Ông Tập muốn cột chặt Việt Nam với Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ông Tập muốn cột chặt Việt Nam với Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015.

AFP
Nam Nguyên, phóng viên RFA

2015-11-06

“VN-TQ, tiền đồ vận mệnh tương quan”

Nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 5/11/2015 với một thông điệp rõ ràng: “Việt Nam-Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan”. Họ Tập đến Hà Nội và được tiếp đón với nghi thức trọng thể nhất và trên báo chí Việt Nam thể hiện hai hình ảnh tương phản, lễ nghi hoành tráng bên cạnh thông tin lũ miền Trung đang lên nhanh nhiều người chết và mất tích.
Đọc bài tường thuật của Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo hiểu rằng, ông Tập Cận Bình ngay sau khi bước xuống sân bay Nội Bài trưa 5/11/2015 đã lập tức có bài phát biểu đầu tiên mà không chờ tới lễ đón chính thức sau đó ở Phủ Chủ tịch. Bài phát biểu sớm này có nhiều câu chữ đáng chú ý, mà báo Thanh Niên đã dùng đặt tựa bài của mình. Đó là “Việt Nam – Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan.” Có những ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội về điều gọi là xiết chặt thòng lọng chính trị đối với Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Phát biểu của ông Tập có ý nghĩa rất rõ ràng.

Tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ. -LS Trần Quốc Thuận

Tất nhiên truyền thông báo chí chính thức đã không đề cập gì tới các hoạt động phản đối chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình diễn ra ở Hà Nội và Saigon từ vài ngày trước. Đặc biệt là cuộc biểu tình tuần hành ở hai thành phố lớn nhất nước ngay trong ngày 5/11. Tin và hình ảnh ghi nhận từ truyền thông xã hội, cho thấy một số người biểu tình bị đánh đập đổ máu và tạm giữ ở Hà Nội cũng như Saigon. Trên Youtube truyền tải hình ảnh cuộc tuần hành ở công trường Hồ Con Rùa và khu vực tiếp cận Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM. Một nhóm vài chục người biểu tình bị lực lượng an ninh giải tán bằng dùi cui, gậy gộc. Đặc biệt hình ảnh được phổ biến nhiều nhất là khuôn mặt đẫm máu của Kỹ sư Trần Bang, một cựu binh trận chiến biên giới phía Bắc 1979. Ông Trần Bang hét to rằng ông chết để đuổi Tập Cận Bình ra khỏi Việt Nam.
Cuộc biểu tình chống ông Tập Cận Bình sáng 5/11 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cũng bị giải tán mau lẹ. Blogger Nguyễn Hữu Vinh có mặt trong đoàn tuần hành đã trả lời Đài ACTD khi bị lực lượng an ninh hốt lên xe.
“Sáng nay 5/11 có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này.”
Truyền thông nhà nước đưa tin lễ đón chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân diễn ra vào lúc 15g30 chiều 5/11 tại Phủ Chủ tịch với nghi thức cao nhất, hình ảnh duyệt hàng quân danh dự nhiều màu sắc và 21 phát đại bác chào mừng. Theo tường thuật của Thanh Niên Online, thì trong cuộc hội đàm sau đó giữa hai vị Tổng Bí thư hai đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung Quốc không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình Biển Đông. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung Quốc và Việt Nam cùng duy trì nguyên trạng và không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa. Tuy vậy ông Trọng cũng đề nghị hai bên tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí.
bieu-tinh-tcb-622
Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015.
Có ý kiến cho rằng nhà báo ưu tiên chọn vấn đề tranh chấp Biển Đông để tường thuật cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Trung là một chọn lựa khôn ngoan, giữa bối cảnh công luận Việt Nam sôi sục về việc Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo, không những lấn chiếm biển đảo mà còn ngang ngược bách hại ngư dân Việt Nam trên biển, cản trở cuộc mưu sinh của ngư dân. Theo tin các báo thì không thấy hai ông Tổng Bí thư hai Đảng đề cập gì tới việc Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hàng hải hàng không ở Trường Sa, đặc biệt áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và đang quân sự hóa.

16 chữ vàng và 4 tốt

Theo dõi truyền thông báo chí chính thức đưa tin về cuộc hội đàm giữa hai Tổng Bí thư chiều 5/11 ở Hà Nội, thì không thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì về vấn đề Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị. Họ Tập vẫn hành xử như tất cả các lãnh đạo Trung Quốc khác, lập lại phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt vốn được khai sinh từ sau Hội nghị Thành Đô 1990, một thập niên sau trận chiến tranh biên giới 1979 mà kẻ thù xâm lăng chính là Trung Quốc. Ngày 5/11/2015, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt theo phương châm gọi là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “ láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Phương châm 16 chữ vàng và và tinh thần 4 tốt trong quan hệ Việt Trung được các học giả trí thức Việt Nam mô tả là một sự mỉa mai đối với thực tế đã diễn ra trên biển đông từ nhiều năm nay. Tuy vậy ông Tập Cận Bình trong lần tới Việt Nam này, cũng mang theo một món quà cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là khoản viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới, trợ giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện. Ngoài ra còn có hai khoản vay ưu đãi tổng cộng 550 triệu USD. Cũng là một sự kiện trớ trêu, một trong hai khoản vay là bổ sung 250 triệu USD cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Được biết dự án này bị chậm trễ, gây nhiều tai nạn lao động và đội vốn là do trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc mà Việt Nam không được quyền thay thế.

Sáng nay 5/11 có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này. -Blogger Nguyễn Hữu Vinh

Báo chí chính thức cũng đưa tin, cùng trong buổi chiều ngày đầu tiên viếng thăm Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Trụ sở Chính phủ Việt Nam. Ông Dũng đã không có phát biểu nào đáng chú ý, có phần nói năng êm dịu hơn ông Nguyễn Phú Trọng, theo thông tin chính thức được phổ biến.
Cùng ngày 5/11 báo chí Việt Nam cũng đưa thêm tin về việc Chủ tịch Tập Cận Bình vào sáng 6/11 có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. VTC News trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiết lộ một điều khá thú vị. Theo đó chính phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Được biết, theo thông lệ quốc tế đọc diễn văn trước Quốc Hội một quốc gia là hoạt động đặc biệt quan trọng đối với quốc khách và phải được chính Chủ tịch Quốc hội của quốc gia đó gởi lời mời. Việc phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc Hội là không bình thường mà một chuyên gia nói đùa là như kiểu trong nhà bảo nhau.
Trả lời Cát Linh Đài ACTD hôm 2/11 Luật Sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nghỉ hưu ở Saigon đã nhận định.
“Tôi nghe tin này thì tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ.”
Đúng như lịch trình, trưa ngày 6/11/2015, Tổng bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội trường Quốc hội, báo chí không được dự mà phải theo dõi trên màn hình ở phòng bên cạnh và khi ông Tập phát biểu bằng tiếng Hoa nhà báo không được phiên dịch. Người Lao Động Online trích lời Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Lê Như Tiến cho biết theo nguyên văn: “Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tập trung nói đến cảm hứng hữu nghị, láng giềng hữu nghị, còn những vấn đề “nhạy cảm, khó nói” thì ông Tập Cận Bình không nhắc đến trong bài phát biểu như vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tờ báo còn trích lời Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu QH Đoàn TP HCM, nói rằng: “Trong bài phát biểu của mình trước QH, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết, hứa hẹn gì về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bên cạnh chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí cũng đưa tin về một cuộc viếng thăm khác cùng thời gian của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani. Các chuyên gia mô tả sự có mặt của ông Nakatani từ ngày 5-7/11 mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo VietnamNet và Zing News, sáng 5/11/2015, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani đã trung chuyển ở Tân Sơn Nhất trước khi đáp may bay đến sân bay Cam Ranh. Ông Nakatani đã viếng thăm Quân cảng Cam Ranh để quan sát hoạt động tiếp vận và phương tiện ở vịnh sâu kín gió này. Trước đó báo Nikkei của Nhật Bản đưa tin kể từ năm tài khóa 2016 bắt đầu 1/4/2016 Tokyo có kế hoạch sử dụng Cam Ranh để các tàu chiến của Nhật được tiếp vận nhiên liệu, thực phẩm và hàng tiếp liệu phẩm khác trong khi hoạt động ở biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông Việt Nam cụ thể là vùng Trường Sa.
Tin chính thức ghi nhận chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani kéo dài từ 5-7/11/2015 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. Cụ thể ngày 6/11 ông Nakatani sẽ đến Hà Nội và hội đàm với ông Phùng Quang Thanh, nhiều khả năng hai bên sẽ ký kết văn kiện liên quan tới việc tàu Nhật được phép ra vào quân cảng Cam Ranh.
Kể cũng là một sự trùng hợp lý thú, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani có mặt ở Hà Nội cùng lúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan điểm của Nhật Bản là ủng hộ Hoa Kỳ xoay trục về châu Á và hoan nghênh việc thực thi tự do hàng hải và hàng không, như sự kiện khu trục hạm Lassen có máy bay hộ tống áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.