Khi Mỹ thách thức TC, nhiệt độ ở Biển Đông tăng lên
ECONOMIST – Người dịch: Huỳnh Phan – 31-10-15
Có thể bạn nghĩ rằng việc Mỹ xâm lược Trung Quốc đang diễn ra. Người phát ngôn của Trung Quốc, Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố một tàu chiến đã “đi vào bất hợp pháp” vùng Biển Đông, đe dọa “chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”. Thật ra, tất cả sự việc xảy ra là một tàu khu trục, USS Lassen, đã di chuyển một cách hòa bình trong vòng 12 hải lý của Đá Subi, một trong bảy đảo đá và san hô trong quần đảo Trường Sa có nhiều-tranh chấp mà Trung Quốc đã ráo riết xây đắp hơn hai năm qua, tạo ra các đảo nhân tạo.
Các đô đốc Trung Quốc có thể đang nổi giận, nhưng không ai mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh qua vụ việc này. Tuy nhiên, Mỹ cho biết đó không phải là chuyến cuối cùng họ cho tàu chạy như thế. Vì vậy, căng thẳng ở Biển Đông có khả năng sẽ tăng lên; quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ căng lên khi các lãnh đạo của họ gặp nhau tại một loạt các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào tháng 11; và sự đối địch chiến lược không nói ra, khi Trung Quốc tìm cách đánh bạt Mỹ khỏi vị trí cường quốc quân sự khống chế ở phía tây Thái Bình Dương, sẽ trở nên rõ nét hơn.
Mỹ gọi chuyến tuần tra của tàu USS Lassen là một hoạt động thường lệ về “tự do hàng hải” (từ chuyên môn là FONOP), thuộc dạng mà họ tiến hành trên khắp thế giới “phù hợp với luật pháp quốc tế”. Trên thực tế Mỹ chưa phê chuẩn điều ước liên quan này, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bất chấp những nỗ lực thuyết phục Quốc hội của các đời Tổng thống liên tiếp. Như tên của nó cho thấy, mục đích của FONOP là bảo vệ sự tự do trên biển. Không một chính phủ nào đe dọa quyền tự do đó ở Biển Đông, một động mạch sống còn đối với giao thương đường biển. Nhưng Mỹ đã bị việc xây dựng ồ ạt của Trung Quốc báo động, thấy các đảo nhân tạo như là các căn cứ quân sự đang trên đà hình thành.
Trước lúc có sự cố này, Trung Quốc dường như khẳng định rằng, trong vấn đề này Hoa Kỳ chỉ sủa chứ không cắn. Mỹ đã ngưng các hoạt động FONOP quanh các thể địa lý do Trung Quốc chiếm đóng hồi năm 2012; và họ chẳng làm gì hơn là đưa ra các phản kháng bằng miệng khi Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough ở phía bắc của quần đảo Trường Sa năm đó, rồi cũng làm như vậy khi Trung Quốc điều một giàn khoan dầu tới khoan ngoài khơi Việt Nam năm ngoái, cũng như khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường băng dài và bến cảng lớn trên các đảo nhân tạo mà họ đang xây đắp.
Nhưng trong những tháng gần đây, Mỹ đã mất kiên nhẫn. Các quan chức Lầu Năm Góc bắt đầu khuyến nghị nên dùng FONOP như một cách để truyền đạt sự khó chịu đối với các hành động của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ dường như đã chờ cho tới sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng trước, mới đưa ra quyết định chắc chắn về điều này. Trong chuyến viếng thăm này, ông Tập hứa sẽ không “quân sự hoá” các đảo mới, nhưng mặt khác đã coi nhẹ các quan ngại của Mỹ. Barack Obama đã quyết định cho phép tiến hành một FONOP gần như ngay sau khi ông Bình rời đi. Nhưng qua việc ngưng quá lâu, ông đã cho thấy rằng ông biết nó sẽ khiêu khích Trung Quốc. Dù các quan chức Mỹ công khai nhấn mạnh điều gì, đây không phải là công việc bình thường hoặc không có vấn đề gì lớn.
Mục đích của FONOP này không phải là đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền đối với Đá Subi mà Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có yêu sách. Về mặt chính thức, Mỹ giữ trung lập đối với các yêu sách đối kháng này và cho biết họ cũng sẽ thực hiện FONOP gần các thể địa lý do các quốc gia khác xây đắp lên. Điểm giới hạn mà chuyến tuần tra này đặt ra là dù nước nào sở hữu Subi thì UNCLOS cũng không phân cho nó “lãnh hải”. Theo UNCLOS, các đảo sinh sống được được hưởng lãnh hải ra tới 12 hải lý xung quanh chúng cũng như “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) 200 hải lý. Đá không thể ở được, có lãnh hải, nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế. “Bãi triều thấp”, tức là, rạn san hô như Subi mà trước khi bồi đắp thì hoàn toàn ngập nước khi triều cao, thì không được hưởng gì cả.
Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS, nhưng không nói rõ yêu sách của họ ở Biển Đông phù hợp với nó ra sao. Thay vào đó họ viện dẫn đến các khẳng định lịch sử mơ hồ và bao quát – lúc ở Mỹ, Tập Cận Bình nói rằng các đảo và đá ngầm từng là lãnh thổ của Trung Quốc “từ thời xa xưa”. Bản đồ yêu sách của Trung Quốc thể hiện một “đường chín đoạn” hình chữ U rộng lớn và bí hiểm bao quanh hầu như toàn bộ vùng biển này.
Trung Quốc cũng có vẻ nhập nhằng về Điều 17 UNCLOS, về “quyền đi lại vô hại”, quy định cho phép tàu chiến được quyền tư do di chuyển, thậm chí đi ngang qua cả lãnh hải nếu không thực hiện bất kỳ hành vi đe dọa nào. Năm tàu hải quân Trung Quốc đã chạy trong vùng biển của Mỹ ngoài khơi Alaska hồi tháng 8 – ngay lúc ông Obama đến thăm tiểu bang này, không gặp bất kỳ phản đối nào của Mỹ. Vì vậy, quả là bất hợp lý khi Trung Quốc lại quá tức tối với việc Mỹ cho tàu chạy trong vùng biển mà Trung Quốc thậm chí còn chưa chính thức tuyên bố là lãnh hải của họ theo UNCLOS. Trung Quốc dường như chẳng ngượng ngùng vì sự bất nhất này mà cũng chẳng quan tâm tới việc giải thích nó.
Một phần lý do nằm ở cách giải thích UNCLOS khác nhau vì nó liên quan đến việc lực lượng hải quân nước ngoài có thể làm được điều gì, tới đâu. Trong quá khứ, lập luận đã tập trung vào các EEZ. Mỹ cho rằng họ có quyền tiến hành tập trận và giám sát trong đó. Trung Quốc cũng như một số nước khác, không đồng ý.
Nhiều lần Trung Quốc đã quấy rối tàu và máy bay Mỹ thực hiện những điều họ coi là dọ thám. (Một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố, Mỹ đã chỉ điều tra các điều “bí ẩn”, mà ông cho là do thiếu sự cởi mở của Trung Quốc). Trung Quốc bây giờ nghĩ rằng họ có đủ sức mạnh để thực thi cách giải thích của họ. Mỹ đang chống trả lại.
Kích thích phản tác dụng
Bạn bè của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi Mỹ muộn màng đứng lên, thay mặt họ đối đầu với sự bắt nạt của Trung Quốc, và tái khẳng định sự thống trị hải quân vốn từng củng cố một Americana Pax (Hoà bình kiểu Mỹ) trong đó Châu Á phát đạt lên trong nhiều thập kỷ. Với nguy cơ xung đột thực tế có vẻ không lớn, dường như Mỹ chỉ có thể được lợi từ các FONOP. Nhưng nếu chúng thực sự tiếp tục thì có những rủi ro khác. Một rủi ro là cuối cùng Trung Quốc sẽ thành công trong việc miêu tả Mỹ như là thế lực gây mất ổn định trên biển. Một rủi ro khác là TQ sử dụng cái mà họ gọi là sự xâm lược của Mỹ (và tức giận của công chúng Trung Quốc về điều đó) như một cái cớ để quân sự hoá các đảo mới đúng như Mỹ và bạn bè của mình lo ngại. Trông như thể Mỹ đã bị sập bẩy khi cho Trung Quốc cái cớ mà họ muốn có.