo phản công, ứng cử viên đảng Cộng hòa phải bỏ ý định sang Trung Đông.

Những lời tuyên bố bốc lửa chống người Hồi giáo, không cho sang Mỹ, phản ảnh «cơn sốt kỳ thị đạo Hồi», tựa của La Croix. Theo Nihad Awad, chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Mỹ (CAIR), từ sau vụ thảm sát ở San Bernardino, bầu không khí «bài Hồi giáo» lên cao hơn thời hậu khủng bố 11/09/2001. Đối với 3 triệu người Mỹ theo đạo Hồi thì thực tế cuộc sống hàng ngày rất khó khăn. Đạo Hồi tăng nhanh nhờ vào hiện tượng người Mỹ gốc Phi Châu cãi đạo, nhưng dù vậy chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể, 1% dân số , theo thống kê năm 2014. Tuy nhiên, tín đồ Hồi giáo chiếm số đông nhất trong các nhóm tôn giáo cảm thấy bị kỳ thị, 48%, theo một kết quả thăm dò ý kiến. Trong số cử tri Mỹ, 38% tuyên bố không bầu cho ứng cử viên tổng thống theo đạo Hồi.

Pháp giải mật tài liệu Đông Dương

Trong khi Libération «bám» theo cảnh sát khoa học, thì Le Figaro «xâm nhập» kho hồ sơ mật của Tình thất bại quân sự tại Cao Bằng, đã yểm trợ các sác dân thiểu số người Thái và người Hmong chống Việt Minh. Nhờ vậy mà Bộ tư lệnh Pháp nắm được các thông tin chính xác về những chuẩn bị của tướng Giáp, trước trận Điện Biên Phủ. Thế nhưng ….., tờ báo bỏ lửng.

Về thời sự quốc tế, Le Figaro dành một trang lớn cho tình hình Trung Đông: những mồ chôn tập thể tại Sinjar, Irak. Bị đánh đuổi khỏi thị trấn, Daech để lại hàng chục mồ chôn xác nạn nhân bị họ hành hình năm 2014. Tổ chức Amnesty International yêu cầu cộng đồng quốc tế điều tra và tổng kết. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một biện pháp bảo tồn. Người Yazidi, sau khi bị bỏ rơi, bây giờ ký ức của họ bị chà đạp.

Đại gia Trung Hoa «mất tích»

Thông tin duy nhất về châu Á được báo Pháp, hôm nay là nhật báo kinh tế Les Echos chú ý, là vụ ông Quách Quảng Xương, chủ nhân tập đoàn Phục Tinh Trung Quốc, chủ nhân mới của công ty du lịch nghĩ mát của Pháp Club Med, mất tích đột ngột. Ban giám đốc chỉ loan báo đại gia Quách Quảng Xương vắng mặt mà không giải thích lý do.

Ông có quan hệ với một tỷ phú khác đang ngồi tù với bản án 18 năm trong khuôn khổ chiến dịch bài tham nhũng của chủ tịch TC Tập Cận Bình. Người ta thấy đại gia họ Quách «được cảnh sát hộ tống» ở phi trường Thượng hải. Từ thứ tư đến nay, không ai biết ông ở đâu.

100 năm Frank Sinatra

Thứ bảy 12/12/2015 là đúng một trăm năm ngày sinh của nghệ sĩ, ca sĩ Mỹ quá cố Frank Sinatra. Báo chí Pháp dành nhiều trang để hồi tưởng và giới thiệu các sinh hoạt kỷ niệm «người có đôi mắt xanh, nhưng đặc biệt hơn hết là tiếng hát vàng vượt không gian và thời gian».

Thiên tài này cũng là một người rất rộng lượng và bạo gan thuộc loại huyền thoại. Ông chơi thân với nhiều nhân vật chính trị Mỹ và không ngại quan hệ với băng đảng Mafia. Một lần Frank Sinatra dám giới thiệu Judith Campell, tình nhân của Sam Giancana, trùm xã hội đen ở Chicago, với Tổng thống John F Kennedy. Nhạc sĩ Jimmy Van Heusen dường như đã nói: Nếu tôi viết một cuốn sách về Frank Sinatra thì anh chàng sẽ đi tù 1000 năm.