« Cải tạo đảo », « cơi nới đảo » hay là « xây dựng đảo nhân tạo » ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

« Cải tạo đảo », « cơi nới đảo » hay là « xây dựng đảo nhân tạo » ?

Posted by adminbasam on 22/11/2015

22-11-2015
Báo chí VN hầu hết, trong cũng như ngoài nước, gọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo của TQ là « cơi nới đảo » hoặc « cải tạo đảo ». Cách gọi này rất sai, gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » ở Biển Đông của TQ.
Rõ ràng hành vi của TQ là « xây dựng đảo nhân tạo » chớ không phải « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo ». Báo chí Pháp ngữ viết rất đúng là « construction d’îles artificielles ».
Theo định nghĩa về « đảo » của Luật Biển : đảo là một dãi đất tự nhiên có nước bao bọc chung quanh và không bị nước che lấp khi thủy triều lên.
Một số các cấu trúc địa lý (ở Trường Sa) mà TQ xây dựng (thành đảo nhân tạo), trước kia vốn không phải là « đảo », chúng chỉ là những bãi ngầm, bãi lúc chìm lúc nổi… Một số là « đá » nổi thường trực trên mặt nước biển.
Sự phân biệt « đảo », « đá » hay bãi chìm, bãi lúc chìm lúc nổi… rất quan trọng. Bởi vì một « đảo » có thể phát sinh ra vùng « kinh tế độc quyền – ZEE » rộng đến 200 hải lý, trong khi một « đá » thì chỉ có lãnh hải (nhiều lắm) là 12 hải lý. Còn các bãi chìm, bãi nửa chìm nửa nổi thì không có gì hết cả.
Các « đảo nhân tạo » của TQ vừa xây dựng ở Trường Sa (trên các bãi đá chìm nổi thuộc VN năm 1988) không phải là « đảo ». Đơn giản vì đó không phải (hay không còn) là những dãi đất « tự nhiên » (theo như định nghĩa của Luật Biên 1982). Chúng là những dãi đất do người đắp lên.
Vì là các « đảo nhân tạo », TQ không có « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » ở những nơi này, mà chỉ có thể có « quyền sở hữu – titre de propriété ». Một quốc gia có thể « chinh phục » danh nghĩa chủ quyền ở một lãnh thổ (vô chủ) nhưng không thể « xây dựng » chủ quyền ở một « lãnh thổ » sinh ra từ những hành vi bồi đắp, xây dựng.
Người ta gọi việc « cơi nới đảo » là những hoạt động nhằm mở rộng diện tích một « đảo ».
Người ta sử dụng ngôn từ này khi đã chứng minh được rằng trước đó, cấu trúc địa lý đó là « đảo ».
Các nhà báo VN có ai chứng minh được rằng các cấu trúc địa lý (trước khi được TQ xây dựng) là « đảo » ?
Không thể chứng minh phải không ? Vì vậy các nhà báo đã sử dụng sai từ ngữ.
Người ta gọi việc « cải tạo đảo » là những hành động nhằm mục đích củng cố đảo trước sự xâm thực, xói mòn của nước biển và thủy triều. Một số các hoạt động của VN ở các đảo TS là « cải tạo đảo ».
Việc « cải tạo đảo » nhằm mục đích củng cố « nguyên trạng – état actuel » của các đảo.
Trong khi các hoạt động của TQ là nhằm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý ở TS.
TQ đã làm thay đổi tình trạng (địa lý và pháp lý) : 1/ đá thành đảo nhân tạo, 2/ bãi chìm thành đảo nhân tạo và 3/ bãi lúc chìm lúc nổi thành đảo nhân tạo.
Khi nói rằng hành động của TQ là « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo » là gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » Biển Đông của TQ.
Mà việc dùng chữ sai này, đầu tiên đến từ nhà nước VN, sau đó loan truyền ra giới học giả và báo chí. Đó mới là điều chết người.
____

Obama: ‘Các nước nên ngưng cải tạo đảo’

22-11-2015
H1Tổng thống Barack Obama nói các nước nên ngưng cải tạo đảo và quân sự hóa tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
“Vì ổn định khu vực, các nước tuyên bố chủ quyền nên ngưng cải tạo, xây dựng và quân sự hóa khu vực có tranh chấp,” Tổng thống Hoa Kỳ nói tại phiên họp giữa ông và các nhà lãnh đạo 10 nước Asean.
Ông Obama nói ông khuyến nghị Asean làm việc nhằm đưa ra một bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông bao gồm giải quyết các tranh chấp, việc tự do đi lại và tự do bay tại khu vực có tranh chấp một cách hòa bình.
Trung Quốc trước đó nói họ không muốn chủ đề Biển Đông là trọng tâm của các cuộc họp tại Kuala Lumpur.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tại phiên họp với Asean, đã bày tỏ quan ngại lớn về việc Bắc Kinh cơi nới đảo với sự hiện diện của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Không nêu tên Trung Quốc cụ thể, ông nói về “hành động đơn phương sẽ làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trong khu vực”.
Được biết Thủ tướng Trung Quốc và các nhà lãnh đạo khác không bình luận gì về chủ đề này.
Tổng thống Barack Obama trước đó kêu gọi Trung Quốc ngưng cơi nới và xây thêm đảo nhân tạo tại Biển Đông khi ở Manila dư hội nghị Thượng đỉnh Apec.
Tại đây nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng nói rằng ông mong muốn làm việc với tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để giải quyết bất đồng.
Ông Obama có một số cuộc họp song phương bên lề với giới lãnh đạo các nước có quan tâm tới chủ đề Biển Đông trong đó có Nhật Bản và Philippines trong chuyến thăm châu Á.
Trang web Chính phủ Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ vào chiều ngày 21/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hoa Kỳ đóng góp tích cực hơn nữa vào việc đảm bảo hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, kể cả ở Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Barack Obama khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam,” báo điện tử Chính phủ Việt Nam đưa tin.
Hiện chưa rõ cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Dũng là họp riêng hay trao đổi thông thường bên lề hội nghị.
“Việc Obama không đến Hà Nội trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập bang giao cũng như sự lạnh nhạt bên lề của các hội nghị ở Philippines và Malaysia là thông điệp mạnh mẽ nhất được gửi đến Bộ Chính Trị Hà Nội. Đã đến lúc Hà Nội chọn bạn mà chơi,” luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát chính trị Việt Nam, từ Canada bình luận trên facebook của ông.
Vào giai đoạn cao điểm của căng thẳng Việt Trung do vụ giàn khoan 981, Thủ tướng Dũng từng mô tả về điều ông gọi là “tình hữu nghị viển vông” giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Tuy nhiên trả lời đại biểu quốc hội gần đây Thủ tướng Dũng khẳng định “Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.”
Thủ tướng Dũng cũng khẳng định “Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây có tuyên bố chính thức phản bác lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore liên quan chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 7/11, một ngày sau khi rời Việt Nam, phát biểu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại.
“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và cơ sở về chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
“Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông; đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới”,người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói vào ngày 12/11.
Trong một thông cáo ngày 17/11, Nhà Trắng cho biết “tăng cường năng lực an ninh hàng hải của các đồng minh và đối tác” nhằm mục đích “đáp trả với những nguy cơ” trên vùng biển ngoài khơi của các nước này và đảm bảo an ninh hàng hải cho cả vùng.
Hoa Kỳ nêu rõ những hợp tác hàng hải với Việt Nam trong thông cáo này, gồm các điểm:
“Tăng hỗ trợ chương trình hàng hải cho Việt Nam lên 19,6 triệu USD trong năm tài khóa 2015 để hỗ trợ phát triển năng lực hàng hải của Đông Nam Á, và có thể mở rộng tài trợ lên đến 20,5 triệu USD trong năm 2016.
“Chúng ta đang giúp Việt Nam phát triển mạnh hơn tình báo hàng hải, giám sát, trinh sát (ISR), chỉ huy và kiểm soát trong nội bộ các cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam.
Gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trên biển để lực lượng hàng hải Việt Nam phát triển, và ủng hộ các hoạt động hợp tác với các lực lượng khác trong khu vực.Hai bên mở rộng huấn luyện và tập trận, tập trung vào cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.”