Sáu mươi năm nhìn lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa 26/10/1955 – 26/10/2015 – Nguyễn Quang Duy
Cựu Hoàng Bảo Đại cho biết ông hiểu ý nguyện của người dân muốn có một thể chế cộng hòa nên ông mới trao quyền cho Việt Minh. Ông cũng không muốn quay lại thể chế quân chủ nên chỉ đặt mình vào vị trí Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam. Và sau này không mạnh mẽ phản đối khi bị Thủ Tướng Ngô Đình Diệm truất phế.
Thời kỳ chuyển tiếp
Chỉ trong vòng vài tuần chấp chính Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã nhận trách nhiệm di cư hằng triệu đồng bào miền Bắc và cũng chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn những người này được định cư tại miền Nam.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã bình định các giáo phái, các đảng phái, các bè cánh bên trong quân đội và trong các lực lượng vũ trang. Miền Nam từ một nước chiến tranh an ninh từng bước được phục hồi.
Trong khi Quốc Trưởng Bảo Đại ở Pháp, các thế lực thân Pháp và chống Thủ Tướng Diệm vẫn tồn tại trong quân đội, để giải quyết người Mỹ đã dàn dựng truất phế Bảo Đại, xây dựng chính phủ cộng hòa.
Ngày 23/10/1955 qua một cuộc trưng cầu dân ý Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế và đến ngày 26/10/1955 Việt Nam Cộng Hòa chính thức thành lập, Thủ tướng Ngô Đình Diệm được đề cử làm Quốc Trưởng.
Tháng 3/1956, thực hiện việc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến đến ngày 26/10/1956 bản Hiến Pháp được ban hành. Quốc Hội Lập Hiến chọn Quốc Trưởng Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống khai sinh nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-63)
Là thời cực thịnh của miền Nam, từ một quốc gia bị thuộc miền Nam từng bước trở thành một nước đang phát triển mọi phương diện: chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, văn nghệ, truyền thông, báo chí, y tế, quốc phòng, nội an, kinh tế, kỹ nghệ, canh nông, điền địa, chăn nuôi và thương mại. Thủ đô Sài Gòn được thế giới biết đến như hòn ngọc viễn đông.
Miền Nam đã chọn đúng chiến lược kinh tế. Trong khi các quốc gia Tây Phương và các quốc gia trong vùng chọn chiến lược bảo vệ thị trường nội địa, thì miền Nam chọn con đường kinh tế tự do. Con đường mà thế giới ngày nay đã xác nhận là con đường phát triển đúng đắn.
Chính phủ Ngô Đình Diệm chủ trương kinh tế tự do nhằm chống lại độc quyền kinh tế theo kiểu cộng sản. Nhà nước không làm kinh tế chỉ làm chính sách khuyến khích kỹ nghệ, canh nông, điền địa, chăn nuôi, mở rộng thương mãi hướng đến xuất cảng.
Về chính trị, không thể so được với các quốc gia Tây Phương nhưng nếu so với các quốc gia trong vùng thì miền Nam là một nước cộng hòa non trẻ thời chiến nhưng đã xây dựng dựa trên một nền tảng dân chủ: (1) công dân tự do bầu Quốc Hội Lập Hiến (2) Quốc Hội Lập Hiến sọan Hiến Pháp (3) công dân bầu Quốc Hội Lập Pháp và bầu Tổng Thống.
Vì nhân bản miền Nam đã không tận diệt cộng sản như các nước Nam Dương, Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai. Riêng Nam Dương 9-1965 chính quyền Suharto đã giết hằng trăm ngàn người và đày ba triệu người khác ra các hoang đảo vì cho rằng họ là cộng sản.
Năm 1962 miền Nam bắt đầu chính sách hồi chánh, cán binh cộng sản buông súng quay về với chính nghĩa quốc gia được hòa nhập và đối xử bình đẳng như mọi công dân khác. Cho đến năm 1974 đã có 200.000 cán binh ra hồi chánh. Chính sách hồi chánh đại đoàn kết dân tộc là chính sách thành công nhất của miền Nam.
Cả hai Quốc Hội Lập Hiến và Lập Pháp đều có sự tham gia của đa đảng chính trị. Những cuộc biểu tình, báo chí đối lập và tiếng nói đối lập xuất hiện ngày càng nhiều tại miền Nam. Tự do dân chủ đã bắt đầu đâm chồi nở nhụy.
Miền Nam xây dựng văn hóa, xã hội, giáo dục, văn nghệ,… trên căn bản nhân bản, khai phóng và dân tộc, nên vẫn còn giữ được giá trị đến ngày nay. Cụ thể là các bài hát trước 1975 càng ngày càng được yêu thích, các tạp chí, sách trước 1975 nay được in lại và được nhiều người tìm đọc.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi từ chối việc đưa quân Mỹ vào miền Nam. Hoa Kỳ đã dàn dựng đảo chánh 1-11-1963 dẫn đến cái chết của anh em ông Diệm ông Nhu chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa.
Giai đoạn chuyển tiếp
Sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, miền Nam bước vào một giai đoạn khủng hoảng chính trị, liên tục thay đổi nhân sự lãnh đạo và cuối cùng chính quyền được trao cho quân đội. Trung tướng Nguyễn văn Thiệu được giao vai trò Quốc Trưởng còn Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ vai trò Thủ Tướng.
Miền Bắc lợi dụng tình thế gia tăng đưa cán bộ và quân đội vào Nam. Sẵn cơ sở hạ tầng chỉ sau một thời gian ngắn cộng sản đã kiểm sóat được một phần nông thôn.
Ngày 8-3-1965, Hoa Kỳ cho đổ quân lên bãi biển Đà Nẵng. Chiến tranh càng ngày càng leo thang, đến cuối năm 1965, tổng số quân Mỹ tại miền Nam đã lên tới 184.000 so với 23.000 quân vào cuối năm 1964.
Điều đáng ghi nhận là chính quyền quân sự đã nhanh chóng cho tổ chức bầu Quốc Hội lập hiến, soạn ra Hiến pháp 1967 cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Sau đó là bầu quốc hội lập pháp chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
So với các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á cùng thời, Hiến pháp 1967 chỉ rõ sự tiến bộ vượt bực của Việt Nam. Hiến pháp vừa ngắn gọn, rõ ràng, vừa nêu rõ chính phủ phải bảo đảm những quyền tự do căn bản, kể cả quyền đối lập chính trị. Hệ thống tam quyền phân lập cũng đã được đưa vào Hiến Pháp 1967.
Đệ Nhị Cộng hòa (1967-75)
Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu đã được bầu làm Tổng Thống, ông tuyên thệ nhậm chức vào 12 giờ trưa ngày 31/10/1967. Trên căn bản Đệ Nhị Cộng Hòa vẫn duy trì những điều hay lẽ đẹp được xây dựng trước đây và cải thiện điều chưa được hoàn chỉnh.
Về chính trị miền Nam đã thực hiện tự do bầu phiếu, tam quyền phân lập (hành pháp lập pháp và tư pháp hoàn toàn độc lập), luật pháp được thượng tôn, đa đảng đối lập tranh quyền, tự do báo chí… nền dân chủ tại miền Nam đã vượt xa các quốc gia trong vùng.
Chương trình Người Cày Có Ruộng tư hữu hoá ruộng đất đã được hoàn tất năm 1974, mọi nông dân đều có ruộng để cày. Chính sách cơ khí nông nghiệp hiện đại hóa nông thôn, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nông dân cũng đã được tiến hành.
Về quân sự lợi dụng Tết Mậu Thân 1968 cộng sản mở chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy, chiếm được Huế và một số nơi nhưng vì không được sự hỗ trợ của dân nên nhanh chóng bị tiêu diệt. Trong năm 1968, cộng sản mở 2 cuộc tấn công vào thủ đô và các thành phố nhưng cũng đều thất bại.
Thất bại quân sự nhưng cộng sản đã chiến thắng trên mặt trận chính trị, người Mỹ biết không thể thắng được cộng sản bằng quân sự nên tìm cách đưa cộng sản vào bàn hội nghị và rút khỏi miền Nam.
Trong khi người Mỹ rút khỏi miền Nam thì ngược lại Khối cộng sản gia tăng viện trợ cho miền Bắc mở rộng chiến tranh ở miền Nam. Năm 1972, miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 chiếm Quảng Trị, phía Nam đánh chiếm An Lộc, trên cao nguyên tấn công Komtum, Ban Mê Thuộc,… Mọi cuộc tấn công đều được Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đẩy lùi.
Bằng mọi cố gắng để rút khỏi miền Nam, Hoa Kỳ đã buộc Tổng Thống Thiệu ngồi vào bàn Hội Nghị Ba Lê với hứa hẹn sẽ tiếp tục viện trợ và bảo vệ miền Nam.
Người Mỹ thất hứa còn cộng sản Bắc Việt không tôn trọng Hiệp Định mang quân vượt vĩ tuyến 17 đánh chiếm miền Nam. Hết quân viện, quân trang, quân cụ, hết nhiên liệu, hết súng đạn, miền Nam thất thủ 30/4/1975 chấm dứt nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
60 Năm Nhìn Lại.
Chỉ trong vòng 20 năm nhờ chọn đúng con đường phát triển, Việt Nam Cộng Hòa một quốc gia vừa giành được độc lập, phải đối đầu với chiến tranh đã xây dựng được nền tảng xã hội vững chắc.
1. Các quyền tự do căn bản đã được chính phủ bảo đảm, đặt biệt là quyền tư hữu và quyền tự do báo chí;
2. Xây dựng được một nền dân chủ tam quyền phân lập, đa đảng đối lập;
3. Xây dựng thành công một nền giáo dục, lấy nhân bản, khai phóng và dân tộc làm căn bản;
4. Tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ thuật, xã hội dân sự phát triển;
5. Theo kinh tế tự do nhưng vẫn bảo đảm được công bằng xã hội và dân sinh như y tế đại chúng hay thực hiện luật Người Cày Có Ruộng.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy các yếu tố trên là căn bản trong việc phát triển quốc gia. Nghĩa là nếu miền Nam không rơi vào tay cộng sản thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ không thể kém xa các quốc gia Đông Nam Châu Á như hiện nay. Nếu không nói là sẽ vượt trội hơn nước người.
Sau 40 năm, đảng Cộng sản đã hủy họai miền Nam nhưng giá trị tinh thần cộng hòa vẫn tồn tại và đang từng bước phục hồi.
Tình hình thế giới và Việt Nam đang biến chuyển không ngừng, Việt Nam đã từ bỏ chế độ Quân Chủ, đang từ bỏ chế độ độc tài cộng sản, chính thế cộng hòa sẽ là thể chế tương lai Việt Nam. Các quyền tự do cơ bản và giá trị cộng hòa sẽ được phục hồi.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
25-10-2015