Tin Ðặc Biệt Miến Ðiện- Myanmar
Bầu cử Miến Điện : một trắc nghiệm thành công trên con đường dân chủ ?
Cả thế giới theo dõi cuộc tuyển cử tự do đầu tiên tại Miến Điện từ 25 năm qua. Dù không « hoàn hảo » nhưng tất cả đã diễn ra êm thắm : cử tri đi bầu trong không khí tràn đầy hy vọng, không xảy ra bạo động. Đảng đối lập kêu gọi chờ đợi kết quả chính thức trước khi ăn mừng chiến thắng. Chính quyền nhanh chóng nhìn nhận thất bại cho dù kết quả chính thức sẽ chỉ được công bố trong vài ngày tới. Phải chăng những dấu hiệu đó cho thấy Miến Điện đã thành công trên con đường dân chủ hóa đất nước ?
Theo các con số chính thức, 80 % trong số hơn 30 triệu cử tri Miến Điện ngày hôm qua đã dùng lá phiếu để bầu lại Thượng và Hạ viện cùng với 14 Hội đồng địa phương. Khác với cuộc tuyển cử hồi năm 2010, giới quan sát cho rằng, cuộc bầu cử tại Miến Điện lần này đã diễn ra êm đẹp.
Nhìn từ phía các nhà cầm quyền ở Naypyidaw thì cuộc bầu cử này là một bước thành công : không xảy ra xô xát tại các phòng phiếu, và cử tri kiên nhẫn chờ đợi để thực hiện quyền công dân. Vào giờ phòng phiếu đóng cửa, người dân Miến Điện tỏ ra hài lòng được tự do chọn lựa người lãnh đạo.
Đây cũng là lần đầu tiên, chính quyền Miến Điện huy động đông đảo quan sát viên đến giám sát các phòng phiếu, trong đó có 150 quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu. Trả lời phóng viên đài RFI, Rémy Favre từ Rangoon, ông Alexander Graf Lambsdorff trưởng đoàn quan sát viên của Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận « một số những thiếu sót » về mặt thủ tục trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng theo ông, việc Miến Điện điều động từ 11 đến 12 ngàn quan sát viên đến giám sát khoảng 40 ngàn phòng phiếu cho phép có được một « tầm nhìn tổng quát » về cuộc bầu cử hôm qua. Bên cạnh đó đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đánh giá cao việc Miến Điện cho phép các quan sát viên quốc tế đến hiện trường, kể cả việc có mặt tại các phòng phiếu chỉ giành riêng cho giới quân đội.
Washington nhìn nhận đây là một bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình dân chủ hóa đất nước tại quốc gia Đông Nam Á này, cho dù theo lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cuộc tuyển cử ngày hôm qua « không được hoàn hảo », khi vẫn còn có tới 25 % số ghế tại Quốc hội được dành cho các đại diện quân đội, một số các ứng cử viên đã bị loại một cách tùy tiện và nhất là một số các sắc tộc thiểu số như người Rohingya theo đạo Hồi không được tham gia cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm qua.
Dù vậy, ngay từ tối hôm qua, hàng ngàn người ủng hộ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã tập hợp trước trụ sở của đảng như thể muốn ăn mừng chiến thắng. Dân chúng vui mừng vì tin chắc vào thắng lợi của đảng này. Tờ báo chính thức Global New Light of Myanmar của chính phủ, sáng nay chạy tựa trên trang nhất « Một thời kỳ mới đang mở ra ».
Gương mặt đối lập hàng đầu Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tới nay vẫn tỏ ra thận trọng. Bà kêu gọi công chúng kiên nhẫn chờ đợi kết quả chính thức và hãy chấp nhận kết quả đó. Thế nhưng những người thân cận của bà thì không còn hoài nghi về thắng lợi vẻ vang lần này.
Tất cả hy vọng của người dân Miến Điện giờ đây đang được đặt lên đôi vai người đàn bà mảnh khảnh mà từ gần 30 năm qua đã dành trọn cuộc đời để đấu tranh vì dân chủ.
Cử tri ủng hộ bà Aung San Suu Kyi chờ đợi bà nhanh chóng vực dậy một đất nước tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trải qua 50 năm dưới chế độ quân sự độc tài. Năm ngoái tỷ lệ tăng trưởng của Miến Điện đạt tới 8 % thế nhưng thu nhập tính theo đầu người tại quốc gia này vẫn thuộc vào hạng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một phần ba dân Miến Điện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó. Miến Điện đang thiếu đủ mọi thứ từ bệnh viện đến trường học từ nhà máy điện đến các trục lộ giao thông. Một phần lớn các hoạt động kinh tế vẫn được đặt trong tay quân đội.
Thành công hay thất bại của mô hình dân chủ Miến Điện một phần lớn tùy thuộc vào khả năng của bà Aung San Suu Kyi và của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giải quyết được ngần ấy đòi hỏi cấp bách của người dân.
Phe dân chủ Myanmar tự tin thắng lớn
-
2 giờ trước
Một phần kết quả bầu cử chính thức ở Myanmar đã được công bố với 28 ghế, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiếm 25 ghế.
NLD nói đã giành được 44 trên 45 ghế ở hạ viện Yangon, và 70% số ghế quốc gia, tuy nhiên tin này chưa được xác nhận.
Đảng này cũng nói đã thắng đa số ở vùng Bago và Mon.
Chủ tịch lâm thời của đảng cầm quyền USDP, được quân đội hậu thuẫn, ông Htay Ooo thừa nhận chính ông đã mất ghế ở hạt cử tri của mình – được coi là chỉ dấu quan trọng trong kết quả bầu cử.
Hàng chục triệu cử tri ở Liên bang Myanmar đã đi bỏ phiếu lần đầu sau 25 năm quốc gia này bị chế độ quân nhân kiểm soát.
Lãnh đạo cao nhất của NLD, bà Aung San Suu Kyi chỉ nói rằng “ai cũng rõ kết quả sẽ về hướng nào” nhưng yêu cầu người ủng hộ chờ kết quả chính thức.
Dù cuộc bầu cử được cho là tự do nhưng có ý kiến phê phán tính công bằng của nó.
Hàng trăm nghìn người, trong có người dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, không được công nhận quyền bầu cử.
Trước bầu cử, an ninh được tăng cường trong toàn quốc, với khoảng 40.000 cảnh sát được huy động canh gác các điểm bỏ phiếu.
Nằm dưới chính quyền quân sự trong gần nửa thế kỷ, gần đây Myanmar đã có nhiều cải cách kinh tế và chính trị.
Có vẻ như quốc gia láng giềng to lớn của Myanmar là Trung Quốc đang chuẩn bị dư luận cho tin thắng cử của NLD.
Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói bầu cử Myanmar “không phải cách mạng màu” và cho rằng “không có một mô hình đồng dạng cho dân chủ” trên thế giới.
Trang Global Times, bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời báo viết:
“Người Trung Quốc cần tôn trọng sự lựa trọn của nhân dân Myanmar và quan sát bầu cử. Nhưng đúng ra, cải cách ở Myanmar rất khác với các cuộc cách mạng màu, thậm chí nó còn giống với những gì Trung Quốc muốn, cả về logic và nhịp độ,”
Báo này cũng trấn an:
“Nhưng tình hình Myanmar về cơ bản khác với Trung Quốc.”
“Dân chủ có tác dụng tích cực được thừa nhận trên thế giới nhưng dân chủ không thể trở thành đồng dạng trên toàn thế giới.”
Bà Aung San Suu Kyi: Đảng NLD thắng cử
09.11.2015
Ông Htay Oo, Chủ tịch Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp đương quyền, nói trên Đài truyền hình Tiếng nói Dân chủ Miến Điện, rằng ông đã mất ghế đại biểu trong cuộc bầu cử này, và thừa nhận số ghế đảng ông bị mất nhiều hơn số ghế thắng được.
Các giới chức bầu cử Myanmar cho biết họ hoãn việc loan báo kết quả chính thức cho tới 6 giờ chiều thứ hai giờ địa phương, thay vì 9 giờ sáng như kế hoạch trước đây. Họ không cho biết lý do của sự trì hoãn này.
Tờ Myanmar Times cho biết Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã chính thức khiếu nại với Uỷ ban Bầu cử về sự thay đổi trong qui trình bầu cử. Đảng này nói rằng Uỷ ban Bầu cử đã chỉ thị cho các giới chức bầu cử địa phương trực tiếp nộp kết quả bầu cử cho văn phòng chính của uỷ ban tại thủ đô Naypyitaw, thay vì nộp cho giới hữu trách bầu cử địa phương và tiểu bang.
Các giới chức bầu cử đã kiểm khoảng 32 triệu phiếu bầu trong cuộc đầu phiếu hôm chủ nhật. Theo dự liệu, Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp một cách dễ dàng. Một nhà lập pháp thuộc đảng đương quyền, Chủ tịch quốc hội Shwe Mann, người từng được xem là một ứng viên tổng thống, đã thừa nhận bị đối thủ của ông thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đánh bại trong cuộc chạy đua giành chức đại biểu ở quận Pyu.
Không hoàn hảo
Cử tri Myanmar xếp hàn chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử, ngày 8/11/2015. (Ảnh – Thar Nyunt Oo/VOA)
Ông Mark Green, Chủ tịch Viện Cộng hoà Quốc tế, nói với đài VOA trong một cuộc phỏng vấn tại Yangon rằng “Rõ ràng là có những khiếm khuyết, không phải mọi thứ đều hoàn hảo. Người dân Miến Điện đang xem xét cẩn thận các kết quả chính thức.”
Ông Green, cựu Đại sứ Mỹ tại Zimbabué, nói thêm rằng “Sự phán xét đối với cuộc bầu cử này hoàn toàn thuộc về người dân Miến Điện.”
Cựu Tổng thống Ireland, bà Mary Robinson, tham gia toán quan sát viên bầu cử của Trung tâm Carter ở Mỹ. Bà nói “Chúng ta phải nhìn cuộc bầu cử này trong một khuôn khổ không có tính chất dân chủ công khai một cách đầy đủ.”
Hàng triệu người, trong đó có những người Rohingya theo đạo Hồi ở tiểu bang Rakhine, đã mất quyền bầu cử vì không có quốc tịch hoặc vì những lý do khác.
Trong một thông cáo phổ biến hôm chủ nhật, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, nói việc mất quyền bầu cử của người Rohingya nằm trong số nhiều “khiếm khuyết và thách thức lớn mà giới hữu trách phải giải quyết trong tương lai.”
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ngỏ lời chúc mừng dân chúng Myanmar và gọi cuộc bầu cử này là “một minh chứng của lòng dũng cảm và sự hy sinh của nhân dân Miến Điện trong nhiều thập niên.” Ông nói cuộc bầu cử này là “một bước tiến quan trọng”, tuy “không hoàn hảo.”
Chấp nhận kết quả
Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, đã hứa hợp tác với các đảng đối lập để có được một cuộc chuyển tiếp êm thắm và suôn sẻ trong trường hợp cuộc bầu cử này loại ông ra khỏi quyền lực. Trong bài nói chuyện hôm thứ 6 trước những người ủng hộ đảng đương quyền, ông Thein Sein nói “Chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả.Tôi sẽ chấp nhận tân chính phủ được thành lập dựa trên kết quả bầu cử.”
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền năm 2011, một năm sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do và lệnh cấm đối với đảng của bà được thu hồi.
Bà Suu Kyi và Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền. Theo dự liệu, Liên minh dân chủ Toàn quốc lần này cũng sẽ đánh bại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp, là đảng có được sự ủng hộ của phe quân đội có nhiều thế lực.
Đảng đương quyền tham gia cuộc bầu cử với một ưu thế rất lớn: 25% ghế đại biểu quốc hội được dành riêng cho sĩ quan quân đội.
Hội Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc giam cầm những nhân vật tranh đấu ôn hoà, sự hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận và những sự kỳ thị khác nhắm vào các nhóm thiểu số là một vấn đề nghiêm trọng gây phương hại cho tiến trình bầu cử ở Myanmar.
Cần có thắng lợi rất lớn
Các chuyên gia chính trị Myanmar cho rằng Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc cần phải giành được 67% số ghế tại quốc hội mới có có thể vượt qua sự phủ quyết của quân đội tại quốc hội gồm hai viện và có nhiệm vụ bầu ra tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi không thể giữ chức tổng thống cho dù đảng của bà thắng cử. Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp một qui định để không cho một người có vợ hoặc chồng hoặc con cái là người nước ngoài được giữ chức tổng thống. Người chồng quá cố của bà Suu Kyi và hai người con trai của bà là công dân Anh.
Trong cuộc họp báo tại tư thất của bà ở Yangon hôm thứ Năm, bà Suu Kyi nói rằng trong trường hợp Liên minh Dân chủ Toàn quốc thắng cử bà sẽ giữ một chức vụ mà bà gọi là “cao hơn tổng thống.”
Gần 7.000 ứng cử viên thuộc 91 đảng dự tranh các ghế đại biểu tại hai viện của quốc hội.
Myanmar, cựu thuộc địa Anh, đã bị cô lập với hầu hết thế giới bên ngoài trong nhiều thập niên sau khi Tướng Ne Win thực hiện cuộc đảo chánh vào năm 1962 để lật đổ chính phủ và bãi bỏ hiến pháp dân chủ của quốc gia đa số dân là người theo đạo Phật.
Bầu cử Miến Điện : Đối lập trên đà thắng lớn
Kết quả chính thức cuộc bầu cử tại Miến Điện ngày 08/11/2015 chỉ sẽ được công bố trong một vài ngày tới, nhưng ngay hôm nay, 09/11, đảng cầm quyền thừa nhận thất bại trong lúc phe đối lập của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi chờ đợi thắng lớn, giành được khoảng 70 % số ghế tại Quốc hội.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình về những dấu hiệu báo trước thắng lợi vẻ vang của đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ :
“Kết quả đang lần lượt được công bố. Theo báo chí Miến Điện thì đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang dẫn đầu, đặc biệt là tại Rangoon. Tại đây đảng này đã đắc cử ở hầu hết các cuộc bầu cử khác nhau. Tình thế cũng tương tự tại khu vực đồng bằng Irrawady.
Tại Moulmein, thành phố lớn thứ ba của Miến Điện, cũng vậy : Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ gần như toàn thắng. Một người thân cận với đảng do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã đắc cử tại khu vực Naypyidaw, trung tâm quyền lực của Miến Điện và đây cũng là nơi thắng lợi thường nghiêng về phía đảng cầm quyền trong tay quân đội. Thắng lợi của phe đối lập ngay tại thủ đô Naypyidaw là một biểu tượng hết sức quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Shwe Man thừa nhận thất bại của chính mình. Ông là một nhân vật hàng đầu trong đảng cầm quyền. Cho đến tháng 8 vừa qua ông còn là chủ tịch đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một đảng phái chủ chốt được quân đội hậu thuẫn.
Về phần mình ông Htay Oo, một người thân cận với Tổng thống Thein Sein vào sáng nay cũng đã nhìn nhận thất bại của đảng cầm quyền. Theo ông, đã đến lúc đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển phải « tìm hiểu xem vì sao đã thất bại (…) và không đắn đo chấp nhận kết quả bầu cử (…) vì đó là quyết định của người dân » . Nhân vật này lưu ý là hiện vẫn chưa có kết quả chính thức.
Lãnh đạo đối lập Miến Điện bà Aung San Suu Kyi sáng nay đã có mặt tại trụ sở của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangoon. Bà kêu gọi những thành phần ủng hộ đảng nên kiên nhẫn chờ đợi kết quả chính thức, cho dù là « người dân đã có một khái niệm về kết quả » bầu cử ngày hôm qua.Đảng đối lập Miến Điện đang trên đà giành được thắng lợi.”
Aung San Suu Kyi trước ngưỡng cửa quyền lực
Đối lập Miến Điện sẽ chiếm đa số trong cuộc bầu cử 08/11/2015,
Dưới bức chân dung của bà Aung San Suu Kyi, lớn hơn người thật trong bộ quốc phục màu sắc rực rở, được sử dụng trong cuộc vận động tranh cử, nhật báo Le Monde đề tựa : lãnh đạo đối lập bước đến cửa quyền lực trong cuộc bầu cử vào chủ nhật tới. Cho dù không tránh khỏi những gian lận xuất phát từ một chính phủ hậu thân của quân phiệt, nhưng bầu cử 08/11 được xem là tự do nhất từ năm 1990. Hình ảnh của lãnh đạo đối lập kiên cường tranh đấu trong suốt 25 năm qua bất chấp 15 năm tù đày và quản chế chiếm trang nhất báo chí Miến Điện mỗi ngày.
« Trên cả Tổng thống »
Nếu chiến thắng của đối lập được dự báo thì vẫn còn hai ẩn số : một là giành được bao nhiêu ghế và hai là bà sẽ làm gì để « lách » chốt chận của bản Hiến Pháp cấm phụ nữ có chồng nước ngoại lãnh đạo quốc gia. Về điểm thứ hai này, Le Monde cho rằng Nobel Hòa bình 1991 « bất cần ». Ngày 05/11 vừa qua, bà tuyên bố « có phương án » lãnh đạo chính phủ và « đứng trên cả tổng thống » nhưng giữ bí mật đến phút cuối. Chưa rõ bà sẽ đề cử ai làm tổng thống để có thể « chỉ đạo » nhưng lời tuyên bố tự tin này đã gây ra nhiều bình luận lẫn tin đồn « khó tin » nhất : bác sĩ riêng của bà.
Linh cảm sẽ bị mất ghế nguyên thủ quốc gia, đương kim tổng thống Thein Sein tung lá bài cuối cùng, mang hàm ý đe dọa đất nước mất ổn định nếu đối lập lên cầm quyền : Tại sao dân chúng muốn thay đổi hơn nữa trong khi chế độ đang thay đổi và dân chủ hóa ? Phải chăng quý vị muốn « chế độ cộng sản » hay sao ? Thời đại này còn ai muốn theo cộng sản.
Dưới góc nhìn kinh tế, nhật báo Les Echos cũng nhấn mạnh đến yếu tố « tự do » của cuộc bầu cử ngày 08/11. Phe chính quyền tuy tự cho là xứng đáng tiếp tục lãnh đạo, nhưng đông đảo dân chúng không quên chính quyền quân phiệt đã gian lận và cướp đoạt chiến thắng của đối lập trong những lần bầu cử trước.
Kịch bản hợp lý nhất, theo dự báo của Les Echos, là phe thân chính quyền và đối lập hợp tác trong một chính phủ liên minh. Quốc gia Đông nam Á này cần phải canh tân môi trường doanh nghiệp để thu hút đầu tư và để tiềm năng kinh tế dồi dào, đừng bị mai một. Giới doanh nghiệp quốc tế đang thất vọng, vì môi trường làm ăn ở Trung Quốc sẽ đỗ về Miến Điện như họ đã sang Cam Bốt và Việt Nam. Nếu bầu cử không đưa đến ổn định chính trị thì thật là hoang phí. Tỷ lệ tăng trưởng được dự báo sẽ lên đến 7% mỗi năm trong những năm tới.
La Croix cũng dành một trang lớn cho bầu cử Miến Điện , nhưng không để dự báo chiến thắng của đối lập. Nhật báo Công giáo tập trung tìm hiểu vì sao Nobel Hòa bình 1991, nhân vật duy nhất có khả năng đánh bại phe quân đội, lại không quan tâm đến số phận hẩm hiu của sắc dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, hay tham gia trực tiếp giải quyết chiến tranh sắc tộc ?
« Nữ nhi Miến Điện »
Theo La Croix, trước hết là sáng kiến hòa giải dân tộc của bà không được chính phủ ủng hộ. Thứ hai, là cần phải tập hợp lực lượng để giành thắng lợi bầu cử trước đã. Trong bối cảnh đại đa số cử tri theo đạo Phật bị tác động vì lập luận chống đạo Hồi của một số nhà sư kỳ thị tôn giáo, bà Aung San Suu Kyi phải « tính toán lợi hại ». Trong danh sách ứng cử viên của đối lập, tât cả tín đồ đạo Hồi đều bị loại để tránh bị phe Phật tử cực đoan công kích.
Tuy nhiên, theo La Croix, thành viên đối lập thông cảm cho bà Aung San Suu Kyi. Tuy bị loại, nhưng cựu ứng cử viên Sithu Maung tâm sự : tôi chấp nhận. Vì đây là phương án tốt nhất để đối lập lên nắm chính quyền. Aung San Suu Kyi muốn đối phó một cách ôn hòa và hữu hiệu những đòn tấn công hung bạo của phong trào tôn giáo cực đoan. Một khi đối lập thành công thì mới cải cách thật sự cho đất nước.
Khác với các đồng nghiệp, Libération, chọn cô Zin Mar Aung, một khuôn mặt trẻ của đối lập để giới thiệu. Sau 10 năm tù dưới chế độ quân phiệt, Zin Mar Aung ra tranh cử với « năng lượng và nhiệt tâm » vô bờ bến. Chính cô là người viết thư cho tổng thống Thein Sein và mang bức thư này đến tận phủ tổng thống lên án xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của một số nhà sư Miến Điện cũng như đạo luật cấm hôn nhân của những người khác tôn giáo. Bị hăm dọa giết chết, nhưng Zin Mar Aung không sợ, chỉ nực cười chính quyền tuyên bố « không biết » thủ phạm đe dọa là ai.
Bầu cử Miến Điện: Đảng cầm quyền thừa nhận thất bại
2015-11-09
Trong lúc công tác kiểm phiếu đang diễn ra, hôm nay ông Htay Oo quyền Chủ tịch đảng cầm quyền tức Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn nói rằng, ông sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức lần đầu tiên ở đất nước ông từ 25 năm qua.
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt của hãng tin Reuters, lãnh tụ Htay Oo của đảng cầm quyền Miến Điện nhìn nhận Đảng ông bị thất bại trước đảng NLD đối lập của bà Aung San Suu Kyi.
Tin cho biết, đương kim Chủ tịch quốc hội Myanmar ông Shwe Mann, cũng nhìn nhận bị mất ghế theo kết quả kiểm phiếu ngày hôm nay. Ông Shwe Mann từng được cho là nhân vật quyền lực thứ ba của đảng cầm quyền USDP. Tuy bị mất chức Chủ tịch đảng hồi tháng 8, nhưng ông Shwe Mann từng được xem là một úng cử viên cho chức vụ Tổng thống.
Đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số
Liên đoàn toàn quốc tranh đấu vì dân chủ (NLD), đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, tin tưởng giành được 70% số ghế trong Quốc hội hai viện của Myanmar. Phát ngôn nhân của NLD ông Win Htein tuyên bố như vừa nêu vào chiều tối nay 9/11 sau khi công tác kiểm phiếu được thực hiện khoảng 24g.
Kết quả không chính thức ở những đơn vị bầu cử đầu tiên đã kiểm phiếu xong cho thấy NLD đã thắng 15 ghế trong tổng số 16 ghế. Riêng tại các đơn vị bầu cử ở thành phố Yangoon, nơi NLD đặt văn phòng Trung ương, NLD thắng 12 ghế ở Hạ Viện.NLD cũng thắng 3 ghế đại diện khu vực, trong khi Liên minh đoàn kết và phát triển USDP do quân đội hậu thuẫn chiếm được 1 ghế. Tuy vậy, hiện còn quá sớm trước khi kết quả chính thức trên toàn quốc được công bố.
Hôm qua 8/11, 80% trong tổng số 32 triệu người có quyền bầu cử ở Myanmar đã tham gia cuộc tổng tuyển cử đa đảng lần đầu tiên sau 25 năm. Quốc hội Myanmar gồm 2 viện với 664 ghế dân biểu và nghị sĩ.
Tuy vậy theo Hiến pháp hiện hành, quân đội được quyền chỉ định 25% tổng số ghế, phần còn lại 498 ghế mới là dân cử và có tới 91 đảng chính trị tham gia tranh cử. Trong đó hai đảng lớn nhất là NLD của bà Aung San Suu Kyi và USDP do quân đội hậu thuẫn.
Hoa Kỳ hoan nghênh
Hoa Kỳ hoan nghênh cuộc bầu cử lịch sử diễn ra hôm chủ nhật ở Myanmar, nhưng cảnh báo về điều gọi là sự khiếm khuyết quan trọng có hệ thống lẫn cấu trúc để tiến tới nền dân chủ hoàn hảo ở Miến Điện sau nhiều thập niên nước này ở dưới chế độ độc tài quân phiệt.
Theo hãng tin AFP, Ngoại trưởng Hoa kỳ John Kerry nhận định rằng, số cử tri đông đảo đi bỏ phiếu, cũng như khả năng Đảng đối lập của bà Aung San Suy Kyi nắm quyền lực, thể hiện truyền thống hy sinh can trường của người dân Miến Điện nhiều thập kỷ qua.
Ông Kerry đề cập tới vấn đề quân đội có quyền chỉ định 25% số ghế trong quốc hội, hoặc những sắc dân thiểu số không có quyền bầu cử như Rohingya và người theo Hồi giáo. Ngoài ra còn sự kiện nhiều ứng cử viên bị loại về điều gọi là không đủ điều kiện ứng cử.