Sứ mệnh ‘hàn gắn quan hệ’ của ông Tập tại Việt Nam
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, ngày 5/11/2015.
05.11.2015
Chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam giữa bối cảnh căng thẳng đang ngày càng gia tăng ở Biển Đông được quốc tế nhận định là để ‘hàn gắn quan hệ’ giữa hai quốc gia cộng sản.
Đồng thời theo Reuters, động thái này còn nhằm ra hiệu cho Hà Nội biết Bắc Kinh còn có ‘rất nhiều thứ để cho’ Việt Nam.
Trong hai ngày ở Việt Nam (5/11 – 6/11), ông Tập sẽ gặp gỡ các giới chức hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và sẽ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng trong nhiều lĩnh vực như tăng cường hợp tác giữa hai đảng cộng sản, các dự án về kinh tế, thương mại, đầu tư và hạ tầng cơ sở.
Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà Việt Nam khẳng định là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình vào tháng 7 năm ngoái, quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên xấu đi, nhất là khi Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của Việt Nam trong khu vực này. Thêm vào đó, những hoạt động xây dựng và các động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp đã gặp phải sự phản đối dữ dội từ phía công luận Việt Nam.
Chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam lần này được các chuyên gia quốc tế, mà Reuters dẫn nguồn, nói là ‘đúng lúc’ và giúp cho ông Tập có cơ hội xoa dịu Việt Nam và nhắc khéo rằng Bắc Kinh còn có ‘rất nhiều thứ để cho’ Hà Nội.
“Ông Tập đến (Việt Nam) vào giữa thời điểm cuộc tranh cãi (giữa các lãnh đạo Việt Nam) đang diễn ra”.
Ông Murray Hiebert, một chuyện gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế được Reuters dẫn lời, nói:
“Ông ấy có thể sẽ cố giành lại thế cân bằng với phe lãnh đạo đang mạnh mẽ phản đối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh và cởi mở với việc theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Washington.”
Thái độ hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng khiến Hoa Kỳ phải cảnh giác và can dự, gần đây nhất là sự kiện Washington tuần rồi phái tàu chiến USS Lassen đến tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây, để ‘khẳng định tự do hàng hải’ trong vùng biển mà Washington xem là quốc tế.
Bắc Kinh đã nổi giận lên án động thái mới nhất của Hoa Kỳ mà họ cho là ‘bất hợp pháp’ và ‘đe dọa chủ quyền’ của Trung Quốc.
Một chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, giáo sư Zachary Abuza của trường Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, nói với hãng tin DW về chuyến đi của ông Tập đến Việt Nam:
“Ngoài mặt, Trung Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh hải – mà không phải từ bỏ gì – cho Việt Nam để ủng hộ cho chương trình nghị sự về kinh tế của Trung Quốc”. Nhưng đằng sau bức màn sẽ có rất nhiều áp lực trên Việt Nam, mà Bắc Kinh xem là chủ động chống Trung Quốc trong chính sách ngoại giao. Nhà bình luận này lập luận “Trung Quốc rất không bằng lòng về mối quan hệ gần gũi của Việt Nam với Hoa Kỳ, bao gồm của chuyến đi chưa từng có của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đến Washinton vào tháng 7 vừa qua.”
Các chuyên gia nhận định chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc là rất quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc. Về phía Việt Nam, DW dẫn nhận xét của chuyên gia Phương Nguyễn của CSIS, chuyến thăm là một ‘biểu tượng mạnh mẽ’ bất chấp những tiến bộ trong quan hệ với Washington, Hà Nội vẫn duy trì chính sách ngoại giao độc lập và cố gắng cân bằng trong các cam kết đối với hai siêu cường.
Còn về phía Trung Quốc, được xem là ‘đánh giá thấp’ về chiến lược của Hà Nội, thì chuyến thăm có thể là một cách điều chỉnh để giúp cho Bắc Kinh hàn gắn mối quan hệ ‘ba chìm bảy nổi’ với Việt Nam.
“Vấn đề quan trọng đối với Chủ tịch Tập là tránh đẩy Việt Nam vào tay Nhật Bản và Mỹ”, ông Moritz Rudolf, một chuyên gia về Trung Quốc nói với DW.
Tuy nhiên, chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam đã gặp phải một số chống đối và biểu tình tại Hà Nội. Các chuyên gia cho đây là thực tế phản ánh những bất đồng quan điểm trong giới lãnh đạo hàng đầu Việt Nam.
“Nhưng chúng ta sẽ thấy nhiều hơn về một cuộc tấn công rất hấp dẫn so với những gì đang diễn ra đằng sau cánh cửa khép kín”, Giáo sư Jonathan London của trường đại học Hồng Kông nói với Reuters.
“Quan điểm chung là một nhóm các lãnh đạo tiềm năng mới lên (của Việt Nam) thấy rằng hội nhập kinh tế là một cơ hội hơn là một mối đe dọa, và có một cái nhìn thận trọng hơn về Bắc Kinh.”
Nhưng Giáo sư London lại cho rằng “Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc hình thành các chính sách có hiệu quả đối với Trung Quốc”.