Việt-Nhật, mối quan hệ nồng ấm
Ông Shinzo Abe chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại cương vị Thủ tướng Nhật
Theo BBC – Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc – Gửi cho BBC Việt ngữ từ London – 06:52 GMT – Chủ nhật, 16 tháng 3, 2014
Tuy cùng ý thức hệ, giống mô kinh tế và được ‘4 tốt’ hỗ trợ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không phải lúc nào cũng ‘tốt’.
Trái lại, dù rất khác biệt nhau về mô hình kinh tế, hệ thống chính trị và cũng không có – hay không cần – ‘16 chữ vàng’, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn thân thiện và có thể nói rất tốt.
Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kéo dài bốn ngày được bắt đầu hôm nay (16/03) được cho là nhằm tăng cường hợp tác và sự tin cậy trong quan hệ giữa hai nước.
Nhưng chuyến thăm cấp nhà nước này cũng chứng tỏ quan hệ Việt-Nhật luôn nồng ấm, phát triển sâu rộng. Và trên hết nó cho thấy giữa Hà Nội và Tokyo luôn có sự tin tưởng, tôn trọng và coi trọng lẫn nhau.
Đối tác quan trọng
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự hỗ trợ ưu ái và quan hệ Việt-Nhật không ngừng được mở rộng, phát triển, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế.
Trong cuốn ‘Japanese relations with Vietnam, 1951-1987’, Masaya Shiraishi cho hay Nhật Bản đã giúp Việt Nam 45 triệu USD trong hai năm 1975 và 1976 – tương đương số tiền mà nước này giúp Việt Nam Cộng hòa hai thập kỷ trước đó.
Theo Guy Faure, dù cắt giảm các khoản viện trợ sau khi Hà Nội can thiệp vào Campuchia, Nhật Bản đã nối lại viện trợ – và và dành cho Việt Nam những khoản viện trợ lớn – sau khi Việt Nam mở cửa. Trong ‘Japan-Vietnam: a relation under influences’ xuất bản năm 2008, ông cho biết Nhật Bản đã giúp Việt Nam 282 triệu USD năm 1992 và liên tục tăng ODA cho Việt Nam những năm sau đó.
Vì vậy, trong hơn 20 năm qua Nhật Bản đã trở thành quốc gia cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Trong một bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm xúc tiến đầu tư Miền Trung, ông Nguyễn Bá Cường – cục Phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – tiết lộ với khoảng 24 tỷ USD, Nhật Bản chiếm đến 30% tổng viện trợ phát triển nước ngoài cho Việt Nam.
Ông Sang và ông Abe gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Apec ở Bali hồi năm 2013
Cũng theo ông Cường tính đến tháng 6 năm 2013, với 1990 dự án đầu tư và tổng số vốn lên đến 32,6 tỷ USD, Nhật Bản là quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Về thương mại, Nhật Bản cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam được công bố ngày 23/01 năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật năm 2013 là 25,3 tỷ USD.
Dù thương mại Việt-Nhật năm 2013 tăng không nhiều so với thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật là đối tác thương mại quan trọng duy nhất ở Á châu mà Việt Nam có thặng dư mậu dịch (gần 2 tỷ USD năm 2013).
Trong khi đó, dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 50,2 tỷ USD và tăng 22% so với năm 2012, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đến 23,7 tỷ USD (tăng tới 44,5%). Đây là những con số đáng lo hơn mừng.
Hơn nữa, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các công ty Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, thậm chí bị chèn ép – vì hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước rất giống nhau và thường hàng hóa Trung Quốc lại được bán rẻ hơn – giới kinh doanh Việt Nam không phải đối diện một sự canh tranh tương tự khi giao dịch với các công ty Nhật Bản vì thương mại Việt-Nhật bổ sung cho nhau.
Do đó, về mặt (hợp tác và phát triển) kinh tế, quan hệ với Nhật Bản rất có lợi cho Việt Nam và về lâu về dài, Việt Nam cũng không phải đối diện một sự canh tranh hay khó khăn nào khi tăng cường giao thương với Nhật.
Tàu chiến Nhật trong một lần cập bến ở Cảng Hải Phòng
Về phía Nhật Bản, Việt Nam cũng là một đối tác khá quan trọng và điều này được thể hiện qua việc các nhà đầu tư Nhật đầu tư nhiều vào Việt Nam.
Nhưng ngoài kinh tế, còn có nhiều yếu tố quan trọng khác làm quan hệ Việt-Nhật luôn thân thiện, phát triển và chắc chắn sẽ còn được củng cố sau chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Quan ngại về Trung Quốc
Khác với Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam không có một sự tranh chấp lãnh thổ nào.
Trái lại, cả hai nước đều có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và đều quan ngại về sự lớn mạnh cũng như những động thái khá hung hăng gần đây của Bắc Kinh – như đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển đang tranh chấp với Nhật.
Chính điểm chung này làm cho quan hệ Viêt-Nhật trở nên mật thiết và càng được phát triển, gắn bó.
Chẳng hạn, khi loan báo về chuyến đi Nhật của ông Sang cách đây mấy tuần, hãng tin Nhật Kyodo cho hay trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Việt Nam, lãnh đạo hai nước ‘sẽ bàn về an ninh và các vấn đề khác ở Châu Á khi mà Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo hơn trên biển’.
Về phía Nhật, vì quan ngại về sự ‘mạnh bạo của Trung Quốc trên biển’ và nhằm để giới hạn sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, kể từ khi ông Abe quay trở lại giữ chức thủ tướng Nhật vào tháng 12 năm 2012, Chính phủ Nhật rất coi trọng việc củng cố quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam nói riêng.
Nhật cũng đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Việt Nam
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi ông trở lại nắm quyền không phải là Mỹ hay một quốc gia nào khác mà là Việt Nam khi ông sang thăm Hà Nội vào tháng 1 năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sang thăm Nhật vào tháng 12 năm 2013. Như vậy, với chuyến công du tới Nhật lần này của ông Sang, trong vòng chỉ hơn một năm hai nước đã có ba chuyến thăm cấp cao. Và chắc chắn, kinh tế không phải là lý do duy nhất để lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến thăm quan trọng như vậy trong một thời gian ngắn.
Về phía Việt Nam, Nhật Bản còn là quốc gia mà cả giới lãnh đạo cũng như người dân cảm thấy có nhiều tin tưởng, tôn trọng, thiện cảm.
Khác với Mỹ và các nước phương Tây khác, Tokyo không bao giờ (công khai) chỉ trích giới lãnh đạo Việt Nam về hồ sơ nhân quyền hay bất cứ một vấn đề gì khác.
Vì quan hệ Việt-Nhật không có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, giới lãnh đạo Việt Nam chắc chắn cũng cảm thấy thoải mái, tin tưởng khi giao tiếp với các quan chức Nhật Bản.
Và vì Nhật luôn giúp đỡ – lại không có tranh chấp lãnh thổ với – Việt Nam và hơn nữa cùng lo ngại về thách đố hay đe dọa từ Trung Quốc, xem ra người dân Việt Nam cũng có thiện cảm với Nhật.
Dù chưa có một cuộc thăm dò dư luận nào nhưng có thể nói người Việt có thái độ tốt với Nhật Bản hơn với Trung Quốc.
Và nhờ quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản rất nồng ấm, thân thiện và luôn được đẩy mạnh trong hơn 20 năm qua, người dân cũng như giới lãnh đạo Việt Nam ít nhắc đến chuyện Nhật Bản từng đô hộ Việt Nam trong Thế chiến Thứ hai và gây nên nạn đói năm 1945 làm rất nhiều người Việt thiệt mạng.
Có thể nói, trong khi xung đột quá khứ vẫn là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, dễ gây tranh cãi, căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung, Việt Nam và Nhật Bãn đã hòa giải chuyện quá khứ