Lòng tin vào hệ thống pháp luật có còn không?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Lòng tin vào hệ thống pháp luật có còn không?

Bởi Khách

13/11/2015
Ngan Pham, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
Trong một chiều nọ, tôi đến trường sớm,  đón con tan học, cũng là một dịp hiếm có để tôi quan sát mấy đứa nhỏ trong lớp. Trẻ con rất thích chơi với nhau nhưng lại rất hay giành đồ chơi của nhau. Tụi nhỏ cần học cách chia sẻ. Nhưng tất nhiên nếu không có người lớn can thiệp và dạy bảo thì chúng vẫn sẽ cư xử theo bản năng là giật món đồ chơi ưa thích về phía mình. Lúc này người lớn sẽ là quan tòa công minh, phân xử khéo léo hợp tình hợp lý, để tránh trường hợp có đứa ấm ức không phục, sinh ra không nghe lời, tự giải quyết theo bản năng. Cô giáo đã làm tốt vai trò này, thể hiện là việc bọn trẻ cứ MÉC nhau loạn cả lên. Vì chúng tin một cách đơn giản cô sẽ bênh mình-đứa bị giành đồ chơi hoặc ít nhất cô sẽ chấm dứt việc tranh giành nhức đầu này. Đó là thế giới của bọn trẻ con, suy rộng ra thế giới của người lớn, phức tạp có, nhưng cũng thật đơn giản như vậy. Như việc cả làng đánh chết 2 tên trộm chó rồi giành nhau đi tù. Luật pháp đã không đủ sức răn đe chấm dứt tình trạng trộm cắp, khiến người dân mất lòng tin. Nên khi bắt được những tên trộm và đang trong tinh thần kích động, họ đã không giao những tên trộm cho công an mà tự tay xử bọn chúng. Ta ghét những tên trộm, và cũng trách những người dân làng lỗ mảng nhưng nguyên nhân sâu xa đến từ đâu?  Một trường hợp khác rất thường thấy nữa là lưu thông trên đường, khi có va quẹt, thay vì họ ‘MÉC’ CSGT xuống giải quyết, thì người ta lại to tiếng đụng tay đụng chân với nhau dẫn tới chết người. Hay như những người có khá giả hơn, lưu thông bằng xe hơi thì họ sẽ gọi điện thoại ‘méc’ công ty bảo hiểm, để được xác nhận bồi thường. Tuyệt nhiên không ai muốn gọi mấy anh áo xanh áo vàng để tự rước rắc rối vào người. Bởi vì ai cũng biết hiện tại tình trạng nhũng nhiễu của ngành này đang tới hồi cao trào, khiến cho bộ mặt của một ngành đại diện cho chính quyền thực thi pháp luật trở nên méo mó xấu xí vô cùng. Không còn ai tin sự có mặt của CSGT sẽ giải quyết được vấn đề. Đó là chưa kể tới rất nhiều oan sai khuất tất trong quá trình điều tra xét xử. Như ông Chấn ngồi tù oan 10 năm tù đã làm rúng động xã hội. Trong thể chế  hiện tại thì một nhóm người vừa tạo ra luật vừa thi hành luật hay như người ta thường bình luận là vừa đá bóng vừa thổi còi.  Có chắc tất cả các cầu thủ đều tuân thủ luật chơi? Ai sẽ đảm bảo duy trì được một sân chơi thật sự công bằng? Những sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh? Vậy thì làm sao để đảm bảo được luật pháp được thực thi cách nghiêm minh? Đơn giản, cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp là 2 cơ quan HOÀN TOÀN độc lập với nhau. Ví dụ như trong hệ thống pháp luật Anh-Mỹ 2 cơ quan lập pháp và hành pháp hoàn toàn độc lập và có quyền phủ quyết nhau nếu điều luật đưa ra có vấn đề, vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Hệ thống pháp luật này coi trọng nguyên tắc “Due process“. Và nội dung của nguyên tắc này là: – yêu cầu bình đẳng của các đương sự trong việc đưa ra chứng cứ trước Toà (equal footing). Hoàn toàn không có chuyện bị cáo hay nguyên đơn là con/cháu/bà con của ông này bà nọ làm thiên lệch kết quả vụ án. – yêu cầu qui trình xét xử phải được tiến hành bởi một Thẩm phán độc lập có chuyên môn, cùng một bồi thẩm đoàn vô tư, khách quan (fair trial and impartial jury). Thẩm phán là người chủ trì một phiên tòa xét xử. Nhưng kết quả của một vụ án phụ thuộc rất nhiều vào những thành viên bồi thẩm đoàn. Nhiệm vụ chính của bồi thẩm đoàn là xem xét và cân nhấc các bằng chứng để tuyên án có tội hay vô tội sau khi nghe các bên dẫn giải và lý luận tại tòa. Bồi thẩm đoàn góp sức duy trì quan điểm vô tư và trung thực của người dân thay vì bị cơ cấu chính quyền chi phối nếu quyền xét án chỉ tập trung trong tay vị chánh án. Bồi thẩm đoàn là bất kỳ công dân trưởng thành nào trong xã hội được tuyển lựa kỹ càng về nhân thân, trình độ, phải đảm bảo không có bất kỳ định kiến nào và hoàn toàn chí công vô tư trong quá trình xem xét vụ án. Sau khi được chọn họ sẽ được mời đến dự phiên tòa xét xử, nếu ngày đó trùng ngày họ đi làm thì hãng xưởng được yêu cầu vẫn phải tính công đầy đủ cho họ y như họ có đi làm. Vì việc họ làm là đang góp phần cho pháp luật thực thi đúng đắn, góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội. – yêu cầu luật pháp phải được qui định sao cho một người dân bình thường có thể hiểu được hành vi phạm tội (Laws must be written so that a reasonable person can understand what is criminal behavior). Quay trở lại thực tại, những gì đang diễn ra ở VN. 1 thiếu niên 17 tuổi bị đánh chết trong quá trình tạm giam. 2 luật sư đại diện cho gia đình em bị đánh. Luật sư trong hội đoàn lên tiếng bảo vệ 2 luật sự đó vừa mới bị bắt đi một cách thô bạo.  Chuyện gì đang xảy ra vậy?! Một hệ thống pháp luật không nghiêm minh, lòng tin của người dân bị sụt giảm nghiêm trọng thì người dân buộc phải tự giải quyết vấn đề của mình. Chỉ e rằng khi mọi bất công trong xã hội bị dồn nén quá mức, con người ta sẽ hành xử hết sức bản năng. Hậu quả có thể sẽ rất khủng khiếp!