Điểm báo Pháp ngày 9-11-2015
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại thượng đỉnh Singapore ngày 07/11/2015. REUTERS/Joseph Nair
Theo RFI
Đăng ngày 09-11-2015
Thượng đỉnh Trung-Đài được dàn dựng để mang tính biểu tượng
Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan ngày 07/11 vừa qua được công luận hoan nghênh và chú ý theo dõi. Bài xã luận trên tờ Le Monde ra ngày 09/11/2015 đánh giá đây là một cuộc gặp được dàn dựng để mang tính biểu tượng cao.
Lãnh đạo của hai người anh em thù địch Trung Hoa đã gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 07/11 vừa qua tại nước trung gian Singapore. Dù đã trở thành đối tác thương mại, nhưng khu vực eo biển Đài Loan vẫn là một trong những khu vực bị quân sự hóa nghiêm trọng nhất thế giới. Trung Quốc chĩa 1.600 tên lửa về phía Đài Loan và cả hai cường quốc là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều hiện diện tại khu vực này.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là kết quả của quá trình từng bước bình thường hóa quan hệ bắt đầu từ năm 2008. Đối với đa số người Đài Loan, muốn duy trì tình hình “Ba Không” như hiện nay (không thống nhất, không độc lập, không sử dụng vũ lực), thì cuộc gặp gỡ này được đánh giá là tích cực. Song, rất ít người trong số họ hy vọng là thượng đỉnh lần này sẽ mang lại một giải pháp đối với vị thế bị cô lập trên trường quốc tế của Đài Loan ; chỉ có 22 nước công nhận hòn đảo này là một quốc gia.
Tại một nước Trung Quốc nơi nền chính trị đang sôi động, thì đối với các thành viên cộng sản-dân tộc chủ nghĩa, sự tồn tại của Đài Loan vẫn là cơ hội để gây chiến, còn đối với giới tự do và trí thức, thì đó lại là một hình mẫu dân chủ. Vì, cuộc chiến tranh lạnh giữa hai bờ eo biển Đài Loan dẫn tới một cuộc chiến hiện tại : giữa một bên là nền dân chủ non trẻ của Đài Loan và bên kia là một nền độc tài của Trung Quốc ngày càng bành trướng quân sự dưới « triều đại » của ông Tập Cận Bình, vị Chủ tịch muốn tiếp nối “di sản” của người tiền nhiệm Mao Trạch Đông.
Thượng đỉnh tại Singapore là “sản phẩm” của Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai người anh em thù địch trong cuộc đối đầu đẫm máu đã trở thành cuộc nội chiến kéo dài. Nếu như cuộc hội ngộ giữa hai nhà lãnh đạo được hoan nghênh, thì sự kiện này cũng phản ánh thực tế về một độc đảng Cộng sản chuyên chế và một Quốc dân đảng khó dứt lòng với lục địa.
Cái bắt tay lịch sử còn được coi là liên minh cơ hội để chống lại làn sóng ủng hộ độc lập của đảng đối lập Dân chủ Tiến bộ (DPP) tại Đài Loan. Khi đảng này cầm quyền trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2008, mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên rất căng thẳng. Vì Đài Loan và 23 triệu dân đã thấm nhuần một nền lịch sử khác và một bản ngã khác so với sự kiện Tưởng Giới Thạch phải rút lui lên đảo cùng với hai triệu người theo Quốc dân đảng vào năm 1949.
Theo kết quả các cuộc thăm dò, đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) được cho là sẽ giành thắng lợi tại các cuộc bầu cử Tổng thống và nghị viện diễn ra vào tháng 01/2016. Vì vậy, chỉ hai tháng trước sự kiện quan trọng này, cái bắt tay tại Singapore đóng vai trò quan trọng và cho thấy động cơ chính trị đằng sau sự kiện này.
Lãnh tụ Aung San Suu Kyi trước ngưỡng cửa quyền lực
Vẫn liên quan tới thời sự Châu Á, cuộc tổng tuyển cử tự do lịch sử từ 25 năm nay tại Miến Điện vẫn tiếp tục được báo chí Pháp đưa tin và nhận định đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ giành chiến thắng lớn.
Nhật báo Le Figaro đánh giá đây là « một cuộc bầu cử để thay đổi thời đại ». Lật lại lịch sử, tờ báo cho biết vào năm 1990, “Quý bà Rangoun” đã giành chiến thắng vang dội, song phe quân sự, từng điều hành đất nước với chính sách bàn tay sắt, đã từ chối thất bại. Thế nhưng, lần này, các tướng lĩnh đã cam kết tôn trọng nguyện vọng của người dân thông qua kết quả bầu cử.
Nhật báo Libération cũng có chung nhận định rằng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ sẽ giành thắng lợi lớn. Mở đầu bài báo phản ánh sự kiện « Aung San Suu Kyi đang tiến tới quyền lực », tờ Libération viết : « Mọi việc chấm dứt và mọi thứ bắt đầu » đối với “Quý bà Rangoun” (The Lady).
Theo tờ báo, bà Aung San Suu Kyi bắt đầu một cuộc đời mới ở tuổi 70, nhưng thiếu lời hứa “ngày mai tươi đẹp hơn” cho đất nước. Quả thực, bà sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi đang chờ : điều hành một đất nước bị giằng xé giữa các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ; một đất nước bị xáo trộn vì những vấn đề dân chủ và kinh tế và vẫn đang phải đối mặt với những nhóm nổi dậy có vũ trang tại các khu vực hẻo lánh ; một quốc gia vẫn còn tới 1/3 dân số sống dưới ngưỡng nghèo và 25% tổng số ghế trong nghị viện vẫn nghiễm nhiên thuộc về giới quân sự.
Còn nhật báo La Croix nhận xét, trái ngược với kỳ bầu cử cấp vùng sắp tới tại Pháp được dự kiến là có tỉ lệ vắng mặt cao, cuộc bầu cử nghị viện tại Miến Điện ngày hôm qua đã thu hút khoảng 80% cử tri, trong đó phần lớn người dân được đi bầu cử lần đầu tiên. Nhiều thanh niên đã chụp hình với ngón tay trỏ dính mực, dấu hiệu là họ đã bỏ phiếu. Đối với rất nhiều người, ngày hôm qua là kỷ niệm khó quên.
Tai nạn máy bay Nga : Giả thuyết khủng bố ” gần như chắc chắn”
Một tuần sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không Metrojet (Nga), hôm qua, các nhà điều tra công bố nguyên nhân « chắc chắn tới 90% » là do nổ bom. Trước đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã hai lần nhận là tác giả vụ tấn công.
Nhật báo Le Monde đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu vụ nổ máy bay A321 là do bị tấn công, song vẫn từ chối cho rằng đây là “hành động khủng bố”. Cho tới nay, Matxcơva và Cairo luôn tìm cách phủ nhận giả thuyết này vì nếu đúng như vậy, đây sẽ là vụ thảm họa nghiêm trọng nhất đối với ngành hàng không Nga – hậu quả của việc Kremlin quyết định tham chiến tại Syria để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và nhiều tổ chức đối lập với Tổng thống Bachar al-Assad.
Còn tờ Le Figaro phân tích kết quả điều tra mới dưới góc độ « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bước sang một ngưỡng mới ». Vì qua hành động này, Daech chứng tỏ khả năng tổ chức các cuộc tấn công tinh vi nhằm vào ngành hàng không quốc tế, mà cho tới nay vẫn được coi là « dấu ấn » của tổ chức al-Qaeda.
Le Figaro cũng cho rằng « chúng ta đang phải đối mặt với sự leo thang mới của cuộc đối đầu mang quy mô toàn cầu ». Thực vậy, sau khi xâm chiếm lãnh thổ, biến người dân thành nô lệ, tàn sát thường dân vô tội, đàn áp các tộc người thiểu số theo Thiên chúa giáo, phá hoại các di tích lịch sử, tấn công mạng và huy động “những con sói đơn độc” để tấn công các địa điểm xa khu vực Trung Cận Đông, thì đây là lần đầu tiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm phá hoại một chiếc phi cơ dân dụng và giết chết 224 người. Đây cũng là bằng chứng cho thấy Daech có mặt khắp nơi, không chỉ ở mỗi các căn cứ địa tại Irak hay Syria.
Hơn 35 nhóm thánh chiến trên toàn thế giới tự nhận là thuộc tổ chức thánh chiến, từ Philippines cho tới Afghanistan. Chính vì vậy, tờ báo kết luận, cần phải tăng cường khả năng chống đỡ. Cuộc chiến không cân xứng này sẽ không chỉ dừng lại ở những trận không kích, tưởng như “vô thưởng vô hại” đối với người dân các nước phương Tây sống xa khu vực Trung Cận Đông. Cần phải chuẩn bị tinh thần để nhận những cú phản công và phải chiến đấu lâu dài chống tổ chức có cánh tay vươn khắp nơi và không thể chỉ dừng ở việc triệt hạ vài thủ lĩnh tại Syria.
Khủng bố tại tòa soạn báo « Charlie Hebdo » và Hyper Cacher được điều khiển từ Syria ?
Vẫn liên quan tới khủng bố, song tại nước Pháp, hai nhật báo Le Monde và Le Figaro đề cập tới kết quả điều tra mới nhất về các vụ tấn công khủng bố tại Paris vào đầu tháng 01/2015.
Nhật báo Le Monde cho biết các nhà điều tra Pháp cho rằng có một người ra lệnh và điều phối các cuộc tấn công khủng bố tại Paris của hai anh em nhà Kouachi tại tòa soạn báo « Charlie Hebdo » ngày 07/01/2015 và của Amedy Coulibaly tại siêu thị Hyper Cacher ngày 09/01.
Họ phát hiện nhiều cuộc trao đổi qua thư điện tử và tin nhắn với nhân vật này, song hiện chưa xác định được danh tính cũng như nơi ở chính xác. Vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng của anh em nhà Kouachi có lẽ chỉ là màn mở đầu cho loạt khủng bố có quy mô lớn sẽ được Coulibaly thực hiện vào ngày 09/01.
Sau đó, kẻ khủng bố siêu thị Hyper Cacher sẽ nhận được tiếp viện. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó nên những kẻ đồng phạm lùi bước, buộc Coulibaly phải « đơn thương độc mã » hành động. Các nhà điều tra cho rằng « lực lượng tiếp viện » của Coulibaly có thể nằm trong số bẩy nghi phạm đang bị giam giữ để điều tra.
Nhật báo Le Figaro nêu rõ hơn là các nhà điều tra không loại trừ khả năng kẻ chủ mưu có mặt tại Syria vào lúc xảy ra các vụ khủng bố. Còn Le Monde cho biết trong số những kẻ bị tình nghi cầm đầu có tên của Peter Cherif, một thành phần Hồi giáo cực đoan người Pháp, 33 tuổi và là một chiến binh thánh chiến giầu kinh nghiệm.
Bảo tàng Rodin mở cửa trở lại sau ba năm trùng tu
Sau ba năm trùng tu, bảo tàng Rodin, nằm tại quận 7 Paris, sẽ mở cửa trở lại vào thứ Năm tuần này. Trong vòng ba năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Patrick Tourneboeuf ghi lại quá trình thay đổi và một số bức ảnh được nhật báo Libération đăng trong chuyên mục « Văn hóa ».
Sau gần 100 khánh thành, vào năm 1919, bảo tàng Rodin (còn gọi là Hôtel Biron) cần được tu sửa lại. Trước khi trở thành nơi ở của họa sĩ-nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng Rodin lúc cuối đời, biệt thự Biron là trường giáo dục giành cho thiếu nữ thuộc tầng lớp quí tộc. Sau khi ông mất, viện bảo tàng mang tên ông đón tiếp hơn 700.000 khách tới thăm quan hàng năm.
Ngày 12/11, tòa nhà sẽ mở cửa trở lại với một lớp sơn màu ghi mới, được công ty Anh Farrow & Ball thiết kế riêng, để làm nổi bật những bức tượng và tác phẩm điêu khắc trưng bày trong bảo tàng. Các bức tường được sơn trắng theo xu hướng của những năm 1980 được thay thế bằng mầu xám lông chồn. Khách thăm quan sẽ lại được chiêm ngưỡng 600 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm làm từ thạch cao.