Điểm báo Pháp ngày 11-11-2015
Bìa tác phẩm “Đảo điên với hồng trần” của Mộ Dung Tuyết Thôn.DR
Theo RFI
Đăng ngày 11-11-2015
Trung Quốc và đa cấp, đế quốc dối lừa
Le Monde số đề ngày hôm nay có bài viết mang tựa « Đế quốc dối lừa », cho rằng tuyên truyền cộng sản cũng cùng nguyên tắc « tẩy não » như loại hình bán hàng đa cấp.
Cuối năm 2009, nhà văn Trung Quốc Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun), tên thật là Hác Quần (Hao Qun), đã bỏ ra 23 ngày để thâm nhập một nhóm thuộc hệ thống bán hàng đa cấp, một kiểu lừa đảo đang nở rộ tại Trung Quốc. Từ thực tế này, ông đã viết một cuốn sách xuất bản trong nước năm 2010.
Tác giả muốn nói với chúng ta rằng bọn lừa đảo sử dụng cùng một loại công cụ với các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản đang nắm quyền : đó là dân tộc chủ nghĩa, cùng với các thủ thuật vận dụng ngôn từ. Họ tự xưng là những người bảo vệ tổ quốc, được chính phủ ủng hộ để lập nên các tập đoàn thương mại hùng mạnh. Quyết tâm vượt qua những công ty ngoại quốc tìm cách thôn tính đất nước như vào cuối thế kỷ 19.
Những người điều khiển mạng lưới núp sau những từ ngữ đao to búa lớn để che giấu ý định thực sự của họ là « xúc tiến bán hàng ». Một trong những người cầm đầu mạng lưới mà nhà văn xâm nhập thản nhiên giải thích với ông là tỉ phú Mã Vân (Ma Yun hay Jack Ma), người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã được đào tạo về bán hàng đa cấp. Người này nói : « Nếu ông ấy không được Nhà nước ngầm ủng hộ, làm sao có thể làm ăn lớn như thế được ? »
Một Trung Quốc bị đồng tiền ám ảnh
Cuộc điều tra này là một bổ sung hữu ích cho các tiểu thuyết của Mộ Dung Tuyết Thôn, nhất là tác phẩm « Thành Đô, hãy quên tôi đêm nay » (NXB Olivier, Pháp in năm 2006 với tựa « Oublier Chengdu ») hay « Đảo điên trong chốn hồng trần » (« Danse dans la poussière rouge », NXB Gallimard, 2013), mô tả một Trung Quốc bị ám ảnh bởi đồng tiền và thành công bằng mọi giá. Trong đó người ta tìm thấy những nhân vật bất lương, kẻ này tìm cách lừa gạt người kia.
Theo Le Monde, đây là một cuốn sách mang tính chính trị, dưới dạng cuộc điều tra trong một Trung Quốc sâu thẳm, bất hạnh. Bởi vì tác phẩm không chỉ tự giới hạn trong việc mô tả một nhóm lừa đảo nhỏ hoành hành ở thành phố Thượng Nhiêu (Shangrao) tỉnh Giang Tây (Jiangxi) miền đông nam, và nỗ lực của bọn chúng để thu hút những kẻ ngờ nghệch mới. Mà đó là một phản ứng rộng hơn về Trung Quốc hiện đại, ở đó ngay cả những người sáng suốt nhất cũng bị ru ngủ, và tác hại của một hệ thống toàn trị khiến người ta mất đi ý thức phản biện.
Hồi cuối tháng Chín trong khuôn khổ hoạt động Monde Festival tại Paris, nhà văn thổ lộ : « Nhóm mà tôi thâm nhập gồm có khoảng một trăm người. Có thể coi đây là một xã hội nho nhỏ. Nước Trung Quốc nơi tôi sống có đến 1,3 tỉ người (…) Khi sống trong cái xã hội 100 người ấy, tôi hiểu rằng muốn tẩy não rất dễ, ngay cả những lời nói dối rất dễ nhận ra cũng có người tin. Việc tuyên truyền chống lại những giá trị căn bản cũng được chấp nhận. Người ta sẵn sàng tin tất cả ».
Nợ doanh nghiệp Trung Quốc : 200% GDP
Trong lãnh vực tài chính, trên trang ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos, tác giả Jean-Marc Vittori trong bài « Luôn và vẫn luôn là nợ », cho rằng không thể hiểu được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới nếu không nhìn vào con số nợ đang bùng nổ. Đó là trung tâm của khủng hoảng, và khả năng tìm lại tăng trưởng cũng nằm ở đây.
Tình trạng thiếu sinh khí của kinh tế nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung ; sự do dự của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc nâng lãi suất ; những quan ngại về Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo tác giả, gốc rễ vẫn là vấn đề nợ nần.
Nợ của Hoa Kỳ đã vượt qua ngưỡng 50.000 tỉ đô la năm 2009 và nay lên đến gần 60.000 tỉ đô la. Châu Âu với số nợ 40.000 tỉ đô la năm 2008 đã ngưng ở mức trần này, còn Trung Quốc từ 10.000 tỉ đô la năm 2009 nay đã lên đến 30.000 tỉ đô la. Riêng nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc nay đã chiếm đến 200% GDP, khiến người ta phải toát mồ hôi lạnh.
Hậu quả là một thế giới ngập trong nợ nần. « Thập kỷ mất mát » của châu Mỹ la-tinh trong thập niên 80 đã chứng minh : một khi vấn đề nợ chưa có câu trả lời, khi các chủ nợ chưa chấp nhận thực tại cay đắng là không thể thu hồi lại toàn bộ vốn, tăng trưởng thực sự vẫn chỉ là vô vọng.
Nga và nạn doping do Nhà nước chủ xướng
Nhìn sang châu Âu, Le Monde trong bài viết « Tại Nga, nạn doping do Nhà nước chủ trương vẫn chưa kết thúc », đề cập đến bản báo cáo quan trọng với nhiều chi tiết tố cáo tình trạng gian lận, đặc biệt trong lãnh vực điền kinh.
Tờ báo mô tả những cảnh : một kiểm soát viên doping phải nhảy qua cửa sổ một khách sạn ở Matxcơva để trốn những cặp mắt cảnh sát và mang các mẫu thử đến Lausanne (Thụy Sĩ), những vận động viên bị huấn luyện viên tống tiền, các nhân viên mật vụ KGB cũ giả dạng làm kỹ sư…Đó không phải là những cảnh trong phim James Bond mà là thực tế trong làng điền kinh Nga hiện nay.
Báo cáo dày trên 300 trang của một ủy ban độc lập do Cơ quan chống doping thế giới (AMA) thành lập, trình bày hôm 9/11, khẳng định tình trạng doping do Nhà nước chủ trương tại Nga. Cơ quan này khuyến cáo cho ngưng hoạt động Liên đoàn Điền kinh Nga, không chấp nhận kết quả của phòng thí nghiệm chống chất kích thích Matxcơva và Cơ quan chống doping Nga.
Ngoài ra còn yêu cầu treo giò vĩnh viễn năm lực sĩ Nga trong đó có Mariya Savinova, vô địch thế giới 800 mét. Liên đoàn Điền kinh Quốc tế ra tối hậu thư cho Nga đến cuối tuần này phải trả lời, và Nga có nguy cơ lỡ cơ hội tham gia Thế vận hội 2016. Báo cáo khiến người ta phải đặt ra dấu hỏi về thành tích của đoàn Nga tại Thế vận hội Luân Đôn 2012, Sotchi năm 2014 và có thể ảnh hưởng đến Cúp bóng đá thế giới 2018 mà Nga sẽ là nước chủ nhà.
Cựu chủ tịch AMA trong cuộc họp báo tại Genève nhận xét, tất cả những hành vi gian lận không thể diễn ra mà Nhà nước không hề biết. Đây là « di sản của thời kỳ chiến tranh lạnh ». Ủy ban trên khẳng định, cũng như dưới thời Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức, các vận động viên Nga hoặc là sử dụng chất kích thích, hoặc phải ra khỏi đội tuyển.
« Trùm kiểm duyệt » Nga chết bí ẩn tại Mỹ
Cũng liên quan đến Nga, Le Figaro quan tâm đến « Cái chết bí mật của một nhân vật trụ cột Kremli tại Washington ». Ông Mikhail Lessine, cựu Bộ trưởng Báo chí Nga đang trong tầm ngắm của FBI vì những món đầu tư gần 30 triệu đô la tại Mỹ, đã chết trong một phòng khách sạn ở Washington DC tuần rồi.
Tờ báo cho biết, Mikhail Lessine là một nhân vật quan trọng trên chính trường Nga từ giữa thập niên 90. Năm 1996, ông Lessine nổi bật với tư cách người tổ chức chiến dịch tranh cử quy mô của Boris Eltsine, ngay trong thời kỳ chiến tranh Tchetchenia.
Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Báo chí năm 1999, ông đóng vai trò chủ chốt nhằm lăng-xê Vladimir Putin. Sau đó Lessine là người khiến kênh truyền hình đối lập NTV phải ngưng hoạt động, và đóng cửa thô bạo nhiều cơ quan truyền thông Nga. Cũng chính ông ta lập ra dự án kênh Russia Today tuyên truyền cho Kremli nhằm tô vẽ hình ảnh nước Nga ở bên ngoài.
Bị cho đứng ngoài cuộc một thời gian vì đấu đá nội bộ, Lessine quay lại với chức lãnh đạo truyền thông của tập đoàn Gazprom. Chính trong thời gian này FBI đã tiến hành điều tra về tham nhũng và rửa tiền, sau khi phát hiện Lessine đã mua bốn cơ ngơi ở Beverly Hills trị giá 28 triệu đô la. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về cái chết bất ngờ của nhân vật này, hiện chưa có lời đáp.
André Glucksmann, từ thiên tả đến chống cộng
Sự kiện nhà trí thức dấn thân André Glucksmann qua đời hôm qua được tất cả các báo Pháp dành cho những chỗ trang trọng trên trang bìa và nhiều bài viết ở trang trong. Le Monde đưa tựa trang nhất «Glucksmann, nhà triết học phẫn nộ », tương tự, Libération chạy tựa « André Glucksmann, nhà triết học đấu tranh ».
Libération trong bài viết « André Glucksmann, từ Mao đến Sarkozy » đã tóm lược cuộc đời của nhà trí thức nổi tiếng vừa qua đời hôm qua ở tuổi 78. Bắt đầu từ khuynh hướng cực tả, nhà triết học mà tư duy gắn liền với hành động đã chuyển sang đấu tranh chống chủ nghĩa toàn trị. Ông luôn tâm niệm rằng trí thức phải có nghĩa vụ chiến đấu chống lại cái ác và bảo vệ quyền con người.
Le Monde với tựa đề đơn sơ « André Glucksmann » nhắc lại sự can đảm của nhà trí thức, khi dám đứng dậy yêu cầu dành một phút mặc niệm cho các chiến binh Tchetchenia, trong gian hội nghị ở ngay trung tâm Matxcơva. Hãy hình dung ra nét mặt của các quan chức và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga lúc đó, vào năm 2000 ! Họ do dự, nhưng cuối cùng cũng đứng dậy.
Táo bạo và dấn thân, đó là dấu ấn của « Glucks ». Chính ông đã thúc đẩy phong trào tuyệt giao với chủ nghĩa mác-xít, vào thời mà đảng Cộng sản Pháp chinh phục được trên 20% cử tri trong số trí thức cánh tả. Ông công khai tuyên bố tác phẩm của nhà văn Nga Soljenitsyne – nạn nhân của các trại cải tạo Gulag – đã thay đổi cuộc đời mình. Nhà văn Pascal Bruckner nhận xét : « Đó là một con người không khoan nhượng, đã chuyển tính kiên quyết từ chủ nghĩa cộng sản sang chống cộng ».
Một bức ảnh đã đi vào lịch sử chụp năm 1979, cho thấy André Glucksmann bên cạnh các trí thức lỗi lạc Jean-Paul Sartre, Raymond Aron và Michel Foucault trên thảm cỏ điện Elysée, để ủng hộ thuyền nhân Việt qua phong trào« Một con tàu cho Việt Nam ». Ông đã khởi đầu cho một chính sách ngoại giao can thiệp, vượt lên hố ngăn cách tả-hữu, nhân danh cho nhân quyền sau thời kỳ chiến tranh lạnh