Mối nguy cho TC không là TPP

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mối nguy cho TC không là TPP

Nguyễn-Xuân Nghĩa – Thứ Ba, ngày 20 tháng 10 năm 2015

Chúng ta chưa biết Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Kỳ Năm của Khóa 12 sẽ bàn thảo những gì về kế hoạch năm năm sắp tới của kinh tế Trung Quốc, từ 2016 đến 2020. Mà có biết thì cũng bằng thừa vì kết quả vẫn là một nghị quyết ba bốn phải, cái gì cũng có và cũng làm. Văn kiện đảng luôn luôn có lý vì bao gồm nhiều việc, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác.
Chúng ta càng không biết được lãnh đạo Trung Quốc muốn làm những gì vì mỗi cấp lại bật ra một số tín hiệu, rằng đảng sẽ cho thi hành việc này hay việc kia, và các tín hiệu ấy bật ra nhiễu âm khó nghe và khó hiểu. Thí dụ như sẽ chuyển hướng theo quy luật thị trường và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hoặc sẽ khắc phục mọi khó khăn để nâng mức tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, v.v…
Một số “nhà quan sát Tây phương” – chủ yếu là cái loa của các tổ hợp đầu tư – còn say đắm mô hình phát triển kinh tế của Bắc Kinh, hoặc vẫn muốn chiêu mộ khách hàng bỏ tiền vào thị trường Trung Quốc, thì mạnh dạn nói đến sức cảnh tỉnh của Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia, nên vội kết luận rằng Trung Quốc cũng sẽ cải cách để sẽ gia nhập.
Hàng ngày, hàng tuần, những ai quan tâm đến kinh tế và chính trị Trung Quốc đều phải tiêu hóa loại thông tin đa chiều và khó nuốt này.
Nhưng nếu không mắc bệnh Sợ Tầu thì ta có thể nhìn ra một vấn đề khác. Mối nguy cho kinh tế và lãnh đạo Trung Quốc chưa phải là Hiệp Ước TPP của 12 nước trên vành cung Thái bình dương. Mối nguy đó là trái bóng địa ốc và ngân sách địa phương. Trái bóng là kinh tế và ngân sách là chính trị.
Trung Quốc bị nạn bong bóng gia cư địa ốc nổi lên từ đầu năm 2013, đụng cao điểm và bắt đầu xì từ đầu năm 2014. Người ta đo lường trái bóng ở giá nhà mới trong các khu gia cư – khác với giá cao ốc thương mại chẳng hạn. Giá nhà loại mới đã tăng vọt rồi tuột dốc từ 2014.
Ai học phép “ăn cây nào rào cây nấy” thì nhắc đến sự phục hồi kể từ đầu năm 2015.
Họ nói không sai vì lấy giá gia cư tại các thành phố thuộc lớp một, như Thượng Hải hay Bắc Kinh, để chứng minh sự hồi phục kể từ Tháng Sáu vừa qua. Nhưng cố quên tình hình các thành phố thuộc lớp hai, lớp ba hay lớp tư, tại những khu vực hẻo lánh, thưa dân và thiếu hạ tầng cơ sở. Nơi đây thị trường chưa hồi phục, giá nhà vẫn sụt và số dự án mua đất xây nhà thì giảm một phần ba. Nói nôm na là số nhà ế vẫn còn quá nhiều, giá dù hạ vẫn chưa bán hết. Mà nhiều dự án xây dựng dở dang vẫn phải hoàn tất, là xây nốt, xây thêm và được tính ra đà tăng trưởng của tổng sản lượng.
Đấy là chuyện kinh tế, thật ra cũng chẳng khác những gì đã thấy tại Hoa Kỳ hay Âu Châu trong các năm 2006-2008.
Nhưng kinh tế cũng là chính trị và tại Trung Quốc, chính trị mới là động lực chỉ đạo.
Từ năm 1994, hệ thống ngân sách Trung Quốc đã trải qua thời “đổi mới”: trung ương giảm dần sự chu cấp cho các địa phương. Chính quyền trung ương thu được phân nửa nguồn thu thuế khóa, mà chỉ tài trợ khoảng 20% của số tổng chi trên toàn quốc. Theo triết lý chính trị của Bắc Kinh, “nhà nước mạnh” có nghĩa là trung ương mạnh. Từ đấy, các chính quyền địa phương mới thường xuyên bị thiếu hụt ngân sách và Bắc Kinh phát huy sáng tạo bằng nguyên tắc… quen quen: “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân (nhưng) do nhà nước thống nhất quản lý.” Và trung ương trao quyền quản lý ấy cho các đảng bộ và nhà nước địa phương.
Nhờ vậy, bán đất thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương. Bán cho ai với giá biểu ra sao là điều có thể thương thảo được nếu có quan hệ tốt. Việc quản lý ấy là nguồn thu về thuế khóa cho các địa phương và giải quyết được khoảng 40% nhu cầu về ngân sách, nhưng dẫn tới tham nhũng, lạm dụng và cả nạn cướp đất. Việt Nam Cộng Sản không sáng tạo ra điều gì vì học thói đó từ Bắc Kinh.
Khi cư dân bị cướp đất và biểu tình phản đối tại rất nhiều tỉnh thành địa phương thì trung ương bèn sửa sai. Mà sửa không được vì phép vua thua lệ làng, hay quan trên ở xa mà bản nha ở gần. Hiện nay, đất đai vẫn đóng góp tới 38% cuả nhu cầu ngân sách các tỉnh.
Và chính là hệ thống quản lý được ủy quyền cho các địa phương mới dẫn đến nạn bong bóng đầu tư trên thị trường gia cư địa ốc.
Các địa phương ghìm đất để nống giá, nhờ đó có thêm nguồn tài trợ ngân sách. Và giá tăng khiến nhà nhà đều lao vào việc xây nhà để kiếm lời. Họ chạy theo bóng ảo mà ở trên vẫn vỗ đầu khen tốt vì các dự án xây cất tạo công ăn việc làm cho các địa phương và thu hút các ngành sản xuất vật liệu xây cất. Người ta cứ nói rằng trong có mươi năm, Trung Quốc sản xuất ra một lượng xi măng cao gấp ba gấp năm tổng số xi măng của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ!
Kết quả, báo chí nói rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp Hoa Kỳ, các đảng viên địa phương thì thăng quan tiến chức nhờ tạo ra phép lạ kinh tế. Trong khi sự kỳ diệu với màu sắc Trung Hoa là những thành phố ma, xây lên mà không có người ở.
Trong đà thi đua xây cất đó, nhà nước địa phương còn sáng tạo với nghệ thuật huy động vốn. Họ lập ra các công ty đầu tư của địa phương, vay tiền các ngân hàng của nhà nước ở địa phương và được khuyến khích đi vay nhờ lãi suất rẻ do quan hệ tốt với quan chức địa phương. Và khi thế giới bị nạn tổng suy trầm 2008-2009 thì chánh sách ấy rất phải đạo vì trung ương mở vòi tín dụng để kích thích sản xuất. Vả lại, giá nhà giá đất càng tăng thì tài sản thế chấp để vay tiền càng lên giá, cho phép các công ty đầu tư này vay nhiều hơn, thực hiện dự án quy mô hơn, v.v…
Cho tới khi bóng xì, giá sụt thì các địa phương mất nguồn thu ngân sách và phải trả nợ, là chuyện hôm nay.
Kinh tế học lại còn có một nguyên lý tiếp nhận từ kỹ nghệ bảo hiểm là hiện tượng “ỷ thế làm liều,” thuật ngữ chuyên môn gọi là “moral hazard.” Vì công ty của nhà nước địa phương vay tiền của ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương nên có rủi ro gì thì nhà nước cũng sẽ nhảy ra cấp cứu. Trung ương không thể nào để một chính quyền địa phương bị phá sản nên có gì thì cũng sẽ bơm tiền cấp cứu. Huống hồ, chủ trương mới của lãnh đạo là giúp dân tăng mức lợi tức để nâng tiêu thụ làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất cảng.
Khốn nỗi trung ương còn sáng tạo hơn vậy. Thay vì bơm tiền vào khu vực gia cư địa ốc bị suy sụp thì ta cho bơm tiền vào thị trường cổ phiếu. Trái bóng gia cư bị xì thì đã có trái bóng cổ phiếu. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc mới tăng 150% từ năm ngoái và bắt đầu sụt kể từ giữa Tháng Sáu… Trong khi đó, ngoài nan đề trả nợ, việc tài trợ ngân sách địa phương vẫn còn nguyên vẹn.
Vì vậy, mối nguy hiện nay cho lãnh đạo chưa phải là sự quyến rũ của Hiệp Ước TPP khiến Con Đường Tơ Lụa có thể là con đường ma. Mối nguy đó là làm sao cải cách hệ thống tài chánh công để tái lập trật tự và trách nhiệm của chính quyền trung ương và các tỉnh.
Truyện dài kinh tế chính trị Trung Quốc chưa thể kết thúc!