Mỹ tuy chúa nợ, vẫn số một nền kinh tế thế giới – Phan Văn Song
Những nghịch lý của ngày nay: Á Phi tuy độc lập, giải phóng, vẫn mơ tỵ nạn Âu Mỹ. Mỹ tuy chúa nợ, vẫn số một nền kinh tế thế giới
Tuần nầy, đáng lý là chấm dứt loạt bài «mơ lên không gian», nhưng hai hiện tượng vừa xảy ra lại hun nấu «lần nữa» giấc mơ của chúng tôi.
Hiện tượng thứ nhứt là Nguyệt Thực Hồng. Nguyên đêm ấy, thức trắng ra đồng trống ngồi chờ xem Nguyệt Thực Hồng. Năm nay đặc biệt, tuy đã vào Thu, nhưng trời trong, đầy sao sáng, và trăng to và sáng! Sáng sớm, 4 giờ sáng, Nguyệt Thực Hồng hiện rõ cuối chơn trời. Năm nay hưởng Trung Thu, được Nguyệt Thực Hồng quá đẹp! Và được thủy triều cao đặc biệt (grande marée)!
Anh bạn láng giềng rủ gia đình chúng tôi weed end -cuối tuần- ấy cùng gia đình anh, đi chung chiếc camping car -xe cắm trại- to bốn người của anh, đi xuống biển (vùng La Rochelle), chờ grande marée, lượm sò và xem Nguyệt Thực. Ở Pháp, nhứt là vùng chúng tôi vì ở gần Đại Tây Dương (cách khoảng 150 km) dân chúng thích grande marée-thủy triều cao lắm. Gặp dịp là rủ nhau xuống chơi biển một ngày, khom lưng, mang ủng cao su, đi hốt lượm sò ốc. Lượm sò về rửa sạch, mở ăn sống thật tuyệt vời, với một giọt chanh, hoặc siêng hơn, thì với dấm hành ta (échalottes). Cẩn thận mở con sò, trịnh trọng húp một cái, nuốt trọn con sò, nhắp một ngụm rượu trắng sec, muscadet, hay Alsace pinot noir, đời lên hương! Đi lượm sò thật là cả một thú vị! Hơi lạnh của biển mùa Thu buổi sớm mai trộn với những giọt hơi nước biển mùa Thu, hòa cùng vị mặn của chất iode, thổi vào người mặc quần áo ấm, với đôi ủng cao su, lội nước, đang lom khom trên bãi biển, thổi vào khuôn mặt trống trải, tạo một làn da lạnh buốt, và đưa một luồng không khí bổ dưỡng đầy vào hai buồng phổi. Tối về thưởng thức những con sò, những con ốc mình lượm cả ngày. Một chén soupe ốc hòa cá biển cho ấm bụng, sau loạt sò ăn lạnh. Chai rượu vin trắng cùng nhau cưa, đưa cay uống cạn, tình bạn hữu nồng nàn, tình vợ chồng khắn khít, thế là có giấc ngủ sảng khoái! Hưởng một cuối tuần an lành ! (Nhớ mãi một ngày năm xưa, cùng anh em, chiến hữu ở Vancouver (Canada) cũng cùng chia sẻ một buổi cắm trại, chia sẻ một ngọn lửa trại hồng ấm áp, chia sẻ tình người viễn xứ và chia xẻ những con sò huyết khổng lồ hết xẩy – chỉ có ở vùng Vancouver, Canada, bên bờ Thái Bình Dương thôi!)
Tiếc thay Chúa Nhựt ấy (27 tháng 9) bận phải đi dự Triển lãm xe xưa và xe quý của Câu lạc Bộ Sư Tử bạn nên không đi biển được! Trái lại được anh Sư Tử bạn cho ngồi cùng anh trên chiếc Porche Carréra 4 của anh, để chạy vòng khai mạc buổi triển lãm. Hôm ấy, nhìn những chiếc xe hơi collections-siêu tầm, mà nhớ chuyện ngày xưa : trong các loại xe xưa hôm ấy, có một Citroën Traction Avant 15-6 (15 Chevaux-mã lực, 6 cylindres-6 máy) đời 1954, mầu đen cảng trắng, tay lái trắng, giống chiếc tôi có ở Sài gòn, do tôi mua lại năm 1973, và tân trang cáu cạnh, một chiếc xe dùng làm xe đò chạy Đà Nẳng Huế những năm 60.
Xe nầy, ngày 2 tháng 5 năm 1975, bị Việt Cộng đớp, tịch thu – viện lý do tại sao tôi có nhiều xe vậy! – Đớp, ăn cướp thì cứ đớp, cứ ăn cướp vì là phe thắng trận, việc chi mà phải viện tới viện lui, cắt nghĩa ba láp vậy? Mặc cảm? (Cá nhơn tôi, vốn Giám Đốc Hảng Bia Nước Ngọt BGI, tôi hằng ngày, đi làm với chiếc Peugeot 504 của Hảng, vợ tôi có một chiếc Citroën LaDalat riêng dùng để đi làm hay đi chợ – tôi không bao giờ chở vợ con bằng xe của Hảng -. Chúa Nhựt vợ chồng gia đình tôi ưa dùng chiếc Citroën Traction Avant vào Chợ An Đông thăm ông bà già chúng tôi, chở ông bà đi lễ nhà thờ, hoặc đi Vũng Tàu tắm biển. Mỗi chiếc có một nhiệm vụ, sao gọi là nhiều? Ngày nay người Việt tự do tỵ nạn Cộng Sản ở xứ người, ai ai kẹt lắm, cũng có một chiếc xế hộp gọi là làm chưn đi lại. Bình quân 2 chiếc, cho hai vợ chồng, ấy là chuyện bình thường! Mong mấy thằng ông nội Cộng Sản đừng chưởi chúng tôi dân tỵ nạn là tư bản phung phí, làm le!).
Xin trở về cuộc triển lãm, hôm ấy, có cả một chiếc Renault 4 Ngựa (làm nhớ lại Taxi Sài gòn ngày nào), và đặc biệt một chiếc Jeep của thời Thế Chiến 2 nữa… Xe loại sang thì nhiều, Jaguar MK2, Alpine, và sáu chiếc Porches từ Carréra đến Boxter, có cả một chiếc Cadillac và một Triumph TR4 nữa…Nhưng thằng tui chỉ mê hai chiếc Traction và 4 Ngựa Taxi thôi, vì kỷ niệm Sài gòn của thằng tui!
Hiện tượng thứ hai là một tin tức khoa học. Cơ quan Nasa báo cho biết là Hỏa Tinh có vết tích «có nước». Mà có nước là có đời sống. Dù đời sống ngày nay không còn nữa, nhưng thể chất đất đai của Hỏa Tinh có thể để người của Trái Đất đến khai thác, mở đồn điền. Vẫn biết Hỏa Tinh là một Tinh Cầu có những điểm rất gần với Quả Đất, nhưng những hiểu biết đến hôm nay chỉ là lý thuyết, hôm nay tất cả đã thành «sự thật»: có nước là có đời sống. Những giấc mơ, những dự định, những chương trình, những dự án có thể thành sự thật. Cuộc hành trình đi Hỏa Tinh, ngày nay tuy dài thật, tuy nguy hiểm thật, 6 đến 7 tháng để đi, 6/7 tháng để về, và có thể ra đi không trở về!
Nhưng ngẫm lại cho cùng, khi xưa, vào thế kỷ thứ 15, phải chăng đã có các thuyền Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha vượt Đại Tây Dương đi tìm đường mới, đi tìm đất mới, phiêu lưu? Và cũng vẫn với những thời gian dài 6,7 tháng, có khi cả năm, và cũng vẫn có những nguy hiểm có thể không trở về, mất tích, chết chìm hay lạc sống trong hoang đảo! Hãy nhớ những tiểu thuyết hư cấu được tạo từ những câu chuyện thuyền bị đắm, bị mất tích, như, chuyện Robinson Crusoë, hay bộ chuyện Odyssée của Homère. Ngay cả hồi thời trước Kỷ Nguyên Thiên Chúa, đã có chuyện Ulysse giang hồ trên biển Địa Trung Hải cả 10 năm! (Thế giới biết được của dân Âu Châu La Hy lúc bấy giờ, chỉ quanh quẩn ở Địa Trung Hải!). Sau đó Nhơn loại (Âu Châu) nhờ vượt được Đại Tây Dương, mà tìm ra Châu Mỹ với Cristofo Colombo, đi vòng quanh Trái Đất, vượt mủi Horn cuối Nam Mỹ, với Magellan, và biết được Thái Bình Dương với Vasco de Gama, tìm ra Úc Châu với Cook… Và nhờ vậy hai thế giới, hai nền văn hóa Đông Á Châu và Tây Âu Châu của Trái Đất mới gặp nhau ! Ngày nay, Trái Đất Hóa, Toàn Cầu Hóa, Hoàn Cầu Hóa, các ranh giới, biên cương dần dần được bãi bỏ, thế giới của Trái Đất từ nay biến thành một cái làng nhỏ. Nhờ mạng internet, chúng ta ngồi trong phòng đọc sách, đọc được chuyện cách nhà chúng ta cả 10 ngàn, 20 ngàn cây số! (trong khi chuyện anh láng giềng nhà kế bên, hoàn toàn không biết!).
Đây bắt đầu những chuyện nghịch lý của thời đại.
Chuyện anh học trò 20 tuổi đem súng vào Đại học bắn chết cả chục người tận mãi xứ Orégon Huê Kỳ, ngồi ở nhà, tôi biết ngay nửa tiếng đồng hồ sau ! Trái lại, chuyện anh láng giềng đầu đường nhà tôi, tối qua, đánh vợ gần chết phải chở vào nhà thương, sáng nay vì cảnh sát đến gỏ cửa nhà tôi điều tra tôi mới hay mới rõ ! Tôi đi chơi thăm bạn bè ở Mỹ mỗi năm. Nhưng gia đình anh bạn thân ở cách tôi 100 cây số, trên một giờ lái xe, đã năm năm nay, tôi chưa đến thăm. Thỉnh thoảng có điện thoại nhau: «pas de nouvelles, bonnes nouvelles – no news, good news – không tin tức, yên ổn cả!». Vì vậy giấc mơ Hỏa Tinh ngày nay của nhơn loại không lấy gì là không tưởng cả!
Từ Nghịch Lý Giữa Hai Nền Văn Hóa Tiên Tiến Và Chậm Tiến:
Nhưng cũng phải nhìn nhận sự chia rẽ ngăn cách rất lớn của thế giới loài người. Một cái nghịch lý lớn của thế giới ngày nay là cái ngăn cách ấy. Cái hố sâu càng ngày càng sâu ngăn cách, chia rẽ giữa một bên:
Cái thế giới đầy ánh sáng của các quốc gia tiên tiến với một thể chế chánh trị nhơn bản, lấy con người làm trọng tâm, lấy pháp luật làm la bàn cai trị, lấy dân chủ làm hướng quản trị, trọng nhơn quyền, trọng tư hữu, với một nền văn hóa thông thoáng đa nguyên, đa tôn giáo, đa diện.
Và, một bên, cái thế giới đầy tăm tối u mê của dốt nát và độc ác của các quốc gia độc tài, chậm tiến, chẳng những về những tư tưởng độc đoán, độc tôn, bám vào những ý thức hệ lỗi thời, hoặc dựa lên luật lệ gò bó Tôn Giáo, hoặc dựa lên một chủ thuyết chánh trị đóng khung con người và bó buộc tư tưởng và bản thể, nô lệ hóa con người, bằng quân sự hóa, bằng đội ngũ hóa như một bầy súc vật, bằng chủ thuyết như Chủ thuyết Cộng Sản. Các chủ thuyết (Cộng Sản, Nazi, Phát Xít… hay Dân Tộc như Hán Tộc, Aryen, Ả rập…) ấy còn nguy hiểm hơn, dùng ngụy biện và lạm dụng những từ ngữ một cách rỗng tuếch như Dân Tộc, Mầu Da, Chủng Tộc, Huyết Thống, Truyền Thống, Nhơn Dân và ngay cả Tự Do, … để rồi phục vụ quyền lực họ, và nhơn danh những tử ngữ ấy chém, giết, bỏ tù những ai không đồng ý với họ. Và càng man rợ và ngu dốt hơn nữa, đập phá những vết tích văn hóa hay tôn giáo, Chùa Chiền, Nhà Thờ, Đền Điện, thậm chí Nhà Tu, Nhà Nguyện (như Trung Cộng thời Cách Mạng Văn Hóa với Mao Xù Xì, như Việt Nam ngày nay đối với các tín hữu các Đạo Tin Lành, Cao Đài hay Hòa Hảo, và ngay cả với những Tôn Giáo có mặt lâu đời ở Việt Nam như Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo La mã!) Họ giết, họ đàn áp, họ cắt đầu, cứa cổ cũng vời những nhơn danh Tự Do! Dân Chủ! Độc Lập! Cộng Sản! Aryen! Daech! Hán tộc! Hồi Giáo! Phật Giáo! Thiên Chúa Giáo! Do Thái Giáo! hay Truyền Thống Văn Hóa, Tổ Tiên, Gia Đình … và đau đớn hơn nhục nhã hơn…Văn Hóa Cổ Truyền! Thoạt đầu họ nhơn danh, ngụy biện rằng để cải cách, sửa đổi, hay làm cách mạng, sau đó cũng nhơn danh nhưng để tuyên truyền, cũng cố, phát triển quyền lực do những sơ đồ, những thể chế do chính họ sắp đặt bày vẽ độc đoán áp đặt vào người khác, nhưng cũng vài thời gian sau đó, cũng nhơn danh, khi có số đông (vì quyền lợi tư), khi có quyền lực, để đàn áp, để giết, để bắt, để cầm tù, để cải tạo … tất cả những ai không đồng ý kiến mình!
«Nhơn danh» và «đổ thừa», là «đôi vú của con bò sữa» cách mạng. «Làm như», tất cả chuyện sai quấy, hư hỏng, bất công của ngày nay đều do những «tàn dư của chế độ cũ và tay sai nước ngoài», để bào chửa những bất lực, và viện lý những bạo lực của họ. Những từ ngữ như Thuộc địa, Tư Bản, Đế quốc … được nêu ra như là «nguồn gốc» của tất cả những sai trái, trật đường rầy của những cái gọi là «chánh sách» của họ.
Việt Nam là một thí dụ. 40 năm qua rồi, mà tất cả những sai trái, trật đường, từ cách quản trị xấu của họ, đến cái cảnh nghèo đói của dân, qua đến sự phát triển chậm tiến của nền kinh tế xã hội đều do lỗi Mỹ Ngụy và nước ngoài Tư Bản chủ nghĩa, cái đuôi của chế độ Thuộc Địa, Đế quốc, tàn dư Mỹ Ngụy! Thế sao, sau khi người trí thức của một đất nước đệ nhứt thiên hạ, với một con số Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ, Thạc sĩ khổng lồ, cùng với một giai cấp nhơn dân vô sản được thấm nhuần bốn ngàn năm văn hiến tam giáo đồng hành, văn võ song toàn, đỉnh cao trí tuệ loài người, thắng thằng Nhựt, đuổi thằng Tây, hạ thằng Mỹ, lại sao không thắng được cái nghèo, cái dốt, cái chậm tiến của đất nước Việt Nam ngày nay?
Đến Nghịch Lý Văn Hóa nội tại!
Hay vì? Do cái vị kỷ, cái tự phụ hay mặc cảm tự ty dân tộc, vứt bỏ, hay không dám nhìn nhận, những cái tích cực của ngoại bang, trong những cái tiếp súc chung đụng, gặp gở với «người nước ngoài». Chớ quên rằng thuở ấy, khi người Tây Phương đến Đông phương thì người văn hóa Tàu và người Việt ta gọi họ là Man di Mọi rợ, vì da họ trắng, vì tóc họ vàng hay đỏ, vì mắt họ xanh, và họ …có râu xồm. Người Tàu và người Việt, chúa kỳ thị, núp sau cái bốn ngàn năm văn hiến «tàu», sau cái bốn ngàn năm văn học «Khổng tử» đầy mỵ dân, đàn áp dân, chỉ biết phục vụ quyền lợi giai cấp quan quyền, chức phận, tiền bạc của cải! Văn Hóa Khổng Tử, là cả một nền văn học phục vụ một chế độ chánh trị Đế quốc Thuộc địa Phong Kiến như vậy mà được quan quyềnViệt dùng làm mẫu gọi là Thánh hiền để trị dân! Chán thất! Cho đến cả ngày nay, cũng vẫn còn, từ phong tục cổ hủ, đến văn hóa Nho Giáo gò bó, cả một nền Văn Học, từ thơ qua phú, từ vè qua ca dao, từ luân lý đến văn chương, toàn là đầy rẩy, hết chê, đến cấm con cái lấy người ngoại quốc. Tất cả Tây đen, Tây trắng, Ả rập, Hồi Giáo gọi là Chà Và, Tàu gọi là Chệt tất cả đếu là man ri, mọi rợ, … thậm chí kỳ thị chia rẽ, cả Bắc kỳ, Nam kỳ, Trung kỳ tuy là nước Việt, tuy là cùng nước, nhưng … không cùng xứ! (người mình, ngoài mình, phe mình). Chưa kể chia rẽ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo! Bên lương, bên giáo.
Ngày nay, dù đã thế kỷ thứ 21, dù đã trú ngụ tại quê hương mới, văn minh, tiên tiến, chung đụng, sanh hoạt với người không đồng chủng, không đồng tôn, không đồng tục, thế mà vẫn còn đầy rẫy trên mạng những bài viết ồn ào, đầy những từ hỗn láo dơ dáy chuởi Đạo, quở người thờ Chúa, chê người đạo Hồi, và sẳn tay wánh luôn cả những tay theo Phật không giống mình …
Chúng tôi không dám « đạo đức giả » nói ai sai ai trái! Quân Daech Hồi Giáo độc ác! Đúng, nhưng quân đội Việt Cộng tuy là người Việt ta đó! Cũng chặt đầu, cũng mổ bụng, thêm cú «xí mứn hổng giống ai» là dồn trấu vào bụng người đồng hương việt nam cùng máu mũ với mình thả trôi sông làm «thằng chỏng»! Những hình ảnh «thằng chỏng» trôi sông của thuở thiếu thời đi lánh nạn ở Tân Trụ, Tân Hiệp, nay lâu lâu cũng hiện về ám ảnh giấc ngủ tuổi già! Ai ác hơn ai!
Văn hóa Ả Rập, buộc đàn bà trùm khăn, che mặt, cho phép đàn ông lấy bốn vợ và ăn hiếp người nữ? Hay văn hóa Tàu bó chơn «xẩm», lấy hai ba vợ, còn thêm 5 thê 7 thiếp, chưa kể đàn bà phải ăn sau khi hầu chồng ăn, ra đường đi sau chồng. Đàn bà phái nữ, Tứ Đức Tam Tòng, chỉ «đồ dùng», cưới về để «nội trợ, đẻ và nuôi con», không được đi ra ngoài! Tàu (và Việt) có hơn chi Rệp! Tại sao ta bênh vực Tàu, mà lại chê người Ả Rập? Họ không ăn thịt heo, cho rằng heo ăn tạp, dơ dáy, Halouv! Mình không ăn thịt cừu cho rằng «hôi»! Tất cả là tập tục. Chúng ta người Việt Tự Do tỵ nạn Cộng Sản, ở Pháp, ở Mỹ…đều là dân ở đậu, sống «chùm gởi». Nhưng tại sao, ngày nay, phe ta lại ăn có, nhập bọn với dân bản xứ, Tây trắng chê người đen, người rệp và … người tỵ nạn. Chúng ta quên chúng ta cũng là người tỵ nạn. Và chúng ta cũng từng bị kỳ thị như họ. Bằng chứng khi ta đến ngụ ở đâu, một thời gian sau, người bổn xứ dọn nhà đi, và chung quanh khu vực chúng ta toàn người á đông đến ở đầy. Khác chi người đen hay người Rệp, họ cũng như ta, đến ngụ đâu, tấy rời chổ đó! Ở Mỹ có khu Việt khu Tàu, khu Đen. Thậm chí có khu Latino. Latino là dân nói tiếng Tây Ba Nha là dân da trắng. New York có Little Italy, khu người Y, Little Odessa, khu người Nga.
Cuối cùng, chúng ta cũng như những người Đen hay Rệp thôi…chúng ta cũng ở những khu riêng biệt gọi là ghetto, một từ ngữ phát xuất từ tên gọi đầu tiên do Cộng hòa Venise, năm 1516, ra lệnh tập trung cộng đồng Do thái trong khu vực của một xưởng đúc-fonderie, vì tiếng thổ ngữ venise gọi xưỡng đúc là getto hay ghetto. Qua thề kỷ 20, ghetto dùng để chỉ những khu gia cư, tập trung một cộng đồng thiểu số sắc tộc, sống một cách, cắt biệt với xã hội và tập tục người bổn xứ.
Những Westminster, Little Saigon hay Chinatown, hay khu 13 chỉ là những ghetto thôi! Chúng ta, dân người Việt Tự Do tỵ nạn Cộng Sản, hãnh diện có những con đường ở Mỹ, ở Canada, ở Úc mang tên họ những người Việt Nam anh hùng. Nhưng chúng ta quên sao những cái tự hào vui sướng của chúng ta khi năm 1954, nhìn thấy các đường phố ở Sài gòn thân yêu của chúng ta thay các tên đường từ Pháp sang Việt. Những Hiền Vương, những Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo đã vĩnh viễn thay những Mayer, Paul Blanchy, Galliéni… Chúng ta hãnh diện dạo phố Lê Lợi, Tự Do …thay vì những Bonnard, Catinat. Và chúng ta vứt bỏ những phở Turc, những mỳ Jacquario, để thay bằng những phở Thái Lập Thành, những mỳ Tản Đà…! Và cũng như ngày nay, chúng ta khóc vì những con đường thân yêu của chúng ta, mất tên những vị anh hùng lịch sử của dân tộc của người Việt ta để mang những cái tên của những tay đồ tể dân tộc như Lê Duẩn, Trường Chinh hay Võ Nguyên Giáp…!
Vì vậy chúng nên thông cảm người Mỹ (đen hay trắng) khi họ không bằng lòng với những tên Việt Nam ngày nay thay tên đường quen thuộc của họ, mặc dù ta viện rằng ta có bốn ngàn năm văn hiến và họ chỉ vỏn vẹn có 200 năm lập quốc ! Và ta lại phải cám ơn và biết ơn họ đã cho phép ta đặt tên Việt cho những đường xá thị xã của họ, và đặt biệt họ đã cưu mang, chia xẻ phương tiện kinh tế, tài chánh đời sống của họ cho chúng ta.
Và ngày nay, rủi họ có thích cưu mang, gánh vác thêm người tỵ nạn (đối với chúng ta là «dân cà chớn nên để chết ngoài biển cả»!) thì chúng ta những cư dân ở đậu cũng nên chiều theo ý chủ nhà! Còn nếu ta không bằng lòng, thì ta dọn nhà đi. Đã đi một lần rồi! Tất cả là Kinh Tế Mới mà, kể cả Cung Trăng kể cả Hỏa Tinh.
Nền Kinh Tế Huê Kỳ, một Nghịch Lý ngoại lệ!
Ai cũng biết: cán cân ngoại thương của Huê kỳ đã bị thất thu từ lâu. Theo nguyên tắc và luật lệ kinh tế – khách quan mà nói, với những quốc gia khác, với một nền kinh tế như vậy, thì đã tiêu tùng, xập tiệm từ lâu rồi. Đằng nầy, nền kinh tế Huê kỳ vẫn đứng, chả những vững, lại còn phát triển và còn lớn mạnh thêm. Tại sao?
Năm 2015, chiếu dự đoán của cơ quan kinh tế quốc tế World Economic Outlook (WEO), qua những con số tháng 04/2015, Huê kỳ xuất cảng sang Trung Cộng 140 tỷ dollars US $, nhập cảng từ Tàu, 520 tỷ dollars US $, thất thu là 380 tỷ. Phải nhận xét thêm là gần như ngoại thương của Hoa kỳ thất thu với tất cả 5 châu, chớ không riêng gì với Tàu Cộng cả! Lạ thật! Nghich Lý thật! Tại sao nền kinh tế Mỹ với cán cân ngoại thương thất thu như vậy, mà vẫn «trơ trơ cùng tuế nguyệt»?
Năm 2012, Huê kỳ nhập từ Á châu 996 tỷ dollars, xuất 457 tỷ, thất thu 539 tỷ.
Âu châu, Mỹ xuất 329 tỷ, nhập 455 tỷ, thất thu là 126 tỷ.
Phi châu, Mỹ xuất 33 tỷ, nhập 67 tỷ, thất thu là 34 tỷ.
Trung Mỹ, Huê kỳ xuất 183 tỷ, nhập 172 tỷ, thặng dư là 11 tỷ.
Úc châu, Hoa kỳ xuất 36 tỷ, nhập 13 tỷ, thặng dư là 23 tỷ.
Canada và Mễ tây cơ, Huê kỳ xuất 508 tỷ, nhập 602 tỷ, thất thu là 94 tỷ.
(Theo Documentation française – Etats-Unis vers une hégémonie discrète – numéro 64).
Tóm lại, suốt năm 2012, cán cân ngoại thương cũa Hoa kỳ thất thu là 759 tỷ $.
Và nếu trở về trước từ năm 2000 chẳng hạn, thất thu về ngoại thương tính theo tỷ lệ tổng sản lượng là: 4,2%; 2001: 3,9%; 2002: 4,3%; 2003: 4,7; 2004: 5,3%; 2005: 5,9%; 2006: 6%; 2007: 5,1%; 2008: 4,7; 2009: 2,7%; 2010: 3,2%; 2011: 3,1%; 2012: 3,3%. Dài dài, toàn là thất thu và mắc nợ.
Thử lấy một thí dụ: năm 2011, khi tổng sản lượng quốc gia Huê kỳ là 15 094 tỷ, sản lượng đầu người là 48 441 US $, thất thu ngoại thương là – 3,1 %. Như vậy, mỗi người dân Hoa kỳ sản xuất mỗi năm là 48 441US $, nhưng tiêu xài vượt bực thêm 3,1% tức là thêm 1 501, 69 $, (48 441,6 x 3,1%). Vì vậy phải đi vay, đi mượn!
Muốn hiểu rõ vấn đề ta trở về tý lịch sử. Năm 1944, tại Hội nghị Bretton Woods, các Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Ngân hàng quốc tế (WB) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ra đời và đồng ý cho Huê Kỳ đưa đồng dollar của mình làm bản vị, phụ với kim loại là vàng và bạc để bảo đảm hệ thống tiền tệ các quốc gia trên thế giới. Cũng xin nhắc lại, trước năm 1944, cả thế giới đều dùng Kim bản vị. là vàng để bảo đảm đồng tiền của mình (cũng có vài quốc lấy Bạc), quy định một ký vàng tương đương bao nhiêu tiền, bằng một sắc luật của chính phủ.
Chiến tranh, một số lớn vàng chạy sang tỵ nạn ở Hoa kỳ. Sau chiến tranh, vì nhu cầu xây dựng, nên cần nhiều phương tiện trao đổi bằng tiền bạc. Và thế giới đành nhờ Mỹ chấp nhận giúp các nước Âu châu đang thời xây dựng bảo đảm tiền tệ của họ bằng dollars US Mỹ. Nghĩa là, từ nay, khi Ngân hàng Trung ương nào đó, có một số US$ dollars, thì có thể in tiền của mình,
Thoạt đầu, Huê kỳ quy định đồng dollar US $ tương đương với vàng «Có thể đổi ra vàng-Convertibilité en or». Nhưng năm 1972, dân Mỹ tiêu xài quá độ, như đã nói trên, nào phần dân tiêu, nào phần chính phủ, nào chiến tranh can thiệp, be bờ chống cộng … cán cân ngoại thương từ từ bị thất thu và thất thu dài dài ! Nên Mỹ xả cảng, dollar không đối chiếu đổi ra vàng nữa. Nhưng dollar vẫn làm bản vị các hối đoái tiền tệ. Thất thu, mắc nợ nhưng nhở là bàn vị nên kinh tế Huê kỳ vẫn tăng trưởng. Nghịch lý chưa? Hãy nhìn
Từ 2000 tới năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng so với tổng sản lượng quốc gia:
Năm 2 000, là 4,1; năm 2001: 1,1 ; năm 2002: 1,8; 2003: 2,0; 2004: 3,1; 2005: 2,5; 2006: 3,0; 2007: 2,8; 2008: 0,0; 2009: –3,6; 2010: 3,2; 2011: 1,6; 2012: 1,4. (Theo Indicateurs: Economie mondiale – Alternatives economiques – hors série).
Chỉ có năm 2009 là âm, do khủng hoảng kinh tế tài chánh năm 2008.
Tại sao vậy?
Vì do có một thể chế chánh trị tốt, dân chủ tự do và kinh tế thị trường, không những có thể vận động toàn lực người dân, mà còn thu hút nhơn tài trên thế giới, là nơi đất lành chim đậu? Hay
Vì do sự thống trị thế giới bằng đồng Dollar? Một «Chủ nghĩa thực dân mới»? Kinh tế thế giới được xem như một sòng bạc lớn, Huê Kỳ làm cái, muốn kéo hay không kéo bài thêm (Xì Dzách-Baccara). Tay cái vốn nhiều hơn tay con. Và đặc Hoa kỳ hiện nay, có thể in thêm tiền. Đây là kiểu chơi cha, Mỹ chỉ có thắng!
Nay thêm TPP !
Hiệp Ước TPP Trans Pacific Partnership- Hiệp Ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương liên quan đến kinh tế của 12 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore, USA và Việt Nam. Khối TPP sản xuất ra khoảng 28 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 40% sản lượng toàn cầu. Dẫn đầu sẽ là Huê Kỳ cùng Nhựt Bổn, và hai bạn vàng của Mỹ trong hệ thống NAFTA là Canada và Mexico. Nếu thành công, Nam Hàn và Đài Loan cũng sẽ tham dự trong vài năm tới…
Về chánh trị kinh tế, loại được Trung Quốc. Cạnh tranh trực tiếp với kế hoạch “Đối tác Kinh Tế Toàn Diện Cấp Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership) của Tàu. Phá vỡ luôn kế hoạch của Putin, Nga về Liên Hiệp Âu-Á – Eurasian Union.
Nói về chiến lược, TPP sẽ phá con đường tơ lụa Tàu, và dự án Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu-AIIB của Đại Xì Thẩu Tập Cận Bình Xù Xì. Hôm qua, Tổng Thống Barack Obama phát biểu : « 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta nằm ở nước ngoài. Chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc thảo ra các đạo luật của nền kinh tế thế giới ».
Nhưng nếu hỏi TPP có cân bằng giữa11 bạn hàng của Mỹ và Mỹ không? Đó là một chuyện khác. Chắc chắn, trên nguyên tắc, việc mua bán sẽ đem lại lợi ích cho mọi người trong cuộc, nhưng lợi ích sẽ không đồng đều. Vì vào thị trường Mỹ rất khó, nhiều tiêu chuẩn, thị trường Mỹ rất kín. Trái lại hàng Mỹ sẽ nhập tự do vào chợ nhà. Riêng câu hỏi: TPP sẽ ngon lành cho Việt Nam? Trả lời: Wait & See!
Hay là tránh anh Tàu gặp anh Mỹ. Tránh Ma Cô lại gặp Sở Khanh! Chờ xem!
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Trung Thu Và Nguyệt Thực Hồng 2015