Tin Thế Giới – 09/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 09/12/2015

TC “theo dõi sát” Mỹ triển khai máy bay do thám ở Singapore — Máy bay Sukhoi của Nga tăng cường hiện diện quân sự của TC ở Biển Đông

Quân đội TC đang “theo dõi sát” thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Singapore về việc triển khai lần đầu tiên máy bay do thám P8 Poseidon ở nước này. Đây là tuyên bố của Bộ Quốc phòng TC ngày 08/12/2015, được hãng tin Reuters trích dẫn.

Trong bản tuyên bố nói trên, Bộ Quốc phòng TC cho biết họ hy vọng là hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với Singapore “sẽ không gây tổn hại cho ổn định khu vực”. Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao TC đã lên án việc triển khai máy bay P8 Poseidon là nhằm “quân sự hóa” vùng Biển Đông.

Ngày 07/12 vừa qua, trong bản thông cáo chung sau một cuộc họp ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã hoan nghênh việc triển khai phi cơ P8 Poseidon ở Singapore từ ngày 07/ đến 14/12.

Hiện giờ, loại máy bay này đã hoạt động từ Nhật Bản và từ Philippines. Phi cơ P8 Poseidon cũng đã cất cánh từ Malaysia để tiến hành các chuyến bay tuần tra.

Mặc dù Hoa Kỳ đang rất căng thẳng với TC trên vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, một phát ngôn viên hải quân Mỹ ngày 08/12 nhấn mạnh rằng việc triển khai phi cơ P8 Poseidon không chỉ tập trung duy nhất vào vùng biển này. Theo phát ngôn viên hải quân Mỹ, máy bay do thám từ căn cứ ở Singapore có thể tham gia tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích của hãng Malaysia Airlines hoặc tham gia các chiến dịch bảo vệ an ninh hàng hải ở vùng Châu Á. – Theo RFI

***
Sau các cuộc thương thuyết kéo dài nhiều năm, Nga cuối cùng đã chấp nhận bán cho TC chiến đấu cơ tối tân Su-35 và như vậy sẽ giúp cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.

Tuy phía TC chưa chính thức xác nhận, nhưng theo thông tấn xã Itar-Tass của Nga, Moscow đã hoàn tất việc thương thuyết về hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong vòng 3 năm kể từ năm 2016. Hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla này cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ mà TC đang rất cần để phát triển thế hệ vũ khí mới.

Theo các chuyên gia, chính những yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy hai nước ký kết hợp đồng, vì Nga và TC hiện có những lợi ích chiến lược tương đồng. Moscow thì vẫn nghi ngờ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng sang phía đông, còn Bắc Kinh thì đang lo ngại trước chính sách “xoay trục” sang Châu Á của Hoa Kỳ.

Chính mối căng thẳng ngày càng tăng giữa TC và Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông đã khiến Bắc Kinh đẩy nhanh cuộc thương thuyết, bắt đầu từ năm 2008, về hợp đồng mua phi cơ Su-35. TC đang rất cần loại máy bay tối tân này, bởi vì hai chiến đấu cơ tàng hình “made in China” J-20 và J-31, tức là những loại máy bay có thể thay thế Su-35, thì phải mất vài năm nữa mới có thể sẵn sàng tác chiến.

Mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga sẽ có lợi cho Bắc Kinh ở ba điểm. Thứ nhất, với loại phi cơ này, tầm hoạt động của không quân TC trên Biển Đông sẽ được mở rộng rất nhiều. Su-35 có thể cất cánh từ các phi đạo ngắn, cho nên có thể được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng.

Thứ hai, Su-35 hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu với chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, dự trù được triển khai ở Biển Đông. Đặc biệt hệ thống radar trên Su-35 có thể phát hiện các chiến đấu cơ phản lực trong phạm vi 400 km và phát hiện các máy bay tàng hình như F-35 trong phạm vi 90 km. Chưa kể là Su-35 có thể mang theo tới 14 vũ khí, bao gồm cả các tên lửa tầm xa.

Thứ ba, với hợp đồng mua Su-35, TC sẽ tiếp nhận được những công nghệ cao cấp về radar và động cơ của loại máy bay này, để sử dụng cho việc chế tạo các chiến đấu cơ nội địa mới, cũng như cải tiến loạt phi cơ J-, nhất là hai chiến đấu cơ J-11 và J-16, hai loại phi cơ được chế tạo dựa theo chiếc Su-27, mà TC đã mua của Nga từ năm 1996.

Như vậy có thể nói là Su-35 có thể sẽ giúp không quân TC chiếm ưu thế ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Hợp đồng bán chiến đấu cơ Su-35 cũng rất có lợi cho Nga vì Moscow hiện đang rất cần tiền cho các khoản chi tiêu ngày càng tăng trong nước cũng như ngoài nước. Một phần chính là nhu cầu tài chính đã thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác quân sự với TC. – Theo RFI

Thêm nhiều thành phố TC báo động đỏ vì bụi

Miền bắc TC chìm trong mây bụi. Báo chí TC ngày 09/12/2015 loan tin, tiếp theo Bắc Kinh, hàng loạt thành phố thuộc khu vực này phải nâng cấp báo động do các hạt bụi siêu nhỏ, vô cùng nguy hại cho sức khỏe.

Báo China Daily cho biết hơn 300 triệu dân cư miền bắc TC phải sống trong mây bụi độc hại. Báo động “đỏ”, cấp cao nhất, tại hai thành phố Định Châu (Dingzhou) và Tân Tập (Xinji), thuộc tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh.

27 thành phố khác ở miền bắc cũng nâng cấp báo động. Hồi đầu tuần này, cơ quan bảo vệ môi trường Bắc Kinh thông báo tình trạng này còn tiếp diễn cho đến ngày 12/12.

Theo sứ quán Hoa Kỳ tại TC, bụi siêu nhỏ với kính thước 2,5 pm trong không khí ở Bắc Kinh có hàm lượng khoảng 250 microgram/mét khối, tức gấp 10 lần so với mức độ tối đa cho phép, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO. Vào tối hôm qua, nồng độ bụi 2,5 pm lên đến 400 microgram.

Ông Dong Liansai, một thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, nhận định: Việc nâng cấp báo động đỏ lần đầu tiên trong lịch sử, cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã có “một thái độ mới” đối với nạn ô nhiễm không khí hết sức trầm trọng.

Hồi tuần trước, mức độ ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh đã được đánh giá là nặng hơn nhiều, nhưng chính quyền đã không chấp nhận nâng cấp báo động.

Theo nhiều nghiên cứu, mỗi năm hàng trăm nghìn người Trung Hoa chết sớm vì bụi siêu nhỏ. – Theo RFI

Thái Lan: Đại sứ Mỹ bị tố phạm luật khi quân

Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan trở thành đối tượng điều tra của cảnh sát, sau khi có đơn kiện ông về tội khi quân. Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) khẳng định sự việc này trong thông báo ra ngày 09/12/2015.

Theo FCTT, trong một buổi nói chuyện ngày 25/11/2015 tại trụ sở câu lạc bộ, Đại sứ Glyn Davies nhấn mạnh Washington tôn trọng và ngưỡng mộ nhà vua Thái Lan Bhumibol, “đã làm nhiều điều tuyệt vời, không chỉ cho Thái Lan, mà cả cho Hoa Kỳ và khu vực”. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại đối với việc luật khi quân của Thái Lan đã được các tòa án quân sự sử dụng để kết án tù nặng nề nhiều thường dân.

Đại sứ Glyn Davies khẳng định Hoa Kỳ “ủng hộ mạnh mẽ các cá nhân và các tổ chức độc lập tìm kiếm và thông tin về các vấn đề quan trọng mà không bị trả thù”.

Theo Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Thái Lan, cảnh sát đã yêu cầu FCTT hợp tác trong cuộc điều tra chính thức về “các bình luận” của Đại sứ Mỹ, “vi phạm điều 112 Bộ luật hình sự, tức luật khi quân”. Một nguồn tin từ lãnh đạo cảnh sát Thái Lan xác nhận với AFP, phía cảnh sát đã nhận được một đơn khiếu nại về việc này và đã bắt đầu điều tra.

Hai ngày sau phát biểu của Đại sứ Mỹ, nhiều người Thái Lan theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ, do một nhà sư dẫn đầu, trước tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok.

Do được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, có rất ít khả năng Đại sứ Mỹ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, nhưng ông có thể bị đình chỉ hoạt động vào bất cứ lúc nào.

Hiện tại, sứ quán Mỹ tại Thái Lan chưa ra đưa bình luận chính thức nào về vụ việc này. – RFI

Cấm người Hồi giáo nhập cảnh có hợp hiến hay không?

Tỉ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, đã tạo ra một cơn bão chính trị khi ông hô hào cho việc cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, ngay cả trong trường hợp người đó là công dân Mỹ muốn trở về nước sau khi du hành ra nước ngoài. Nhiều nhà luật học ở Mỹ cho rằng hành động kỳ thị như vậy là không phù hợp với hiến pháp của quốc gia này. Thông tín viên Carol Guensburg của đài VOA tường thuật.

Trước khi ông Trump đưa ra đề nghị bị nhiều người đả kích này, một ứng viên khác của phe Cộng hoà – Thượng nghị sĩ Ted Cruz, cũng trình bày một đề nghị gây tranh cãi là những người Syria tị nạn chỉ được tái định cư ở Mỹ nếu họ là người theo đạo Cơ đốc.

Nhiều nhà luật học ở Mỹ cho rằng tổng thống Mỹ không thể ra lệnh áp dụng những biện pháp cấm đoán như vậy, ngay cả trong trường hợp có sự chấp thuận của quốc hội.

Bà Suzanna Shery, giáo sư luật của Đại học Vanderbilt ở tiểu bang Tennessee, nói “Điều đó vi phạm hiến pháp. Đó là kỳ thị dựa trên yếu tố tôn giáo, một việc mà hiến pháp không cho phép thực hiện.”

Theo ông Kevin Johnson, khoa trưởng luật khoa của Đại học California ở Davis, kế hoạch của ông Trump là “một đề nghị gây bất bình”, và cũng có thể vi phạm điều khoản về quyền bảo vệ bình đẳng trong Tu chính án thứ 14. Ông nói “Đề nghị này rất kỳ quái vì tính chất vi hiến và thái độ thù nghịch với hiến pháp của nó thật là lớn.”

Ông Jonathan Turley, một nhà luật học của Đại học George Washington, hôm thứ ba viết trên trang blog của ông rằng “Toàn bộ hệ thống luật lệ và qui định quản lý của chúng ta là dựa trên chính sách không kỳ thị” và đề nghị của ông Trump “vi phạm hàng loạt những sự bảo vệ quốc nội và quốc tế.” Ông nói với đài VOA “Thay vì là một nước có một truyền thống lâu dài trong việc bảo vệ tự do tôn giáo, chúng ta sẽ trở thành một nước gây hoạ cho tự do tôn giáo.”

Ông Akhil Reed Amar, giáo sư luật của Đại học Yale, cũng cho rằng “Ông Donald Trump đang chia rẽ chúng ta theo lằn ranh tôn giáo. Đó là một điều trái với tinh thần của nước Mỹ.”

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Ted Cruz tán dương ông Trump về điều mà ông cho là đã “mạnh dạn đứng lên” để lôi kéo sự chú tâm của mọi người đối với việc phải bảo vệ biên giới của nước Mỹ. Ông Cruz thừa nhận là ông không tán đồng kế hoạch của ông Trump. Mặc dầu vậy, ông cũng loan báo là ông chuẩn bị đưa ra một dự luật mà nếu được thông qua thì các vị thống đốc tiểu bang có quyền không cho phép người tị nạn tái định cư tại tiểu bang của mình nếu họ tin rằng công tác sưu tra an ninh của chính phủ không đủ để bảo đảm sự an toàn của công chúng.

Giáo sư Amar của Đại học Yale cho rằng ông Cruz “cẩn thận hơn ông Trump rất nhiều.Ông ấy không đề nghị một cuộc trắc nghiệm tôn giáo. Ông ấy nói rằng chúng ta phải xét kỹ hơn những người đến từ một số quốc gia nào đó.”

Giáo sư Johnson của Đại học UC-Davis cho biết luật lệ di trú của Mỹ có sự phân biệt đối với những người di dân dựa trên nước xuất xứ.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, chính phủ Mỹ vào năm 2002 và 2003 đã ban hành những qui định để đòi hỏi những người phái nam từ 16 tuổi trở lên ở nước Mỹ mà không phải là công dân Mỹ phải đăng ký với Sở Di Trú nếu họ đến từ một trong 25 nước mà đại đa số dân chúng là người theo đạo Hồi. Chương trình này đã chấm dứt sau khi Sở Di Trú được nhập vào Bộ An ninh Nội địa.

Theo giáo sư Turley của Đại học George Washington, “Các nước có quyền lập ra những hệ thống đặc biệt cho việc xét đơn hoặc nhập cảnh từ những khu vực nào đó.” Ông cho rằng sự duyệt xét này, ngoài việc bảo vệ biên giới, còn có một mục tiêu là không giúp những kẻ tội phạm trốn tránh pháp luật, nhất là những người đến từ những khu vực có xung đột và nhân quyền bị chà đạp.

Mặc dầu vậy, ông Turley cho rằng đề nghị của ông Donald Trump “thật ra là một con cọp giấy trong việc bảo vệ biên giới.” Ông nói “Những kẻ muốn vào nước này để thực hiện những vụ tấn công khủng bố sẽ không ngần ngại gì mà không khai dối về tôn giáo của họ.” – VOA