Vì sao ngư dân Việt Nam tiếp tục bị bắn giết trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam?
Thi thể ông Trương Đình Bảy được ướp đá mang về đất liền. Nguồn: báo LĐ
TMCNN – Paulus Lê Sơn – 1-12-2015
GNsP – Truyền thông nhà nước loan tin tàu của thuyền trưởng Bùi Văn Cu thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bị tàu nước ngoài tấn công chiều tối ngày 26/11.
Theo báo Lao Động trích lời ông Nguyễn Thanh Nam, trưởng đài Icom Gành Cả, cho biết 2 tàu dân sự nước ngoài, mỗi tàu gồm 4 người có trang bị võ khí, đã áp sát tàu cá QNg 95861-TS và nổ súng bắn chết ông Bảy trong lúc giằng co. ông Bảy bị 2 phát đạn, gục chết tại chỗ. Những kẻ tấn công đã nã đạn liên tiếp lên cabin tàu cá Việt Nam, rất may mắn thuyền trưởng thoát chết.
Tàu thì lạ mà ngư dân chết đã thành quen
Tại sao truyền thông nhà nước loan tin là tàu lạ, không chỉ đích danh tàu của nước nào đã xâm phạm chủ quyền và bắn giết ngư dân Việt Nam. Không lẽ trên tàu không có Quốc kỳ của quốc gia của họ? Thường thì trên tàu có treo một lá cờ rất “dễ hiểu” đó là Quốc kỳ (National flag), được treo ở đỉnh cột phía lái hoặc treo ở đỉnh cột chính nếu không có cột lái và được kéo lên lúc mặt trời mọc và hạ xuống lúc mặt trời lặn hàng ngày (trừ mùa đông, có sương mù, cờ được kéo lên vào thời điểm có thể nhìn thấy được). Vậy tất cả những vụ ngư dân của Việt Nam bị bắn và bị bắn chết trên vùng biển Việt Nam đều từ trên trời rơi xuống? Giả thiết này là hoang tưởng. hay những nước láng giềng Việt Nam họ không có quốc kỳ? Việt Nam cần chỉ đích danh tàu nước nào đã ‘Bắn chết ngư dân Việt Nam là hành động vô nhân đạo’.
Ngư dân Việt Nam đã chết quá nhiều trên vùng biển của chính mình vì bị tàu lạ tấn công trong nhiều năm trở lại đây đến nỗi mà dư luận phải thốt lên rằng “Tàu lạ, người lạ’ – nhưng thủ đoạn hèn hạ thì quen!”. Song song với việc ngư dân bị đâm thủng tàu cá, bị bắn chết là những sự kiện liên quan đến Trung Quốc hoạt động tại khu vực Biển Đông mà cụ thể là xây dựng các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa, đặt giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó báo nhà nước dẫn lời giới chức địa phương nói trong năm nay, riêng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi có gần 20 vụ tàu cá Việt bị tàu nước ngoài, chủ yếu là tàu Trung Quốc, tấn công, cướp bóc, hành hung.
Ngày 05/11 mới đây, ông Tập Cận Bình, chủ tịch CHND Trung Hoa có chuyến thăm Việt Nam với những tuyên bố về việc cùng nhau giải quyết các vấn đề về biển đảo, xây dựng mối bang giao hữu nghị, thắm tình đoàn kết và ông này hứa viện trợ cho Hà Nội 1 tỷ nhân dân tệ. Nhưng vừa rút chân khỏi Việt Nam, ông này tuyên bố một cách thẳng thừng tại Singapore, Hoàng sa, Trường sa thuộc của Trung Quốc và những gì của Trung Quốc đang diễn ra tại đây là hợp pháp? Chưa đầy một tháng, thì ngư dân Việt Nam lại phải thế mạng trên Biển Đông.
Nhà cầm quyền Hà Nội có bảo vệ được ngư dân?
Hiệp hội nghề cá có tác dụng gì ? Trên trang Petro Times cho hay, ngay trong sáng ngày 30/11, đã liên lạc với Hiệp hội Nghề cá Việt Nam và Tổng thư ký hiệp hội Hoàng Đình Yên cho biết: “Cũng như những lần trước, chưa xác định được những kẻ xả súng là ai và con tàu gây án là của quốc gia nào?”. Trả lời trên đài VOA, Chủ tịch Hội nghề cá Phan Huy Hoàng nói rằng:
“Vấn đề đối phó là của các cơ quan chức năng chứ Hội chỉ vận động ngư dân đi đánh bắt theo đoàn, theo toán để có sự cố trên biển thì có thể giúp đỡ lẫn nhau thôi. Còn các việc lớn lao hơn thì các cơ quan chức năng người ta làm.” Một hiệp hội có tầm vóc chỉ là động viên và vận động ngư dân đi đánh bắt cá theo đoàn, vậy họ có bảo vệ được ngư dân trước súng đạn của kẻ thù? Được biết, Việt Nam gần đây thành lập cục kiểm ngư, vậy cục này để làm gì?
Tại sao Chính phủ Việt Nam không bảo vệ được ngư dân, không đủ năng lực để điều tra tàu lạ tấn công và giết chết ngư dân của mình. Vụ tàu lạ tấn công chiều tối ngày 26/11 và bắn chết ngư dân liệu có chìm xuồng, đi vào quên lãng như biết bao vụ trước đây. Tại sao nhà cầm quyền không đề nghị quốc tế phối hợp để tìm ra kẻ thủ ác và khởi kiện, tố cáo tội ác man rợ của họ ra trước pháp luật quốc tế. Tại sao lại để tàu lạ đi vào vùng chủ quyền của quốc gia, tại sao các cơ quan chức năng bảo vệ biển đảo, bảo vệ ngư dân không đáp trả tự vệ trước hành động ngang ngược của “tàu lạ”? Rất nhiều câu hỏi đặt ra, vậy thì với năng lực của một Chính phủ biết bảo vệ nhân dân trước mối đe dọa đến tính mạng, chủ quyền biển đảo tổ quốc của các thế lực bên ngoài sẽ phải trả lời được cụ thể. Nhưng không bảo vệ được ngư dân, biển đảo có nghĩa Chính phủ đó yếu kém hoặc bạc nhược hoặc hèn hạ. Qua vụ này càng thêm dấu chỉ cho chúng ta thấy năng lực và cách bảo vệ của nhà cầm quyền đối với sinh mạng chính trị của người dân và vấn đề chủ quyền biển đảo tại Việt Nam yếu ớt như thế nào?
Người dân có được lên tiếng?
Một bạn trẻ tại Hà Nội nói rằng “ở nước ngoài một người dân bình thường bị gây thương tích bởi cảnh sát, chính phủ và cả ông tổng thống cũng phải lên tiếng xin lỗi. Còn tại Việt Nam, ngư dân bị bắn chết bởi người nước ngoài mà cả chính phủ lại im lặng. Một cái chính phủ tồi như vậy có xứng đáng là lãnh đạo của nhân dân không?”. Một người khác thì mong muốn: “chúng ta cần nói thật nói thẳng, không nên gọi là tàu lạ nữa, đó đích danh là Trung Quốc, đây là những bằng chứng xác thực để Việt Nam có thể đệ trình khởi kiện lên Liên Hợp Quốc. Một người dân tại Sài Gòn thắc mắc: “tại sao nhà cầm quyền không lên tiếng để bảo vệ ngư dân, biển đảo của tổ quốc nhưng khi người dân trong nước đau xót và phẫn uất với hành động man rợ, đê hèn của kẻ thù đối với đồng bào của mình bằng những cuộc biểu tình, tuần hành phản đối thì chúng ta dễ bị nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp thẳng tay, bắt bớ và bỏ tù?”. Thật nhói lòng khi nghe những người dân được cho là ông chủ của đất nước, ông chủ của lãnh đạo mà có những tâm nguyện xót xa đến như vậy.
Liệu ngư dân Việt Nam còn tiếp tục bị bắn chết trên vùng biển của mình bởi “tàu lạ”, có lẽ chúng ta phải giải mã được những câu hỏi tại sao như đã đặt vấn về ở trên. Còn nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì cái kết của ngư dân Việt Nam là cái chết vẫn cứ diễn ra dài dài.