Bình Luận: Quyền tự do dân sự ở Việt Nam là nửa ly nước đầy
Thanh niên thành thị ở TP HCM. Nguồn Asia Sentinel
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không theo kịp một đất nước đang thay đổi nhanh chóng
Tác giả: David Brown
Dịch giả: Trần Văn Minh
27-11-2015
.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) đang bất bình về việc Hà Nội đang sửa đổi lại “bộ luật hình sự đã sẵn hà khắc của họ”. Phân tích một báo cáo gần đây của Bộ Công an trình lên Quốc hội, nhóm vận động có trụ sở ở New York chỉ ra rằng “Việt Nam sẽ trở lại chính sách dập tắt bất đồng chính kiến ngay khi [Hiệp định TPP] được hoàn tất”.
Trên thực tế, về mặt nhân quyền, tình hình khá yên tĩnh ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Không mấy ấn tượng, HRW khẳng định rằng các bên ký kết TPP (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada, v.v…) “phải hối thúc Việt Nam ngưng tiến trình phê duyệt bộ luật” đang xảy ra.
Tôi không chắc điều gì gây phiền nhiễu hơn: tường thuật đơn giản và mạnh bạo về chiến dịch vận động dân chủ hóa của HRW, hay sự cứng đầu cố hữu của các cơ quan an ninh quốc nội của chế độ Hà Nội.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phô bày cả hai hiện tượng.
Thời gian bị chất vấn không phải là đi chơi
Tại những buổi họp của Quốc hội Việt Nam, các bộ trưởng phải trả lời chất vấn của đại biểu. Bối cảnh hỏi đáp thường là một sân khấu hay, và được tường thuật đầy đủ bởi những tờ báo mà giới tin tức phương Tây thường gọi là “phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát”.
Chẳng hạn, một năm trước đây, Bộ trưởng Quang đã bị buộc phải giải thích cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội những gì ông và bộ của ông đang làm để kiềm chế những vụ thô bạo của cảnh sát. Việc công an thường huy động những đội “thanh niên yêu nước” tại địa phương để đe dọa những người khiếu nại quá nhiều hay quá to tiếng không là chuyện lạ. Chuyện chất vấn này gây ấn tượng vì, lấy ý tưởng từ Chủ tịch Nước Việt Nam và nhiều bài phóng sự của báo Thanh Niên, một số đại biểu đã đặt những người đầu não an ninh quốc nội vào vị thế phải đối diện với vấn đề.
Tuy nhiên vào ngày 15 tháng 11, ông Quang đến Quốc Hội với công việc như thường lệ: để cập nhật về những thành tích của Bộ Công an trong ba năm qua. Theo tường thuật của VietNamNet, trình bày của ông mang tính định lượng vô cảm, chỉ toàn là những con số. Không sao đâu: những con số truyền xuống cho giới trách nhiệm công cộng tại Việt Nam.
Kể từ tháng 6 năm 2012, ông Quang cho biết, cảnh sát trên toàn quốc đã giải quyết hơn 150.000 vụ án hình sự và bắt giữ gần 290.000 cá nhân. Ông lưu ý, tỷ lệ thành công 75%, vượt quá tiêu chuẩn 70% do Quốc Hội đề ra.
Theo dõi những người bất đồng chính kiến
Hơn nữa, trong thời gian ba năm này, theo ông bộ trưởng, ngành cảnh sát đã xử lý 1.410 vụ vi phạm an ninh quốc gia, liên quan đến 2.680 người. Khoảng 350 người đối lập tại 50 tỉnh thành đã “thành lập 60 tổ chức bất hợp pháp nhân danh dân chủ và dân quyền”. Tuy nhiên, ông cho biết, cảnh sát đã đánh bại mọi âm mưu.
Chuyển qua các tội phạm kinh tế, ông Quang báo cáo rằng cảnh sát trong cùng thời kỳ đã phát hiện 1.145 trường hợp tham nhũng liên quan đến 1.930 cá nhân.
Tình hình khu vực và thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, ông bộ trưởng cảnh báo. Sự quấy phá do các thế lực phản động và kẻ thù gây ra ngày càng nguy hiểm hơn. Cảnh sát cố gắng phá vỡ những âm mưu ươm mầm trong nước, ngoài nước, trên không gian mạng, và ở bất cứ nơi nào.
Nói tóm lại, báo cáo của ông Quang chỉ đáng chú ý với sự thừa nhận rằng cảnh sát đã không mấy thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng lan tràn so với việc phát hiện các hoạt động bất đồng chính kiến.
Kịch bản cũ quá chán
Cảnh sát Việt Nam đang đi theo một kịch bản cũ nhàm chán. Nếu chú tâm vào đó thì các phóng viên của HRW có thể moi ra bất kỳ con số nào trong các báo cáo như vậy; tất cả đều luôn ám chỉ với mức độ nào đó, đến mối nguy hiểm do học thuyết “diễn biến hòa bình” mang lại. Họ tố cáo các tổ chức xã hội dân sự âm mưu làm suy yếu mối quan hệ giữa người dân và đảng cầm quyền. Một phần tư thế kỷ sau khi các chế độ Cộng sản ở Đông Âu bị lật đổ, Bộ Công An vẫn cảnh giác trước “các âm mưu của kẻ thù” muốn lặp lại kịch bản của Czech, Serbia hoặc Ba Lan tại Việt Nam.
Vắn tắt, giống như các tổ chức quốc tế theo dõi sự xâm phạm quyền tự do ở Việt Nam và các nơi khác, các cơ quan an ninh nội bộ, gắn chặt với các thành phần bảo thủ nhất của đảng cầm quyền, dường như không có gì mới để nói.
Đơn giản hóa và lặp đi lặp lại là cốt lõi của việc tuyên truyền có hiệu quả. Trong sốt sắng đơn giản hóa, cả những người bảo hộ ý thức hệ của nhà nước độc đảng, cũng như các nhà phê bình mạnh mẽ ở nước ngoại, đã không thấy câu chuyện thực sự: mặc dù luật pháp và ý thức hệ chậm thay đổi, thực ra công dân của nước CHXHCN Việt Nam đã trở nên, trong vài thập niên qua và đặc biệt là trong những năm gần đây, khá tự do hơn nhiều trong việc quản lý đời sống của mình.
Có những lý do chính đáng cho điều này.
Trước hết, Việt Nam không còn là một nhà nước khép kín. Khoảng hai mươi lăm năm trước, các nhà lãnh đạo đã quyết định rằng, đất nước sẽ không phát triển nếu vẫn đứng bên lề thương mại và tài chính thế giới. Thật vậy, Việt Nam đã phát đạt, nhưng quá trình toàn cầu hóa cũng mang lại những hệ quả văn hóa và chính trị. Người Việt Nam hiện nay đang khôn khéo và hiểu biết thực tế về thế giới bên ngoài. Vài trăm ngàn người đang theo học tại các trường đại học ở Anh, Úc, Mỹ và nước phương Tây khác. Bốn mươi bốn phần trăm trong số 93 triệu dân Việt Nam thường xuyên lên mạng. Chế độ đã từ bỏ nỗ lực ngăn chặn sự truy cập vào Facebook và các trang web lưu trữ ở các máy chủ ở nước ngoài. Chế độ cũng đã chấp nhận quyền đồng tính và từ bỏ việc ép buộc gia đình ngưng ở mức có hai con.
Giới trẻ đô thị chống lại
Giới trẻ, chủ yếu ở đô thị, tiếp tục chống lại những hạn chế tùy tiện. Một số đặt câu hỏi thẳng thừng đối với sự lạm dụng quyền lực của công an. Còn một số đông hơn nhiều, có lẽ ít có suy tính trước, chỉ chống lại việc bị gom tụ.
Thứ hai, các nhóm tình nguyện đang nổi lên như là những diễn viên quan trọng trong đời sống công cộng. Họ tìm cách đáp ứng các nhu cầu của xã hội ngày càng phức tạp. Theo luật, tất cả các tổ chức phải được sự chấp thuận và chịu sự giám sát của nhà nước. Một số tổ chức chuyên nghiệp, như Hiệp hội Luật sư hoặc Phòng Thương mại, đã đạt được quyền tự trị đáng kể trong khuôn khổ đó.
Những nhóm khác, tự phát, chỉ đơn giản chọn không xin phép sự công nhận của nhà nước. Thông thường, họ được tổ chức lỏng lẻo dưới dạng “mạng lưới” hay “câu lạc bộ,” và trong nhiều tỉnh thành, giới chức trách hiện nay ngầm chấp nhận các nhóm độc lập đảm nhiệm các vai trò dân sự mà nhà nước làm kém cỏi hoặc chưa đụng tới.
Xã hội dân sự mới nổi của Việt Nam không mang tính đối đầu trong bản năng, nhưng cũng không ngần ngại trước việc vận động chính sách. Quan hệ ‘mềm mỏng’ với các quan chức để đạt được mục tiêu công ích theo cách thực tế thường có hiệu quả. Các vấn đề có tính quốc gia thường là chủ đề của những kiến nghị của giới trí thức và đảng viên nghỉ hưu; các kiến nghị này lưu hành rộng rãi trên mạng, tập trung sự thảo luận công khai, được truyền thông nước ngoài tường thuật và đôi khi dẫn tới phản ứng tích cực của các cơ quan chức năng.
Thứ ba, khi ĐCSVN vật lộn với nan đề tồn tại, phe bảo thủ đã phải nhường bước. Trong chừng mực có thể nhận thấy từ bên ngoài Đảng, hầu như tất cả các thành viên đều đồng ý rằng vai trò của Đảng như là “lực lượng lãnh đạo xã hội” là bất khả xâm phạm. Về các vấn đề phụ, giới lãnh đạo Đảng cầm quyền bị chia rẽ.
Giới bảo thủ đòi hỏi một bàn tay sắt
Giới bảo thủ nhấn mạnh rằng các cơ quan an ninh nội bộ phải hành xử nghiêm khắc đối với những công dân lên tiếng đòi đa nguyên chính trị. Họ lên án về sự xói mòn kỷ luật và bằng chứng tham nhũng tràn lan trong Đảng. Chắc chắn họ cũng ân hận về vi khuẩn đổi mới đã lây nhiễm độc Đảng: quan điểm cho rằng tăng trưởng GDP và duy trì trật tự công cộng chưa đủ để xác nhận tuyên bố độc quyền của mình trong việc điều hành đất nước. Phe cải cách lập luận rằng Đảng cũng phải đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của công dân đối với phẩm chất cuộc sống – về chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học, môi trường thiên niên hay được xây dựng và cả trong hệ thống tư pháp.
ĐCSVN đổi mới lãnh đạo mỗi 5 năm một lần. Đảng sẽ làm như vậy một lần nữa vào tháng một, tại Đại hội lần thứ 12. Vì công việc của đảng không phải là việc công cộng, như thường lệ, các hậu quả chính sách của các cuộc họp Đang diễn ra phiên hợp sắp tới sẽ chỉ trở nên sáng tỏ từng chút một.
Tuy nhiên, có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dựng nên một nhóm ủng hộ trong Đảng, được mô tả tốt nhất như là một liên minh của kẻ cơ hội và kẻ cải cách. Ông cũng tương đối được lòng cả với giới tinh hoa ngoài Đảng: luật sư, ngân hàng, doanh nhân và các chuyên gia, vốn là xương sống của khu vực tư nhân của Việt Nam.
Giới bảo thủ sẽ nhường bước
Do đó, cánh bảo thủ có khả năng sẽ nhượng quyền kiểm soát đối với một số vị trí then chốt, từng cảnh báo rằng sự thiếu cương quyết tư tưởng sẽ dẫn đến cái chết của ĐCSVN. Họ bị mang tiếng xấu do quá thân thiện với các đối tác Trung Quốc, quá thân cận với khu vực doanh nghiệp nhà nước có tiếng là hoạt động kém hiệu quả và thích đáng nhất với bình luận này, không thể hình dung ra một xã hội cởi mở và đa dạng hơn.
Một chế độ dưới quyền ông Dũng sẽ có khả năng cung cấp những cải cách kinh tế đáng kể. Có lẽ nó cũng thực hiện một lời hứa ngầm về sự minh bạch hơn, cơ hội lớn hơn cho những người có tài năng và tham vọng, và một bàn tay nhẹ hơn đối với các ý kiến trái ngược.
Trong những năm trước đây, cách thông thường để tiến thân ở Việt Nam là gia nhập vào Đảng (nếu được mời). Người Việt Nam nào chọn không trở thành một đảng viên, do đó, trong một ý nghĩa nào đó, là một kẻ bất đồng chính kiến. Từ vài trăm người hoạt động hơn chục năm trước đây, gia tăng các bài viết trên mạng và số người tham gia các cuộc biểu tình cho thấy rằng hàng chục ngàn người Việt Nam hiện nay thường xuyên và tích cực vận động cho sự thay đổi chính trị.
Tầm nhìn khác nhau. Một số người hoạt động hối thúc Đảng sửa chữa những lỗi lầm và dẫn đầu trong việc hoán chuyển hệ thống hiện nay về hướng dân chủ. Những người khác tìm cách xây dựng những tổ chức để đối đầu và dẹp bỏ đảng. Thêm một số người khác kêu gọi sự hợp tác đàm thoại với chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Một cách tiếp cận thứ tư nhấn mạnh dân chủ hóa từ dưới lên thông qua việc mở rộng và tăng lực các tổ chức dân sự, xã hội và cộng đồng.
Chính thể và xã hội đang thay đổi
Qua việc chú trọng vào sự đàn áp của chế độ Hà Nội đối với những người chỉ trích lớn tiếng nhất, HRW và các tổ chức vận động nhân quyền khác không nhìn thấy rằng ở Việt Nam hiện nay có một chính thể và xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng. Bảng xếp hạng mà họ đưa ra từng năm (ví dụ, “chế độ khắc nghiệt số 11 thế giới,” hay “tệ hơn 91 phần trăm các quốc gia về tự do internet” [cả Freedom House]) không đáng tin cậy. Thay vì nhấn mạnh các quy định cản trở tự do của luật pháp và nghị định, HRW và những tổ chức đó nên tập trung vào việc luật lệ được thực hiện như thế nào.
Nhưng than ôi, thật khó để định lượng sự nhiệt tình đang giảm sút và sự vô vọng ngày càng tăng của những nỗ lực của Đảng-Nhà nước nhằm kiểm soát người dân biết gì, nói gì, và cư xử thế nào.
HRW sẽ nói gì về việc chế độ không nhất trí được về cáo buộc đối với blogger Anh Ba Sam, bị bắt giam 18 tháng trước đây? Hoặc sự đảo chiều của công an TP Hồ Chí Minh trong việc giam giữ nhà văn nổi tiếng Bọ Lập? HRW sẽ giải thích thế nào về phản ứng mặc nhận của chế độ đối với các cuộc biểu tình lớn vào mùa xuân vừa qua tại Hà Nội, để bảo vệ các con đường rợp bóng cây, và tại thành phố Hồ Chí Minh, chống lại việc nhúng tay vào quỹ tiết kiệm của công nhân nhà máy. Tại sao chế độ không đàn áp Hội Nhà văn Độc lập? Sự sụt giảm đột biến các blogger và người hoạt động bị bắt giữ, từ hàng chục trong những năm trước xuống chỉ có hai trong năm 2015 (cho tới tháng 9) có đầy ý nghĩa hay không?
Vâng, Việt Nam không phải là một xã hội tự do. Có thành phần của Đảng-Nhà nước vẫn muốn cai trị bằng phương pháp độc tài toàn trị. Tuy nhiên, ông thần đã ra khỏi chai, và ĐCSVN biết rằng sẽ khó nhốt ông trở lại. Nghịch lý thay, hy vọng lớn nhất của Đảng để vẫn còn nắm quyền là trở nên một cái gì khác – một tổ chức chính trị ít tham nhũng hơn, minh bạch hơn và có khả năng mang lại ngày càng nhiều tự do hơn.
Ông David Brown, một cây bút tự do và chuyên viên về Việt Nam, là cựu ngoại giao Mỹ. Ông là cộng tác viên thường xuyên cho Asia Sentinel.