Mỹ, Nga và Liên hiệp Âu châu, bên nào phải bên nào trái trong vụ Ukraine?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ, Nga và Liên hiệp Âu châu, bên nào phải bên nào trái trong vụ Ukraine?

 

***Bài này được chọn đăng để tìm hiểu nhưng không phải quan điểm của Ban Biên Tập***

BS Trần Xuân Ninh, tamthucviet.com, March 10, 2014

Thứ năm ngày 6 tháng 3/2014, trong khi ngoại trưởng Mỹ và các nước Âu châu họp cùng với ngoại trưởng Nga để tìm cách giải quyết vấn đề Ukraine, thì quốc hội vùng tự trị Crimea thân Nga bỏ phiếu tách rời khỏi Ukraine để sát nhập trở lại vào Nga. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được thực hiện vào ngày 16 tháng 3 về vấn đề này, nghĩa là trong vòng 10 ngày. Các nhà lãnh đạo Mỹ và các nước Âu châu đã kết án Nga là vi phạm hiến pháp Ukraine và luật quốc tế. Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng “Bất cứ một thảo luận nào vể tương lai của Ukraine phải có mặt chính phủ hợp pháp của Ukraine”. Và “Năm 2014, chúng ta đã qua khỏi rất xa tình trạng biên giới một nước được vẽ lại trên đầu các nhà lãnh đạo dân chủ”. Ông Herman Van Rompuy, chủ tịch hội đồng Âu châu phát biểu “Chúng tôi mạnh mẽ kết án hành động không vì bị khiêu khích của Nga đã vi phạm chủ quyền, hiến pháp và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Còn quốc hội Crimea thì nói rằng quyết định trưng cầu dân ý này là “kết quả của vụ đảo chính vi phạm hiến pháp” dựng lên một chính phủ mới ở Kiev tháng trước và “sự vi phạm trắng trợn luật lệ Ukraine” bởi những lực lượng quốc gia từ khi lật đổ tổng thống Yanukovych.

Một thông cáo của Bạch cung cho biết rằng tổng thống Obama đã nói chuyện điện thoại với tổng thống Nga Putin một giờ đồng hồ. Và cho biết rằng Mỹ sẵn sàng điều đình giải quyết vấn đề Ukraine, bảo đảm an ninh cho người Ukraine gốc Nga, và yêu cầu Nga thảo luận với chính phủ mới ở Kiev cũng như rút quân đóng ở Crimea trở về trại. Nếu không thì sẽ có những biện pháp chế tài. Người ta hiểu rằng thông cáo này không phải là nhắm vào Nga vì những quan điểm này đã được đưa ra trong những cuộc thảo luận giữa hai bên rồi,   mà là để xác định lại thái độ công khai của Mỹ ủng hộ chính phủ mới Ukraine. Nga không chấp nhận, dĩ nhiên, vì lập trường của Nga là coi chính phủ mới Ukraine là bất hợp pháp, do những thành phần phát xít và quốc gia cực đoan được Mỹ và Tây phương ủng hộ đảo chính tổng thống Ukraine được bầu ra hợp pháp là Yanukovych. Vì thế, tin tức cho thấy có những nỗ lực dồn dập củng cố liên hệ Nga và Crimea. Thí dụ như một phái đoàn quốc hội Crimea đã được nghênh đón nồng nhiệt bởi cả hạ viện lẫn thượng viện Nga. Và quốc hội Nga đang thảo luận để thông qua luật cho các lãnh thổ mới gia nhập liên bang Nga một cách nhanh chóng, kịp thời trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16 tháng 3. Cũng như tin ông Putin họp hội đồng an ninh quốc gia để bàn về vấn đề thâu nhận Crimea, mà chỉ trước đó chưa đầy hai ngày Putin nói rằng Nga không có ý định sát nhập Crimea vân vân…

Trên truyền thông Mỹ và Tây phương đã có những bình luận giải thích cho rằng Putin đã hành động như một người mặc cảm, phản ứng, vì sự thua sút của liên bang Sô Viết trước đây và của Nga trong thời gian mà các giới bình luận Mỹ gọi là “thay đổi say sưa” tiếp theo, dưới quyền Boris Yeltsin. Nói tóm lại là một thái độ cá nhân muốn lấy lại thời hoàng kim và khôi phục lại ảnh hưởng của đế quốc Liên sô đã sụp đổ. Điều này có phần đúng, vì chính Putin khi ứng cử tổng thống lần đầu, đã tuyên bố rằng ông sẽ lấy lại địa vị của Nga trên trường thế giới. Và Putin đã thực hiện điều này, bắt đầu với sự phản ứng mạnh mẽ đối với kế hoạch Hoa kỳ lập hệ thống hoả tiễn phòng thủ ở Ba lan và Tiệp Khắc. Vụ lớn tiếp theo là Putin gửi quân sang Georgia chống chính phủ Saakhasvilli thân Mỹ và Tây phương năm 2008, để chặn đứng cuộc hành quân của Georgia chiếm South Ossetia và Abkhazia thân Nga. Sau đó thì dưới sự bảo trợ của Nga, hai lãnh thổ này trở thành độc lập đối với Georgia. Lời tuyên bố của tổng thống Bush khi sang thăm Georgia không lâu trước đó rằng Hoa kỳ ở bên cạnh sự chọn lựa tự do dân chủ của nhân dân Georgia đã không kèn không trống chìm vào quên lãng.

Trở lại với Ukraine, sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Tây phương một bên và Nga bên kia đã kéo dài từ khi cuộc cách mạng Cam năm 2004. Phiá Mỹ và Tây phương thì có Yuschenko và Yulia Tymoshenko. Phiá Nga có Yanukovych. Hai bên đã chấp nhận trò chơi dân chủ và tuyển cử. Năm 2004 Yanukovych thua phe cách mạng cam Yushenko và Tymoshenko. Năm 2010 Yanukovych thắng Tymoshenko để trở thành tổng thống. Sau đó Tymoshenko bị tù 7 năm vì tội hối mại quyền thế và tham nhũng. Với chính phủ mới sau cuộc đảo chính, Tymoshenko được lập tức thả ra và được coi là anh hùng. Bà này khôn ngoan từ chối chức thủ tướng và đi ngay sang Đức gọi là để chữa bệnh, có lẽ để nhằm một vị trí lãnh đạo tương lai khi tình hình ổn định.

Có vẻ như Mỹ và Âu châu đã dứt khoát không buông Kiev mà chính phủ gồm những tay chân của bà Tymoshenko. Vì Mỹ nhanh chóng tuyên bố viện trợ 1 tỷ đô la và khối Âu Châu hứa cho 11 tỷ đô la qua quỹ tiền tệ thế giới IMF. Dĩ nhiên là Nga không thể nào để bị trắng tay, cho nên đã chụp lấy Crimea, và rất có thể tiếp theo là miền nam đông nam Ukraine, nơi mà Nga có lợi thế xã hội chính trị.

Mỹ và Liên hiệp Âu châu hay Nga, bên nào phải bên nào trái trong vụ này? Bên nào vi phạm luật quốc tế? Câu trả lời khác nhau là tuỳ theo người nghe tất cả các nguồn tin đối nghịch từ Nga và Mỷ hay là chỉ nghe một bên. Nhưng mà có thể nói rằng là với cuộc lật đổ chính phú Yanukovych, thì trò chơi dân chủ đã bị tạm ngưng, bởi vì Yanukovych đã được bầu chính thức trong một cuộc bầu cử mà cả hai phiá đối nghịch chấp nhận. Yanukovych đã nhượng bộ để bầu tổng thống trước khi mình hết nhiệm kỳ, và chấp nhận lập chính phủ lâm thời. Nga đã chơi trò dân chủ ở Crimea để nắm chặt vùng ảnh hưởng, trước sự thắng thế của phe Mỹ và Tây phương ở Kiev.

Khó mà nói Nga vi phạm luật quốc tế vì giúp tiến hành cuộc tách rời Crimea, bởi vì trước đây Mỹ và Tây phương cũng làm tương tự ở Kosovo. Tóm tắt thì luật quốc tế hiện nay là luật của kẻ mạnh. Nếu mà hai bên cùng mạnh, sức lực tương đương, thì luật quốc tế là luật của kẻ nhanh tay nhanh chân.

Trần Xuân Ninh