Myanmar thực hiện thành công cuộc cách mạng Dân chủ từ trên xuống
Thiện Tùng
Độc tài đối lập với Dân chủ. Độc tài đa dạng như Vua Chúa trị, Gia đình trị, Đảng trị, Quân đội trị. Dân chủ chỉ có một dạng, có khác chăng ở mức độ cao hay thấp, thật hay giả. Dân chủ, Đa nguyên chính trị là khuynh hướng thời đại. Điều đó nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN cũng đã nhận ra và ghi rõ ở điều 25 Hiến pháp hiện hành.
Cùng là thể chế chính trị Độc tài, Myanmar (Miến Điện) bế tắc trong thể chế độc tài Quân đội trị, còn Việt Nam cũng đang bế tắt trong thể chế độc tài Đảng CS trị. Giới cầm quyền Myanmar mạnh dạn, chủ động chuyển đổi từ Độc tài sang Dân chủ một cách êm thấm, còn giới cầm quyền Việt Nam chưa vượt qua được chính mình, không làm được như Myanmar, đang như gà con vướng tóc là do đâu ?
Chuyển đổi thể chế chính trị Độc tài sang Dân chủ có 2 cách: một là “từ trên xuống”, hai là “từ dưới lên”. Thực tế cho thấy, chyển đổi từ trên xuống (tự thân) đều diễn ra êm thấm như các nước Cộng sản Đông Âu hồi thập niên 90 hay Cuba, Myanmar gần đây. Chuyển đổi từ dưới lên khó tránh khỏi “nẹt lửa” giữa dân và nhà cầm quyền như đã và đang diễn ra ở một số nước Trung Cận Đông . Dưới thể chế Độc tài Đảng CS trị như Việt Nam và Trung Quốc, nếu đảng cầm quyền không tự giác chuyển đổi từ trên xuống, sớm muộn gì cũng phải đón nhận chuyển đổi từ dưới lên. Đó là điều bất hạnh đối với dân tộc nói chung, với đảng độc tài nói riêng.
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein vừa chúc mừng đảng ̣đối lập của bà Aung San Suu Kyi thắng lợi trong kỳ bầu cử vừa qua (90% phiếu sơ bộ).
Qua vụ bầu cử dân chủ ở Myanmar, có không ít người ước ao “Việt Nam cần một Aung San Suu Kyi để chuyển đổi thể chế chính trị từ Độc tài sang Dân chủ một cách êm thấm”. Ước ao như thế là phủ nhận thực tế: Hãy kiểm lại xem, ở Việt Nam ta, nhiều năm qua, đã và đang có quá nhiều người như bà San Suu Kyi, họ đấu tranh bất bạo động không biết mệt mõi, không chỉ bị quản thúc tại gia như bà San Suu Kyi, mà bị “Đảng ta” hành hạ và cầm tù vì cái tội yêu cầu chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ.
Myanmar chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân chủ êm thắm, cái chính không phải do bà San Suu Kyi mà do trong bộ máy Độc tài Quân đội trị còn có những người cao thượng, với tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cục bộ, cá nhân cho lợi ích cộng đồng dân tộc Myanmar, nổi trội là Tổng thống Thein Sein. Vậy là ở VN đã có nhiều tổ chức Xã hội Dân sự chưa được nhà cầm quyền công nhận (chỉ mặc nhận) và lắm người như bà San Suu Kyi, chỉ cần trong Đảng cầm quyền có những người cao thượng… như Tổng thống Thein Sein thì việc chuyển đổi từ thể chế Độc tài Đảng trị sang thể chế Dân chủ dễ như trở bàn tay? Rất tiếc ở Việt Nam ta, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng cầm quyền chưa có người ngang tầm Thein Sein!
Dân chủ, đa nguyên chính trị là thể chế ưu việt mà nhân loại đang áp dụng và ngưỡng mộ. Việt nam không thể giữ mãi thể chế chính trị độc tài lỗi thời, sớm muộn gì tất yếu phải chuyển sang thể chế Dân chủ Đa nguyên. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam chuyển đổi theo hình thức từ trên xuống hay từ dưới lên? Chỉ có thể chọn một trong hai. Nếu chọn hình thức chuyển đổi từ trên xuống, đòi hỏi phải có ít nhất một người có vị thế trong Đảng CSVN mạnh dạn “thoát Trung”, dám nghĩ dám làm như tướng Thein Sein. Sức chịu đựng của con người bao giờ cũng có giời hạn, nếu chờ mãi “Đảng ta” không chịu chuyển đổi từ trên xuống, người dân phải dùng áp lực hay bạo lực chính trị chuyển đổi từ dưới lên. Như đã nói, chuyển từ dưới lên là việc cực chẳng đã, có thể dẫn đến bất hạnh không chỉ đối với người dân mà còn đối với cả Đảng cầm quyền.
Bà Aung San Suu Kyi đàm thoại với ông Tập Cận Bình
Khi có tin Myanmar tổ chức bầu cử, thiết lập thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, công chúng tỏ ra mừng vui, và mong Việt Nam ta sớm có thể chế Dân chủ như ở Myanmar. Ước mơ là quyền con người phải được tôn trọng, nhưng sao tôi cảm thấy xót lòng, vì ước mơ ấy dù chính đáng đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Bởi vì, Đảng CS VN chưa hẳn chịu “thoát Trung”, vẫn khòm khòm bám lấy Đảng CSTQ làm lưng dựa để tiếp tục giữ địa vị thống trị của mình. Ở đây đó trong hàng ngũ lãnh đạo “Đảng ta” còn có người thiển cận, hẹp hòi, cục bộ cho rằng “thà mất nước còn hơn mất Đảng”. Lãnh đạo “Đảng ta” còn mùi mẫn hứa hẹn với “đồng chí phương Bắc” của mình: giữ chặt mối quan hệ song phương, vì “đại cục”, thực hiện 4 tốt và 16 chữ vàng. Và, ngoài việc cơ cấu con em của mình “nối ngôi”, Đảng CSVN còn tiếp tục gởi người sang Trung Quốc đào tạo để “nối nghiệp” những viên Thái thú Tàu vốn có trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.
Con người khi mất hết hy vọng mang tâm lý hết muốn sống. Tại sao những người thất nghiệp, nghèo khó lại là những người vét tiền mua vé số? Họ mua hy vọng trúng số ấy mà. Cũng như, vì quá khổ với nạn Độc tài, khi thấy thể chế Dân chủ xuất hiện ở Myanmar người ta vẫn hy vọng, dầu đó chỉ là mơ ước xa vời.
17/11/2015
T.T.
Tác giả gửi BVN