Tin Thế Giới – 29/10/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 29/10/2015

Tư lệnh hải quân Mỹ, TC họp bàn Biển Đông — Báo TC: Bắc Kinh ‘không ngại chiến tranh’ với Mỹ — CSVN lên tiếng về vụ tàu chiến Mỹ

Quan chức hải quân TC và Hoa Kỳ chuẩn bị họp trực tuyến về tình hình căng thẳng ở biển Đông, sau khi một chiến hạm của Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của TC ở vùng biển tranh chấp.

Cuộc họp giữa đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng của Hải quân Hoa Kỳ và Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân TC, sẽ kéo dài một tiếng hôm nay qua đường truyền video trực tiếp.

Tin cho hay, cả hai viên tướng này cùng gợi ý tổ chức cuộc họp để bàn về những hoạt động gần đây ở biển Đông cũng như mối quan hệ giữa hải quân hai nước.

Đây sẽ là cuộc họp trực tiếp qua đường truyền video thứ ba giữa giới lãnh đạo hải quân Mỹ-Trung.

Bắc Kinh đã lên án việc Washington điều một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào phạm vi 12 hải lý gần một trong các đảo nhân tạo mà TC xây dựng ở Trường Sa hôm 27/10.

Chính quyền đất nước đông dân nhất thế giới tuyên bố đã theo dõi, cảnh cáo chiến hạm USS Lassen đồng thời triệu tập đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để phản đối.

‘Diễn tập đối đầu’

Trong một diễn biến khác, tờ China Daily của TC đưa tin, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ tới thăm Bắc Kinh vào tuần tới.

Tờ báo này dẫn một nguồn tin giấu tên, và không cho biết thông tin chi tiết.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này.

Ông Harris là người mạnh mẽ chỉ trích việc TC xây đảo tại Trường Sa nhằm tạo “vạn lý trường thành bằng cát” ở biển Đông.

Trong khi đó, truyền thông TC hôm nay đưa tin rằng “một đội tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường” dưới sự chỉ huy của Hạm đội Nam hải đã thực hiện một “cuộc diễn tập đối đầu thực tế” với việc bắn súng phòng không và bắn vào bờ vào ban đêm.

Một trang tin do nhà nước quản lý cho đăng tải các bức ảnh về cuộc diễn tập, và nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở biển Đông. Một bức ảnh cho thấy 3 chiến hạm theo đuôi nhau.

Liên quan tới việc Mỹ phái chiến hạm tới tuần tra ở Trường Sa, CSVN hôm nay đã lên tiếng “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, chính quyền Philippines đã lên tiếng hoan nghênh việc làm của Hoa Kỳ ngay sau khi xuất hiện các thông tin về chuyến hải hành làm Bắc Kinh tức giận. – Theo VOA

***
Các phương tiện truyền thông TC cay nghiệt công kích Mỹ vì đã đưa một tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trong vùng biển tranh chấp.

Một ngày sau khi Washington triển khai một tàu chiến đến gần đảo nhân tạo được xây dựng bởi Bắc Kinh, một tờ báo có quan hệ chặt chẽ với chính phủ nói rằng TC không ngại chiến tranh với Mỹ ở Biển Đông. Phản ứng dữ dội của các cơ quan truyền thông chính thức bùng ra sau khi Mỹ cam kết sẽ phái thêm tàu chiến đến khu vực, sau khi tàu khu trục USS Lassen, trang bị phi đạn dẫn đường tiến vào trong phạm vi 12 hải lý gần ít nhất một trong những hòn đảo đang tranh chấp.

Hành động này khơi ra lời công kích giận dữ từ phía Bắc Kinh. Chính phủ TC, đã triệu tập đại sứ Mỹ và lên án hành động đó là mối đe dọa “bất hợp pháp” đến chủ quyền của mình.

Trong bài xã luận, báo Global Times với chủ trương dân tộc kịch liệt, nói: “Trước sự khiêu khích của Hoa Kỳ, Bắc Kinh nên đối phó với Washington một cách khôn khéo và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Việc này có thể chứng tỏ cho Tòa Bạch Ốc thấy rằng tuy miễn cưỡng, Trung Quốc không ngại chiến tranh với Mỹ trong khu vực, và quyết tâm bảo vệ quyền tự chủ và lợi ích quốc gia.”

Tuy nhiên, tờ báo này cũng kêu gọi các bên kiềm chế, theo đúng đường lối chung của giới truyền thông TC là Bắc Kinh giữ vững lập trường đạo đức, không để bị khiêu khích bởi các hành động của Hoa Kỳ.

Tờ báo viết: “Ngũ Giác Đài rõ ràng đang khiêu khích Trung Quốc. Đây là lúc để trắc nghiệm sự khôn ngoan và quyết tâm của nhân dân Trung Quốc. Chúng ta phải giữ bình tĩnh. Nếu chúng ta cảm thấy bị mất mặt và thốt ra vài lời giận dữ, thì sẽ chỉ làm cho Hoa Kỳ đạt được mục tiêu là gây khó chịu cho chúng ta”.

Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo nói, Mỹ đã “gây rắc rối một cách vô cớ” và cáo buộc Washington về tiêu chuẩn nước đôi khi cáo buộc TC là quân sự hóa Biển Đông.

Bài báo nói: “Tàu chiến của Mỹ đã cho thấy chính xác ai là người thúc đẩy việc quân sự hóa Biển Đông”.

Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, tờ báo chính thức của quân đội TC, nói Hoa Kỳ nhắm mục tiêu gieo rắc bất hòa trong khu vực, như họ đã từng làm ở Trung Đông.

Bài xã luận đăng trên trang nhất của báo này, với tựa đề “Ai không thể chịu nổi một Biển Đông yên tĩnh?” viết rằng: “Hoa Kỳ luôn tuyên bố rằng họ sẽ nhận lãnh trách nhiệm đối với đồng minh. Tuy nhiên, các hành động của họ…làm xấu thêm bầu không khí an ninh trong vùng và gây thiệt hại cho các lợi ích quốc gia và khu vực, phơi bày khía cạnh phi lý, độc đoán và bất lịch sự.”

Bất chấp sự căm phẫn của giới truyền thông, phản ứng của chính phủ chỉ giới hạn trong các tuyên bố với lời lẽ gay gắt hơn là có hành động cương quyết nào ở Biển Đông.

Sự kiện Bắc Kinh không muốn đối đầu kịch liệt với Hoa Kỳ đã là một nguồn gây bất mãn cho nhiều mạng truyền thông xã hội của TC.

Một cư dân mạng than thở trên mạng xã hội Sina Weibo, phiên bản TC của Twitter than thở: “Họ đi quanh nhà của chúng ta, thế mà chúng ta chỉ biết la hét to qua cửa sổ”.

Một cư dân mạng khác nói: “Thực là một trò hề khi mà chúng ta chỉ có thể tìm cách ngăn không cho Mỹ xâm phạm chủ quyền của TC ở Biển Đông bằng một lời cảnh báo.”

Một người sử dụng mạng khác tỏ ý phẫn nộ bằng cách đăng một tin nhắn gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, kêu gọi Washington, “Cút ra khỏi Biển Đông.”

Tin nhắn viết: “Các vị đã sai lầm ở Iraq và Syria. Bây giờ các vị muốn làm gì ở vùng biển của chúng tôi? Các vị có muốn là người khuấy động chiến tranh thế giới thứ ba?”

Tháng trước, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ nước nào” vi phạm lãnh hải và không phận xung quanh các đảo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết các tàu chiến của Mỹ vào vùng biển TC “bất hợp pháp” và nói thêm rằng, chính quyền TC đã theo dõi và cảnh báo. – Theo VOA

***
Hai ngày sau khi Hoa Kỳ điều tàu tới gần đảo nhân tạo TC xây ở Biển Đông, Việt Nam mới lên tiếng về việc này.

Hôm 27/10 tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ đã áp vào trong khu vực 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo mà TC xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (TC gọi là Chử Bích và Mỹ Tế) thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngay lập tức TC phản ứng mạnh mẽ trên các kênh chính thống nhưng Việt Nam, nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, chưa đưa ra bình luận gì.

Thứ Năm 29/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN Lê Hải Bình nói với các phóng viên ở Hà Nội: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển”.

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao TC Lục Khảng tuyên bố tại Bắc Kinh hôm 27/10: “Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực”.

“Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này.” – Theo BBC

TC chấm dứt chính sách ‘một con’

TC đã chấm dứt chính sách “một con” đã áp dụng lâu nay và giờ đây họ cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có 2 con. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.

Kế hoạch được công bố hôm nay tiếp theo những cuộc họp chính trị kín cấp cao trong tuần này ở Bắc Kinh. Các nhà phân tích nói chính sách 2 con tuy là một biện pháp được hoan nghênh, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao sinh suất bị sút giảm hay lực lượng lao động bị co cụm.

Chính sách 2 con là một sự nới lỏng thêm, sau khi vào cuối năm 2013, TC cho phép các cặp vợ chồng mà một trong 2 người là con một, được phép sinh đứa con thứ hai.

Không còn sốt sắng nuôi con

TC bắt đầu áp dụng chính sách một con vào năm 1980 với cố gắng kiểm soát dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng việc thực thi nghiêm khắc biện pháp này, kể cả cưỡng bức phá thai, lâu nay vẫn là một nguồn gây tranh cãi bên ngoài TC. Gần đây hơn, chính sách này đã bị cho là một lý do khiến lực lượng lao động trong nước bị co cụm với tốc độ đáng ngại.

Khương Toàn Bảo, giáo sư của Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông ở Tây An, nhận định như sau: “Ngay cả trong trường hợp cho phép có 2 con, vẫn có quá nhiều người ở các thành phố có thể không muốn có đứa con thứ hai.”

Khương nói thêm: “Nói một cách tương đối, dân chúng ở nông thôn có thể thích hơn. Nhưng một số thành phần dân chúng ở nông thôn đã được cho phép có 2 con rồi.”

Tổng cộng 19 tỉnh ở vùng nông thôn TC đã áp dụng chính sách 2 con, cho phép các cặp vợ chồng có đứa con thứ hai nếu đứa con đầu là con gái, để giải quyết vấn đề mất quân bình giới tính trong cả nước.

Thế bí Dân số

Với dân số 1,37 tỷ, tổng lực lượng lao động của TC tính đến cuối năm ngoái là 1 tỷ người, với khoảng 800 triệu gia nhập thị trường lao động. Nhưng đầu năm nay, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính đến năm 2020, thị trường này sẽ mất tới 1,55 triệu người mỗi năm, từ 2020 đến 2030 sẽ mất đi 7,9 triệu và từ 2030 đến 2050 sẽ mất đi tới 8,35 triệu.

Một sự sút giảm mạnh như vậy sẽ làm mất đi ưu thế của TC như một nguồn lao động giá rẻ.

Về việc này, Khương Toàn Bảo cho biết như sau: “Giá thành lao động ở Trung Quốc đã gia tăng rất nhiều, gây thiệt hại cho vị thế công xưởng thế giới của nước này. Vì giá thành lao động cao hơn, các nhà đầu tư quốc tế chắc chắn sẽ ngả qua các nước khác thay vì Trung Quốc.”

Theo Khương, ngay cả với chính sách hai con mới này, sẽ phải mất 20 năm trước khi đợt bùng phát sinh sản có thể giúp giảm bớt vấn nạn thiếu lao động.

Tệ hơn nữa là dân số làm việc hiện nay từ các tỉnh ở vùng nông thôn buộc phải rời khỏi các thị trường lao động ở những thành phố sớm hơn dự kiến do giá nhà đất tăng cao và hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm khắc trong nước.

Điều đó đã gây những trở ngại lớn cho việc tận dụng toàn bộ lực lượng lao động trong nước, theo ông Đào Nhiên, giám đốc Trung tâm Kinh tế Công cộng tại trường Đại học Nhân dân.

“Nếu có thể thúc đẩy sự cải cách về đất đai và đăng ký hộ khẩu, thì tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động mới có thể được làm giảm nhẹ một cách dễ dàng thông qua việc sử dụng toàn bộ dân số trong tuổi lao động từ các tỉnh nông thôn. Đây sẽ là một biện pháp điều chỉnh có hiệu quả nhanh hơn so với việc áp dụng chính sách 2 con”. – Theo VOA

Các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ tranh luận lần ba

10 ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà Mỹ đã trình bày những quan điểm khác nhau về chính sách kinh tế và đôi lúc tranh cãi với nhau trong cuộc tranh luận lần thứ ba trên truyền hình. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường thuật.

Cuộc tranh luận đã sôi nổi ngay từ lúc đầu với việc Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio chỉ trích Donald Trump và ông Ben Carson – hai ứng viên chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ, về việc đưa ra những đề nghị mà ông gọi là “thiếu thực tế.”

“Thưa quí vị, chúng ta phải tỉnh táo. Chúng ta không thể bầu ra một người không biết làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ. Quí vị phải chọn một người có kinh nghiệm, một người biết cách làm việc, có tinh thần kỷ luật.”

Phát biểu đó đã nhanh chóng gặp phải sự phản công từ Trump.

“Ông ấy rất tử tế. Ông ấy nói ‘tôi sẽ không bao giờ công kích’. Nhưng rồi tỉ lệ ủng hộ của ông ấy trong các cuộc thăm dò bị sụt mạnh. Đó là lý do tại sao ông ấy quýnh lên và trở nên cáu kỉnh. Ông ấy rất cáu kỉnh. Cho nên, quí vị biết không, nếu quí vị thích thì quí vị cứ bầu cho ông ấy.”

Cựu Thống đốc Jeb Bush của tiểu bang Florida lên tiếng chỉ trích Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida là đã không biểu quyết ở quốc hội để đi vận động tranh cử.

“Nhưng này anh Marco, khi anh quyết định làm thượng nghị sĩ thì đó là một công việc với nhiệm kỳ 6 năm, và anh nên tới sở làm. Ý tôi muốn nói là Thượng viện làm việc như thế nào? Chẳng lẽ nó lại giống như tuần làm việc của người Pháp hay sao? Ý tôi muốn nói là anh có ba ngày mà anh phải tới nơi làm việc. Anh có thể đi vận động hoặc là anh từ chức và để cho một người nào khác lên thay.”

Thượng nghị sĩ Rubio đáp trả như sau. “Tôi không nhớ là ông có bao giờ than phiền về thành tích biểu quyết của ông John McCain. Lý do duy nhất mà ông đang làm điều này lúc này là bởi vì ông đang chạy đua cho cùng một chức vụ và một người nào đó đã làm cho ông tin rằng công kích tôi sẽ có ích cho ông.”

Bác sĩ Ben Carson, người đang dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò, đã nghe theo lời khuyên của cố Tổng thống Ronald Reagan là không nên đả kích những người cùng đảng Cộng hoà.

“Tôi tin vào lời răn thứ 11 của ông Reagan và tôi sẽ không nói điều gì xấu về các chiến hữu của tôi ở đây.”

Ông John Harwood, người điều hợp chương trình của đài truyền hình CNBC, đã tìm cách “dụ” cựu Thống đốc Mike Huckabee của tiểu bang Arkansas chỉ trích Trump.

“Khi ông nhìn vào ông ấy, ông có thấy đó là một người có uy tín đạo đức để đoàn kết đất nước không?”

Ông Huckakabee đã không ‘mắc bẫy’.

“Tôi thương Donald Trump. Ông ấy là một người tốt. Tôi đeo cà vạt Trump tối nay. Ông đừng làm vậy nữa nghe không?”

Tỉ phú Trump lớn tiếng chỉ trích người điều hợp chương trình. “Đó là một câu hỏi hết sức bẩn thỉu! Xin cám ơn ông Thống đốc.”

Các ứng viên đã nhiều lần tranh cãi với nhau về kế hoạch thuế khoá, các chương trình của chính phủ dành cho người về hưu, vấn đề tạo ra công ăn việc làm và sự can dự của chính phủ.

Nhưng thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas hướng sự chỉ trích của ông vào những người đặt ra câu hỏi cho các ứng viên.

“Đây không phải là một cuộc đấu võ trong chuồng. Thế mà các ông lại hỏi những câu như ‘Ông Trump, ông có phải là kẻ xấu trong truyện tranh hay không?’ Tại sao không nói tới những vấn đề có thực chất mà người dân đang quan tâm?”

Các ứng viên Cộng hoà sẽ không có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi sau cuộc tranh luận tối thứ tư. Cuộc tranh luận kế tiếp của họ sẽ diễn ra trong hai tuần nữa. – Theo VOA

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert nhận tội, đối diện án tù

Ông Dennis Hastert, từng là một trong những nhân vật chính trị có nhiều thế lực nhất của Mỹ, hôm thứ Tư đã nhận tội, và đang đối diện với án tù liên quan đến vụ án 3,5 triệu đôla để mua sự im lặng về những tố cáo hành vi tính dục sai trái cách đây rất lâu.

Theo thỏa thuận nhận tội với các công tố viên ở Chicago, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ thú nhận đã nói dối với Cục Điều tra Liên bang (FBI) về những lý do ông rút 1,7 triệu đôla từ tài khoản ngân hàng trong mấy năm qua.

Cựu dân biểu nay 73 tuổi trước đây là thủ lãnh hạ viện do Ðảng Cộng hòa kiểm soát trong 8 năm cho đến năm 2007, và lúc đó ông là giới chức hàng thứ hai trên danh sách thay thể tổng thống.

Trong một thông cáo ngắn khi nhận tội, ông Hastert nói ông không muốn FBI biết ông “định dùng tiền vào việc gì,” nhưng không có chi tiết mới của các truy tố được hé lộ tại tòa.

Các công tố viên liên bang truy tố ông Hastert đã trả 3,5 triệu đôla cho một người không rõ danh tánh để che đậy những hành vi sai trái trong quá khứ. Người được trả tiền đó không lộ diện, nhưng các nguồn tin của giới thực thi luật pháp nói với các hãng truyền thông Mỹ rằng ông Hastert trả những khoản tiền lớn để che giấu những hành vi tính dục sai phạm của ông đối với một bé trai khi ông Hastert còn là một giáo viên trẻ tuổi, và là một huấn luyện viên môn đô vật tại một trường trung học gần thành phố Chicago trong những năm của thập niên 1960 và 1970.

Các công tố viên đề nghị án tù 6 tháng cho ông Hastert, nhưng Thẩm phán Thomas Durkin nói với ông Hastert rằng ông có thể lãnh án tù đến 5 năm, và bị phạt đến 250.000 đôla khi ông bị tuyên án vào tháng 2.

Sau khi rời Quốc hội, ông Hastert trở thành một nhà vận động hành lang với thù lao cao nhất. Ông bị truy tố hồi tháng 5 ở Chicago, bị cáo buộc là rút một khoản tiền lên tới 1,7 triệu đôla, từ năm 2010 đến năm 2014, sắp xếp nhiều lần rút ở mức dưới 10 ngàn đôla là ngưỡng chuyển tiền mặt có thể bị chính phủ nêu nghi vấn.

Ông Hastert bị truy tố tội nói dối với các nhà điều tra về lý do ông rút tiền. Trong thỏa thuận nhận tội, các công tố viên dự trù sẽ bỏ một cáo trạng khác về tội vi phạm các luật ngân hàng liên bang. – VOA