Chuyên gia Pháp: “Big data” không giúp chặn được các vụ tấn công khủng bố

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyên gia Pháp: “Big data” không giúp chặn được các vụ tấn công khủng bố

Alain Chouet, cựu lãnh đạo tình báo Pháp.Wikipedia

Theo RFI

Đăng ngày 23-11-2015
Ngành tình báo Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung bị chỉ trích mạnh sau loạt khủng bố tại Paris. Chính phủ Pháp đang đề ra một dự thảo luật liên quan đến thu thập thông tin. Theo đó, dự luật mang tên “big data” có thể sẽ cho phép ngăn chặn được các vụ khủng bố. Trả lời các câu hỏi của AFP ngày 22/11/2015, ông Alain Chouet, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo an ninh DGSE lại cho rằng nên dựa vào công tác thẩm định và nguồn nhân lực hơn là “big data” để chống lại các kế hoạch khủng bố của quân thánh chiến. Theo ông, việc theo dõi sít sao công dân chỉ hiện hữu ở những chế độ độc tài.
Hệ thống giám sát hàng loạt, như những gì người ta gọi ” big data”, dự kiến sẽ được đưa vào trong bộ luật mới về thu thập thông tin, liệu có thể giúp ngăn chặn được các vụ khủng bố tại Paris? “Rất có thể là không. Hệ thống giám sát hàng loạt trước tiên có lợi điểm để dò bắt sự hình thành các mạng xã hội, xác định các dấu hiệu báo động có liên quan đến một số thay đổi về hành vi cá nhân hay tập thể, xác định môi trường cấu trúc nhạy cảm, nhưng nó không cho phép thâm nhập được bí mật của các mưu đồ. Nhất là với những đối thủ chính họ cũng làm chủ được việc sử dụng các công cụ điện tử và thông tin. Một ví dụ điển hình là tại Hoa Kỳ. Quốc gia này có một bộ máy giám sát hàng loạt chuyên đi xâm nhập. Thế nhưng điều đó cũng không cho phép họ đối phó với những hành động gần như thái quá mỗi ngày của những cá nhân chuyên đi xả súng một cách mù quáng tại các lớp học, các trường đại học, siêu thị và nhà thờ. Hệ thống giám sát đó đã không giúp dự báo được vụ tấn công khủng bố do anh em nhà Tsarnaev thực hiện trong kỳ chạy việt dã ở Boston, vào lúc mà cả hai đối tượng này đã trao đổi với nhau về dự án của chúng trên điện thoại hay trên các mạng xã hội rồi. Mặt khác, tướng Alexander, lãnh đạo NSA, trong một kỳ trả lời chất vấn trước ủy ban do Quốc hội Mỹ thành lập vội vã đã phải từng nhìn nhận là việc thu thập hàng loạt các dữ liệu do bộ phận của ông thực hiện chỉ giúp phá vỡ “một và có thể là hai vụ tấn công khủng bố“. Hệ thống giám sát hàng loạt chỉ hữu ích khi chúng được một hệ thống nhân lực có định hướng, biết phân tích và có chuyên môn sắc bén sử dụng. Điều đó sẽ giúp tách và phân biệt những gì có tính nổi bật trong mớ thông tin khổng lồ đó để xác định những mối đe doạ. Việc tăng cường đáng kể các phương tiện chống khủng bố đã được thông báo. Những biện pháp nào được ưu tiên ? Ưu tiên đầu tiên chắc chắn phải là trao lại một tầm quan trọng cho việc thu thập thông tin thông qua nhiều nguồn nhân lực, những nguồn có thể hoặc thâm nhập được vào những tổ chức thù địch – những tổ chức vừa khó khăn vừa rất nguy hiểm ; hoặc ít nhất tiếp cận được đầy đủ những tổ chức này để phân biệt được ai vào ai ra, các manh mối thiết bị và người báo động, diễn tiến chiến lược và chiến thuật của các lãnh đạo của tổ chức này, xác định một cách chính xác càng tốt những kẻ thi hành cũng như sự di chuyển của những người này. Cách tiếp cận này cũng phải được các hệ thống chuyên gia định hướng, trợ giúp và phân tích hỗ trợ. Dĩ nhiên, vấn đề chính ở đây là chuyên môn cần thiết của người thực hiện những kiểu hệ thống tìm kiếm như vậy không thể có được trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi nhiều năm đào tạo, tốn kém chi phí, và cũng không thể chuyển đổi với những kiểu đe dọa khác. Vì vậy, cách tiếp cận này có lẽ sẽ trở thành một gánh nặng quá sức khi có một lượng lớn mối đe dọa xảy ra. Việc cho rằng một ngày nào đó có thể sẽ phát hiện và chống lại mọi kiểu đe dọa, chẳng hạn như việc quân thánh chiến đang chống lại các nước Phương Tây, liệu có thực thi được không ? Không. Ngoại trừ việc thiết lập một chế độ độc tài, giám sát sít sao mỗi công dân, bằng không, không có một bộ phận an ninh nào trên thế giới có thể đảm bảo có một mạng lưới giám sát chặt chẽ để dự báo mọi hành vi bạo lực do từng cá nhân hay một nhóm nhỏ người thực hiện. Nếu mà có được như thế, thì ngay cả những tên tội phạm thông thường chắc cũng đã được ngăn chặn rồi. Do đó, chúng ta nên nghĩ xa hơn một chút ngoài những mối đe dọa trước mắt. Nói đúng ra, khi tiếp tục truy đuổi những kẻ đã thực hiện những hành vi bạo lực thánh chiến, các lực lượng an ninh phương Tây đang bị đuối sức trong một cuộc đua bất tận bởi vì trong số một tỷ rưỡi người Hồi giáo trên thế giới, chúng ta sẽ chỉ tìm thấy được chừng vài chục người cuồng tín, những kẻ mắc bệnh nhân cách, những kẻ có cách hành xử sai lệch có thể thực hiện hành động bạo lực này. Khi tiếp tục truy đuổi bất tận những kẻ này, chúng ta đang tấn công vào tác động của bạo lực chứ không phải vào nguyên nhân. Chúng ta đang cố gắng chữa trị những triệu chứng của căn bệnh mà không tiệt trừ được những tác nhân gây bệnh. Những tác nhân này vẫn tiếp tục lây lan trong suốt 30 năm qua là nhờ vào một số chế độ Ả Rập mang hệ tư tưởng chính thống cực đoan Salafi và hệ phái Wahhabi. Đối với những chế độ này, điều đó có thể giúp họ đối phó được với Iran theo hệ phái Shia cũng như các trào lưu chủ nghĩa dân tộc và dân chủ đang làm mất dần tính chính đáng của những chế độ này.