Tin Việt Nam – 02/12/2015
Việt Nam lại lên án vụ bắn chết ngư dân
Bộ Ngoại giao ‘lên án và phản đối mạnh mẽ’ vụ ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở Biển Đông trong khi cơ quan chức năng vẫn đang điều tra.
Cho tới thứ Tư 2/12, một tuần sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trong vùng biển Trường Sa, vẫn chưa xác định được những kẻ tấn công là người nước nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói hôm 1/12: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam”.
Ông Bình cho biết Bộ Ngoại giao đã “chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven Biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này”.
Trong khi đó, truyền thông trong nước nói tàu cá QNg 95861 TS của ngư dân xã Bình Châu chở thi thể ông Trương Đình Bảy đã cập cảng Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi, vào sáng sớm 1/12.
Lực lượng biên phòng đã đón tàu và lấy lời khai của các thuyền viên cùng thuyền trưởng Bùi Văn Cu.
Đang điều tra
Được biết tàu cá trên có ông Cu và 13 ngư dân khác, trong có ông Bảy, khởi hành ra vùng biển Trường Sa để khai thác hải sản từ ngày 21/11.
Tàu này bị hai ghe của người nước ngoài áp sát và tìm cách khống chế vào khoảng 6 giờ chiều ngày 26/11.
Lúc đó trên tàu chỉ có ông Cu và ông Bảy, người sau đó đã bị bốn kẻ tấn công bắn chết.
Theo ông Bùi Văn Cu, những kẻ này mặc đồ dân sự, không rõ nước nào. Sau khi giằng co và bị hất súng xuống biển, chúng đã bỏ chạy.
Cơ quan chức năng của Việt Nam đã thu bốn vỏ đạn còn trên tàu và xem xét các vết bắn.
Theo báo Tuổi Trẻ, khu vực tàu bị tấn công cách đá Suối Ngọc thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền khoảng 30 hải lý.
Nơi đây cũng không xa đá Vành Khăn, là nơi Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng khá kiên cố, tuy hiện chưa đủ cơ sở nói vụ này có liên quan người Trung Quốc hay không.
Đây là lần đầu tiên ngư dân Bình Châu bị bắn chết ở khu vực mà họ nói thường xuyên hoạt động đánh bắt.
Bộ đội Biên phòng khám nghiệm tàu chở ngư dân Trương Đình Bảy
Liên quan đến vụ việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa vào chiều tối 26/11, hôm nay, báo giới trong nước đăng tải thông tin Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi tiến hành khám nghiệm tàu và lấy lời khai thuyền trưởng cùng các thuyền viên, đồng thời gửi văn bản báo cáo lên cấp tỉnh và Bộ Quốc Phòng để tiếp tục điều tra.
Thông tin vừa nêu do Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đại tá Đỗ Ngọc Nam cung cấp.
Xin được nhắc lại, ngày hôm qua truyền thông Việt Nam loan tin xác nhận những người bắn chết ông Trương Đình Bảy đi trên 1 chiếc tàu của Philippines. Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói là dù trong bất cứ trường hợp nào, Việt Nam cũng lên án mạnh mẽ những hành vi vô nhân đạo, sử dụng vũ lực để tấn công các ngư dân Việt Nam.
Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức xác nhận quốc gia nào có trách nhiệm trong việc bắn chết ngư dân xấu số này.
COP 21 : Việt Nam kêu gọi quốc tế giúp ứng phó với biến đổi khí hậu
Hôm qua 30/11/2015, bên lề Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP 21 tại trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô Paris, Việt Nam đã tổ chức một đối thoại cấp cao, với các đối tác quốc tế, nhằm kêu gọi hỗ trợ và hợp tác đối phó với nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa đồng bằng Cửu Long, một trong các vùng châu thổ có nguy cơ bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc đối thoại cấp cao. Phiên họp có sự tham gia của bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cùng nhiều đại diện quốc gia, định chế tài trợ quan trọng cho Việt Nam như chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc Koica, Pháp, Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Quỹ môi trường thế giới GEF Nhật Bản.
Phiên họp kết thúc với bản thông báo chung : « Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại châu thổ Mekong » (Viet Nam calls in international Partners to join hands to respond to challenges of climate change in the Mekong Delta).
Đồng bằng Cửu Long là một khu vực quan trọng, nơi sinh sống của gần 20 triệu dân cư và nguồn cung cấp lương thực quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn là một cơ sở của an ninh lương thực thế giới : Gạo đồng bằng Cửu Long xuất khẩu chiếm khoảng một phần năm tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Khu vực này đang bị đe dọa bởi nguy cơ kép : mực nước biển dâng cao và nạn xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông MêKông.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng « trân trọng cảm ơn chính phủ Hà Lan, Ngân hàng thế giới và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã dành nhiều hỗ trợ, nguồn lực quý báu cho Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng ». Thủ tướng Việt Nam khẳng định : « Trên thực tế nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của đồng bằng sông Cửu Long, đang được bổ sung, điều chỉnh, theo hướng cơ bản của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan ».
Ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt ví dụ cụ thể về các phương hướng hoạt động cần thiết để bảo đảm định hướng « tổng hợp và bền vững » của dự án phát triển đồng bằng Cửu Long, như việc thích ứng với nước biển dâng cao được « gắn kết với quá trình (…) chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững », « tích hợp quản lý rủi ro thiên tai, và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất, phát triển hệ thống các khu dân cư (…) theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, nâng cao năng lực dự báo (…) ». Lãnh đạo Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được « các đề xuất giải pháp, phương thức hợp tác » từ quốc tế.
Hà Lan là một quốc gia đứng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đối phó với nước biển. Trao đổi với đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong phiên đối thoại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa nhiều quốc gia ven bờ Thái Bình Dương và nhiều nơi khác, trong đó 18 triệu cư dân đồng bằng Mêkông Việt Nam đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Về đồng bằng Cửu Long, Thủ tướng Hà Lan lưu ý ba điểm chính, trong đó có việc « Việt Nam cần được chuẩn bị để sử dụng thực sự hiệu quả các quỹ hỗ trợ », và đặc biệt hợp tác với « lĩnh vực tư nhân » là rất căn bản.
Về quan hệ đối tác Việt Nam – Hà Lan tại đồng bằng Cửu Long, ông Jake Brunner – chuyên gia về môi trường và xã hội dân sự, đại diện của IUCN (Liên minh quốc tế bảo vệ tự nhiên) tại Việt Nam– nhấn mạnh « có rất nhiều vấn đề Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Hà Lan, bao gồm cải cách chính trị, tăng cường sự tham gia của công chúng, công nghệ mới (…). Tại Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm thế nào để các bộ, ngành, địa phương khác nhau hợp tác vì lợi ích chung (…) » (bài « Quy hoạch chiến lược vùng châu thổ : kinh nghiệm Hà Lan », đặc san « Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu », Tạp chí Vietnam Investistment Review, tháng 11/2015).
Phe đối lập Campuchia: Việt Nam không lấp ao ở khu vực lấn chiếm
Các nhà lập pháp Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) cho biết đã năm tháng kể từ khi Việt Nam hứa sẽ lấp ba cái ao lớn đào bất hợp pháp ở khu vực nửa kilomet trong lãnh thổ Campuchia ở tỉnh Ratanakkiri, nhưng những ao này vẫn được giữ nguyên trạng.
Vào đầu tháng Bảy, sau khi chính phủ Campuchia thông báo với Hà Nội có 8 ao lớn ở huyện O’Yadaw “được đào sâu trong lãnh thổ Campuchia”, Việt Nam đã đồng ý lấp ba ao và điều tra năm cái còn lại.
Các nhà lập pháp đảng CNRP Son Chhay và Mao Monyvann cho biết, họ đã đến các ao hôm thứ Hai trong chuyến đi để thảo luận các vấn đề chính trị với quan chức của đảng ở tỉnh Ratanakkiri và phát hiện rằng hiện trạng các ao đều không có gì thay đổi.
Ông Monyvann nói: “Khi tôi đến khu vực này để thị sát, tôi đã thấy 8 cái ao không hề được lấp. Với tư cách là một nhà lập pháp, tôi sẽ viết thư cho Phó Thủ tướng Hor Namhong để thông báo cho ông biết rằng những cái ao này chưa được lấp”.
Ông Monyvann nói thêm: “Tôi sẽ yêu cầu Phó Thủ tướng gửi công hàm ngoại giao một lần nữa đề nghị phía Việt Nam tôn trọng lời hứa lấp ao”.
Một đoạn video về chuyến đi đến các ao đã được đăng trên trang mạng xã hội Facebook của ông Monyvann cho thấy ông Chhay cho biết ông sẽ đảm bảo rằng Việt Nam thực hiện việc này.
Ông Chay nói: “Chúng tôi tiếp tục yêu cầu, như chúng ta biết việc này ảnh hưởng đến đất đai của chúng ta, vì thế chúng tôi không thể im lặng, hoặc biểu tình, kể cả khi một số người ngăn cản và đe dọa chúng tôi. Đó là nghĩa vụ của mỗi công dân”.
Người phát ngôn Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết, ông không thể xác nhận hiện trạng của những ao này, một số được Bộ xác định hồi tháng 6 đã nằm sâu 545m trong lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên, ông cho biết, Bộ đang xem xét về những tuyên bố mới nhất của các nhà lập pháp.
Ông Sounry nói: “Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì ngay bây giờ, nhưng tôi có liên hệ để lấy thông tin từ những người có liên quan”.
Ông Sounry cho biết thêm, ông cũng không thể bình luận liệu Việt Nam sẽ được yêu cầu lấp những ao này một lần nữa hay không.
Theo Cambodia Daily, Phnom Penh Post