Tin tổng hợp về khủng hoảng Trường Sa
Tòa án trọng tài LHQ sẽ xử vụ Philippines kiện TC
Tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và TC đã bước sang một bước ngoặt mới : ngày 29/10/2015, Tòa án Trọng tài Quốc tế tuyên bố có đủ thẩm quyền giải quyết. Sự kiện này là một đòn mới cho Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý, dù TC tẩy chay phiên tòa.
Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 29/10/2015, Tòa án Trọng tài Thường trực (CPA) có trụ sở tại La Haye- Hà Lan cho biết có đủ thẩm quyền giải quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền lãnh thổ của TC tại Biển Đông.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện với lý lẽ «tranh chấp giữa các bên liên quan trên thực tế là về chủ quyền lãnh thổ», nên CPA không có thẩm quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực đã bác bỏ lập luận trên, khẳng định bất đồng liên quan đến «việc diễn dịch hay áp dụng» Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được cả hai nước phê chuẩn.
Tòa án La Haye tuyên bố có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 nội dung do Philippines đệ trình. Trong đó có một số luận điểm bác bỏ việc Bắc Kinh coi một số thực thể là «đảo». Chẳng hạn như Đá Gaven (Gaven Reefs), Đá Ken Nan (McKennan Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef), bãi cạn Scarborough không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bên cạnh đó, TC còn ngăn chận ngư dân Philippines đánh bắt, cho tàu kiểm ngư hoạt động một cách nguy hiểm gây nguy cơ va chạm, vi phạm các quy định bảo tồn môi trường biển.
Thẩm quyền đối với các vấn đề khác, trong đó có cáo buộc về những hành động «mưu toan chiếm hữu bất hợp pháp» sẽ được xem xét khi đi vào chiều sâu của vụ kiện. Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ tổ chức phiên họp kín để xem xét đơn trình bày của Philippines, và phán quyết sẽ không được đưa ra trước năm 2016.
Lâu nay TC vẫn khẳng định sẽ không tuân thủ quyết định của CPA, nhưng Philippines hy vọng một phán quyết có lợi cho Manila sẽ khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Được thành lập năm 1899, Tòa án Trọng tài Thường trực là một tổ chức liên chính phủ có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các Nhà nước. Hai ngôn ngữ chính được sử dụng là Anh và Pháp, nhưng các bên liên quan có thể thỏa thuận thêm ngôn ngữ khác.
TC chỉ trích Philippines và tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc
VOA 30-10-2015
TC tuyên bố quan hệ với Philippines xuống ‘thấp nhất trong lịch sử’ sau khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc chấp nhận vụ Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh và tàu Mỹ tuần tra các đảo nhân tạo của TC.
Bắc Kinh ngày 30/10 bác bỏ hai thách thức lớn đang đối mặt trong tranh chấp Biển Đông: hành động thực tiễn từ Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào vùng biển TC nhận chủ quyền và biện pháp pháp lý của Philippines khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc tuyên bố có quyền phân xử vụ Manila kiện bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông.
Sau khi chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ là ‘táo tợn’ và ‘khiêu khích’, Bộ Ngoại giao TC hôm nay lên án quyết định của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc là ‘vô giá trị, phi hiệu lực, không có tác động bắt buộc đối với TC’.
Bộ Ngoại giao TC tuyên bố “Trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, TC sẽ không công nhận bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên TC hoặc bất kỳ kế sách đơn phương nào mưu tìm một sự dàn xếp từ một bên thứ ba”.
Cơ quan thông tấn của nhà nước TC nói hành động của Philippines làm phương hại tới lòng tin giữa Bắc Kinh với Manila và cảnh cáo Philippines chớ sa lầy ra khỏi con đường thương lượng song phương.
Bộ Ngoại giao TC hôm nay lên tiếng thúc giục Manila quay lại đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đáp lại, Philippines hoan nghênh quyết định của tòa trọng tài và cho biết đã sẵn sàng đệ trình các hồ sơ luận cứ của mình.
Một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận xét phán quyết của tòa cho thấy phân xử các vấn đề tranh chấp dựa trên luật lệ và thực hành của quốc tế là khả dĩ để xử lý mâu thuẫn nếu không giải quyết được chúng.
Việt Nam, nước cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Philippines và TC ở Biển Đông, chưa lên tiếng bình luận về vụ việc.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của hai đồng minh Mỹ và Philippines áp lực TC phải xác minh các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của họ ở Biển Đông dựa trên luật quốc tế.
Học giả Richard Javad Heydaria chuyên nghiên cứu về an ninh khu vực tại đại học De La Salle ở Manila nhận định Washington và Manila đang phối hợp hiệu quả trên bàn cờ Biển Đông.
Tuy nhiên, ít khả năng những diễn tiến này sẽ khiến TC phải bẻ lái cho dù tòa có tuyên bố Philippines thắng kiện đi chăng nữa.
Phân tích gia về an ninh William Chooong thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược cho rằng “Không có gì đảm bảo là TC sẽ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa bất lợi cho họ”.
Tòa án ở La Haye tối ngày 29/10 tuyên bố có quyền tài phán trong vụ kiện của Manila chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và bác lập luận của TC rằng tranh chấp Biển Đông nằm ngoài thẩm quyền phân xử của tòa.
Theo Reuters, Manila Bulletin, Wall Street Journal.
Mỹ vào Trường Sa: Hà Nội phản ứng cầm chừng
Chậm chạp và thận trọng
Việt Nam phản ứng khá chậm và thận trọng sau sự kiện ngày 27/10 khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ tuần tra xuyên qua vùng 12 hải lý, tương đương 22 km xung quanh đá Subi, nơi TC bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa.
2 ngày sau khi sự kiện xảy ra, sáng 29/10 Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có tuyên bố chính thức một cách thận trọng. Trong 48 giờ đó truyền thông báo chí chính thức được vận dụng hết công suất, đưa nhiều tin bài về phản ứng của nhiều quốc gia khác, ngoại trừ của Hà Nội.
Hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988. – TS Trần Công Trục
Hầu hết các báo điện tử ở Việt Nam, trong đó có VnExpress, Vietnam Net, Thanh Niên, Một Thế Giới đã ngay lập tức tải lên mạng tuyên bố của Lê Hải Bình phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao. Chúng tôi ghi nhận nguyên văn:
“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.”
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”
Thật ra tuyên bố ngày 29/10/2015 của Bộ Ngoại giao CSVN cũng chỉ lập lại những gì Lê Hải Bình đã nói hôm 15/10/2015, sau khi Hoa Kỳ bắn tiếng sẽ tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà TC bồi đắp trái phép trên vùng biển Trường Sa.
Quan điểm của Việt Nam được xem là thận trọng dùng ngôn từ ngoại giao với nhiều hàm ý không dễ hiểu đối với đại chúng bình dân. Thay vì ủng hộ hoan nghênh thì Việt Nam chỉ bày tỏ tôn trọng tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Như vậy cần có sự diễn giải rõ hơn, là những đảo nhân tạo được trung quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa về mặt luật pháp quốc tế không được nhìn nhận về chủ quyền. Chiến hạm Mỹ có quyền đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh đảo.
Ngay sau sự kiện 27/10, tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen thực hiện tự do hàng hải đi xuyên qua vùng 12 hải lý quanh đá Subi, trả lời Mặc Lâm Đài RFA, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ CSVN từ Hà Nội nhận định:
“Hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988. Sau đó họ bồi lấp và xây dựng biến những bãi cạn này thành đảo nhân tạo và họ muốn áp đặt yêu sách rằng các bãi cạn, đảo nhân tạo mà có công trình trong đó trở thành các đảo để họ tính vùng đặc quyền kinh tế. Cái yêu sách vô lý, đòi hỏi đó, tham vọng đó hoàn toàn đi ngược lại công ước. Bằng những hành động của mình, Mỹ đã vô hiệu hoá những yêu sách vô lý đó. Cái đó về mặt luật pháp thì tôi cho rằng là một hành động rất tích cực. Và với tư cách là người làm luật, nghiên cứu luật biển, tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ và hoan nghênh những động thái đó của Hoa Kỳ.”
TC sẽ không dừng xây dựng phi pháp trên các bãi đá?
Được biết đá Subi nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đá Subi là rạn san hô bị TC chiếm đóng 1988 cùng thời gian hải quân TC tấn công và chiếm đóng đá Gạc Ma của Việt Nam. Hồi đầu tháng 9/2015, hình ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ công bố cho thấy TC đã bồi đắp và san nền và có khả năng thiết lập đường băng cất hạ cánh dài hơn 3.000 mét.
Một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố chính thức về sự kiện đá Subi, hôm 28/10/2015 ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của VnExpress. Về những lo ngại xung đột quân sự ở Biển Đông, Tờ báo điện tử trích lời Đại sứ Osius hàm ý, Mỹ tuần tra để ngăn xung đột ở Biển Đông.Việc Washington sẽ điều thêm các tàu tuần tra ở quanh các đá ở Trường Sa là nhằm kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vẫn theo VnExpress, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh, việc tàu Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đá ở Trường Sa không phải là việc khác thường. Washington đã từng điều tàu đến khu vực trước đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mục đích là bảo đảm các vùng biển quốc tế an toàn cho tàu thuyền qua lại, tuân theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương.
– Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm
Cùng về vấn đề liên quan, Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam phát biểu với Đài ACTD:
“Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.”
Báo mạng Một Thế Giới ngày 29/10/2015 trích lời Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, đại biểu Quốc hội khóa 13 phát biểu tại hành lang Quốc hội là Mỹ đưa tàu tuần tra quanh các đảo nhân tạo do TC xây dựng phi pháp là vì chính quyền lợi của nước Mỹ. Vẫn theo lời tướng Rinh, Mỹ thực hiện việc tuần tra ở Trường Sa để chứng minh rằng Mỹ có quyền hoạt động tại đó chứ không phải vì Việt Nam cũng như là vì việc lên án TC. Mỹ đưa tàu vào là vì quyền lợi của Mỹ.
Theo tin ghi nhận, phản ứng của TC về vụ tàu Hoa Kỳ tuần tra đá Subi được cho là không mạnh mẽ như những gì TC thường tuyên truyền về tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Ngoài những phản ứng về mặt ngoại giao, TC đã không có hành động nào ngăn cản đường đi của Khu trục hạm USS Lassen tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa. Thực tế TC điều tàu khu trục Lan Châu có trang bị tên lửa, một trong những tàu tối tân nhất và có hỏa lực mạnh nhất của mình để bám đuôi tàu khu trục Lassen. Hoạt động của tàu khu trục Lan Châu mang tính cách theo dõi chứ không nghênh cản. Thông tin không ghi nhận về việc lực lượng đồn trú trên đá Subi phát tín hiệu cảnh báo tàu Lassen hay các máy bay trinh sát hộ tống.
VnExpress ngày 29/10/2015 trích lời TS Trần Trường Thủy, Viện Biển Đông, Học viện ngoại giao CSVN nhận định rằng, Biển Đông vốn là vấn đề gai góc trong quan hệ Trung – Mỹ, nay có thêm yếu tố mới là tranh cãi về tàu chiến đi gần các thực thể. Hệ quả của việc Mỹ điều tàu tuấn tra đối với TC chưa rõ ràng. TS Trần Trường Thủy nhấn mạnh là sau sự kiện Mỹ tuần tra đá Subi, Bắc Kinh sẽ không vì thế mà dừng hoạt động xây dựng phi pháp trên các bãi đá.
Vẫn theo VnExpress, TS Trần Trường Thủy đề cập tới những điểm tích cực trong sự kiện đá Subi 27/10/2015. Theo đó các hoạt động tuần tra và khẳng định tự do hàng hải này sẽ khiến TC phải điều chỉnh các tuyên bố và yêu sách cho phù hợp với Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Như thế, TS Trần Trường Thủy tiên đoán là TC sẽ phải căn cứ theo luật khi đưa ra các tuyên bố ở Biển Đông thời gian tới.
TC dọa nguy cơ chiến tranh
Tư lệnh hải quân TC nói hành động “nguy hiểm và khiêu khích” của Mỹ có thể gây “sự cố làm bùng nổ chiến tranh”.
Đô đốc Ngô Thắng Lợi và Tư lệnh tác chiến Hải quân Hoa Kỳ John Richardson vừa có cuộc hội đàm qua video link hôm thứ Năm 29/10 để thảo luận tình hình Biển Đông và quan hê giữa hải quân hai nước.
Hôm 27/10 tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đá ngầm Subi và Vành Khăn mà TC vừa xây dựng công trình.
Tân Hoa Xã nói Đô đốc Ngô đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc tàu chiến Mỹ ngày 27/10 tự ý đi vào vùng biển gần các đảo và bãi đá liên quan thuộc quần đảo Nam Sa TC (Trường Sa)”.
Hãng thông tấn nhà nước TC dẫn lời Tư lệnh Ngô Thắng Lợi nói: “Hải quân hai nước Trung-Mỹ có không gian và tiềm năng hợp tác rộng mở tại Nam Hải (Biển Đông), cần phải cùng nhau phát huy vai trò tích cực cho giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực Nam Hải”.
Ông Ngô cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “các hành động nguy hiểm và khiêu khích thì có nguy cơ dẫn tới sự cố nhỏ làm bùng nổ chiến tranh”.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Richardson đáp lại rằng hoạt động của tàu chiến Mỹ “không nhằm vào bất cứ nước nào, càng không phải nhằm vào TC”.
Hãng này cho hay ông đô đốc Hoa Kỳ nói: “Lập trường của Mỹ trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông) là nhất quán và rõ ràng, tức không đứng về bên nào.”
‘Chuyên nghiệp và hiệu quả’
Cuộc hội đàm giữa hai vị đô đốc kéo dài chừng một tiếng đồng hồ trong không khí được nói là “chuyên nghiệp và hiệu quả”.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Jeff Davis nói hai bên đã thảo luận “tự do hoạt động hàng hải, quan hệ giữa hai hải quân bao gồm các chuyến viếng thăm cảng, trao đổi cấp cao và tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại”.
Tin cho hay cả hai bên vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động hợp tác đã lên kế hoạch từ trước và hai đô đốc thống nhất sẽ có một cuộc hội đàm qua video nữa từ giờ tới cuối năm.
Trong quá khứ, hải quân Hoa Kỳ và TC đã có một số sự vụ gây quan ngại.
Năm 2013, một tàu tên lửa của Mỹ đã phải chuyển hướng đột ngột để tránh đâm phải tàu chiến TC đang tìm cách chặn đường tàu này ở Biển Đông.
Năm 2014, Mỹ cho hay một chiến đấu cơ của TC suýt đâm vào một máy bay của hải quân Mỹ, cách chỉ có khoảng 9 mét.
Hai bên dường như đang cố gắng để ngăn chặn các vụ tương tự lặp lại.
Quân đội TC sẽ đáp trả tàu Mỹ bằng mọi biện pháp cần thiết
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần những hòn đảo mới được TC bồi đắp ngày 29/10/2015.
30.10.2015
Quân đội TC sẽ tiến hành tất cả các biện pháp “cần thiết” để đáp trả bất kỳ sự xâm nhập của hải quân Mỹ trong tương lai tại những nơi mà TC coi là lãnh hải của mình xung quanh các đảo ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TC Đại tá Dương Vũ Quân đưa ra lời tuyên bố vừa kể được đưa ra sau khi Hoa Kỳ đưa tàu khu trục được trang bị phi đạn dẫn đường vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần những hòn đảo mới được TC bồi đắp ở vùng biển chiến lược. Hoa Kỳ từ chối không thừa nhận các hòn đảo nhân tạo này như một lãnh thổ có chủ quyền.
Phía TC đã không có hành động quyết liệt để đáp lại việc tuần tra của tàu USS Lassen hôm thứ Ba, nhưng vẫn tiếp tục cực lực phản đối hành động này. Phản ứng của phía TC giống y như trong các vụ việc xảy ra trong những năm gần đây. Dương không đưa ra chi tiết về việc Bắc Kinh có thể phản ứng bằng cách nào khác trong tương lai.
Dương nói: “Chúng tôi sẽ hối thúc Hoa Kỳ không tiếp tục lấn sâu vào con đường sai lầm, nhưng nếu phía Mỹ vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết tùy theo nhu cầu. Dương cũng nói thêm rằng: “Quyết tâm bảo vệ an ninh và chủ quyền của Trung Quốc là “vững như bàn thạch”.
Trong khi không có lập trường chính thức về chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến quyền tự do đi lại trên biển và kêu gọi TC chấm dứt dự án tham lam là xây dựng các đảo mới bằng những tòa nhà, bến cảng và phi đạo.
Dương nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng tàu USS Lassen đã vi phạm chủ quyền của TC và luật pháp quốc tế, mặc dù tàu tuần tra xuất hiện theo đúng luật quốc tế. Dương không đưa ra những yêu cầu cụ thể của TC.
Đại tá Dương Vũ Quân cho biết, một cặp tàu hải quân TC đã bám theo, theo dõi các hành động và đưa ra cảnh cáo.
Phát ngôn viên này nói, TC tuân thủ quyền tự do đi lại trên biển và trên không, nhưng cáo buộc Mỹ đã lợi dụng các quyền ấy vì những lợi ích riêng.
Dương nói: “Chúng tôi cương quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào dưới danh nghĩa tự do hàng hải có thể gây hại đến lợi ích và an ninh của các quốc gia ven biển”.
Dương cho biết người tư lệnh hải quân TC, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, sẽ trình bày “lập trường nghiêm túc” của TC về vấn đề này trong cuộc họp qua video với người đứng đầu hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson, vào chiều muộn ngày thứ Năm.
Tuy nhiên, Dương nêu ra rằng, việc này sẽ không gây trở ngại cho các cuộc trao đổi chính thức giữa hai bên, và nói rằng kế hoạch chuẩn bị vẫn đang được tiến hành cho chuyến thăm của Đô đốc Harry Harris Jr., chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, vào cuối năm nay. Đô đốc Harris mới đây tuyên bố rằng, Biển Đông không thuộc về TC, cũng như Vịnh Mexico không thuộc về Mexico vậy.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao TC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết: “Trung Quốc quan tâm đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, bao gồm cả Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không im lặng trước việc làm tổn hại hay đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh chính đáng. Tôi sẽ chỉ ra rằng phía Trung Quốc mong muốn loại bỏ sự khác biệt qua các biện pháp hòa bình, nhưng khi cần phải phản ứng, Trung Quốc sẽ quyết định khi nào và làm thế nào để phản ứng tùy theo mong muốn và nhu cầu”.
Tuy nhiên, khi được hỏi: “ Liệu điều đó có nghĩa là phía TC sẽ có những hành động quân sự hay không?” thì ông Lục đáp rằng ông không có bình luận về một câu hỏi giả định.
Theo AP, Chinese MOFA