Kinh tế VN: Bao giờ hết loay hoay?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kinh tế VN: Bao giờ hết loay hoay?
Bài viết không nhất thiết thể hiện quan điểm Website. BBT
Sun, 12/06/2015 – 06:59 — Kami

Chặng đường 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam với những thành tựu được ghi nhận, bao gồm tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liên tục, đã đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói… là điều có thật. Tuy vậy, do sự sai lầm trong đường lối và các chính sách phát triển kinh tế của Đảng CSVN là nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho kinh tế Việt nam không phát triển được mạnh mẽ như khả năng có thể của nó. Bên cạnh đó, sự lạc hậu về thể chế chính trị của Việt nam hiện nay cũng có những tác động không nhỏ trong vấn đề này.

Nợ nần chồng chất của các DNNN

Theo báo Tuổi trẻ cho biết, trong khi số nợ phải trả tăng mạnh, doanh thu của các DNNN tăng không đáng kể và lợi nhuận lại giảm, theo báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết năm tài chính 2014, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đã lên tới 1.567.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Đặc biệt, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho DNNN là 124.104 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với năm 2013.

Dưới nhan đề “Tập đoàn nhà nước nợ gần 70 tỷ USD”, báo VNNet online cho biết “Theo báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ trình Quốc hội, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng (tương đương 69,8 tỷ USD), tăng 8% so với năm 2013.”. Để dễ hình dung về giá trị của khoản nợ này, chỉ cần biết rằng sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc, phía Hà nội có đưa ra yêu cầu phía Mỹ bồi thường chiến tranh khoảng 2 tỷ đô la.

Song nếu như chúng ta được đọc bản tin cũng từ VNNet cho biết “Vì sao cả nước có 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà báo cáo về công nợ do Bộ Tài chính công bố chỉ đề cập vỏn vẹn 119 doanh nghiệp trong số đó?”. Theo bài báo cho biết “Thực trạng của 119 doanh nghiệp này như sau: tổng số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn, nhưng mới chỉ thống kê được mỗi 119 doanh nghiệp trong tổng số 781 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”. Qua đó phần nào giúp chúng ta thấy hết sự bi hài của cảnh cha chung không ai khóc trong vấn đề kinh tế quốc doanh.

Việt Nam đã chính thức tụt hậu

Đây là nhận định cho thấy công cuộc đổi mới kinh tế sau gần 30 năm của Đảng CSVN đã thất bại

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn cho biết, Việt Nam đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với phần còn lại của thế giới vì mô hình phát triển “lạc điệu” và tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Đây là nhận xét của nhiều nhà kinh tế hàng đầu đất nước tại diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới giai đoạn 1986 – 2015 được tổ chức ngày 19/11/2015, tại Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả.” và “Tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ. Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới,”. Không chỉ thế, cũng theo TS. Nguyễn Quang Thái thì “Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới,”.

Theo nghiên cứu của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã cho thấy Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau trên các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển. Theo đó, sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng nhỏ so với Trung Quốc. Tại thời điểm khởi động đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam (tính theo giá cố định năm 2005) tương đương với 4,1% con số của Trung Quốc, tức 1/25. Nhưng tỷ lệ này không ngừng giảm xuống, đến 2013 chỉ còn 1,9%. Không chỉ thế, nếu tính theo sức mua tương đương PPP, vị thế của Việt Nam vẫn không mấy thay đổi, thậm chí mức độ thịnh vượng tương đối của người Việt Nam đang nhanh chóng giảm đi so với người Trung Quốc. Điều này đã khiến ông Trần Đình Thiên đã phải đặt vấn đề rằng, “Vậy đến 2035, tức sau hai thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?”

Các dữ liệu được phân tích của ông Trần Đình Thiên đã chỉ ra rằng, đến 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011, và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore. Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Và ông Trần Đình Thiên đã khẳng định rằng: “Nói cách khác, sau 30 năm đổi mới, dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước. và nếu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi,”

Cũng theo Thời báo Kinh tế Sài gòn cho biết, cũng tại diễn đàn này, khi nhận xét về tình thế Việt Nam thì trong một bài phân tích của GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam đã trích dẫn một loạt các chỉ tiêu so sánh quốc tế. Cụ thể:

  1. Về giáo dục, theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có trường đại học nào được lọt vào danh sách đại học có danh tiếng và có chất lượng.
  2. Về bằng sáng chế, theo International Property Rights Index, Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ.
  3. Về ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124, gần đội sổ danh sách.
  4. Về thu nhập tính theo đầu người, Việt Nam đứng hàng 123/182 quốc gia, có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
  5. Về tham nhũng, theo Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng.
  6. Về chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.”

Cũng theo nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Quang Thái cho biết, năm 1990, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000 đô la Mỹ. Tuy vậy đến nay, khi GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 2.000 đô la Mỹ thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 đô la Mỹ, tức khoảng cách phát triển đã lên gấp 2 lần. GS.TS Nguyễn Quang Thái thấy rằng, điều đó cũng có nghĩa là “sức mạnh kinh tế” của quốc gia không được cải thiện dù dân số đã tăng nhanh gần hai lần. Đó là chưa kể đến các khía cạnh tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, thể chế…còn khó khăn không nhỏ khi thế giới ngày càng hội nhập sâu, nguồn cân đối tài chính lại có hạn.

Nguyên nhân?

Trong các văn kiện cũng như chính sách của Đảng, khi đề cập về chính sách kinh tế thì Đảng CSVN khẳng định rõ kinh tế Việt nam là một nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt nam đã trở nên không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như các quốc gia khác, là điều gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt nam vào nền kinh tế thế giới.

Như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã cho rằng: “Người Việt Nam chúng ta thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai ba chục năm nay. Ví dụ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cãi nhau 30 năm chưa kết thúc; rồi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo cũng cãi nhau 30 năm rồi không kết thúc. Những chuyện này còn tranh luận dài dài, không biết đến bao giờ kết thúc được.”

Nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng giống như đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam khi cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng bê bết hiện nay của quốc gia là do tư duy cũ kỹ, đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới. Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi “lạc điệu” so với xu hướng chung của thế giới.”

Cần phải làm gì?

Bài học “Bốn con hổ châu Á” thập niên 1970, đó là Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan nổi lên với sự tăng trưởng ngoạn mục từ thập niên 1960 là điều hết sức quan trọng đối với Việt nam. Chỉ trong vòng từ 18-23 năm, các nước quốc gia và vùng lãnh thổ này đã thu được các thành công vô cùng to lớn và đã nhanh chóng trở thành các nước phát triển. Đến nay, 4 con hổ châu Á đã đạt trình độ tương đương các nước phát triển, với tiến trình cởi mở chính trị, GDP trên đầu người cao, với chính sách phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Cũng từ việc vận dụng bài học này, mà hàng loạt các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Indonexia, Malayxia, Philippines và Thailand cũng đã trở thành các nước công nghiệp mới. Trong lúc Việt nam đã tiến hành đổi mới gần 30 năm song vẫn chưa thể đạt được. Đừng quên, một trong những bí quyết thành công được đánh giá là quan trọng nhất của các nước công nghiệp mới (NICs), đó là tăng cường vai trò cao nhất của kinh tế tư nhân, với phương châm cái gì tư nhân là được thì nhà nước không làm, đồng thời giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh với kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm, để dẫn dắt và nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là chính sách hoàn toàn đúng đắn và phù hợp nhất đối với kinh tế Việt nam hiện nay. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, thì kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế, mà nó chỉ giữ một vai trò có tính chất phù trợ. Và chỉ có nền kinh tế tư nhân mới có đầy đủ những động lực để thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển, bởi vì một khi khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi được hỗ trợ bởi các chính sách đúng đắn của nhà nước, với một cơ sở hạ tầng hiện đại nó sẽ lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì khi đó sẽ tạo ra nhiều triệu công ăn việc làm. Song vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi chỗ và sẽ tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, điều đó sẽ bớt lệ thuộc hơn vào các nền kinh tế khác.

Nhà nước khi đó, chỉ đóng vai trò hoạch định các chính sách, ban hành luật lệ và thông qua giám sát để điều tiết nền kinh tế. Và nhà nước cần phải hạn chế tối đa hoặc không kinh doanh, để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi và ngược lại. Thực tế trên thế giới cho thấy, ở bất kỳ đâu nhà nước làm kinh doanh thì đạt hiệu quả luôn kém, chính vì thế ở các nước kinh tế phát triển, vai trò kinh doanh luôn được chuyển hẳn cho khu vực tư nhân đảm trách.

Đã khởi động, song cần quyết liệt hơn

Sau gần 30 năm loay hoay, các nhà lãnh đạo Việt nam cũng đã nhìn nhận được vấn đề, đây là điều đáng mừng, song công đầu có lẽ thuộc về người đứng đầu Chính phủ với một bộ tham mưu còn tỉnh táo. Đó là lý do rõ nhất vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn đề nghị các nước phát triển Âu-Mỹ công nhận kinh tế Việt nam là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, với đặc trưng cơ bản của nó là kinh tế tư nhân phải nắm vai trò chủ đạo. Vì thế, trái lại với quan điểm của Đảng về vấn đề kinh tế, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã luôn chủ trương cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh đúng nghĩa. Vì chỉ có như thế thì nền kinh tế Việt nam mới có thể cất cánh và khởi sắc, mà bài học của các nước của các nước công nghiệp mới (NIC) đã chứng tỏ điều đó.

Các tuyên bố cũng như hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2015 đã cho thấy, ông thủ tướng đã ráo riết hơn để thúc đẩy tiến trình này. Cụ thể, mới đây một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015 là việc cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: “Doanh nghiệp Nhà nước tập trung đẩy mạnh tiến độ lên, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, quan trọng khác, nhất là đầu tư vào hạ tầng để tạo điều kiện cho phát phát triển, đây cũng là đúng theo định hướng của Trung ương”.

Không chỉ thế, sáng ngày 05/12/2015, tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định và cam kết rằng: “Việc thực hiện đầy đủ, hiện đại và hiệu quả một thể chế kinh tế thị trường sẽ giúp huy động được vốn, cả từ 92 triệu người dân trong nước và 4,5 triệu đồng báo ở nước ngoài cũng như các NĐT ngoại. Nếu hoàn thiện tốt thể chế hiện đại phù hợp với thế giới thì sẽ có nguồn lực để phát triển. Chúng tôi ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, dưới hình thức vừa và nhỏ. Chúng tôi coi người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế. Đây là nội lực mang tính quyết định”

Đây là một phát biểu có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh phe giáo điều trong Đảng CSVN vẫn luôn kêu gào đi theo con đường CNXH và Chủ nghĩa Marx-Lenin, song trên thực tế họ đã tiến hành để đưa mội mặt kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục v.v… của Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, cho dù chỉ ở giai đoạn sơ khai và man rợ.

Chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, dưới hình thức vừa và nhỏ và coi người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với trào lưu phát triển của thế giới văn minh cần phải được ủng hộ. Điều đó càng cho thấy rõ sự sai lầm của học thuyết Marx-Lenine mà Đảng CSVN đã theo đuổi trong suốt 70 năm qua, cũng như các chính sách kinh tế của Đảng CSVN là hoàn toàn sai lầm.

Điều đó cho thấy Đảng CSVN cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và sửa đổi một cách mạnh mẽ, triệt để hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên mọi mặt, trong mọi lĩnh vực. Do vậy. đã đến lúc Đảng CSVN phải mạnh dạn, hãy nói không và xóa bỏ Chủ nghĩa Marx – Lenine ra khỏi hệ thống chính trị của mình. Để từ đó đưa đất nước hướng tới các giá trị văn minh của nhân loại như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện và thu được những kết quả tốt. Hãy đặt mục tiêu cao nhất là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh một cách thực sự, chứ không chỉ là các khẩu hiệu xuông, mang tính chất lừa bịp lâu nay.

Kết:

Đến nay, sự sai lầm của học thuyết Marx-Lênin là điều không phải bàn cãi, thực tế đã chứng minh sự phản động và tính trái quy luật của học thuyết này, đồng thời tất cả các quốc gia trên thế giới đã quay lưng lại và đào thải nó là bằng chứng không thể phủ nhận. Ở Việt nam cũng vậy, lâu nay trong các văn kiện của Đảng CSVN hay báo chí nhà nước các cụm từ về học thuyết Marx-Lênin hay Chủ nghĩa Xã hội là của hiếm và khó tìm thấy. Dù rằng trên danh nghĩa, Chủ nghĩa Marx-Lenin đến hôm nay chỉ còn duy nhất Việt Nam là quốc gia còn coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN, chính đảng hợp pháp duy nhất tự cho mình là đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Điều đó cho thấy, việc cố tình bám víu vào cái chủ nghĩa Marx-Lênin chỉ là hành động của một bộ phận rất nhỏ, tham quyền cố vị và muốn đặc quyền đặc lợi. Tuy rằng những kẻ này thừa biết những cái đó là sai trái, là sự cản trở cho sự phát triển của đất nước và dân tộc, nhưng vì quyền lợi cá nhân bọn họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để duy trì quyền lực. Và việc vẫn tiếp tục kiên định bám chặt vào Chủ nghĩa Marx-Lenin , thực chất cũng chỉ là việc câu giờ hòng kéo dài quyền lực, hòng vơ vứt và trục lợi cho bản thân họ.

Hơn 70 năm, dưới sự lãnh đạo luôn luôn là “sáng suốt” và “tài tình” của Đảng CSVN nhưng kết quả mang lại cho đất nước rõ ràng chỉ là sự tụt hậu về kinh tế, sự xuống cấp của đạo đức xã hội… Đồng thời nhân phẩm của người Việt nam đã bị coi rẻ trong mắt người nước ngoài, kể cả ở các nước láng giềng chậm phát triển như Lào và Căm pu chia là điều đáng xấu hổ. Đã đến lúc người dân Việt nam cần phải xem xét lại những cái “sáng suốt” và “tài tình” của Đảng CSVN có thật như họ tự ca ngợi hay không? Bởi vì Cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Kể cả việc, trong suốt gần 30 năm qua, kể từ năm 1986 là năm Đảng CSVN khởi xướng việc cải cách kinh tế đến nay, thì ban lãnh đạo Đảng CSVN vẫn ở trong tình trạng đưa đất nước đi từ loay hoay này đến loay hoay khác trong việc đi chọn lựa con đường cho đất nước.

© Kami