Tin Thế Giới – 27/10/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 27/10/2015

Mỹ điều tàu chiến tới Trường Sa, TC nổi giận — Đài Loan, TC phản ứng về tàu Mỹ — Mỹ tuần tra Biển Đông: kiên quyết, cần thiết, nhưng chưa đủ

TC đã giận dữ phản đối Hoa Kỳ đưa tàu khu trục USS Lassen tới áp sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Chính quyền Bắc Kinh cho biết đã cảnh cáo và theo đuôi chiến hạm có trang bị tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ hôm nay, 27/10.

Theo các quan chức Mỹ, trong chuyến đi kéo dài vài tiếng đồng hồ, tàu USS Lassen đã tiến vào khu vực biển 12 hải lý tại bãi đá Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.

Đây là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở biển Đông, trực tiếp thách thức TC, và theo các nhà quan sát, nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng.

Bộ Ngoại giao TC nói rằng Bắc Kinh đã theo dõi, theo đuôi và cảnh cáo chiến hạm USS Lassen khi tàu này tiến vào vùng lãnh hải gần các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa một cách “trái phép” và không được sự cho phép của TC.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích có chủ ý của bất kỳ nước nào,” thông cáo của Bộ Ngoại giao TC cho biết.

Sau đó, trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ này nói rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “gây căng thẳng trong khu vực”, TC có thể sẽ đi tới kết luận rằng nước này cần phải “gia tăng và tăng cường khả năng phù hợp”.

Lục không nói rõ việc tăng cường đó là gì, nhưng cho biết ông hy vọng là Bắc Kinh sẽ không phải làm điều đó. Tuy nhiên, bình luận của ông cũng ám chỉ rằng TC có thể tăng cường thêm nữa sự hiện diện quân sự trên biển Đông. Ông này nói thêm:

“Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp, nhưng nếu Trung Quốc phải đáp trả thì thời điểm, biện pháp và nhịp độ của sự đáp trả này sẽ được quyết định dựa trên mong muốn và nhu cầu của Trung Quốc”.

Tin cho hay, TC đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tới để phản đối bước đi của Mỹ.

Truyền hình nhà nước dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại nói với Đại sứ Mỹ Max Baucus rằng việc làm của Washington “hết sức thiếu trách nhiệm”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cảnh báo Hoa Kỳ “hành động một cách thận trọng và tránh gây khiêu khích”.

Tân Hoa Xã dẫn lời Vương nói rằng Mỹ phải “suy nghĩ chín chắn, không hành động hấp tấp và gây rắc rối”.

Một quan chức quốc phòng của Mỹ được các hãng thông tấn phương Tây trích lời nói rằng các chuyến đi trinh sát của tàu chiến Hoa Kỳ sẽ được thực hiện thường xuyên và sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa, và có thể được tiến hành gần những nơi mà Việt Nam và Philippines đã xây dựng trên Trường Sa.

Nhận định về hành động mới nhất của Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch một cơ quan nghiên cứu tư nhân mới thành lập có tên gọi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng đây là “một chuyến đi mang tính biểu tượng để mà bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.

Việt Nam chưa lên tiếng phản ứng sau khi Hoa Kỳ điều tàu vào Trường Sa. Về sự dè dặt này, Trường nói thêm:

“Im lặng là đồng ý còn gì. Mỹ có ở cạnh sát Trung Quốc mấy nghìn cây số đâu. Việt Nam là nước có đường biên giới núi liền núi, sông liền sông thì phải có phát ngôn một cách thận trọng. Việc này, Mỹ đã thông báo vài tuần rồi. Trung Quốc lên tiếng phản đối, còn Việt Nam về chính thức là im lặng. Im lặng tức là đồng ý còn gì. Mỹ là cường quốc, có sức mạnh, nên làm những chuyện đấy là làm được. Chứ ta, Việt Nam, chả lẽ lại gây thêm những cái phức tạp cho Trung Quốc? Muốn ổn định là phải đi với Trung Quốc, và muốn phát triển là phải đi với các nước lớn để dùng làm đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc. Và để phát triển kinh tế nữa thì phải đi với Mỹ, Nhật Bản, EU và với Trung Quốc. Mình phải tính, phải dựa vào lý trý chứ không thể dựa vào tình cảm được. Theo tôi, quan điểm chính thức của Việt Nam là rõ rồi. Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, và bất cứ hành động nào duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng biển Đông. Và Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ hành động theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng chấp nhận là phải hành động theo luật pháp quốc tế. Về cơ bản thì quan điểm của Mỹ và Việt Nam là nhất trí với nhau. Chính quyền Mỹ người ta hiểu lập trường của Việt Nam, cái vị trí địa chiến lược của Việt Nam là vô cùng khó, vô cùng tinh tế, chịu sức ép rất lớn, hàng ngày, hàng giờ của Trung Quốc, thì mình phải tính cho kỹ là ở chỗ đó. Việt Nam tính toán một cách có trách nhiệm, chứ không phải là sợ Trung Quốc hay là không sợ Trung Quốc”.

Trong khi đó, Philippines, một trong các quốc gia mạnh mẽ phản đối các hoạt động của TC ở biển Đông, hoan nghênh hành động của Mỹ. Tổng thống Philippines tuyên bố:

“Việc Mỹ đi qua các vùng biển tranh chấp này là để chứng tỏ là các nguyên tắc về tự do hàng hải là như thế nào, và họ hành động như vậy để không có việc thay đổi nguyên trạng trên thực địa.”

Nhật Bản, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với TC nhưng là trên biển Hoa Đông, một lần nữa lặp lại quan ngại về hành động của TC ở các vùng biển tranh chấp.

Khi được các hãng thông tấn hỏi về phản ứng đối với hoạt động của tàu khu trục USS Lassen, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để nhận các thông tin tình báo.

Trong khi đó, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia nói rằng chính quyền Canberra mạnh mẽ ủng hộ quyền của mọi nước “về tự do hàng hải, tự do bay bên trên biển Đông, theo luật pháp quốc tế”, nhưng nói thêm rằng “Australia không liên quan tới hoạt động hiện thời của Hoa Kỳ ở biển Đông”.

Tàu khu trục USS Lassen từng do Hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy từ năm 2009 tới năm 2010. Tàu này từng tới thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009.

Lần cuối cùng tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý mà TC tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là năm 2012. – Theo VOA

***
Cần có giải pháp hòa bình với các tranh chấp trên Biển Đông đó là quan điểm của Đài Loan đưa ra sau khi Hoa Kỳ đưa tàu chiến tuần hành tại khu vực Trường Sa đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Trong khi đó, TC coi động thái của tàu chiến Mỹ là một hành động ‘khiêu khích’ và một ‘trò chơi nguy hiểm’ đối với ‘ổn định ở khu vực’, một bài báo trên trang mạng của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước TC, cho hay.

Hôm 27/10/2015, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan, Eleanor Wang, lên tiếng nói:

“Đài Loan muốn thấy tất cả các bên có liên quan có một ứng xử đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực,” phát biểu từ Đài Bắc của bà Wang, đáp lại việc Mỹ cử một tàu khu trục vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 dặm biển của các đảo nhân tạo mà TC xây ở Biển Đông.

Người phát ngôn của Đài Loan cũng nói thêm:

“Đài Loan cũng hy vọng các bên liên quan sẽ thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần luật pháp quốc tế phù hợp, bao gồm Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.”

Bà Eleanor Wang cũng tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Đài Loan với một số đảo tại vùng biển vốn có nhiều tranh chấp đan xen về chủ quyền.

Bà nói Đài Loan “có tất cả các quyền đối với chúng phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Đài Loan “sẽ không thừa nhận quyền của bất cứ quốc gia nào tuyên bố hoặc chiếm đóng chúng vì bất cứ lý do gì hoặc bằng bất cứ biện pháp nào”.

‘Khiêu khích, nguy hiểm’

Trong khi đó, một bài báo trên trang điện tử của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của TC, hôm 27/10 chạy một bài báo với tựa đề dài: “Khiêu khích của Mỹ ở Nam Hải (tức Biển Đông, theo cách gọi của TC), một trò chơi thiếu trách nhiệm”.

Bài báo viết: “Hành vi xâm lăng này có tính chất vô trách nhiệm và nguy hiểm cao độ. Trước hết, nó đã vi phạm cam kết của Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Nam Hải.

Đồng thời, nó đi ngược lại thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã xây dựng củng cố mô hình mới trong các quan hệ chính yếu quốc gia giữa hai người khổng lồ toàn cầu được đặc trưng hóa bởi không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

Những khiêu khích này đe dọa làm xấu đi khoảng cách vốn đã rộng sẵn trong sự tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington, xuất phát một phần từ hành động thám sát chặt chẽ và thường xuyên trên không và trên biển của Washington chống lại TC.

Hành động này cũng nhắm tới việc làm khuấy động vùng biển và hủy hoại các nỗ lực tìm kiếm giải quyết một cách hòa bình và mau sớm các cuộc tranh cãi kinh niên ở Nam Hải và nhờ đó xóa bỏ vĩnh viễn các nguyên nhân cội rễ gây ra các căng thẳng và rắc rối”.

Bài báo trên Tân Hoa Xã hôm thứ Ba phản ứng lại việc Hoa Kỳ điều tàu khu trục Lassen vào bên trong khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà TC xây dựng ở khu vực Trường Sa kết thúc bằng việc tuyên bố:

“Tính đến tầm quan trọng của Nam Hải đối với mậu dịch thế giới, đây là lúc cao điểm để Hoa Kỳ chú ý đến những lời kêu gọi và cảnh báo của Bắc Kinh và chấm dứt việc gây sóng gió, gây ra những sóng gió vô lối, ở vùng biển bận rộn này,” Tân Hoa Xã viết.

Hôm 27/10, tàu khu trục Mỹ USS Lassen đã thâm nhập khu vực biển có phạm vị 12 hải lý mà TC đơn phương tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.

Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TC Lục Khảng đã đưa ra tuyên bố tại Bắc Kinh:

“Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực”.

“Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này,” người phát ngôn này nói.

Hiện chưa rõ tàu USS Lassen có quay trở lại khu vực này hay không, hoặc Hoa Kỳ có còn phái tiếp một lực lượng hải quân nào trở lại đó cũng với lộ trình tuần tiễu tương tự như tàu khu trục nói trên. – Theo BBC

***
Sau hàng tháng trời loan báo, Washington vào sáng sớm hôm nay, 27/10/2015 đã thực sự khởi động chiến dịch được mệnh danh là “Vì quyền tự do hàng hải” tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh bất chấp luật quốc tế, đã cho bồi đắp 7 đảo nhân tạo nhằm áp đặt bằng sức mạnh yêu sách chủ quyền của TC. Hành động của Mỹ được cho là kiên quyết, nhưng thận trọng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trả lời ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông Carlyle Thayer cho rằng Mỹ cần phải kiên quyết hơn nữa.

Khi cho khu trục hạm USS Lassen khởi động chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ trước hết đã tạm thời xóa nhòa hình ảnh “hổ giấy” thường được gán cho mình.

Thái độ kiên quyết của Mỹ đã được ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nêu bật.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông giải thích: “Khi dùng đến một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, chứ không phải là một loại tàu nào khác nhỏ hơn… Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ”. Thông điệp này, theo chuyên gia Storey, lại càng rõ ràng hơn khi mà Washington khẳng định rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều chiến dịch tương tự được tiến hành.

Hành động của Mỹ tuy kiên quyết, nhưng cũng được đánh giá là rất thận trọng, không muốn khiêu khích vô ích. Điều này thể hiện rõ rệt trong việc chọn địa bàn tiến hành chiến dịch là Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, hai bãi đá thuộc diện nửa chìm nửa nổi trước lúc được TC biến thành đảo, cho nên không thể được xem là có hải phận 12 hải lý. Đảo nhân tạo cũng không được quyền đòi có lãnh hải, do vậy TC không thể nào cấm tàu Mỹ di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh các đảo này.

Ngoài ra, việc chọn một chiếc tàu như USS Lassen, với thủy thủ đoàn giầu kinh nghiệm cọ sát với tàu TC, cũng nhằm đảm bảo cho việc không xẩy ra sự cố đáng tiếc do tính toán sai lầm hay bộp chộp. Các yếu tố nói trên cho thấy là chiến dịch của Mỹ đã được lên kế hoạch một cách rất chuyên nghiệp, vừa giúp Mỹ gởi tín hiệu cứng rắn đến TC, vừa giảm thiểu nguy cơ xung đột.

Tuy vậy, nếu lồng chiến dịch này vào trong toàn cảnh Biển Đông hiện nay, một số chuyên gia đã tự hỏi rằng phải hành động của Mỹ đã được đưa ra quá muộn? Đây chính là nhận xét của giáo sư Carlyle khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI qua thư điện tử.

“Chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vừa quá yếu, vừa quá trễ. Lẽ ra Mỹ nên hành động ngay từ năm 2014 khi rõ ràng là TC đã bắt đầu rầm rộ xây đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ là điều cần thiết để phản bác việc TC đòi chủ quyền từ các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp nên. Không thách thức TC tương đương với việc chấp nhận cái gọi là yêu sách pháp lý của TC”.

Đối với Giáo sư Thayer, TC có thể là sẽ không trực diện đối đầu với Mỹ trên hiện trường, nhưng sẽ khuấy động dư luận chống Mỹ, đồng thời tiếp tục củng cố cơ sở trên các đảo nhân tạo để có thể biến các nơi này thành căn cứ quân sự khi có thời cơ.

“Chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không cản được TC trong việc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo của nó. TC hoàn toàn có thời gian để quân sự hóa các đảo nhân tạo khi điều đó phù hợp với mục tiêu họ đề ra.

TC sẽ không dùng tàu Hải quân của mình để đối đầu trực tiếp với Mỹ. TC sẽ tiến hành chiến tranh thông tin và pháp lý để cố gắng ngăn không cho Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. TC sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực, khuấy lên nỗi lo ngại rằng Hoa Kỳ đang làm mất ổn định khu vực.”

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ cần phải thay đổi đối sách.

“Hoa Kỳ cần phải thay đổi chủ trương lúc nào cũng tuyên bố không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Hoa Kỳ cần phải tỏ rõ lập trường bảo vệ hiện trạng ở Biển Đông, và phản đối các hành động đơn phương có hệ quả chiến lược.

Mỹ nên giúp Philippines trong việc bảo đảm cho ngư dân nước này có thể quay trở lại bãi Scarborough. Thủy quân lục chiến Mỹ nên cùng với đồng đội Philippines đến vùng Bãi Cỏ Mây mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng có đầy tàu bán quân sự TC. Mỹ và Philippines sau đó nên cùng thực hiện nhiệm vụ tiếp tế chung cho lính Philippines trên chiếc ​Sierra Madre mắc cạn ở đấy.”

Nói tóm lại, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ nên áp dụng chiến lược bắt Trung Quốc phải trả giá để khôi phục nguyên trạng và chống phá mọi nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng. – RFI

Tổng thống Pháp công du TC và Hàn Quốc đầu tháng 11

Tổng thống François Hollande sẽ có chuyến công du cấp Nhà nước tại TC từ ngày 02-03/11/2015 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo thông cáo ngày hôm qua 26/11 của Phủ Tổng thống Pháp, nội dung chính của chuyến công du sẽ tập trung vào hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu được tổ chức tại Paris từ ngày 30/11 đến 11/12/2015 năm nay.

Vào tháng 09, Tổng thống Pháp đã thông báo về chuyến công du TC để “cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra kêu gọi nỗ lực để hội nghị về khí hậu thành công”.

Ông François Hollande nhấn mạnh tới tầm quan trọng của TC, quốc gia đông dân nhất hành tinh và cũng gây ô nhiễm nhiều nhất, trong việc làm gương để các nước khác noi theo.

Các nhà quan sát nhận định có một điểm tích cực và có thể coi là một dấu hiệu thành công của hội nghị Paris, đó là lần đầu tiên, TC tham gia ở cấp cao, trái với hội nghị về khí hậu năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch).

Tại thượng đỉnh lần thứ 21 về khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức (COP21), 195 nước có thể sẽ đạt được một bản hiệp định chung đầu tiên về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Văn kiện này rất quan trọng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trên trái đất không quá 2°C.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu vượt quá ngưỡng này, sẽ xảy ra nhiều thiên tai cực kỳ nghiêm trọng, hiện tượng băng tan tại hai cực của Trái Đất, cũng như hiện tượng mực nước biển dâng lên.

Sau TC, Tổng thống Pháp sẽ tới thăm Hàn Quốc ngày 04/11 theo lời mời của Tổng thống Park Geun Hye. Chuyến công du nằm trong khuôn khổ “Năm Pháp-Hàn Quốc 2015-2016”, đánh dấu kỷ niệm 130 năm thiết lập bang giao giữa hai nưóc.

Trích dẫn thông cáo của điện Elysée, hãng tin AFP cho biết chuyến công du nhằm thúc đẩy “đối tác toàn diện” giữa Pháp và Hàn Quốc. Nhiều dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đại học, khoa học và văn hóa sẽ được ký kết nhân dịp này. – Theo RFI

Các nhà lập pháp đối lập Campuchia bị người biểu tình hành hung

Hai nhà lập pháp thuộc Đảng Cứu Quốc đối lập ở Campuchia bị thương nặng sau khi bị những người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội hành hung hôm thứ Hai. Từ Phnom Penh, các thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật.

Hơn 1.000 người biểu tình chống phe đối lập đã tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội hôm thứ Hai để đòi bãi chức ông Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). Mặc dù phần lớn những người biểu tình đã giải tán sau khi trao thư thỉnh nguyện cho Quốc hội, một nhóm nhỏ những người biểu tình vẫn ở lại để chờ các nhà lập pháp rời khỏi trụ sở sau phiên họp buổi sáng.

Những người biểu tình đã xông tới chặn xe của hai dân biểu Nhay Chmreoun và Kong Sakphea và hành hung hai nhà lập pháp này. Cả hai đã bị đá và đánh vào đầu, khiến họ bị chảy máu và xây xẩm.

Phát ngôn viên Đảng Cứu quốc, ông Yim Sovann, cho biết hai dân biểu này bị thương ở đầu và mặt sau khi người biểu tình lôi họ ra khỏi xe. Ông nói rằng Đảng Cứu quốc lên án vụ bạo động và yêu cầu giới hữu trách truy tìm thủ phạm.

Ông Sovann nói: “Họ bị thương nặng ở đầu, vì những người biểu tình đã đánh và đá vào đầu và mặt của họ. Họ đang được chữa trị. Không thể bỏ qua một vụ việc nghiêm trọng như vậy. Không thể để cho vụ việc xảy ra trước một cơ quan hàng đầu như vậy. Tôi tin là phải thực hiện những hành động nghiêm túc.”

Ông Sovann cho biết nhiều người tin rằng những kẻ hành hung là một phần của nhóm người biểu tình, nhưng Đảng Cứu quốc đang chờ cảnh sát và Bộ Nội vụ cung cấp thêm chi tiết.

Ông Sok Eysan, một người phát ngôn của Đảng nhân dân Campuchia đương quyền, nói rằng đảng ông không dính líu gì tới vụ bạo động. Ông cho biết cuộc biểu tình có sự tham dự của “những nhóm khác nhau.”

Ông Eysan cho biết: “Tôi không biết. Nhưng nếu bị truy ra, các hung thủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sáng nay, khi tôi đi ra, những người biểu tình nói rằng họ thuộc nhiều thành phần khác nhau và không thuộc đảng nào. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi các nhà báo gọi điện thoại hỏi tôi về vụ việc này.”

Ông Hun Manith, một dân biểu thuộc Đảng Nhân dân Campuchia và là con trai của Thủ tướng Hun Sen, viết trên Facebook rằng ông không ủng hộ các vụ bạo động.

Các giới chức chính quyền thành phố cho biết trong một thông cáo rằng cuộc biểu tình không hợp pháp và những người tổ chức đã được khuyến cáo phải ngưng biểu tình trước 10 giờ rưỡi sáng. Thông cáo nói thêm rằng những kẻ tấn công sẽ bị điều tra và mang ra trước ánh sáng công lý.

Đại sứ quán Hoa Kỳ lên án vụ tấn công. “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và minh bạch về vụ tấn công, duy trì trật tự ở trụ sở Quốc hội và bảo đảm an toàn cho những nhà hoạt động chính trị thuộc mọi đảng phái,” phát ngôn viên sứ quán, ông Jay Raman, phát biểu như vậy trong email gởi cho ban Khmer của đài VOA.

Ông Am Sam Ath, điều hợp viên kỹ thuật của tổ chức nhân quyền Licadho, gọi vụ tấn công là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền đặc miễn của các nhà lập pháp.

Ông Ath nói: “Thậm chí chúng tôi còn chứng kiến các nhà lập pháp bị hành hung trong lúc làm việc. Nếu nhà chức trách không hành động, thì điều đó chứng tỏ có sự kỳ thị chính trị.”

Ông Phil Roberston, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi những người ủng hộ đảng nhân dân Campuchia và những người ủng hộ phe đối lập tự kiềm chế và không bạo động.

Vụ hành hung ở Phnom Penh xảy ra trong lúc Thủ tướng Hun Sen thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến nước Pháp. Tại đây, nhiều người đã biểu tình đòi ông từ chức.

Trong những năm qua, một số chính khách đối lập đã bị bắt trong những vụ trấn áp của chính phủ nhắm vào người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm các thành viên quốc hội bị hành hung. – VOA

Mỹ, Indonesia đồng ý tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

Hoa Kỳ và Indonesia vừa đồng ý tăng cường hợp tác sau các cuộc họp mà Tòa Bạch Ốc nói là thuộc nỗ lực của Hoa Kỳ nhắm đến tái cân bằng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Barack Obama hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm thứ Hai. Thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA từ Tòa Bạch Ốc gởi về bài tường trình sau đây.

Các đám cháy tại những khu rừng và bãi lầy, do nạn phá rừng và hiện tượng El Nino đang hoành hành Indonesia, đã tạo ra một đám mây khói bụi bao trùm nhiều khu vực.

Tai họa đã buộc Tổng thống Indonesia, được công chúng gọi là Jokowi, phải cắt ngắn chuyến thăm Hoa Kỳ, sau khi hội đàm với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc.

Hai nhà lãnh đạo nói về các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh, thương mại, khủng bố và hợp tác hải dương.

Tổng thống Obama nói: “Indonesia có dân số lớn, là nước dẫn đầu trong khu vực, có truyền thống dân chủ, là một nước Hồi giáo lớn với truyền thống bao dung và ôn hòa, và giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại, nên Hoa Kỳ rất muốn làm đối tác với Indonesia.”

Tổng thống Widodo phát biểu: “Indonesia có một nền kinh tế mở cửa, và với dân số 250 triệu người, nền kinh tế của chúng tôi lớn nhất Ðông Nam Á. Indonesia đang dự tính gia nhập TPP.”

Tòa Bạch Ốc nói rằng các cuộc thảo luận nằm trong chính sách xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nơi họ muốn gia tăng ảnh hưởng của Washington.

Tổng thống Obama đã tiếp thủ tướng Nhật Bản hồi tháng Tư, tiếp chủ tịch TC hồi tháng 9, và Tổng thống Nam Triều Tiên hồi đầu tháng này.

Indonesia đại diện cho phân nửa kinh tế Ðông Nam Á. Nhưng các chuyên gia nói rằng kinh tế nước này được bảo hộ rất cao.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định:

“Mức trao đổi thương mại giữa Indonesia và Hoa Kỳ chỉ ngang với mức trao đổi giữa Mỹ với Honduras hay với một số nước Trung Mỹ. Indonesia có 250 triệu dân. Đó là mức trao đổi thương mại quá nhỏ.”

Mặc dù Tổng thống Widodo bày tỏ ý muốn tham gia TPP, ông đang gặp phải sự chống đối mạnh ở nước ông. Ông Hiebert nhận định.

“Các bước mở rộng của ông Widodo bị giới hạn.”

Indonesia cũng cần phát triển hạ tầng cơ sở mạnh hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên Indonesia giữ một vai trò quan trọng trong khu vực, trong lúc Hoa Kỳ tăng cường những nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hòa bình và an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. – VOA