Báo TQ xấc xược: “Chỉ cần 3 ngày là biến Việt Nam thành tỉnh của TQ”
Tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tập trận đổ bộ: Tàu đổ bộ cỡ lớn Tỉnh Cương Sơn thả tàu đệm khí (ảnh tư liệu minh họa)
Posted by adminbasam on 19/11/2015
Đôi lời: Báo quốc doanh lấy hình ảnh người dân biểu tình chống Trung Quốc ra để phản đối Trung Quốc: “Các địa phương ở Việt Nam cũng đã nổ ra các cuộc biểu tình, tuần hành quy mô lớn phản đối hành động của Trung Quốc…“. Vậy biểu tình là hợp pháp hay “vi phạm pháp luật”? Không thể lập luận kiểu nước đôi, lúc thì cho rằng biểu tình chống TQ gây bất ổn, lúc thì mang hình ảnh những người biểu tình chống TQ ra để phản đối TQ.
Trong bài còn có hình ảnh tướng Đỗ Bá chụp chung với các tướng lãnh cao cấp của Mỹ. Khi bị TQ đe dọa thì mang hình ảnh của Mỹ ra để che chắn, những lúc khác thì TQ vẫn là “bạn vàng, bạn tốt” của đảng và nhà nước. Các lãnh đạo ĐCS VN đi hai hàng là chuyện của họ, nhưng những người làm báo cần lập trường rõ ràng. Những lúc người dân xuống đường biểu tình chống TQ, bị đánh đập, các nhà báo hãy can đảm lên tiếng phản đối những kẻ đánh đập, hành hạ người yêu nước. Hoặc khi Việt Nam bị TQ đe dọa tấn công, nên lấy hình ảnh các lãnh đạo đảng và nhà nước tay bắt, mặt mừng với lãnh đạo ĐCS Trung Quốc ra nói chuyện với họ, hỏi họ rằng cớ sao “bạn bè thân thiết” nồng ấm như thế mà dọa đánh đấm hoài vậy?
_____
Đông Bình
17-11-2015
(GDVN) – Báo Trung Quốc tiếp tục giở giọng xuyên tạc cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và kinh tế hợp pháp trên Biển Đông của Việt Nam, đe dọa dùng vũ lực xâm lược.
Tờ “Tầm nhìn” (qianzhan) Thâm Quyến – Trung Quốc ngày 15 tháng 8 đăng bài viết sặc mùi “hỏa lực mồm”, kèm theo giọng điệu xấc xược cho rằng, từ khi Trung Quốc hạ đặt (phi pháp) giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), Việt Nam đã bắt đầu cuộc chiến “tranh đoạt” (đấu tranh bảo vệ) chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam “kín tiếng”, ít “gây phiền phức” cho Trung Quốc.
Bài báo ngang ngược xuyên tạc, chỉ trích Việt Nam rằng, Chính phủ Việt Nam ngày càng “trắng trợn khiêu khích” trên Biển Đông, đổ lỗi cho Việt Nam từ “kín tiếng” đi tới “lưu manh”.
Cho rằng, Việt Nam lần này “phản ứng lớn” là do có liên quan đến “người Việt chống Trung Quốc thâm căn cố đế”, ngoài ra còn do lo ngại Trung Quốc chiếm nốt các đảo đá, sức hút của tài nguyên Biển Đông và được “Mỹ hỗ trợ”.
Nhưng bài báo dẫn “truyền thông phương Tây” (không danh tính, không căn cứ) cho rằng, một khi Quân đội Trung Quốc tiến hành “phản kích” (xâm lược) toàn diện đối với Việt Nam thì không đến 3 ngày là có thể “nắm được” (cướp được) toàn bộ Việt Nam.
Theo bài báo, gần đây, Việt Nam liên tiếp “gây khó” cho Trung Quốc, ngoài lo ngại “lợi ích đã có” ở Biển Đông bị Trung Quốc “thu hồi” (cướp), một nguyên nhân rất quan trọng là “có Mỹ hỗ trợ” đằng sau. “Nhưng Việt Nam sẽ khó đạt được ý đồ do khoảng cách thực lực Trung-Việt…” – bài báo tuyên truyền.
Bài báo lo ngại, các hãng dầu khí lớn nhất thế giới của Mỹ và Anh như Exxon Mobil, BP hầu như đã chuẩn bị coi thường sự phản đối, cảnh báo của Trung Quốc, (báo này dùng từ) “câu kết” với Việt Nam, tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở “vùng biển chủ quyền của Trung Quốc” (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc vẽ bậy ra “đường lưỡi bò” để đòi ăn cướp biển đảo của Việt Nam và các nước).
Bài báo dẫn lời một người phát ngôn của công ty BP ngày 22 tháng 7 năm 2013 nói tại London rằng, đối tác hợp tác của công ty này, công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam đã bắt đầu trở lại hoạt động khoan thăm dò tại khu vực mà Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền (đòi hỏi này là bất hợp pháp). Khu vực này nằm ở giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển khoảng 370 km.
Nhưng, báo Trung Quốc dọa dẫm rằng, khác với thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, hiện nay thực lực quốc gia của Trung Quốc nhất là thực lực quân sự đã đủ để giúp họ “chiến thắng” các đối thủ khu vực, từ đó đoạt lấy (cướp lấy) chủ quyền Biển Đông, “chỉ cần Trung Quốc quyết tâm hành động, một khi Quân đội Trung Quốc hành động toàn diện thì Việt Nam e rằng không chịu nổi 3 ngày” và biến thành 1 tỉnh của Trung Quốc – “hỏa lực mồm” của Trung Quốc phun giọng cực kỳ hiếu chiến.
Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam: Bắt đầu từ vũ khí hải quân
BBC Anh đưa tin, ngày 16 tháng 8 tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, trong thời gian tới, Mỹ sẽ thảo luận khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Tướng Martin Dempsey cho hay, dỡ bỏ lệnh cấm vấn vũ khí sẽ có lợi cho xây dựng lực lượng Hải quân Việt Nam. Ông nói: “Biển (hàng hải) là lĩnh vực quan tâm nhất hiện nay của chúng tôi, đề nghị của tôi là, nếu dỡ bỏ lệnh cấm vận thì cần bắt tay từ cái này”.
Năm 1995, quan hệ Việt-Mỹ bình thường hóa, nhưng, xuất phát từ một số vấn đề theo quan điểm Mỹ, Mỹ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đoàn đại biểu cấp cao Quân đội Mỹ do Đại tướng Martin Dempsey dẫn đầu ngày 13 tháng 8 đã bắt đầu tiến hành chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thăm Việt Nam kể từ năm 1971 đến nay, nhằm tăng cường hợp tác quân sự hai nước.
Nhưng, Đại tướng Martin Dempsey nhấn mạnh, ông hoàn toàn không để Việt Nam phải đưa ra lựa chọn giữa “làm bạn với Mỹ hay Trung Quốc”.
“Chúng tôi đã nói rõ, không thiên vị bất kỳ bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng chúng tôi quan tâm đến phương thức giải quyết vấn đề”.
Ông Dempsey còn bày tỏ thất vọng đối với việc Trung Quốc không chấp nhận đề nghị đóng băng hoạt động ở “vùng biển tranh chấp”.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tổ chức tại Myanmar vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu đóng băng hoạt động có thể làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bao gồm hành động chiếm đảo và đất đai.
Nhưng, Trung Quốc từ chối phương án do Mỹ đưa ra và chỉ trích phương án này sẽ “phá hoại những nỗ lực lâu dài đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc “sẵn sàng lắng nghe” các sáng kiến thiện chí của các bên về vấn đề Biển Đông, nhưng những sáng kiến này cần “khách quan, công bằng và mang tính xây dựng”, chứ không phải là “tạo ra phức tạp và bất đồng mới, thậm chí có ý đồ khác”.
Tháng 5 năm 2014, Trung Quốc tuyên bố giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 khoan thăm dò (trái phép) ở Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam). Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, vị trí khoan thăm dò của giàn khoan Trung Quốc trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền 200 hải lý của Việt Nam, gây ra căng thẳng quan hệ song phương, đối đầu tàu thuyền trên biển.
Các địa phương ở Việt Nam cũng đã nổ ra các cuộc biểu tình, tuần hành quy mô lớn phản đối hành động của Trung Quốc…