Đoàn gặp đại diện Đảng Liên Đoàn Dân tộc Vì Dân Chủ (NLD) vào hôm 07/12/2015. (Ảnh: Trinity Hong Thuan)
Theo BBC – 9 tháng 12 2015
Một nhà hoạt động từ Việt Nam nói về chuyến đi học hỏi kinh nghiệm đấu tranh dân chủ tại Miến Điện.
Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt qua điện thoại từ Miến Điện, bà Nguyên Hồng cũng nói về dự định của bà khi quay trở lại Việt Nam. Trước hết bà Hồng nói về lý do tham gia chuyến đi này.
Nguyên Hồng: Tôi cũng như rất nhiều người hoạt động tại Việt Nam rất ấn tượng với những thành công bước đầu của Miến Điện trong kỳ bầu cử tự do vừa rồi. Do đó chúng tôi rất háo hức sang đây để học tập kinh nghiệm của họ và xem có thể áp dụng được gì trong công cuộc đấu tranh của mình ở Việt Nam.
BBC: Đoàn từ Việt Nam có bao nhiêu người và có khó khăn gì khi rời Việt Nam sang Miến Điện hay không?
Có 14 người tại Việt Nam được mời tham gia và 7 người không sang được và 7 người tham gia. An ninh họ giữ lại khi làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay.
Những người bị giữ lại là những nhà hoạt động đã có tiếng ở Việt Nam cho nên người ta sợ rằng họ sẽ học được những kiến thức rất tốt và sẽ làm những việc gì đó không tốt cho chính quyền cộng sản Việt Nam nên họ bị giữ lại trong nước.
BBC: Vì sao trường hợp của bà lại đi được còn một số người khác thì không?
Tôi cũng không rõ lắm nhưng có lẽ chúng tôi chưa phải là những người có tên tuổi trong giới đấu tranh vì dân chủ. Chúng tôi là những người còn trẻ mà họ chưa để mắt nhiều tới. Những người bị giữ lại là những người đã bị theo dõi nhiều hơn.
BBC: Bà có thể chia sẻ về chuyến đi lần này?
Chúng tôi đã tới nhà của bà Aung San Suu Kyi, tới trụ sở của đảng NLD (Liên Minh Dân tộc vì Dân chủ) và gặp người đồng sáng lập đảng này với bà Suu Kyi.
Chúng tôi đã tới một số trụ sở khác hỗ trợ phong trào dân sự ở Miến Điện như là tổ chức Thế hệ Con sóng (Generation Wave), Đài DVB (Đài Tiếng Nói Dân Chủ Miến Điện), và Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị Miến Điện (AAPP), và chúng tôi cũng có cuộc thảo luận bàn tròn trong đó có đại diện của tổ chức Freedom House và một số tổ chức xã hội dân sự khác ở Miến Điện.
BBC: Cá nhân bà và thành viên trong đoàn cảm nhận đã học hỏi được gì từ chuyến đi này?
Chúng tôi học được rất nhiều thứ. Chúng tôi thấy rằng họ trong điều kiện rất khó khăn về vật chất, tức là Miến Điện thua kém Việt Nam về kinh tế nhiều, mà họ lại có thể có được những thành quả trước Việt Nam rất nhiều.
Thứ hai là cách tổ chức đấu tranh của họ cũng rất tốt. Mỗi một tổ chức đều có sứ mệnh riêng và điều đặc biệt ấn tượng là tất cả họ đều liên kết với nhau. Điều đó khiến phong trào đó trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều so với hoạt động tại Việt Nam.
BBC: Bà có e ngại là khi trở về thì cá nhân bà và các thành viên từ Việt Nam có thể gặp rắc rối gì không?
Tôi nghĩ là mỗi một người tham gia phong trào này đều sẵn sàng trước những khó khăn đó mà chắc chắn sẽ gặp phải, nhưng chẳng sao cả.
BBC: Khi trở về bà có dự định chia sẻ những gì học hỏi được từ Miến Điện, thậm chí chia sẻ ngay cả với chính quyền Việt Nam hay không?
Chắc chắn là có chứ. Thứ nhất là sẽ rút kinh nghiệm cho công việc của mình sao để có tổ chức hơn, qui củ hơn, có mục đích và mục tiêu rõ ràng hơn.
Thứ hai là chắc chắn sẽ phải chia sẻ những kinh nghiệm này trên phương tiện truyền thông. Nếu có cơ hội để chia sẻ với chính quyền thì tại sao lại không. Cũng có rất nhiều bài học bổ ích từ phía nhà cầm quyền Miến Điện.
Còn đối với những người đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam ở hải ngoại thì họ cũng cần được biết về con đường mà những người đấu tranh trong nước đang đi để họ ủng hộ hoặc có thái độ rõ ràng hơn đối với công việc mà những người trong nước đang làm.