Điểm báo Pháp ngày 20-11-2015
Nghị viện Châu Âu mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris, ngày 17/11/2015.REUTERS/Pascal Rossignol
Theo RFI
Liên minh chống thánh chiến : nói dễ làm khó
Nhà nước Hồi giáo, một tổ chức khủng bố tỷ phú, tình báo Châu Âu đầy sơ hở ; hãy quên đi không gian tự do lưu thông Schengen ; Trung Quốc đàn áp tôn giáo nhưng bất lực khi công dân bị Daech sát hại ; tuổi trẻ Pháp không đầu hàng tình nguyện gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước nhưng không định kiến với đạo Hồi, đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay, 20/11/2015.
Loạt khủng bố đẫm máu tại Paris làm chết 129 người và cuộc tấn công của cảnh sát đặc biệt vô hiệu hóa đầu não người Bỉ gốc Maroc Abdelhamid Abbaoud vẫn ngự trị trong tâm tư người dân và trên các trang báo thứ sáu.
Những sai sót của các cơ quan tình báo Châu Âu được phân tích nhiều nhất. Những kẽ hở mới trong cuộc chiến chống khủng bố, tình báo Pháp nhận được hàng khối thông tin, nhưng không đủ thời gian phân tích và ngăn chận kịp thời toán đặc công khủng bố, tựa của Le Monde. Nhật báo Le Figaro nhấn mạnh là Abdelhamid Abbaoud, bị giết hôm thứ ba vừa qua, đứng sau bốn trong sáu vụ tấn công trong những tháng gần đây. Nhật báo cánh hữu kêu gọi « hãy quên đi hiệp ước Schengen với quyền tự do đi lại » để tập trung bảo vệ an ninh. Tuy nhiên, chính nhật báo cánh hữu đã đưa hai thông tin đáng lo ngại đang diễn ra ngay trong nước Pháp.
Qua tài liệu 6 trang, giới lãnh đạo Hồi giáo (ôn hòa) tố cáo tình trạng « ý thức hệ cực đoan, và cuồng tín do các phần tử tội phạm và khủng bố xâm nhập phá hoại xã hội tân tiến ». Bài báo bên cạnh cho biết thêm thành phần Hồi giáo nguyên thủy giáo điều người xâm nhập vào các cơ quan công cộng của Pháp. Một trong ba kẻ khủng bố tự sát trước vận động trường Stade de France từng là tài xế xe buýt. Công ty chuyên chở công cộng RATP (buýt và xe điện ngầm), hàng không dân dụng Air France, công ty hỏa xa SNCF đều có hiện tượng một số nhân viên theo đạo Hồi một cách mê muội nhất. Họ từ chối chào hành khách phái nữ hay không lái chiếc xe buýt mà một nữ đồng nghiệp bàn giao.
Cuộc chiến chống khủng bố còn phức tạp hơn một phần vì đối phương không phải dễ tiêu diệt và một phần do con đường thành lập liên minh chống Daech chứa quá nhiều cản lực.
Daech đang tìm cách chuẩn bịchiến tranh lâu dài
Trang nhất của Libération tổng hợp ý chính : Nhà nước Hồi giáo, hàng tỷ đôla của thánh chiến. Nhật báo cánh tả dành 4 trang phóng sự về cội nguồn của « nền kinh tế đẫm máu » này : cướp bóc, tài khoản cất dấu ở các thiên đường thuế, buôn lậu dầu hỏa…. Biết trước là không thể trụ lâu ở Irak và Syria, tổ chức tội phạm này đã chi ra những món tiền khổng lồ thuê các « tay nội gián » trong ngân hàng trợ giúp mở chương mục cất giấu tiền ở hải ngoại, qua các công ty bình phong theo phương cách của Al Qaida và những quan chức cao cấp trong chế độ Saddam Husein trước đây. Số tiền khổng lồ này vừa dùng để chuẩn bị tương lai, bảo đảm vật chất cho các lãnh đạo và thân nhân của họ và chuẩn bị cho những chiến dịch tấn công khủng bố sau này.
Trong bài xã luận « Kho tàng », Libération nhận định loạt khủng bố của Daech trong những tuần qua, đặt bom trên máy bay Nga, thảm sát tại Liban và gần đây nhất là tấn công Paris chứng tỏ Daech đang bị thiệt hại nặng trên chiến địa. Khủng bố thi hành được tội ác không chỉ vì an ninh Tây Phương thiếu cảnh giác hay tâm lý thụ động gần như vô cảm của một phần công luận trước đe dọa của Hồi giáo cực đoan.
Thực tế cho thấy , Daech đã chuẩn bị nhiều phương án. Nếu « Nhà nước » bị tan rã thì họ sẽ biến dạng thành những nhóm hoạt động riêng nhờ vào kho tàng tóm thu ở Irak, Syria kéo dài cuộc chiến đến bất tận. Theo các chuyên gia được Libération tham vấn thì thâm ý của tổ chức Nhà nước Hồi giáo là kéo Tây Phương vào cuộc chiến mà họ gọi là « trận chiến tận thế giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ».
Do vậy, Libération cho rằng, tuyên chiến với Daech và chiến dịch quân sự cho dù có phối hợp không phải là chiến lược toàn diện. Các nền dân chủ Tây phương phải « trị tận gốc » căn bệnh khủng bố và cuồng tín, bài trừ bất công xã hội đẩy một bộ phận thanh niên gốc Bắc Phi vào thế bất mãn, hỗ trợ cho đạo Hồi ôn hòa phát triển.
Những giới hạn của “liên minh” với Nga
Quan tâm đến các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp sau khi ông thông báo sẽ gặp Tổng thống Mỹ và Nga vào tuần tới để « hợp lực » chống khủng bố, Le Monde tỏ vẻ hoài nghi : Con đường thành lập liên minh rất nhỏ hẹp.
Các nguồn tin ngoại giao Pháp thẩm định « Nga đã có tiến hóa », bắt đầu oanh kích Daech (thay vì chỉ tập trung tấn công Quân Đội Syria Tự Do). Trong cuộc họp tại Vienna về Syria, lần đầu tiên Nga chấp thuận thêm vào thỏa thuận vế trợ giúp nhân đạo cho nạn nhân chiến cuộc. Thay đổi này, theo Paris, là do máy bay Nga bị Daech đặt bom ngày 31/10 vừa qua làm 224 người chết. Tuy nhiên, theo La Monde, còn quá sớm để nói đến « một liên minh với Matxcơva » cho dù Paris nhìn nhận « có phối hợp oanh kich ».
Trên lý thuyết, tình thế có vẻ thuận lợi cho hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. Chướng ngại khó « bứng » đi nhất là Iran vì thế cuộc khu vực, vì Pháp thân cận với Ả Rập Xê Út, đối thủ của Teheran.
Phía Mỹ cũng có chuyển động. Hoa Kỳ đã mở thông tin tình báo cho phép máy bay Pháp oanh kích dồn dập hơn và hữu hiệu hơn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tình nguyện đóng cửa biên giới không cho thành viên Daech qua lại. Nhưng Ankara đòi hỏi phải ngăn chận cả « phiến quân Kurdistan» ở Syria.
Nhưng ngoài Iran có khả năng đặt điều kiện buộc Tây Phương phải trả giá nặng nề để đổi lại hợp tác chiến tranh, Matxcơva cũng không bỏ qua cơ hội đóng vai trò lãnh tụ thế giới. Trong khi Pháp chuẩn bị một dự thảo nghị quyết trình Hội Đồng Bảo An, kêu gọi bảo vệ thường dân đòi ngưng các cuộc oanh kích bằng bom xăng đặt vào thường dân thì Nga cũng vội vàng đưa ra văn bản của mình khác với Pháp.
Nói cách khác, những lời tuyên bố ủng hộ ồn ào của Nga đối với Pháp, nạn nhân của khủng bố, có những giới hạn.
Khủng bố : Trung Quốc vô kế khả thi ?
Ngày 18 vừa qua, 5 ngày sau đợt khủng bố tại Paris, tổ chức Daech thông báo giết chết một con tin Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh ra lệnh kiểm duyệt thông tin, ngăn chận Internet và các mạng xã hội loan tin, bình luận về tội ác của thánh chiến Hồi giáo.
Trong bài Bắc Kinh kín đáo về vụ sát hại con tin, Le Monde cho biết cộng đồng mạng tại Trung Quốc rất bất bình chế độ. Cách nay, hai tháng, Daech đã kêu gọi Trung Quốc chuộc mạng công dân Phàn Kinh Huy nhưng Bắc Kinh không có một động thái nào sau khi tuyên bố « khởi động cơ chế khẩn cấp ».
Trên mạng xuất hiện nhiều thông điệp lên án « chính quyền hèn nhát », người khác thì kêu gọi phải trả thù : Daech muốn chiến tranh thì chúng ta phải đánh.
Một số khác thì lập lại khẩu hiệu tuyên truyền của báo chí chính thống : bất ổn tại Syria là lỗi của Tây phương. Tuy nhiên, theo Le Monde, cho dù Bắc Kinh cố gắng giữ thái độ khiêm tố thì trên thực tế Trung Quốc đứng theo phe Nga, ủng hộ chế độ Bachar al Assad. Không bảo vệ kiều dân vẫn là nhược điểm của chính quyền Trung Quốc, trong khi đó mục tiêu tấn công của các dân mạng nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Yêu Giáo hội và yêu tổ quốc phải biểu hiện đậm nét Trung hoa
Trung Quốc cũng duy trì chính sách kiểm soát tôn giáo với chiêu bài « Trung Hoa hóa » đạo Thiên chúa. Trong bối cảnh một phái đoàn sứ giả của Tòa Thánh Vatican kín đáo sang Trung Quốc hồi tháng 10 « đối thoại các vấn đề nhạy cảm », phóng viên của La Croix ghi lại một số sự kiện và nhận xét của các tín đồ Trung Quốc. Núp dưới chiêu bài « Trung Hoa hóa » tôn giáo mà thực chất là để ngăn chận ảnh hưởng của Vatican, Cơ quan tôn giáo vận của Trung Quốc thông báo hồi năm 2014 dự án « phát triển học thuyết Thiên Chúa giáo « thích ứng » với văn hóa Trung Hoa và chủ nghĩa Xã hội. Thực tế thì dự án này đã « đóng băng ».
Chuyện thích ứng với xã hội Trung Hoa, đâu cần chế độ Mao. Từ thế kỷ 16, các nhà truyền giáo Tây Phương đã làm rồi. Chỉ vài ngày sau khi phái đoàn Tòa thánh tiếp xúc với một nhóm 25 Giám mục Trung Quốc thì các vị Giám mục này bị Phó chủ nhiệm Ban tôn giáo chính phủ khiển trách : Yêu Giáo hội và yêu tổ quốc phải biểu hiện đậm nét Trung hoa. Theo một giáo sư trẻ dạy tiếng Ý, thì Trung Quốc không có gì thay đổi. Nhưng với Tập Cận Bình thì có vẻ dễ thở hơn đôi chút.
Phản ứng của công dân Pháp sau khủng bố
Le Monde mời 28 nhà văn « viết bài chống khủng bố » với ngọn bút « không run rẩy ». La Croix mời 10 thanh niên chia sẻ cảm tưởng của giới trẻ trách nhiệm và bao dung
Trên Le Monde, nhà văn Bertrand Leclerc nhắn gửi « các tổ khủng bố nằm vùng », kêu gọi những thanh niên nhân danh Hồi giáo này nhìn vào sự thật, để cảm nhận hạnh phúc khi « cơn buồn mửa trào lên vành môi ». Scholastique Mukasonga, nhà văn nữ da đen người Rwanda phẫn uất chất vấn khủng bố : “Tại sao, tại sao giết, giết , giết ?Tại vì các anh sinh ra trong một khu chung cư ? Tại vì người ta hứa cho lên thiên đàng bằng chiếc vé tội ác ? Vì các anh muốn trả thù cho các dân tộc bị sỉ nhục hay vì nạn nhân của các anh không giống như các anh ?”.
Trên La Croix, các ngòi bút trẻ xác quyết không sợ khủng bố. Tất cả đều quyết tâm sống với hy vọng. Sống để đào tạo một tầng lớp công dân có tinh thần trách nhiệm như một giáo sư sử địa 27 tuổi dạy lớp 8 chia sẻ . Nhà giáo kể lại sau khi được giảng về « bạo lực cách mạng », một học sinh đứng lên nói : Thầy ơi, em cảm thấy có trách nhiệm hơn trong tương lai. Một chuyên gia về cảnh quan 30 tuổi tỏ ý tiếc đã không « nhập ngũ ».
Theo La Croix, ước mơ gia nhập quân đội là hiện tượng mới trong giới trẻ. Quân đội Pháp cho biết thêm trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có trên 1500 thanh niên ghi danh gia nhập, đông gấp 5 lần mức độ trung bình trước đây.
Trong bài xã luận « lời nguyện cầu cho nạn nhân », La Croix nhắc lại lời cầu nguyện « độc nhất vô nhị » của cố Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị năm 2000. Sau khi cầu nguyện cho tất cả tín đồ Thiên Chúa giáo chết vì đức tin trong suốt thế kỷ 20, đức Giáo hoàng cầu xin Đức Chúa Trời « cứu rỗi cho những kẻ bức hại người vô tội, đem họ về nước Trời ».