Cái giá của bán nước
Posted on November 7, 2015 by Thanh Lương in Bình Luận // 0 Comments
Cac Bai Khac
No sub-categories
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) duyệt hàng quân danh dự trong buổi lễ chào đón tại Hà Nội vào ngày 05 tháng 11 năm 2015.
Theo RFA
Viết Từ Sài Gòn
2015-11-07
Đổi cả chủ quyền của một quốc gia
Chế Mân mang hai châu Ô và Lý dâng cho nhà Trần để được lấy Huyền Trân Công chúa, ông được gì? Cái mà ông được là gái đẹp (nhưng chưa chắc gái đẹp đã xem ông là trai khôn!) và đất nước còn lại nhỏ hẹp, cuối cùng là một quốc gia bị diệt vong. Chuyện lịch sử, dài dòng, xin miễn bàn đúng sai. Nhưng ở đây, vấn đề cái giá phải trả là vấn đề cần bàn. Việt Nam hiện tại, nói theo cách gì thì đảng cầm quyền cũng đã dâng cho Trung Cộng cả Hoàng Sa và Trường Sa. Cái giá của việc này sẽ đến đâu?
Xét về địa hình thì có khác, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý là đất liền, còn Hoàng Sa, Trường Sa là hải đảo, biển khơi. Nhưng đó là chuyện địa hình. Trong thực tế, hiện tại, biển đảo lại quan trọng hơn đất liền rất nhiều, thời đại kỹ thuật đã tiến bộ đến độ tối tân thì đất liền không còn là tài sản quí nhất mà người ta tiến ra biển, chủ quyền trên biển thể hiện sức mạnh của một quốc gia (trừ những quốc gia không có bờ biển). Việc dâng Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Cộng còn nguy hiểm hơn cả Chế Mân dâng hai châu Ô Lý.
Vì sao lại nói là nguy hiểm hơn? Và vì sao lại nói rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã dâng Hoàng Sa và Trường Sa?
Ở câu hỏi thứ nhất, thời xưa, kỹ thuật còn chưa phát triển, vấn đề khai thác tài nguyên biển và quản lý cửa ngõ quốc gia trên biển chưa phải là vấn đề quan trọng. Ranh giới giữa các quốc gia là những con sông. Chế Mân đã dâng hai châu, ranh giới nằm từ phía Nam sông Gianh, Quảng Bình vào đến phía Bắc sông Câu Lâu, Quảng Nam. Và biên giới giữa quân đội nhà Trần với kinh đô Shimhapura Trà Kiệu chỉ cách nhau một con sông Thu Bồn. Với địa hình một bên là đầu não quốc gia, bên kia là những đồn trú bí mật, thật khó để lường thử bao giờ thì các đồn trú đối phương nổi lửa xua quân chiếm kinh đô.
Và bài học bằng máu này đã đổi cả tự do, độc lập và chủ quyền của một quốc gia hùng cường như Chăm Pa thuở bấy giờ để đi đến diệt vong. Tên của vương quốc Chăm Pa bị mất dấu trên bản đồ thế giới. Cái giá mà Chế Mân phải trả chính là tiếng dơ muôn thuở, tội đồ đã hiến đất của tổ tổng vì một người đàn bà và ông đã cẩu thả khi làm việc này bởi vì không ai được phép mang giang sơn đi đổi bất kì thứ gì. Chính chế độ phong kiến trung ương tập quyền đã cho Chế Mân cái quyền vớ vẩn đó và kết quả là dân tộc Chăm phải trả giá cho việc này bằng máu chảy đầu rơi, tuyệt vong.
Trong khi đó, hiện tại, khi mà mọi vấn đề trên đất liền không phải là chuyện cần bàn cãi theo kiểu sau một lần mang quân đi chinh phạt thì thành của mình nữa, chuyện này rất khó, bởi hệ thống luật quốc tế hiện tại cũng như một số liên kết quân sự không cho phép điều đó. Vấn đề biển đảo, lãnh hải cũng chẳng có gì khác đất liền, người ta căn cứ trên các dữ kiện lịch sử và các công ước quốc tế về biển để hành xử, xác định lãnh hải, lãnh thổ.
Các dữ kiện lịch sử của Việt Nam đang có đều chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tòa án quốc tế cũng lên tiếng tuyên bố nếu Việt Nam khởi kiện vụ Trường Sa, Hoàng Sa thì họ sẽ thụ lý hồ sơ. Nhìn chung, mọi vấn đề về tranh chấp biển Đông đều có vẻ thuận tiện cho Việt Nam. Đặc biệt, người dân Việt Nam mong mỏi lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà ông cha đã thấm máu để có được. Nhưng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã làm gì? Họ tuyên bố đây là vấn đề cần thương thuyết đôi bên nhằm ổn định hòa bình!
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015. AFP PHOTO.
Thương thuyết gì? Hoàn toàn không có gì để thương thuyết mà vấn đề là cần phải đấu tranh, bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, phải đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Bởi không có bất kì lý do nào để thương thuyết với kẻ đã gây hấn, đã bắn giết chiến sĩ giữ đảo, đã cướp đảo, đã hành hạ, giết hại ngư dân Việt Nam trên mọi nghĩa và chưa bao giờ tỏ ra nhượng bộ, chưa bao giờ thấy họ sai. Vậy thì thương thuyết kiểu gì?
Thuơng thuyết là để hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đất nước? Thương thuyết là để người Trung Quốc thỏa sức khai thác tài nguyên Việt Nam? Thương thuyết là chấp nhận để các tiểu khu, đặc khu của Trung Quốc ngày càng dày đặc trên đất nước Việt Nam? Thương thuyết là nhận viên trợ, nhận vay để rồi Trung Quốc đưa nhà thầu sang lừa bịp giống như đường Cát Linh – Hà Nội? Thương thuyết gì mà không hề nghe nhắc đến Trường Sa, Hoàng Sa trong cuộc gặp mặt với Tập Cận Bình, chỉ nghe nói toàn chuyện Trung Quốc hứa viện trợ cho Việt Nam khoản tiền tương đương một tỉ nhân dân tệ để “thiết chặt tình anh em…”?
Quá rõ âm mưu thỏa hiệp
Mọi vấn đề căng thẳng biển Đông bị dẹp ngang một bên để nói chuyện vay tiền, nói chuyện viện trợ. Thế giới lên tiếng ủng hộ, Mỹ đưa USS Lassen sang khu vực đảo nhân tạo của Trung Quốc để tuần tra thì tuyên bố hãy để cho mọi chuyện được thu xếp trong hòa bình, ổn định… Như vậy thì quá rõ âm mưu thỏa hiệp, bán đứng lãnh thổ, lãnh hải quốc gia cho giặc và rước giặc vào ngồi ghế trên rồi chứ còn gì nữa?
Đó là chưa muốn nói đến chuyện hàng loạt đài phát thanh, truyền hình địa phương đã đọc câu chào theo kiểu Trung Quốc với địa bàn đứng trước, đơn vị hành chính đứng sau. Chuyện này chỉ mới xảy ra đúng đêm ngày 4 tháng 11 chứ trước đây luôn đọc đơn vị hành chính trước, tên địa phương sau theo kiểu Việt Nam. Ví dụ như “Đây là đài phát thanh truyền hình A, B, C thị xã” thay vì “Đây là đài phát thanh truyền hình thị xã A., B, C…” như trước đây. Và đài VTV, thay vì đọc “Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói…” thì chỉ đọc “Chủ tịch nước, Tổng bí thư đã nói…” khi truyền lại những lời phát biểu của Tập Cận Bình. Người nghe cứ ngỡ Tập Cận Bình là chủ tịch nước, tổng bí thư của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc.
Dường như đã có một sự thông đồng từ trên xuống dưới và đã có sự nhất quán giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong vấn đề mặc nhiên thừa nhận Trung Cộng là đàn anh, là kẻ bề trên và chuyện họ Tập sang thăm Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm mang lại một cơ hội nào đó cho hệ thống đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Bởi hơn ai hết, Tập Cận Bình và bộ sậu trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thừa hiểu là họ đã quá lạc hậu, những thứ chủ trương, đường lối của họ chỉ nhân rộng tham nhũng, nhân rộng dốt nát và bạo lực, nhân rộng mọi tệ nạn và nghèo đói, nhân rộng tài sản của những đảng viên gộc và nhân rộng cả những cuộc thanh trừng nội bộ. Chính vì vậy, muốn tồn tại, đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận sáp nhập trở thành một bộ phận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hay nói cách khác, muốn giữ được độc tài, chỉ còn cách duy nhất là quì gối vong nô cho Trung Cộng và để Việt Nam thành một tỉnh nhỏ của Trung Quốc. Ngược lại, Cộng sản Trung Quốc muốn tồn tại thì phải bằng mọi giá biến Việt nam thành một tỉnh nằm tiền đồn của Cộng sản Trung Quốc.
Rõ ràng họ Tập sang Việt Nam với hai mục đích rất cụ thể: Nhắc nợ để làm cho đối phương mất hết nhuệ khí mà không dám nhắc chuyện biển Đông nhằm giảm căng thằng trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, khi các đảo nhân tạo xây xong, có đầy đủ lực lượng trên đó thì có nhắc cũng bằng không; Tiếp tục cho đối phương ăn bả bằng cách viện trợ để đứng bề trên điều khiển hệ thống chính trị của đối phương, đặt để một số chức danh trong bộ sậu trung ương đảng nhằm cắm tình báo vào đó để dễ bề ra tay. Vì hiện tại là thời điểm nhạy cảm để đi đến đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam, họ Tập đã chọn đúng điểm rơi. Và thăm Việt Nam cũng đồng nghĩa với kế hoạch hoãn binh trên biển Đông để khi hệ thống quân sự đủ mạnh, đủ đe dọa từ biển Đông, Việt Nam nghiễm nhiên thành một tỉnh của Trung Quốc nếu Trung Quốc dàn cảnh, nã vài phát pháo vào bờ.
Mặc nhiên để Hoàng Sa và Trường Sa rơi vào tay Trung Quốc là một bước khởi sự cho chiêu bài sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc. Bởi hiện tại, ngư dân trên biển Đông muốn đánh bắt phải mua phiếu thông hành của Trung Cộng, và tiếng kêu trực tiếp từ biển Đông chính là tiếng kêu của ngư dân. Với chiêu bài đang sử dụng, với thứ lý luận khi Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc sẽ hưởng được những đặc ân của chính phủ Trung Quốc từ kinh tế đến chính trị, văn hóa… Được du lịch sang Trung Quốc miễn thị thực, được đánh bắt mà không cần phiếu thông hành, được nhận phúc lợi xã hội từ chính phủ Trung Quốc… Bởi đã sống trong hỗn độn quá lâu, người dân sẽ tin vào thứ lý luận này để được sống yên thân.
Và người dân mãi mãi không bao giờ hiểu được rằng chẳng bao lâu sau cái sự yên thân giả dối đó sẽ là những cuộc diệt chủng âm thầm, giết dần giết mòn người Việt, nước Việt sẽ mất dấu trên bản đồ thế giới như Chăm Pa đã từng. Thật là khó lường được thủ đoạn của những người Cộng sản! Và đó là cái giá của bán nước, cái giá của diệt vong và tuyệt chủng!
Viết Từ Sài Gòn
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.