Tin Việt Nam – 05/11/2015
Việt-Trung ‘tăng cường tin cậy chính trị’ — Chủ tịch TQ tới VN, biểu tình bị giải tán — Sứ mệnh ‘hàn gắn quan hệ’ của ông Tập tại VN — VN ‘buông’ Hoàng Sa cho TQ?
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước cần “duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị”.
Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội ngày 5/11.
Ông Trọng nói: “Hai bên cần thường xuyên duy trì các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều hình thức linh hoạt để trao đổi tình hình và các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề tồn tại và nảy sinh.”
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ‘nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau’
Phát biểu tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ông Tập nói: “Phía Trung Quốc hết sức coi trọng mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc với Việt Nam, kiên trì coi quan hệ Trung-Việt từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lươc toàn diện phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài.”
Một số kết quả từ chuyến thăm ngày 5/11:
– Hai bên cam kết kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung-Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
– Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Trung Quốc chuyển khoản vay ưu đãi bên mua 300 triệu USD sang sử dụng cho dự án đường cao tốc Móng Cái-Vân Đồn và bổ sung khoản vay ưu đãi Chính phủ 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
– Việt Nam cảm ơn Trung Quốc tuyên bố cung cấp viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện.
– Hai bên ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020,” “Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,” “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên)”.
Ông Tập tới Hà Nội cùng phu nhân Bành Lệ Viện và một đoàn đại biểu, trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc.
Ra đón ông Tập ngoài sân bay Nội Bài là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân.
Theo lịch trình, lễ đón chính thức ông Tập Cận Bình với nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao sẽ diễn ra tại Phủ Chủ tịch lúc 15:15 chiều thứ Năm ngày 5/11.
Sau đó ông sẽ hội kiến Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
17:30 chiều cùng ngày, ông sẽ hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng thứ Sáu 6/11, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, sau đó viếng thăm và đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước khi phát biểu khoảng 10 phút tại Quốc hội Việt Nam lúc 10:30 sáng 6/11.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được báo trong nước dẫn lời nói: “Việc đón tiếp ông Tập Cận Bình trong hội trường Quốc hội được tiến hành theo nghi thức, nghi lễ của Quốc hội, đó là các đại biểu sẽ đứng lên chào và vỗ tay”.
“Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ có lời đáp từ.”
Cuộc gặp cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc với lãnh đạo Việt Nam sẽ là vào lúc 11:00 trưa thứ Sáu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trước khi ông chủ tịch Trung Quốc và đoàn tùy tùng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đã có một số cuộc biểu tình nhỏ phản đối chuyến đi của ông ở Hà Nội và TP HCM nhưng những cuộc này nhanh chóng bị lực lượng an ninh giải tán.
Tình hữu nghị ‘đồng chí, anh em’
Ngay trước thềm chuyến thăm, báo chí Trung Quốc viết nhiều bài ca ngợi điều mà họ gọi là tình hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa hai nước láng giềng.
Tân Hoa Xã gọi đây là “chuyến thăm dấu mốc cấp nhà nước” và nói “thời điểm đã chín muồi cho hai nước thêm thực chất vào quan hệ hữu nghị lâu nay.
Bài của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc nói: “Sau đợt căng thẳng vì bất đồng ở Nam Hải (Biển Đông), Trung Quốc và Việt Nam đang bước ra khỏi rừng rậm. Chuyến đi của Chủ tịch Tập, chỉ dấu cho sự nhanh nhạy chiến lược của cả Bắc Kinh và Hà Nội, sẽ đem lại động lực và tin tưởng cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.
Trong chuyến thăm hai ngày của ông Tập, hai bên được trông đợi sẽ ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ giữa hai đảng, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất tới thương mại, đầu tư và trao đổi nhân lực.
Truyền thông Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh và Hà Nội “đừng bao giờ giảm niềm tin trước các nỗ lực gây hiềm khích” của bên ngoài.
“Không thể bỏ qua các quan điểm thiển cận và ác ý, để chúng dẫn dắt dư luận tới hố sâu của đối đầu.”
Báo chí Trung Quốc không nói rõ các thế lực chia rẽ là ai.
Trong khi đó, có ý kiến chuyên gia nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình có mục đích ảnh hưởng quan hệ Việt-Trung ở mức chiến lược cao nhất.
Nhà nghiên cứu Carlyle Thayer nói ông Tập sẽ tìm cách nhấn mạnh các điểm tích cực trong hợp tác song phương, hai bên cùng có lợi.
“Thông điệp của ông Tập trước thềm Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam là Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều nếu hợp tác với Trung Quốc nhưng nếu Việt Nam gây khó thì quan hệ hai bên cũng sẽ gặp khó khăn.”
Theo GS Thayer, Chủ tịch Tập sẽ đưa thông điệp “châu Á là của người châu Á” và “tương lai sẽ phụ thuộc vào sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
“Tuy không nói ra trực tiếp, ông Tập sẽ đưa ra hàm ý là đừng nên trông chờ vào người Mỹ.”
Giải quyết bất đồng
Trong quá khứ, một số cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã dẫn đến các thỏa thuận có tính bước ngoặt trong giải quyết bất đồng như về biên giới trên bộ hay phân định Vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên giới quan sát không cho rằng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ dẫn tới một giải pháp chung gì cho vấn đề Biển Đông.
GS Thayer cho rằng hai chính phủ đã có cơ chế để giải quyết từng bước vấn đề này và có lẽ Chủ tịch Tập “sẽ khuyến khích tiếp tục cơ chế” đó.
“Ông Tập có thể còn thúc đẩy hợp tác khai thác chung. Chuyến thăm của ông nhằm thiết lập một không khí thân thiện và hợp tác hơn để thảo luận chủ đề Biển Đông.”
“Nói cách khác, ông sẽ kêu gọi lãnh đạo Việt Nam hướng tới viễn cảnh trong khi giải quyết rốt ráo tranh chấp biển đảo.”
Đã có quan ngại trong một số giới là ông Tập Cận Bình nhân chuyến đi này sẽ tìm cách ảnh hưởng tới lựa chọn nhân sự của Đại hội XII Đảng CSVN.
Thế nhưng ý kiến của các chuyên gia không đồng nhất về quan ngại này, nhiều người cho rằng ông Tập sẽ không tìm cách can thiệp trực tiếp vào nội bộ Đảng CSVN trong chuyến đi ngắn ngủi 5-6/11. – BBC
***
Ông Tập Cận Bình tới Việt Nam hôm nay, bắt đầu chuyến công du hai ngày, trong khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và TP HCM bị giải tán, và tin cho hay, “có đổ máu”.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng phu nhân Bành Lệ Viên tới sân bay Nội Bài vào buổi trưa, và sau đó được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức đón tiếp tại Phủ Chủ tịch.
Truyền thông trong nước đưa tin, 21 phát đại bác được bắn từ Hoàng thành Thăng Long để chào đón ông Tập tới Việt Nam.
Trong tuyên bố phát đi khi đặt chân tới phi trường, ông Tập được trích lời nói rằng “Trung Quốc hết sức coi trọng tình hữu nghị giữa hai nước”.
Theo báo chí Việt Nam, nguyên thủ quốc gia đông dân nhất thế giới còn nói thêm rằng Việt Nam và Trung Quốc là “láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải, chế độ chính trị giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ vận mệnh tương quan”.
Ông Tập cho biết Trung Quốc “nguyện cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài”.
Trong khi ông Tập được quan chức Việt Nam tiếp đón “trọng thể với nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao”, thì tại các cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở Hà Nội và TP HCM, an ninh ở bên ngoài đã được tăng cường nghiêm ngặt.
Những người biểu tình không thể tiếp cận đại sứ quán cũng như lãnh sự quán Trung Quốc nên phải thể hiện sự phản đối ở những địa điểm cách xa hai nơi này.
Anh Peter Lâm Bùi, một người biểu tình, cho biết hàng chục người tham gia phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình ở trung tâm TP HCM đã bị giải tán sau ít phút tập hợp. Anh kể lại với VOA Việt Ngữ:
“Khoảng tầm hơn 9 giờ thì anh em bắt đầu biểu tình. Có đi diễu hành được một đoạn và hô vang những khẩu hiệu như “Đả đảo Tập Cận Bình” hay “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Sau đó khoảng 10-15 phút thì người ta ngăn cản. Một số anh em thì ngồi xuống tọa kháng tại chỗ và hát các bài hát đấu tranh. Sau đó thì bên lực lượng an ninh, công an người ta vào người ta đàn áp. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp rất dã man, rất nhiều người bị đánh ngất xỉu, trong đó đặc biệt là anh Trần Bang bị đánh vỡ xương ngay bên mắt trái, và hiện vẫn đang phải nằm bệnh viện”.
Trong đoạn video dài một phút lan truyền trên mạng, có thể thấy cảnh lộn xộn, hỗn loạn trong khi người biểu tình và lực lượng an ninh giằng kéo nhau.
Trong khi máu chảy dài trên mặt, ông Trần Bang, một người biểu tình, vẫn hô to: “Đây là vết máu của Tập Cận Bình! Vì Tập Cận Bình mà tôi bị đánh”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với đại diện của công an TP HCM để hỏi về vụ việc.
Trong hai ngày thăm Việt Nam, ngoài việc hội đàm với các quan chức cấp cao, ông Tập còn tham dự cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung cũng như phát biểu tại Quốc hội Việt Nam vào ngày mai.
Ông Vũ Xuân Hồng, đại biểu quốc hội Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây là một sự kiện rất là quan trọng” và “chắc là sẽ có những thông điệp rất là quan trọng cho quan hệ của hai nước”
Cựu chủ tịch Hội nghị sĩ Việt-Mỹ nói thêm:
“Trong chuyến thăm lần này thì lãnh đạo của hai nước sẽ cùng nhau trao đổi, thống nhất lại những nhận thức chung của hai bên, trong phát triển quan hệ của hai nước. Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ đề cập tới các nhận thức chung đó, và đồng thời sẽ nói lên những quan điểm của Trung Quốc về tình hình quốc tế, về phát triển của Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới và trong tương lai. Tôi nghĩ rằng vấn đề biển Đông là một trong những vấn đề Việt Nam và Trung Quốc đang cùng nhau xử lý và giải quyết. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một vấn đề mà chắc là sẽ được đề cập tới trên tinh thần cùng nhau xử lý và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước và nhân dân khu vực.”
Theo báo chí trong nước, ông Tập là nguyên thủ đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông Tập Cận Bình đến thăm và phát biểu tại Quốc hội Việt Nam là theo đề nghị của Trung Quốc.
Theo báo chí trong nước, ông Tập là nguyên thủ đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông Tập Cận Bình đến thăm và phát biểu tại Quốc hội Việt Nam là theo đề nghị của Trung Quốc.
Theo ông Phúc, Việt Nam hiện “chưa nắm được nội dung bài phát biểu của ông Tập. “Phải chờ sau cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và ông Tập Cận Bình, chúng tôi mới biết ông Tập phát biểu nội dung gì trước Quốc hội Việt Nam”, ông Phúc nói.
Vài ngày trước, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đàng, một tổ chức dân sự ở Sài Gòn, kêu gọi các đại biểu quốc hội Việt Nam tẩy chay diễn văn của ông Tập Cận Bình trước cơ quan lập pháp này.
Truyền thông trong nước trước đó dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng trong khi ông Tập ở Việt Nam, hai bên sẽ “trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ giữa 2 nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại”.
“Đương nhiên không những tăng cường quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực mà những vấn đề gì trong quan hệ giữa 2 bên cũng có thể trao đổi, trong đó có vấn đề Biển Đông”, ông Minh được trích lời nói. – VOA
***
Chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam giữa bối cảnh căng thẳng đang ngày càng gia tăng ở Biển Đông được quốc tế nhận định là để ‘hàn gắn quan hệ’ giữa hai quốc gia cộng sản.
Đồng thời theo Reuters, động thái này còn nhằm ra hiệu cho Hà Nội biết Bắc Kinh còn có ‘rất nhiều thứ để cho’ Việt Nam.
Trong hai ngày ở Việt Nam (5/11-6/11), ông Tập sẽ gặp gỡ các giới chức hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và sẽ ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng trong nhiều lĩnh vực như tăng cường hợp tác giữa hai đảng cộng sản, các dự án về kinh tế, thương mại, đầu tư và hạ tầng cơ sở.
Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà Việt Nam khẳng định là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình vào tháng 7 năm ngoái, quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên xấu đi, nhất là khi Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của Việt Nam trong khu vực này. Thêm vào đó, những hoạt động xây dựng và các động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp đã gặp phải sự phản đối dữ dội từ phía công luận Việt Nam.
Chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam lần này được các chuyên gia quốc tế, mà Reuters dẫn nguồn, nói là ‘đúng lúc’ và giúp cho ông Tập có cơ hội xoa dịu Việt Nam và nhắc khéo rằng Bắc Kinh còn có ‘rất nhiều thứ để cho’ Hà Nội.
“Ông Tập đến (Việt Nam) vào giữa thời điểm cuộc tranh cãi (giữa các lãnh đạo Việt Nam) đang diễn ra”.
Ông Murray Hiebert, một chuyện gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế được Reuters dẫn lời, nói:
“Ông ấy có thể sẽ cố giành lại thế cân bằng với phe lãnh đạo đang mạnh mẽ phản đối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh và cởi mở với việc theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Washington.”
Thái độ hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng khiến Hoa Kỳ phải cảnh giác và can dự, gần đây nhất là sự kiện Washington tuần rồi phái tàu chiến USS Lassen đến tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây, để ‘khẳng định tự do hàng hải’ trong vùng biển mà Washington xem là quốc tế.
Bắc Kinh đã nổi giận lên án động thái mới nhất của Hoa Kỳ mà họ cho là ‘bất hợp pháp’ và ‘đe dọa chủ quyền’ của Trung Quốc.
Một chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, giáo sư Zachary Abuza của trường Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, nói với hãng tin DW về chuyến đi của ông Tập đến Việt Nam:
“Ngoài mặt, Trung Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh hải – mà không phải từ bỏ gì – cho Việt Nam để ủng hộ cho chương trình nghị sự về kinh tế của Trung Quốc”. Nhưng đằng sau bức màn sẽ có rất nhiều áp lực trên Việt Nam, mà Bắc Kinh xem là chủ động chống Trung Quốc trong chính sách ngoại giao. Nhà bình luận này lập luận “Trung Quốc rất không bằng lòng về mối quan hệ gần gũi của Việt Nam với Hoa Kỳ, bao gồm của chuyến đi chưa từng có của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đến Washinton vào tháng 7 vừa qua.”
Các chuyên gia nhận định chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc là rất quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc. Về phía Việt Nam, DW dẫn nhận xét của chuyên gia Phương Nguyễn của CSIS, chuyến thăm là một ‘biểu tượng mạnh mẽ’ bất chấp những tiến bộ trong quan hệ với Washington, Hà Nội vẫn duy trì chính sách ngoại giao độc lập và cố gắng cân bằng trong các cam kết đối với hai siêu cường.
Còn về phía Trung Quốc, được xem là ‘đánh giá thấp’ về chiến lược của Hà Nội, thì chuyến thăm có thể là một cách điều chỉnh để giúp cho Bắc Kinh hàn gắn mối quan hệ ‘ba chìm bảy nổi’ với Việt Nam.
“Vấn đề quan trọng đối với Chủ tịch Tập là tránh đẩy Việt Nam vào tay Nhật Bản và Mỹ”, ông Moritz Rudolf, một chuyên gia về Trung Quốc nói với DW.
Tuy nhiên, chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam đã gặp phải một số chống đối và biểu tình tại Hà Nội. Các chuyên gia cho đây là thực tế phản ánh những bất đồng quan điểm trong giới lãnh đạo hàng đầu Việt Nam.
“Nhưng chúng ta sẽ thấy nhiều hơn về một cuộc tấn công rất hấp dẫn so với những gì đang diễn ra đằng sau cánh cửa khép kín”, Giáo sư Jonathan London của trường đại học Hồng Kông nói với Reuters.
“Quan điểm chung là một nhóm các lãnh đạo tiềm năng mới lên (của Việt Nam) thấy rằng hội nhập kinh tế là một cơ hội hơn là một mối đe dọa, và có một cái nhìn thận trọng hơn về Bắc Kinh.”
Nhưng Giáo sư London lại cho rằng “Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc hình thành các chính sách có hiệu quả đối với Trung Quốc”. – VOA
***
Cựu quan chức cao cấp của Hội Hữu nghị Việt-Trung nói ‘dường như’ Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa trước sức ép của Trung Quốc.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch và Tổng thư ký của hội nói ông đã khuyến cáo lãnh đạo Việt Nam yêu cầu ông Tập Cận Bình chấp nhận đàm phán về quần đảo Hoàng Sa, mà hiện Trung Quốc đang chiếm toàn bộ, trong chuyến đi này.
Tuy nhiên ông Phan nói với Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC rằng phía Việt Nam đã bỏ ngoài tai.
Tiến sỹ Phan, người cũng là Viện trưởng Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nói:
“Theo tôi có lẽ bức xúc cơ bản của người dân là chính quyền chưa nhìn thẳng vào sự thực…
“Tôi đề xuất cũng có gì lớn đâu. Điều kiện như thế này ta có thể nói được mà cũng không nói…
“Chúng ta cứ tuyên truyền ở trong nước về Hoàng Sa và Trường Sa và triển vọng thế này thế khác…
“Chúng ta nói thế giới nào có biết đâu. Rất nhiều bạn bè quốc tế nói với tôi rằng đối với Hoàng Sa hình như Việt Nam buông.”
‘Nói mãi đá cũng phải mòn’
Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói quan điểm “nhìn về đại cục” trong quan hệ Việt-Trung rất mơ hồ và Việt Nam còn “sợ” khiến Trung Quốc dựa vào đó để lấn át.
Ông nói: “Rõ ràng trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc hình như là Việt Nam chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc và Việt Nam thiếu chủ động.
“Chúng ta là nước nhỏ, chúng ta khiêm tốn, chúng ta tôn trọng Trung Quốc, chúng ta tôn trọng tình hữu nghị và chúng ta phấn đấu cho điều đó nhưng điều gì có thể thì chúng ta phải nói chứ, ưỡn ngực, thẳng lưng lên mà nói chứ…
“Người dân người ta đánh giá có thể vì một lợi ích nào chăng? Hay vì bản thân mình không tự đánh mình cao hay tự mình nhìn Trung Quốc quá cao, quá lớn chăng?”
Ông Phan nói quan hệ hai bên “phải hữu nghị, phải tốt đẹp nhưng phải bình đẳng” và rằng Việt Nam phải đòi Trung Quốc đặt Hoàng Sa lên bàn đàm phán và nêu giải pháp:
“Tôi đã nói có biện pháp nữa là ba tháng, sáu tháng một lần ta gửi công hàm qua đường ngoại giao yêu cầu đàm phán.
“Nói mãi đá cũng phải mòn chứ. Mà những chuyện này đàm phán cũng có lợi ích cho Trung Quốc chứ.
“Ít nhất hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam và đối với dư luận thế giới sẽ khác đi…
“Mong muốn tối thiểu của tôi là ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá hợp pháp trên ngư trường lịch sử và truyền thống của mình.” – BBC