Phương trình Việt Nam… Phương trình Việt Nam – Ẩn số Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phương trình Việt Nam… Phương trình Việt Nam – Ẩn số Mỹ
Nguyễn Thùy
Nhan đề trên của bài viết nầy không do người viết tự đặt mà rút ra từ đôi dòng thơ của thi sĩ Quan Dương*. Thi ca người Việt lâu nay, đặc biệt ở hải ngoại đã nêu ra bao nhiêu sự kiện lịch sử đau thương liên miên dìm dân tộc, đất nước  cùng nhân dân vào tận cùng tăm tối, tan nát, điêu linh đủ mọi bề,.. để mọi người yêu nước giờ đây không ai không rùng mình cảm thấy cảnh mất đất nước, mất cả giống dòng về tay ngoại nhân phương Bắc mỗi lúc một gần kề (qua đôi tiết lộ về Hội nghị Thành Ðô) . Quan Dương cũng cùng tâm trạng đó nhưng qua đôi bài thơ tình, Quan Dương đã trao đến bạn đọc đôi ý nghĩ sâu sắc về cuộc chiến Việt Nam kéo dài hai mươi năm lẻ từ 1954 đến 1975. rồi từ sau ngày 30/04/75 (ngày mà người VN yêu nước gọi là ‘ngày quốc hận’), không chỉ toàn Miền Nam xác xơ tơi tả, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi mà cả nước từ Bắc đến Nam tụt hậu, thoái hóa, điêu linh cùng cực bỡi cái chế độ tàn bạo, phi nhân. Tủi hổ phận mình cùng đau buồn cho đất nước, Quan Dương cam phận ‘giả sống’ (từ của QD) nơi xứ người, ngày ngày trút đổ buồn đau vào thơ, vào truyện. Nỗi thống hận đó, chàng không chỉ trút vào cho tập đoàn Cộng sản  đã tàn phá dân tộc, quê hương, đồng bào mà còn hầu như trút cả vào mối tình Mỹ-Việt, một thời ‘ái ân’ để rồi gây bao tang thương, oan nghiệt  cho dân tộc VN, cho chàng và hàng hàng lớp lớp người như chàng. Bài thơChào Boston (trong tác phẩm thơ truyện ‘Ðợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao’) bóng gió nói lên điều đó.

Mượn hình ảnh thành phố Boston và cô nàng gái Mỹ, từ trên phi cơ từ giả, chàng chào cả hai :
 
                  Cổng phi trường
                  Bước chân ta dài hơn năm tháng
                  Em Mỹ trắng nhỏng nha nhỏng nhảnh
                  Ðịnh đá lông nheo lại ngại thấp hơn cái đầu
                  Cột giùm ta đuôi tóc huyền vén cao
                  Gió nổi cơn lùa vào cổ áo
                  Ta không tin em một đời ẩn số
                  Ðể ta luôn là những phương trình
                  Ðêm và rượu vào thơ Hoàng Lộc
                  Em xô tròn ta say khướt suốt đêm tìm
                  Tình hỡi tình
                  ‘Mồ tổ cha em !’
                  Yêu thật khổ lại thích đâm đầu vào khổ
                  (Ta vẫn nghĩ ta không trí trá
                   Cái khổ nầy gây bỡi từ em).
 
         Bài thơ tình nhưng mang chở những ẩn ý xa xôi. Không dám ‘đá lông nheo’ cô gái Mỹ vì thấy mình thấp nhỏ hơn cô, cái mặc cảm ‘nhược tiểu’ nào có thể đòi hỏi kẻ ‘cường quốc’ thật lòng thật dạ chiếu cố đến mình !. Nhưng ‘ta không tin em một đời ẩn số, để ta luôn là những phương trình’. Lời thơ bóng gió nói lên gì ? Lời thơ nói thay cho dân tộc VN. Có thể nào sau tháng ngày bầm giập, tái tê và trằn trọc về những điêu tàn của dân nước và phận  mình, Quan Dương băn khoăn suy nghĩ về những căn cớ bí ẩn nào trong cuộc chiến VN hai mươi năm lẻ  đã đẩy đưa hàng hàng lớp lớp chiến sĩ hùng anh đấu tranh cho lẽ sống còn của dân tộc phải rã ngũ, tan hàng bi thảm. Rồi từ tâm trạng đớn đau, từ trong tiềm thức, bất chợt chàng nhận ra ‘Việt Nam là một phương trình mang chứa cái ẩn số do Mỹ đặt vào’.

         Ẩn số của Hoa Kỳ nơi phương trình Việt Nam, về phía Hoa Kỳ là quyền lợi của Mỹ, là an ninh của Mỹ và thế giới, là Tự do, là Hòa bình, là ngăn chặn làn sóng đỏ, là cái chiến lược toàn cầu của đệ nhất siêu cường thế giới. Cái ẩn số đó, dưới mắt Cộng sản, là ‘thực dân mới’, là ‘đế quốc xâm lăng’ ; dưới mắt kẻ phản chiến khắp nơi là ‘cuộc chiến nhơ bẩn’ ; dưới mắt bao kẻ chính trị khác là ‘chiến tranh ủy nhiệm’, là ‘đối đầu của luỡng cực’ (Cộng sản – Tư bản). Cái ẩn số đó, đối với chế độ VNCH và nhân dân Miền Nam VN là ‘đồng minh, chiến hữu’ trợ giúp nhân dân Miền Nam chiến đấu tự vệ chống xâm lăng, bảo toàn độc lập, tự do, dân chủ, phồn vinh cho nửa nước còn lại sau Hiệp Ðịnh Genève 1954 qua phân lãnh thổ.
 
         Phương trình VN thay đổi theo từng giai đoạn chiến thuật của Hoa Kỳ : tiến công (nhưng không cần thắng ( !?), be bờ, đàm phán, ‘Việt Nam hóa chiến tranh’ và sau cùng ‘rút lui’ (một số người gọi là ‘tháo chạy’). Phương trình VN với ẩn số Mỹ hữu nghiệm hay vô nghiệm cho Hoa Kỳ ? Ðến nay, từ ngày 30/04/75, phương trình đã chứng tỏ là ‘hữu nghiệm’ với ‘nghiệm số kép’ nhưng lại là ‘nghiệm số âm’, âm cho Hoa Kỳ, âm cho cả phần dân tộc VN miền Nam. Cái ‘nghiệm số âm’ đó cho Hoa Kỳ là sự cam nhận, mang tiếng chịu ‘thất bại’ được biện minh qua cái chiến lược toàn cầu. Cái nghiệm số âm đó đối với nhân dân VN Miền Nam là bị cưỡng ép phải tức tưởi bại hàng để rồi sau đó oan khiên trùm mọi nẻo do cuộc ‘đổi đời’ dị hợm, do phải sống trong một thứ ‘hòa bình’ man trá, giả hình. Và cũng từ ngày đó, đến nay và còn bao lâu nữa, cả nước từ Bắc đến Nam dập dồn tang thương, thảm họa.
 
         Do đâu, phương trình lại có nghiệm số âm ? Do từ ‘Ðồng minh cờ giủ cuộc, Nửa sơn hà nghịch lũ cuốn trôi phăng..’ (thơ Song Nhị), do từ ‘Nước cờ chiến lược thí xe,…Lật trang sử phủi bàn tay, Tình chắp nghĩa vá từ nay xin chào’ (nt & tmx) đưa đến phản bội trắng trợn, bất chấp tình nghĩa, đạo đức, bất chấp mọi cam kết thủy chung. Ngoai trừ Cộng sản, cả thế giới gọi là tự do, hầu như ‘hoan nghênh’ (!) cái ‘nghiệm số âm’ đó  đối với Hoa Kỳ chứ không mấy để ý đến cái ‘nghiệm số âm’ đó đối với nhân dân một nửa nước Việt. Bao nhiêu trí thức thế giới, bao bình luận, xã luận của báo chí, truyền thông, của cả các nhân vật, chính khách dự phần vào cuộc chiến, kể cả các hồ sơ được giải mã của Hoa Thịnh Ðốn cũng không mấy chịu nhìn cái ‘nghiệm số âm’ đó đối với VN mà còn đổ lỗi cho VNCH và nhân dân Miền Nam. Sự ra đi của hàng nghìn rồi hàng trăm nghìn, hàng triệu người VN khuấy động lương tâm để bao tấm lòng ra tay cứu vớt thuyền nhân, hoàn toàn do nhân đạo, do lương tri con người, quả vô cùng đáng phục nhưng sự việc nầy không liên hệ gì đến chính trị, đến cái ‘nghiệm số âm’ của phuơng trình VN với ẩn số của Hoa Kỳ’ đã tạo nên sự ra đi ào ạt đó (cũng một số  người, một số nhân vật Hoa Kỳ hồi tâm nhận ra nhưng tiếng nói của họ bị át đi vì biến chuyển của thời cuộc). Xin không dông dài thêm. Người viết không làm công việc nhà chép sử hay bình luận chính trị mà chỉ nói lên đôi cảm nhận qua lời thơ của Quan Dương : ‘Ta vẫn nghĩ ta không trí trá, Cái khổ nầy gây bỡi từ em’, lời thơ vừa là lời biện bạch, vừa là một trả lời minh chứng  cái ‘nghiệm số âm’ do từ cái ‘ẩn số’ mà Hoa Kỳ đã đặt vào ‘phương trình VN’. Lời thơ tình vừa trao gởi vừa trách nhẹ người tình đã đưa cuộc tình hai ta vào nghiệm số âm.
 
         ‘Ta không tin em một đời ẩn số, Ðể ta luôn là những phương trình’. Hiện giờ, vấn đề VN lại trở nên sôi động cùng lúc với bao trường hợp khác : Biển Ðông, Ukraine, Quốc gia Hồi giáo IS ở Trung Ðông,… Hoa Kỳ xoay trục về châư Á. Vị trí chiến lược của VN lại trở thành  một phương trình mới. Liệu Hoa Kỳ có đặt một ẩn số nào cho phương trình VN mới nầy ? Hoa Kỳ đang trở lại với VN trong tình hình mới hiện nay. Việc nầy đáp ứng  nhu cầu an ninh, kinh tế của Hoa Kỳ, đáp ứng với mong muốn của người VN yêu nước nơi quốc nội và hải ngoại, kể cả với một vài ‘tai to mặt lớn’ trong Ðảng và guồng máy công quyền của tập đoàn Cộng sản VN. ‘Ta không tin em một đời ẩn số’, nhà thơ nghĩ như thế và mong như thế. Nhưng, trên thực tế, từ sau Ðệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ, siêu cường số một luôn sờ mó da thịt khắp địa cầu. Nơi nào hầu như cũng là phuơng trình mang ‘ẩn số’ của Hoa Kỳ đặt vào. Trong tương lai không rõ thế nào, chứ hiện nay, người viết nghĩ VN vẫn là phương trình với ẩn số Mỹ. Cái ẩn số đó sẽ đưa phương trình VN đến nghiệm số nào, Âm hay Dương ? Nguời viết không có khả năng tiên đoán. Có thể là nghiệm số kép, âm cho cả Hoa Kỳ và VN hoặc dương cho Hoa Kỳ mà âm cho dân tộc và đất nuớc, nhân dân VN trên cả nước chứ không chỉ riêng nửa nước như trước đây. Mong rằng phương trình VN mới nầy với ẩn số của Hoa Kỳ lần nầy sẽ là nghiệm số kép dương  cho cả Hoa Kỳ và VN và có thể cho cả thế giới dân chủ tự do. Ðược như thế quả là hạnh phúc nhưng, theo người viết, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thay đổi tâm thức để Hoa Kỳ là đệ nhất siêu cường hào hiệp thay cho bị mang tiếng là đế quốc. Người viết đã ít nhiều linh cảm đó qua bài thơ ‘Cuộc tình nghiệp dĩ’(amour karmique) năm 1989 tại trại tỵ nạn Pulau Bidong : ‘Hỡi cô nàng ngoại quốc, Bước phân vân hai hàng, Cô đẹp màu ma mị, Như màu sương đảo hoang,…Ðến bao giờ ta nói, Ðất trời chung quê hương, Nẻo đi về chung lối, Tình qua rồi mây sương ?’. (Hy vọng, ẩn số mà Hoa Kỳ đặt vào phương trình VN lần nầy, sẽ đưa phương trình VN vào ‘nghiệm số dương’ cho cả Hoa Kỳ và VN ;  sức mạnh của Hoa Kỳ là sức mạnh ‘giải phóng’ con người chứ không  để bao che những tập đoàn tay sai, những phe nhóm cầm quyền, những thứ nhà nước chỉ nhằm củng cố, hưởng thụ quyền lợi riêng tư, chà đạp mọi quyền sống thiêng liêng của con người).
 
         Trong một bài thơ khác, cũng do cái nghiệm số âm cho VN đến từ ẩn số Mỹ, Quan Dương có những lời thơ ai oán, nặng nề :
 
                      – Cầu đu dưới cổ con cò°
                        Có em nhảy vú  trên lề Bourbon°
                        Khoanh nhau chưa ấm chỗ nằm
                        Ðành tâm hất ngược chữ Tòng mang theo
                        ….
                        Chiếc cầu dang nắng đầu trần°
                        Hai mươi bốn dặm phơi thân giữa hồ°
                        Bãi nằm. Sóng dập. Triều xô
                        Qua cầu quên nhịp là đồ….mỹ nhân.
                                               (Vài đoản khúc về New Orleans)
                             (những chỗ có đấu ° là mượn tên, địa danh và đặc thù vùng New Orleans)
 
         Mãi rưng rức, tái tê thân phận người mất quê hương, sống đời lưu vong, Quan Dương đã từng lúc nhạo báng, khinh bỉ mình lúc nhìn hình mình trong gương :
                     – Mày ở đâu làm gì đứng đó ?
                       Hai con mắt ? Tại sao  trõm sâu thò lõ ?
                       Giống như thằng bại trận ở Việt Nam ?
                       Hắn cô quạnh như chiếc xe phế thải
                       Chiếc búa thời gian
                       Ðập nhừ đòn lịch sử
                       Nằm trên đe, hắn móp cả mặt mày
                       Cái thằng trong  gương
                       Ðúng là không giống ai
                       Thiệt là đục
                       Mất quê hương
                       Trăm ngàn mối nhục
                       Cái mặt trơ trơ giữa cuộc sống
                       Hèn….
                                            (Lời vô ngôn)
 
         Mỗi ngày 30/04 là mỗi lần tủi nhục, nghĩ đến phường chiến thắng liên hoan, nghĩ đến bao người chiến bại giờ đây lo mua bán hư danh, Quan Dương, người chiến sĩ một thời oanh liệt đấu tranh cho dân, cho nước, cũng ‘kỷ niệm’ ngày ầy với bao tê tái não lòng :
 
                     – Nước Mỹ bày cho ta trò thực dụng
                       Cân đo mua bán lượng nhân từ                          
                       Chút cổ phần chia xương máu bụm
                       Ðể dành cúng giỗ mỗi tháng tư
                       ….
                       Tề tựu về đây cùng nhảy múa
                       Hồn ở đầu non, xác cuối nguồn
                       Kẻ thắng trận dọn mâm bày mạo ngữ
                       Nguời thua bám đủa gắp hư danh
                       …
                       Ai cũng có phần vui hết biết
                       Nhớ chi cái thưở sống lưu đày
                       Lê lết nửa đời thân vong quốc
                       Còn gì ? Ngoài một nhóm tàn thây…
                                                 (Sau 23 năm)
 
         Những bài thơ thế nầy được gởi đến hàng hàng lớp lớp người Việt tỵ nạn Cộng sản nơi hải ngoại sẽ giúp nhận ra thảm cảnh dân nước do từ cả khối Cộng sản quốc tế cùng với cái ‘ẩn số Mỹ’ đã tạo nên ngày 30 tháng tư đen, xem đấy là ngày Quốc Hận của cả nước VN chứ không là ngày với tên gọi nào khác, để ‘cờ vàng ba sọc đỏ’ không còn nằm ủ rủ trong tim mà rực rỡ tung bay trên vòm trời đất nước nay mai. Xin đừng đuổi bám phù vinh, hư danh, lợi hão mà hãy suy tư : ‘Ta hiền hơn người đạo đức, Ngu ngơ hơn kẻ dại khờ, Nhưng ta không hề bội nghĩa lúc sa cơ, Cũng chẳng nhân danh bằng điều ngụy thiện, Ta chỉ là bất biến, Muôn đời trong gã suy tư’ (QD : Ðiếu thuốc và gã đàn ông). Vâng, xin hãy suy tư, suy tư nhiều hơn nữa. Suy tư để thấy mỗi lời mình nói, mỗi việc nhỏ mình làm có đem lại chút lợi ích nào cho cảnh nước tình dân thoát vòng u tối chứ không là kẻ ‘hèn’do một chút hư danh, một chút lợi  nhỏ cho mình, làm dày thêm đêm đen đang phủ trùm dân tộc.         
         
          Cũng do từ cái ‘nghiệm số âm’ cho VN ngày đó mà một cô gái xuân xanh Vũ Thị Tố Loan (tên ghi dưới nhan đề bài thơ), nõn nà da mát phù sa, nụ môi hồng chưa ngọt miếng hôn ai, ‘trên chiếc xe Trung Cộng với gã công an vũ khí Liên Xô ‘Báng súng đẩy em vào cánh cổng, Bài học đầu : độc lập tư do..Em mười bảy tóc dài rối bủa, Ði chân trần còng Mỹ cùm tay’. Lời thơ tả cảnh em bé vào tù sao nghe ra thê thảm. Hiện thực là vậy đó. Em bé VN cùm tay bỡi còng Mỹ, được chở trên xe Trung Cộng, tên công an VN Cộng sản với vũ khí Liên Xô đẩy vào trại tù, học bài học đầu tiên ‘độc lập tự do’ sao mỉa mai, hài hước đến thế ! Cả ba nước lớn Cộng sản lẫn Tư bản cùng ‘về hùa’ hay cùng ‘hợp tác’ ( !?) với Cộng sản VN đày đọa em bé gái VN : ‘Tiếng giục thét hét hô thịnh nộ, Giương mắt nai em ngơ ngác nhìn, Trên khuôn mặt còn thơm sách vở, Rừng lắc đầu bất lực quay lưng’. Bài học đầu ‘độc lập tự do’ cho em sao mà mai mỉa, phũ phàng ! Sự việc bé nhỏ nhưng sức mạnh tố cáo lớn lao :
 
                     – Trách lịch sử quay lưng khiếp nhược
                       Trách con người biển lận từ tâm
                       Hay trách em sinh lầm đất nước
                       đầy oan cừu, ngụy trá, nhân danh
                       Vòng rào đó em phơi chiếc áo
                       Nắng đâm qua những lổ rách buồn
                       Ai cào xé mảnh tình đất nước
                       Gởi sang em vá nỗi đau chung
                       Xưa chiếc áo tù nhân em vá
                       Ðậy dậy thì che buổi lao cung
                       Áo con gái đụp đùm trăm ngã
                       Lớn em từng mũi chỉ đường kim
                       Xưa họng súng, gông cùm, xiềng xích
                       Em tù nhân, tôi tù tàn binh
                       Thân cá chậu, chim lồng, vong quốc
                       Chưa một lần dám ngỏ tình riêng
                       Nay trôi em biệt vô âm tín
                       Mảng tình riêng dấu kỹ đáy lòng
                       Chiều thất tán, run bàn tay vịn
                       Tháng năm xưa. Khuấy lại núi rừng..
                                   (Còn mãi một buổi chiều trong tôi)
 
         Một bé nhỏ, một cảnh đời, một bài thơ. Có thảm cảnh nào hơn, man rợ nào hơn, bi đát nào hơn  và một ‘đồng lõa’ nào hơn của bao kẻ ác phũ phàng vùi giập một bé thơ nước Việt trong trắng, hồn nhiên ? Ôi Việt Nam ! Lịch sử Người ra sao mà oan nghiệt chất chồng lên đầu ngay những búp măng non mới lớn, tóc xanh chưa kín mái đầu đã phải rụi tàn trong nghiệt ngã ? Xin hãy hình dung cảnh đó để tràn dâng xúc động, tràn dâng oán hờn, tràn dâng khóc thương cho bé gái, khóc thương cho chính mình, cho cả dân tộc VN bị bao kẻ ‘đồng lõa’ dồn vào khổ nạn, tang thương. Ðể suy tư, vâng, để suy tư về cái cảnh ‘máu ta đạn người’ suốt bao năm cuộc chiến tương tàn để phải:’… Ðánh cho nước vỡ nhà tan, Ðẹp lòng bên bán, thỏa lòng bên mua’…(nt & tmx : VN tân huyết sử diễn ca).
 
         Hãy suy tư, cả bên nầy, bên kia chiến tuyến. Phương trình VN là của ta, ẩn số cũng do ta đặt vào, tình hình bên ngoài chỉ là hệ số ứng hợp với cái ẩn số do ta chọn lựa để đua dẫn phương trình VN đến nghiệm số dương cho một ngày ‘Hội Non Sông’ tưng bừng hoa nở.
 
         Người con gái kia còn sống chăng hay đã chết trong tù, trong bệnh tật, trong nghèo đói, trong chuyến vượt biển, vượt biên, làm mồi cho hải tặc, kình ngư , chôn mình nơi đại dương sâu thẳm ?. Quan Dương không còn gặp lại nhưng mảnh vá chiếc áo, không thể nào quên. Cô gái vá những lổ rách trên chiếc áo bầy nhầy, vá lại da thịt bé thơ trầy trụa vì đòn thù, vá lại tấm thân thể VN trùng trùng lổ rách. Quan Dương không quên những mảnh vá đó để dù nơi đây’…Trái đất rồi bao năm, Dư thằng tôi : đống rác’ (đống rác) , dù nơi đây ‘ …lê thân nửa vòng cầu, Làm tên tục tử bán sầu sinh nhai’ (Tự thán) , Quan Dương luôn là ‘…kẻ không biết xu thời’ (Món quà tặng em), vẫn hướng đến một ngày ‘….Ở con người nếm trải chung thân, Ở nơi ước mơ ngoài tầm tay với, Sao lại là ta ngóng cao cổ đợi, Giữa cõi trần gian một chốn thiên đường’ (Nắng tĩnh lặng).
 
         Thơ Quan Dương luôn luôn rưng rức tâm can nhưng chất ngất cái ‘can trường hiện hữu’ của con người đã mất tất cả. Thơ cho thấy bản tính con người lì lợm, kiêu hùng, đùa giỡn với gian truân, phải ‘giả sống’ giữa cái ‘sống giả’ của bao người. Thơ vừa tha thiết vừa ngông nghênh, trang trọng trong đùa nghịch, chân thành trong bướng bỉnh, thiết tha trong giỡn chơi, vừa hiện thực vừa tố cáo, vừa diễu mình diễu người, diễu cả với người thân nhất như với vợ, với con, với gái nhưng lúc nào cũng đưa dẫn người đọc vào suy tư, suy tư về mình, về nguời, về quê hương, đồng bào, về lời thề ‘Tổ quốc, trách nhiệm, danh dự’ của người lính VNCH dù bây giờ có tang thương cùng độ cũng luôn luôn ngan ngát lời thề son sắt trước đây. Thơ Quan Dương buồn, đau, tủi nhục nhưng khí khái, kiên cường, vừa đưa vào suy tư vừa làm dậy lên nơi ta ý chí phải làm gì cho dân, cho nước. Những tính chất đó khiến thơ Quan Dương phần nào có khác với thơ một số người.  
________
* Quan Dương, tên thật Dương Công Quan, sinh năm  1950 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa,cựu học sinh Trung học Ninh Hòa, Võ Tánh (Nha Trang), SQTB  khóa 6/69 Thũ Ðức, 6 năm tù cải tạo (trại A30) Tuy Hòa, Phú Yên, đến Mỹ tháng 6/93 (HO 17), hiện định cư tại Louisinia. Quan Dương chỉ mới cấp bực Chuẩn úy hay Thiếu úy. Tác phẩm : Ngậm Ngùi (1996), Ruột Ðau Chín Khúc (1998), Ðợi Khuya Tàn Bắt Sống Một Chiêm Bao