Indonesia muốn gia nhập TPP
Tổng thống Joko Widodo cho biết ý định của Indonesia gia nhập TPP, khi gặp Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng – Reuters
Theo RFI – Thu Hằng – 27-10-2015
Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, hôm qua 26/10/2015, Tổng thống Joko Widodo khẳng định tại Nhà Trắng rằng Indonesia muốn gia nhập hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, (TransPacific Partnership, TPP).
Trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Joko Widodo phát biểu: «Indonesia có ý định gia nhập TPP. Indonesia là một nền kinh tế mở, với 250 triệu dân, nước chúng tôi là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á».
Sau nhiều năm thương lượng, hiệp định TPP gồm 12 nước nằm trong khu vực Thái Bình Dương đã được ký vào đầu tháng 10 vừa qua và sẽ dẫn đến việc hình thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.
Các nước tham gia ký kết gồm Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapour, Hoa Kỳ và Việt Nam. TC không tham gia khối này.
Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, một chủ đề trọng tâm được đề cập trong các buổi làm việc, theo thông cáo của sứ quán Indonesia tại Mỹ, Tổng thống Widodo đã công bố chính thức 12 thỏa thuận đầu tư với tổng trị giá lên tới 20,25 tỉ đô la trong một buổi lễ tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ.
Tập đoàn công nghiệp Mỹ General Electric (GE) cam kết đầu tư khoảng 1 tỉ đô la trong vòng 5 năm cho các lĩnh vực năng lượng và y tế. Còn tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina của Indonesia cũng chính thức công bố nhiều hợp đồng thương mại khí đá phiến (shale gas), trị giá 13 tỉ đô la, với Corpus Christi Liquefaction, một chi nhánh của tập đoàn Mỹ Cheniere Energy.
Tổng thống Widodo quyết định rút ngắn chuyến công du Hoa Kỳ do tình trạng cháy rừng tại Indonesia vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Hàng trăm nghìn người dân sống xung quanh có những triệu chứng khó thở. Và ngành hàng không trong khu vực cũng gặp nhiều xáo trộn ro khói mù từ các đám cháy rừng. Ông rời Washington về nước mà không tới phía Tây Hoa Kỳ.
Vào mùa khô hàng năm, những vụ cháy rừng vẫn xảy ra tại quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, do người dân đốt rẫy, để chuẩn bị cho các vụ mùa sau.