Điểm Báo Pháp – 8/12/2015
Cử tri ủng hộ phe đối lập ăn mừng thắng lợi, nhưng liệu cánh hữu có thể chấn chỉnh kịp thời kinh tế Venezuela- REUTERS /Nacho Doce TPX IMAGES OF THE DAY
Theo RFI – Tuấn Thảo – 08-12-2015
Venezuela: Lãnh bất tài, kinh tế lụn bại
Thất bại lịch sử của ‘‘chủ nghĩa Chavez’’. Đó là hàng tựa đậm của báo Le Monde nói về kết quả bầu cử Quốc hội Venezuela. Các tờ báo khác cũng có nhận định tương tự. Theo La Croix, đa số cử tri Venezuela đã dùng lá phiếu để trừng phạt phe thân cố Tổng thống Chavez. Còn theo Libération, sự kiện cánh hữu đối lập giành thắng lợi áp đảo mở ra một thời kỳ bấp bênh cho Venezuela.
Le Monde ghi nhận trong một đất nước bị chia rẽ trầm trọng trong vòng 15 năm qua giữa một bên là phe chống và một bên là phe trung thành với cố Tổng thống Hugo Chavez, liên minh cánh hữu đối lập (do ông Henrique Capriles lãnh đạo) tuy giành thắng lợi lớn, nhưng sẽ buộc phải ‘‘sống chung’’ với một vị Tổng thống cánh tả, ông Nicolás Maduro.
Trong trường hợp giành được hai phần ba số ghế (112 trên 167 ghế dân biểu), thì cánh hữu có quyền tổ chức trưng cầu dân ý đòi truất phế Tổng thống, hay là tiến hành cải tổ Hiến pháp kể từ tháng Tư năm 2016. Điều đó có nguy cơ dẫn tới đối đầu va chạm giữa hai phe chống và bênh chủ nghĩa Chavez.
Theo Libération, sở dĩ cánh tả cầm quyền gặp thất bại nặng nề, trước hết là vì đương kim Tổng thống Maduro là một kẻ bất tài, trong khi kinh tế Venezuela đang hấp hối kiệt quệ. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Maduro đã đánh mất lòng tin của cử tri Venezuela. Làm thì ít mà nói thì nhiều, ông Maduro lại có những phát biểu mà tờ báo cho là ‘‘bừa bãi’’, không xứng đáng với một nhân vật lãnh đạo.
Cương vị của ông Maduro lung lay vì ngay trong đảng của ông, cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến bất đồng, những tiếng nói chỉ trích. Tại Venezuela, câu nói đùa ‘‘Maduro, más burro’’ đã trở thành một thành ngữ, qua đó dư luận hàm ý ông Maduro dốt nát đần độn, nếu không nói là ‘‘ngu như bò’’ (thành ngữ tiếng Tây Ban Nha là ‘‘más burro que un arado’’, burro ở đây là con lừa).
Trên các mạng xã hội, rất nhiều tuyên bố của ông Maduro bị giới trẻ nhái lại và họ gọi đó là những ‘‘trò hề của Maduro’’. Ông Maduro ngày càng bị cô lập, không đưa ra được những quyết định sáng suốt để chấn chỉnh kinh tế Venezuela, cho nên trong mắt của nhiều thành phần cử tri, ông là một nhà lãnh đạo kém cỏi, không có đủ bãn lĩnh để cầm cương, lèo lái đất nước.
Khủng hoảng kinh tế triền miên chính là nguyên nhân hàng đầu, giải thích cho sự thất bại của ông Maduro cũng như của cánh tả trung thành với cố Tổng thống Chavez. Tuy nhiên, theo nhà phân tích kinh tế Rafael Macquae, cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ năm 2010, tức là dưới thời ông Chavez, vì thế cho nên trong bản ‘‘luận tội’’, người ta không thể nào đổ hết tất cả mọi trách nhiệm vào đầu ông Maduro.
Kinh tế Venezuela tuột dốc không phanh
Về điểm này, báo Le Figaro đăng bài phân tích cho thấy cỗ máy kinh tế Venezuela đang trên đà tuột dốc không phanh. Trong năm qua, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela đã giảm gần 5%, trong năm nay GDP vẫn tiếp tục giảm mạnh, mất đến 10%. Lạm phát phi mã lên tới mức 80%, và đó là tỷ lệ chính thức, tức là chỉ bằng một nửa so với dự đoán của giới chuyên gia.
Giá sinh hoạt không ngừng tăng vọt, trong khi các nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm, giá trị đồng tiền (bolivar) tan như tuyết băng dưới nắng mặt trời. Ngành sản xuất dầu hỏa, nguồn thu nhập chính của Venezuela cũng khốn đốn lao đao. Kể từ khi giá dầu hỏa không ngừng tụt giảm, xuống tới mức 42 đô la một thùng, tức là mức thấp nhất kể từ bảy năm qua, kinh tế Venezuela bị chấn động mạnh. Để có lời, Venezuela cần xuất khẩu dầu hỏa ở mức giá tối thiểu là 80 đô la, tối đa là 100 đô la.
Trong tuần vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Venezuela cho biết là theo đà này, Caracas sẽ không còn khả năng thanh toán, kinh tế Venezuela đứng trước nguy cơ bị phá sản. Sở dĩ Caracas còn cầm cự được cho tới giờ này là nhờ các khoản 60 tỉ đô la cho vay của Trung Quốc. Vấn đề lớn nhất vẫn là sau khi giành thắng lợi bầu cử, liệu cánh hữu có đề xuất những biện pháp thích đáng hầu chấn chỉnh kinh tế hay chăng ? Nếu không đề xuất kịp thời, thì theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Venezuela sẽ lâm vào suy thoái trầm trọng, khó mà vực dậy nổi trước năm 2019.
Thách thức trước mắt của Venezuela là giả sử như phải sống chung, thì hai cánh tả hữu có thể gạt qua một bên những bất đồng để cùng đối phó với những nguy cơ đang đe dọa kinh tế nước này. Liên minh cánh hữu Venezuela sẽ buộc phải sắn tay áo lên hành động thay vì đổ trách nhiệm : vì lãnh đạo bất tài, mà nền kinh tế quốc gia lụn bại.
Pháp: Tả hữu muốn chặn đà tiến của Mặt trận Quốc gia
Về kết quả vòng một bầu cử cấp vùng ở Pháp, các báo đều nói về nỗ lực của các đảng phái tả cũng như hữu vận động cử tri chuẩn bị cho vòng hai. Tuy không hẹn, nhưng sau thắng lợi của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Front National, cả hai tờ báo Libération và Le Monde đều cùng chạy tựa : Vì sao lại ra nông nỗi này ? Tờ báo Libération cho rằng giới lãnh đạo Pháp, tả cũng như hữu ngày càng xa rời thực tế, không còn biết lắng nghe những nỗi sợ hãi, đôi khi là tuyệt vọng của người dân, chính cũng vì họ không biết lắng nghe mà trong kỳ bỏ phiếu vừa qua, họ đã bị cử tri trừng phạt.
Còn Le Monde thì đánh giá : không phải là chỉ đơn thuần trừng phạt giới lãnh đạo, mà trong giới cử tri hiện nay, có cả một thành phần ủng hộ lập trường của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Trong dư luận, đã có nhiều ý kiến cho rằng đã qua rồi cái thời hai cánh tả hữu luân phiên nắm quyền, một mặt, mô hình này đã thất bại, mặt khác đảng cực hữu đã đưa ra nhiều lập luận dù là ‘‘mị dân’’ nhưng lại đánh trúng tim đen của cử tri.
Chẳng hạn như việc nước Pháp tái lập kiểm soát biên giới sau đợt khủng bố hôm 13/11/2015, một cách ngẫu nhiên đã gián tiếp thừa nhận là đảng cực hữu đã có lý, cho dù Mặt trận Quốc gia dùng chiêu bài này để kích động tinh thần ‘‘bài ngoại’’ và tạo thêm nỗi sợ hãi nơi cử tri trước làn sóng di dân.
Báo Le Figaro chạy tựa: Tả hữu tìm cách ứng phó trước đà tiến của Mặt trận Quốc gia, cả hai đảng phái lớn này ngay trong hàng ngũ của mình vẫn chưa nhất trí về cách đối phó : Sau cuộc cuộc bỏ phiếu ở vòng một vừa qua, nếu về thứ ba, thì có nên rút lui hay chăng ? Tả hữu có nên hợp sức ở một số vùng để ngăn chặn Front National ? Sự chia rẽ đó khiến cho báo Libération đánh giá : tả hữu hầu như không thể tìm ra một kế hoạch đối phó sao cho thật hiệu quả.
Nga-Thổ: Đối đầu như chọi gà
Báo Le Monde hôm nay có một bài viết về căng thẳng quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây đúng một năm, Putin và Erdogan xuất hiện bên cạnh nhau như hai đồng minh đắc lực, khi hai bên thỏa thuận hợp tác năng lượng, xây đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, quan hệ giữa Putin và Erdogan giống như một bộ phim truyền hình nhiều tập, trong đó các nhân vật dùng thủ đoạn để hãm hại lẫn nhau.
Phía Nga đã tung ra bức ảnh đăng trên báo chí cho thấy (Bilal Erdogan) con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, dường như có quan hệ làm ăn mờ ám với Daech. Một điều mà báo Le Monde cho rằng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không vừa gì khi tung ra nhiều bài viết về Katia, con gái của Putin.
Báo chí đánh dấu hỏi: bằng cách nào một phụ nữ chưa tròn 30 tuổi đã là tỷ phú đô la, hẳn chắc là nhờ vào quyền thế của ông bố nhiều hơn là nhờ vào năng lực. Ngoài là những nhân vật chuyên chế quyền lực, cả hai Putin và Erdogan còn giống nhau trong cách dùng thủ đoạn. Cuộc nắn gân sẵn sàng đọ sức chỉ mới bắt đầu và tờ báo gọi cuộc đối đầu Nga – Thổ là một cuộc ‘‘chọi gà’’.
COP21: Thỏa thuận cần có tính linh hoạt
Liên quan đến Hội nghị quốc tế về khí hậu, theo báo Libération, cho dù COP21 có đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc, thì lượng khí thải CO2 sẽ vẫn tiếp tục gia tăng ít nhất là cho tới năm 2030. Lý do đơn giản là vì Ấn Độ và TC sẽ vẫn tiếp tục phát triển, và cho dù cả hai nước này có cam kết hạn chế lượng khí thải cách mấy, thì dân số sẽ cứ tăng lên và như vậy sẽ kéo theo “đà lạm phát” của khối lượng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo tờ báo, chính cũng vì thế mà chỉ tiêu giữ nhiệt độ trái đất, đừng cho khí quyển toàn cầu nóng thêm hơn 2°C là điều khó mà thực hiện. Điều quan trọng đầu tiên là giảm dần dần lượng khí thải, từ đây cho tới năm 2050. Quan trọng hơn nữa là bên cạnh tính ràng buộc ‘‘cam kết thì phải thi hành’’, thỏa thuận COP21 còn nên có thêm những điều khoản linh hoạt, vì từ đây về sau còn phải xem xét lại các chỉ tiêu, thích ứng các biện pháp, Điều đó còn tùy thuộc vào việc thực hiện các cam kết đã đi tới đâu.
Thời tiết thất thường: Hollywood khổ sở
Trên lãnh vực văn hóa, tuần báo Courrier International trích dẫn tạp chí Vanity Fair, cho biết tình trạng ‘‘biến đổi khí hậu’’ cũng tác động đến ngành điện ảnh, đặc biệt là các phim trường chuyên chọn thiên nhiên làm ngoại cảnh. Trong năm qua, làng điện ảnh Hollywood khá đau đầu khi phải lên lịch làm việc trong khi thời tiết cứ liên tục thay đổi bất thường. Điều đó buộc một số nhà sản xuất phải hủy bỏ hay dời lại kế hoạch bấm máy quay phim, do việc quay ngoại cảnh đôi khi lại trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Chuyện tưởng như đùa, nhưng hóa ra lại có thật. Ai không tin thì cứ ghé thăm đoàn làm phim The Hateful Eight của đạo diễn Quentin Tarentino. Đó là câu nói hóm hỉnh của nhà sản xuất Harvey Weinstein, theo ông bộ phim mới của Tarentino (dự kiến cho ra mắt khán giả cuối tháng này) có bị chậm trễ một phần là vì trong phim có một số màn quay ở vùng cao nguyên núi tuyết, nhưng rốt cuộc kế hoạch đành phải dời lại.
Theo Vanity Fair, từ lâu làng điện ảnh Hollywood phải đối phó với vấn đề khí hậu thất thường, không có ngành công nghiệp nào theo dõi gần sát diễn biến của thời tiết như vậy, vì ngoại cảnh lệ thuộc rất nhiều vào vấn đề này. Trong năm nay, có ít nhất là 20 dự án quay phim đã gặp trục trặc, và điều đó làm cho các nhà sản xuất phải vò đầu bứt tóc, vì mỗi ngày huy động nguyên một êkíp làm phim mà không quay phim, sẽ nhân lên gấp đôi các hóa đơn về chuyện ăn ở, phí tổn di chuyển.
Dự án quay phim Tarentino chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề này còn lớn hơn gấp mười lần đối với hai bộ phim truyền hình nhiều tập là Game of Thrones do kênh HBO sản xuất và Fargo của hai anh em đạo diễn Joel & Ethan Coen trên kênh Netflix. Cả hai serie truyền hình này đều quay rất nhiều màn ngoại cảnh, và nhất là đa phần các cảnh quay thiên nhiên đều diễn ra ở vùng đóng băng phủ tuyết.
Vấn đề ở đây là đoàn làm phim Fargo đã chọn quay phim ở vùng Calgary, nơi có nhiều trạm nghỉ dưỡng dành cho giới yêu chuộng trượt tuyết miền núi. Chỉ có điều là trong năm nay, Calgary lại nóng một cách bất thường. Điều đó đã buộc đoàn làm phim đảo lộn toàn bộ lịch quay phim. Một mặt, họ phải sử dụng máy phun tuyết nhân tạo, mặt khác, họ mướn cả một đoàn xe vận tải để chuyên chở băng tuyết tới phim trường.
Điều đó đã khiến các nhà sản xuất phải than thở. Trời tốt, quay ngoại cảnh không tốn một đồng xu, trời xấu thì phải chi thêm cả trăm ngàn đô la. Theo Vanity Fair, Hollywood cũng có một loại vũ khí ‘‘tối thượng’’ trong những tình huống rủi ro nhất, đó là quay phim trong studio và tái tạo ngoại cảnh bằng công nghệ kỹ xảo. Thế nhưng trong trường hợp nào đi chăng nữa, thì đối với giới sản xuất : đằng nào cũng kẹt vì đằng nào cũng tốn.