Các đại sứ quán họp nghe tường trình về vụ án Lê Văn Mạnh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Các đại sứ quán họp nghe tường trình về vụ án Lê Văn Mạnh
 Hoàng Thành – Mạnh Cường
Tác giả gửi tới Dân Luận

Sáng 10/11, tại trụ sở văn phòng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Hà Nội, một loạt đại sứ quán phương Tây đã tổ chức họp với gia đình tử tù Lê Văn Mạnh để tìm hiểu thêm thông tin về vụ án có dấu hiệu oan sai rất nghiêm trọng này.

Tham dự cuộc họp là đại diện các sứ quán: Mỹ, Anh, Phái đoàn EU, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nauy, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Australia, cùng luật sư Trần Vũ Hải và một số nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội như Trịnh Anh Tuấn (tức blogger Gió Lang Thang), Mai Phương Thảo (Thảo Teresa)…

Mở đầu cuộc họp, luật sư Trần Vũ Hải tóm tắt nội dung chính của vụ án và một số diễn biến gần đây. Ông đã cùng một nhóm luật sư gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Nhân dân Tối cao, đề nghị hoãn thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Ông cho biết, hiện nay, số hồ sơ mà các luật sư tiếp cận được chỉ chiếm khoảng 40-50% số hồ sơ thực của vụ án. Một người trong nhóm là luật sư Nguyễn Hà Luân đã làm đơn xin tiếp cận thêm nhưng chưa được cơ quan chức năng trả lời.

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, và các nhà hoạt động cũng nêu ra và nhấn mạnh những vi phạm về thủ tục tố tụng và xét xử trong vụ án: Không có bất kỳ chứng cớ nào, việc kết tội hoàn toàn chỉ dựa vào lời nhận tội của bị cáo; thẩm vấn trẻ em mà không có người giám hộ hợp pháp; tòa chấp nhận để bị cáo tự bào chữa trong khi đây là một vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến án tử hình, mà kiến thức pháp luật của bị cáo không thể đủ để tự bào chữa.

Đại diện các đại sứ quán phương Tây đều tỏ ra quan tâm đặc biệt tới vụ án. Ông David V. Muehlke đặt câu hỏi về tình trạng pháp lý hiện thời của Lê Văn Mạnh cũng như hỏi xem ai là người đưa ra quyết định tạm dừng thi hành án. Câu trả lời của luật sư Trần Vũ Hải là, do không ai nhận họ đã ra quyết định thi hành án, nên cũng không có ai là người đưa ra quyết định tạm dừng.

Ông Felix Schwarz, Tham tán Chính trị và Nhân quyền, Đại sứ quán Đức, khuyên gia đình Lê Văn Mạnh và các nhà hoạt động nhân quyền nên liên hệ với các tổ chức nhân quyền quốc tế chuyên về chống án tử hình. Ông nói: “Chúng tôi chống án tử hình và chúng tôi mong Việt Nam xóa bỏ án tử hình, đảm bảo xét xử công bằng. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi không thể can thiệp vào tiến trình điều tra, xét xử để xem nó có công bằng hay không. Do đó, chúng tôi nghĩ là nếu gia đình có liên lạc với các NGO quốc tế thì họ có thể trở thành những đối tác hỗ trợ mạnh mẽ hơn”.

Blogger Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ ở Hà Nội, cho biết trong vụ án Lê Văn Mạnh, có ít nhất hai tổ chức tham gia vận động là Ân xá Quốc tế (AI) và Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ). Hai nơi này đã gửi thư đến Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án đối với Lê Văn Mạnh.

Blogger Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) nhấn mạnh tình trạng bạo hành của công an đối với dân thường, khi mà trong ba năm qua, ở Việt Nam có tới 226 trường hợp người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đưa ra một danh sách 18 vụ trọng án có dấu hiệu oan sai, cần giải quyết, song đến nay chưa vụ nào có kết quả xử lý.

“Về vụ Lê Văn Mạnh, từ đầu năm đến nay, đây là vụ việc thứ ba liên quan đến án tử hình oan sai mà chúng tôi tham gia bảo vệ nhân quyền. Cả ba vụ (Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh) đều có điểm chung là tới khi tử tù sắp bị xử đến nơi thì gia đình kêu cứu tới công luận” – anh Tuấn nói.

Bà Delphine Malard, Tham tán Thứ nhất Phái đoàn EU ở Hà Nội, cho biết: “Tất cả các đại sứ quán của các nước EU đều đã rất tích cực hành động ngay khi họ nghe nói về cái mốc 26/10 (là thời hạn chót để gia đình làm đơn xin nhận xác, theo thông báo của Tòa án Thanh Hóa – PV). Trong hai ngày 24-25/10, chúng tôi đã huy động mọi người, dùng mọi cách để liên hệ với các quan chức phía Việt Nam, đề nghị hoãn thi hành án. Chúng tôi đã và vẫn đang theo dõi vụ việc này rất chặt chẽ”.

Bà cũng nói thêm, Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam sắp diễn ra vào giữa tháng 12 tới, và tại đó, vấn đề án tử hình oan sai cũng sẽ được nêu ra.

Thay mặt Phái đoàn EU, bà Delphine Malard đã dành nhiều lời chia sẻ với gia đình Lê Văn Mạnh, cảm ơn các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, đồng thời hứa sẽ tiếp tục theo sát tình hình để đảm bảo nhân quyền và luật pháp phải được tôn trọng.