Bộ Ngoại giao và hải quân TC tranh cãi về nổ súng đầu tiên ở Biển Đông?
Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân TC, ảnh: China Daily.
Theo Hồng Thủy – (GDVN) – Người ta thấy rõ có “mùi thuốc súng” trong những phát ngôn của Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TC về cái gọi là “kiềm chế lắm mới…
Tạp chí Tiền Tiêu xuất bản tại Hồng Kông số tháng 12/2015 đưa tin, lâu nay Bộ Ngoại giao và hải quân TC vẫn có mâu thuẫn trong việc xử lý vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vài tháng trở lại đây mâu thuẫn giữa hai cơ quan này ngày càng lớn hơn trước.
Bộ Ngoại giao TC vấn nhấn mạnh, trong các tình huống tàu chiến TC chạm trán với tàu chiến Mỹ hay các nước khác, hải quân TC nhất định không được nổ súng trước để tiện cho ngoại giao vào cuộc, xử lý các tranh chấp giữa TC và Hoa Kỳ hoặc giữa TC với các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên hải quân TC đã kiên quyết không đồng ý. Các tướng hải quân TC không dám công khai phản đối ra mặt yêu cầu của Bộ Ngoại giao nước này, mà xúi cấp dưới phản bác. Các sĩ quan chỉ huy trung cấp và cơ sở lên tiếng cho rằng, nguyên tắc cơ bản của chiến tranh là bảo tồn lực lượng rồi mới có thể tiêu diệt đối phương.
Hải quân TC cho rằng yêu cầu không bắn phát súng đầu tiên làm khả năng tác chiến của lực lượng này giảm đi và để mất thời cơ. Tranh cãi giữa hải quân và Bộ Ngoại giao TC khiến lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Ủy ban An ninh quốc gia hết sức đau đầu và khó xử lý.
Vài năm qua, TC và Hoa Kỳ thường xuyên nổ ra những cuộc tranh cãi ngoại giao xung quanh vấn đề Biển Đông khiến dư luận lo ngại nguy cơ dẫn đến xung đột, đối đầu giữa hải quân 2 nước trên vùng biển căng thẳng này.
Vài lời bình luận
Chuyện nội bộ TC có những bất đồng trong việc xử lý tranh chấp Biển Đông hay không thì chỉ có người Trung Hoa mới biết. Nhưng quan sát những phát ngôn và hành động của TC về vấn đề Biển Đông gần đây có thể thấy rõ, quân sự hóa, theo đuổi yêu sách đường lưỡi bò vô lý và bất hợp pháp bằng sức mạnh vũ lực vẫn là chủ đạo.
Trong vòng khoảng 2 tháng, lần đầu tiên Tập Cận Bình đã lên tiếng khẳng định cái gọi là “chủ quyền từ thời cổ đại” với các đảo ở Biển Đông khi công du 3 nước, Hoa Kỳ, Anh quốc và Singapore. Lãnh đạo TC cũng công khai bác bỏ mọi kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông, ngừng bồi lấp đảo nhân tạo và thúc đẩy DOC, làm rõ đường lưỡi bò từ lãnh đạo các nước, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Sự hung hăng của hải quân TC không chỉ thể hiện qua những phát ngôn của lãnh đạo quân chủng này trước áp lực từ Hoa Kỳ, mà còn bởi những hành động leo thang ngoài thực địa, đặc biệt là việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp nhanh chóng 7 thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Còn về mặt ngoại giao, người ta thấy rõ có “mùi thuốc súng” trong những phát ngôn của Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TC về cái gọi là “kiềm chế lắm mới không thu hồi” các đảo ở Biển Đông và TC có cái gọi là “quyền và khả năng thu hồi”. Phát biểu này được Dân đưa ra trước và sau hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao TC. Ảnh: Reuters.
|
Có điều đáng lưu ý là những phát ngôn của ngoại giao TC yểm trợ cho tuyên bố của Tập Cận Bình lại không đến từ Dương Khiết Trì – Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại hay Vương Nghị – Ngoại trưởng TC, mà là một Thứ trưởng Ngoại giao.
Tuy nhiên, TC vốn nổi tiếng lắm mưu nhiều kế và tham vọng chiếm trọn Biển Đông vẫn mang tính thống nhất, xuyên suốt từ năm 1947 đến nay, dù thể chế hay cá nhân lãnh đạo có nhiều thay đổi.
Bởi vậy chưa thể kết luận bất cứ điều gì về việc có hay không những tranh cãi nội bộ ở TC về cách thức xử lý tranh chấp Biển Đông, đặc biệt khi người đứng đầu đất nước vẫn khẳng định như đinh đóng cột cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi”.
Nhưng đúng là có những dấu hiệu dường như TC cũng tính đến đường lùi trong trường hợp nếu Tòa Trọng tài Thường trực PCA bác đường lưỡi bò sau vụ kiện của Philippines.
Đe dọa láng giềng bằng hành động chỉ thể hiện sự yếu đuối
You Ji, một nhà Hán học tại Úc ngày 5/12 bình luận trên The Manila Times rằng, TC càng hung hăng trên Biển Dông càng làm lộ rõ sự yếu đuối. Các nhà hoạch định chiến lược ở Bắc Kinh dường như tin rằng, các mối đe dọa bằng hành động dường như là hình thức tốt nhất để phòng ngừa chiến tranh trong giai đoạn hiện nay, khi quân đội TC đang phát triển.
Những phát biểu mới nhất của Tập Cận Bình về cái gọi là “chủ quyền từ cổ đại” ở Biển Đông gần đây và từ chối kêu gọi ngừng bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp) từ ông Obama rõ ràng cho dư luận thấy, chưa có bất cứ ánh sáng nào lóe lên cuối đường hầm của những bế tắc trên Biển Đông.
Từ chối của Bình đã buộc chính quyền ông Obama phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn, nhưng nó giúp đánh bóng hình ảnh của Tập Cận Bình trong nước.
Biển Đông vẫn được Bắc Kinh xem là vấn đề mang tính thể diện quốc gia. Thậm chí ngay cả lúc cuối đời, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai vẫn giữ quyền kiểm soát trong việc TC sử dụng vũ lực đánh chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa từ (thuộc chủ quyền) Việt Nam trong năm 1974, You Ji lưu ý.
Và bây giờ, để thực hiện được mục tiêu siêu cường toàn cầu, TC cổ súy dư luận bằng cách xoáy vào cái họ gọi là “thế kỷ bị xỉ nhục”. Nhà phân tích chính trị John J. Mearsheimer từ Chicago cho rằng, TC đang trỗi dậy sẽ tìm cách để cuối cùng thống trị châu Á, trong khi Hoa Kỳ đang giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm tất cả những gì để ngăn chặn điều này.
Bắc Kinh đang di chuyển lại gần Moscow, cùng xây dựng một Liên minh Kinh tế Á – Âu với nhóm hợp tác Thượng Hải 6 nước cộng thêm Iran. Người Nga đã sẵn sàng tích hợp Liên minh Kinh tế Á – Âu với chiến lược Con đường Tơ lụa của Tập Cận Bình. Bắc Kinh cũng đang tích cực tán tỉnh Myanmar và một số thành viên khác trong ASEAN.
TC cất hạ cánh bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam.
|
The Manila Times tin rằng, những năm tới sẽ là quãng thời gian “kiểm tra dũng khí” của các nhà lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước cạnh tranh của 2 siêu cường Trung – Mỹ.
Biển Đông vẫn là rạp hát để TC diễn tuồng “tham vọng bá quyền”
Đó là bình luận của nhà phân tích Brinda Banerjee trên Value Walk ngày 5/12. Từ yêu sách lãnh thổ (vô lý và phi pháp) nổi tiếng của TC ở Biển Đông đến việc phát triển sức mạnh quân sự, Bắc Kinh có lẽ đã đầu tư rất nhiều để củng cố vị trí của họ như một sức mạnh quốc tế mới.
Mặt khác, TC hiện là một trong những đối tác thương mại chủ chốt đối với 125 quốc gia trên thế giới. Thực tế này đảm bảo rằng khi nền kinh tế của nhiều nước phụ thuộc trực tiếp vào TC, họ ít có khả năng thách thức các quyết sách chính trị của TC. Một thực tế khác là Bắc Kinh chắc chắn sử dụng những lợi thế này, bởi lịch sử đã chứng minh, quyền lực và kinh tế luôn đi liền với nhau.
Hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự của TC đặt ra vấn đề cấp bách là, liệu nó chỉ giới hạn trong những trường hợp đặc biệt nơi Bắc Kinh hy vọng đạt được một “kết thúc cụ thể” như trong vấn đề Biển Đông, hay là hướng tới sự theo đuổi sức mạnh tối thượng, một lần nữa cũng được chứng minh ở Biển Đông?
Trong hoạt động đối thoại quốc phòng thường niên Trung – Úc vừa qua, đại diện từ Bắc Kinh vẫn nhắc lại cái gọi là cam kết duy trì hòa bình và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ cái họ gọi là “lợi ích cốt lõi” khi cần thiết.
TC cho rằng lợi ích cốt lõi là thứ không thể thương lượng, Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực nếu nó bị đe dọa. TC xếp (yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò phi lý ở) Biển Đông vào danh sách “lợi ích cốt lõi” từ năm 2010.
H.T
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bo-Ngoai-giao-va-hai-quan-Trung-Quoc-tranh-cai-ve-no-sung-dau-tien-o-Bien-Dong-post163933.gd