Điểm báo Pháp ngày 25-11-2015
Không quân Pháp bắt đầu nhắm vào các nhà máy lọc dầu hầu làm vơi cạn nguồn tài chính của Daech – REUTERS /Thaier al-Sudani
They RFI
Đăng ngày 25-11-2015
Dầu mỏ, vũ khí chiến tranh của IS
Khác với các tổ chức khủng bố như Al Qaida có nguồn thu chủ yếu từ tiền tài trợ của một số tổ chức và cá nhân bên ngoài, Daech lại có nguồn tài chính rất lớn thu từ khai thác dầu mỏ tại những vùng lãnh thổ chiếm đóng được ở Irak và nhất là ở Syria. Túi tiền của Daech được làm đầy như thế nào ? Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phóng sự điều tra mang tiêu đề « Dầu mỏ, vũ khí chiến tranh của Daech ».
Les Echos dẫn lời ông Jean-Charles Brisard, chuyên gia tài chính của khủng bố, cho biết ước tính : « Dầu mỏ giờ đây bảo đảm 25% nguồn thu nhập của Daech, khoảng 600 triệu đô la mỗi năm ». Đó mới chỉ là một trong số các nguồn thu của tổ chức này bên cạnh rất nhiều nguồn tiền chiếm đoạt bằng mọi cách.
Nguồn thu nhập từ dầu mỏ của Daech lớn thế nào ?
Les Echos cho biết, vào thời kỳ cực thịnh của mình, khoảng giữa năm 2014, Daech kiểm soát khoảng hai chục khu khai thác dầu ở miền bắc Irak và bắc Syria. Từ khi bị tấn công mạnh, số lượng trên có giảm bớt, hiện xuống còn hơn chục khu, chủ yếu nằm tại Syria. Các chuyên gia ước tính sản lượng dầu của Daech mỗi ngày có thể từ 70.000 đến 80.000 thùng dầu vào thời cao điểm năm 2014, hiện giờ có giảm xuống thì vẫn còn khoảng 50.000 thùng mỗi ngày.
Rất khó biết được Daech bán dầu với giá bao nhiêu. Các con số đưa ra rất khác nhau nhưng có điều chắc chắn là rẻ hơn rất nhiều so với thị trường. Nhiều số liệu tại chỗ cho biết giá bán mỗi thùng dầu của Daech chỉ khoảng từ 10 đến 20 đô la mỗi thùng.
Làm sao Daech có đủ năng lực để khai thác dầu ?
Hoạt động khai thác dầu của Daech rất có tổ chức. Báo Finance Times mới đây mô tả cách quản lý khai thác dầu của Daech tương tự như của một công ty dầu mỏ quốc gia, cũng thông qua một bộ phận phụ trách nhân sự hoàn chỉnh để tuyển dụng các kỹ sư có kinh nghiệm, có can đảm làm việc dưới bom đạn, đổi lại họ trả lương rất cao. Ngoài ra, Daech còn chọn giữ lại các nhân sự chủ chốt của các cơ sở khai thác dầu mà chúng chiếm được, đồng thời cũng chiêu mộ thêm nhân lực chuyên môn cao từ bên ngoài. Mức lương cho một người quản lý một khu lọc dầu tại Irak có thể lên tới 225.000 đô la một năm.
Daech bán dầu cho ai, qua đường nào ?
Daech không có khó khăn gì để bán dầu mỏ, chỉ cần dựa trên các mạng lưới buôn lậu đã sẵn có tại chỗ từ trước khi chúng đến. Theo các chuyên gia, các đường dây buôn lậu dầu mỏ đã có từ những năm 1990, khi có lệnh cấm vận dầu mỏ đối với chế độ Sadam Hussein. Dầu thô được bán cho mạng lưới trung gian như mafia trước khi được cung cấp cho các trung tâm lọc dầu phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc đem bán ra bên ngoài.
Daech dựa trên các đường dây buôn lậu như vậy để bán dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordani. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thì vẫn làm ngơ để đường dây buôn lậu dầu như vậy hoạt động. Thậm chí, chế độ của Bachar al-Assad cũng bị nghi đã mua dầu thô của Daech vì giá rẻ. Với giá bán rẻ từ 15 đến 20 đô la một thùng, người ta không loại trừ khả năng dầu của Daech còn được đưa về tận châu Âu.
Tại sao không kích của phương Tây không phá hủy được nguồn dầu mỏ của Daech ?
Theo Les Echos, từ lúc đầu, liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vẫn tránh hủy diệt hoàn toàn các cơ sở hạ tầng dầu mỏ nằm dưới sự kiểm soát của Daech. Các cuộc không kích mới chỉ nhằm vào các trạm bơm, đường ống dẫn, các điểm thu mua hay vài cơ sở lọc dầu. Lý do mà các chuyên gia lý giải là vì Hoa Kỳ và đồng minh vẫn lo ngại tấn công mạnh vào các trung tâm khai thách dầu có thể gây ra tai họa môi sinh.
Nhưng tình hình đã thay đổi, từ cuối tháng 10/2015 khi chưa xảy ra các vụ khủng bố Paris, không quân Hoa Kỳ bắt đầu có thêm mục tiêu là các đoàn xe chở dầu của Daech. Bên cạnh đó không quân Nga cũng khẳng định trong vòng 5 ngày gần đây đã hủy diệt được hơn 1.000 xe chở dầu của Daech.
Liên minh rộng lớn chống Daech mà Pháp đang tìm kiếm
Các báo ra hôm nay tập trung nhiều vào đề tài cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech trong lúc Tổng thống Pháp tuần này đang ngược xuôi gặp gỡ các lãnh đạo nhiều nước từ Anh, Mỹ, Đức, Ý và ngày mai qua Nga nhằm thiết lập một liên minh rộng lớn tấn công tổ chức khủng bố này.
Cụm từ « liên minh » được lặp lại với tần suất cao trên các mặt báo. Liệu một liên minh thế giới chống Daech như mong muốn của Tổng thống Pháp François Hollande có ra đời được không ?
Đó là câu hỏi lớn đặt ra của các tờ báo Pháp hôm nay, đặc biệt sau sự cố lớn nảy sinh hôm qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga được cho là đã xâm phạm không phận của Thổ
Với Le Figaro, rõ ràng là : « Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hoại liên minh chống Daech », như tựa lớn trang nhất của tờ báo khẳng định. Trong bài xã luận, Le Figaro viết : « Liên minh lớn chống Daech mà François Hollande muốn thiết lập không làm hài lòng hết thảy mọi người. Cái liên minh chưa hình thành đó đã bị một đòn đánh mạnh vào sườn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với sự cố xảy ra hôm qua. Mức độ nghiêm trọng của sự va chạm này kéo theo nguy leo thang căng thẳng thực sự giữa hai tác nhân chủ chốt của cuộc xung đột, nhưng lại có chiến lược và lợi ích đối lập nhau một cách căn bản.. » và Le Figaro nhận xét : « với những đồng minh như vậy, nước Pháp sẽ còn khó khăn nhiều ».
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc chiến đấu cơ của Nga đã cho thấy hai nước này đều có mối quan tâm riêng hơn là tiêu diệt thánh chiến. Bên thì muốn mượn cuộc chiến chống Daech để bảo vệ chế độ al-Assad đến cùng, bên thì cũng nhân danh chống khủng bố để tiêu diệt lực lượng đối lập Kurdistan.
Tương tự, Libération cũng đặt câu hỏi lớn : Ai là đồng minh (thực sự) của chúng ta ? Tờ báo dành nhiều trang báo để điểm mặt và phân tích các đồng minh có thể với cùng Pháp chống Daech.
Theo đánh giá của Libération : Hoa Kỳ là một đồng minh mờ nhạt ; trong khi chỉ có Hoa Kỳ có đủ tiềm lực quân sự cần thiết cho các chiến dịch tấn công Daech ở Irak và Syria. Nga là đồng minh cô lập. Mặc dù cuộc can thiệp vào Syria từ cuối tháng 9 đã giúp Nga trở lại nổi bật trên trường quốc tế, nhưng Tổng thống Putin vẫn chưa thoát hẳn khỏi thế cô lập vì lập trường bảo vệ Bachar al Assad, nhất là các mục tiêu không kích của Nga không chỉ là IS, mà còn cả các lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn.
Ván bài Trung Cận Đông càng trở nên phức tạp khi mà ông Putin, hôm Chủ nhật (22/11/2015) vừa qua trong cuộc gặp với lãnh tụ tối cao Iran giáo chủ Khamenei, vẫn tuyên bố không chấp nhận bên ngoài áp đặt kịch bản chuyển tiếp chính trị tại Syria, tức là không nhượng bộ để phương Tây loại bỏ Assad.
Chuyển qua các đồng minh trong vùng, Libération nhận thấy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và các nước vùng Vịnh khác hay Iran, tất cả đều có vẻ hăng hái nhảy vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng mỗi bên đều có lý do can dự vào cuộc chiến rất khác nhau, chủ yếu vẫn là « mượn gió bẻ măng ».
Cuối cùng là lực lượng tại chỗ. Libération đặt giả thuyết: nếu các nước đổ quân trên bộ để tấn công Daech, thì khi đó họ phải dựa vào các nhóm vũ trang trên chiến trường, đó có thể là quân đội của Damas, lực lượng người Kurdistan, các nhóm quân nổi dậy chống Bachar al Assad, cho đến lực lượng dân quân Hồi giáo Shia. Theo phân tích của tờ báo, thì tất cả đều là những nhóm hỗn quân, mục đích chính vẫn là chống lẫn nhau.