Thái Lan bỏ tình trạng khẩn cấp
Người biểu tình nay chủ yếu tập trung ở công viên Lumpini, Bangkok
Theo BBC – 11:16 GMT – thứ ba, 18 tháng 3, 2014
Thái Lan sẽ cho dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào thứ Tư 19/03 do căng thẳng đã tạm lắng sau nhiều tuần diễn ra biểu tình chống chính phủ.
Các quan chức nước này nói tình trạng khẩn cấp sẽ được thay thế bằng Đạo luật An ninh Nội bộ.
Quyết định về tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày được đưa ra hôm 22/01, áp dụng lên Bangkok và các tỉnh xung quanh, cho phép chính phủ có phạm vi thẩm quyền rộng lớn hơn để đối phó với bất ổn.
Những người biểu tình chống chính quyền muốn Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức.
Chiến dịch biểu tình bắt đầu từ tháng 11, cáo buộc chính phủ bị điều khiển bởi cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck. Họ muốn thay thế chính phủ bằng một “hội đồng nhân dân”.
Trong giai đoạn căng thẳng nhất, người biểu tình phong tỏa các điểm giao thông chính ở Bangkok và lập chốt chặn bên ngoài các tòa nhà chính phủ.
Con số người biểu tình đã giảm, và nay họ tập trung chủ yếu ở công viên trung tâm của thủ đô.
Ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong cuộc bạo loạn chính trị tồi tệ nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010.
Bầu cử dang dở
Bà Yingluck thông qua quyết định bỏ nghị định khẩn cấp trong cuộc họp nội các.
“Chúng tôi đồng thuận gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia và dùng Đạo luật An ninh Nội bộ (ISA) bắt đầu từ ngày mai [19/03] cho tới ngày 30/04 do số người biểu tình đã giảm bớt… và sau khi giới doanh nghiệp đưa ra yêu cầu,” Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, Paradorn Pattanathabutr nói với Reuters.
ISA tuy có phạm vi hiệu lực hẹp hơn nghị định khẩn cấp, vẫn cho phép chính phủ áp dụng lệnh giới nghiêm, dựng các chốt an ninh và hạn chế người biểu tình trong trường hợp cần thiết.
Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước cuộc bỏ phiếu sớm hôm 02/02, do bà Yingluck đưa ra để đối phó với các cuộc biểu tình.
Nhưng không có sự ủng hộ của quân đội cũng có nghĩa là nghị định khẩn cấp không có hiệu lực do lực lượng này có vai trò cốt yếu trong việc thực thi nghị định, theo phóng viên Jonathan Head của BBC ở Bangkok.
Bạo lực chính trị tiếp diễn và người biểu tình cho chặn nhiều điểm bỏ phiếu để đảm bảo sao cho không đi đến kết quả, phóng viên BBC nói.
Đảng đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu nhưng hoạt động này vẫn diễn ra theo kế hoạch ở phần lớn cả nước.
Tuy nhiên, do một số điểm bỏ phiếu bị gián đoạn, quốc hội không có được định số tối thiểu, có nghĩa là một chính phủ mới không thể được thành lập.
Mặc dù biểu tình đã tạm lắng, căng thẳng chính trị vẫn chưa được giải quyết. Chính phủ của bà Yingluck vẫn phải vượt qua nhiều thách thức pháp lý trước tòa.
Ủy ban bầu cử vẫn từ chối yêu cầu của chính phủ cho hoàn tất cuộc bỏ phiếu.
Chính bà Thủ tướng cũng đang phải đối mặt với cáo buộc về lơ là trách nhiệm trong chính sách mua gạo của nông dân, mà các nhà chỉ trích cho rằng bị nạn tham nhũng hoành hành.
Chính sách này có lợi cho người nông dân – thành phần chủ chốt đưa chính phủ bà Yingluck lên cầm quyền.
Nếu bị xử có tội, nữ Thủ tướng có thể sẽ bị mất chức và chịu lệnh cấm năm năm không được làm chính trị