Về những biến chuyển quân sự ở Đông Á và những lựa chọn của Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Về những biến chuyển quân sự ở Đông Á và những lựa chọn của Việt Nam
18/10/2015 – Nguyễn-Xuân Vĩnh, CHLB Đức, 26.07.2015 – Tác giả gửi tới Dân Luận
Tại Đông Á sự căng thẳng về chính trị và quân sự ngày càng gia tăng. Những hoạt động kiến trúc đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, cách cư sử hung hăng của Trung Quốc, cùng với những gây cấn trong năm 2014 trên biển Hoa Đông qua việc thiết lập vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc đã đưa đến sự quan ngại của một số quốc gia trong vùng và cả Hoa Kỳ.
Sự phát triển ồ ạt của quân đội Trung Quốc từ đầu thập niên 2010, đặt biệt là của lực lượng hải quân, khiến các quốc gia ở Đông Á đang ráo riết tăng cường lực lượng vũ trang của mình.
Các quốc gia ở Đông Á có những quan tâm gì đối với những phát triển trên Biển Đông? Họ có những biện pháp gì để chuẩn bị cho những diễn biến tương lai? Và Việt Nam có thể lợi dụng tình thế này bằng cách nào để hữu ích cho việc bảo vệ giang sơn?

Những tiến triển quân sự ở Bắc Á

Đài Loan

Trong lúc các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại là nước này sẽ dùng sức mạnh quân sự để giải quyết những tranh chấp lãnh hải theo ý muốn của mình, sự phát triển của quân đội giải phóng nhân dân cho thấy là Trung Quốc vẫn ưu tiên theo đuổi một mục đích chiến lược khác. Đó là sự thống nhất với Đài Loan.
Theo bản báo cáo năm 2014 của bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc tập trung khoảng phân nữa các đơn vị chiến đấu cấp sư đoàn của lục quân tại ba quân khu nằm ở eo biển Đài Loan. Khoảng phân nữa số máy bay ném bom của không quân Trung Quốc đóng ở các căn cứ gần Đài Loan. Và 60 trong số 81 chiến hạm lớn, kềm theo hơn phân nữa lực lượng tàu ngầm, là thuộc về hai hạm đội Đông Hải và Nam Hải. Hai hạm đội này sẽ là gọng kìm để bóp nghẹt Đài Loan trong trường hợp xung đột vũ trang. Ngoài ra, theo bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang nổ lực chế tạo một loại hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm với đầu đạn nguyên tử. Loại hỏa tiễn Dong Feng 21D (DF-21D) có khả năng tấn công các đội chiến hạm như những đội tác chiến hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ trong một cự ly hơn 1500 km, và như thế Trung Quốc sẽ nắm trong tay một vũ khí lợi hại để ngăn chận sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ.
Theo nhận xét của bộ quốc phòng Đài Loan, sức lực càng tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Hoa Kỳ để yểm trợ cho Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh tung ra một cuộc tấn công đảo này. Theo tiên đoán của bộ quốc phòng Đài Loan, từ năm 2020 Trung Quốc có thể sẽ đầy đủ sức lực để tấn chiếm Đài Loan. Vì thế quốc gia này hiện đang dồn nổ lực vào việc cải tổ quân đội, tân trang hải quân và không quân. Chương trình quan trọng nhất là việc tân tiến hóa 145 chiếc F-16 A/B mua của Hoa Kỳ trong thập niên 1990.
Trên Biển Đông Đài Loan cũng giữ vài hòn đảo ở Trường Sa và cũng đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này. Vào đầu tháng bảy năm 2015 nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Nhật của quân đội Quốc Dân Đảng, tổng thống Đài Loan Ma Ying-Jeou đã nhấn mạnh chủ quyền của nước này trên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), một trong những đảo lớn nhất tại Trường Sa, cùng một số đảo khác do Đài Loan chiếm giữ. Trên đảo Ba Bình Đài Loan đã xây một phi đạo cùng với một bệnh viện và một số cơ sở khác. Nhưng ngoài tuyên bố đó, vai trò của Đài Loan trong những tranh chấp trong thời gian qua tương đối là bị động.

Nhật Bản

Áp lực chính trị cũng như những hoạt động gây hấn của lực lượng cảnh sát hàng hải Trung Quốc trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), đồng với sự quan ngại về thái độ hung hăng bất chấp của chư hầu Trung Quốc Bắc Hàn đã đưa đến một sự kiên quyết hơn của Nhật Bản trên lãnh vực quốc phòng. Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa phát triển lại như trước cuộc khủng hoảng nhưng Nhật đã tuyên bố là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên cho trang bị của binh chủng không quân và hải quân. Chính phủ của ông Shinzo Abe đang thực hiện chương trình nhằm nâng cao khả năng chiến đấu di động của quân đội, đồng thời chuyển trọng lực của lục quân về miền Tây Nam Nhật và phát triển lực lượng đổ bộ.
Mặc dù được tái lập dưới nhiều giới hạn sau Thế chiến thứ hai nhưng quân đội Nhật hiện nay được xếp vào hạng tám trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á, Nhật luôn luôn được ưu đãi trong việc mua vũ khí. Hiện nay quân đội Nhật có thể được xem là quân lực hiện đại nhất ở Đông Á.
Tổng cộng hải quân Nhật hiện nay bao gồm 32 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 18 tàu ngầm. Trong số đó hai khu trục hạm hạng Atago có trang bị hỏa tiễn Standard Missile SM3 có khả năng tiêu diệt hỏa tiễn đạn đạo. Ngoài hải quân Mỹ hiện tại chỉ có hải quân Nhật được trang bị với loại hỏa tiễn này. Qua bài học kinh nghiệm từ Thế chiến thứ hai, Nhật không được xử dụng hàng không mẫu hạm, nhưng hải quân Nhật đã đóng ba chiếc chiến hạm lớn có sân bay cỡ những hàng không mẫu hạm hạng Invincible của Anh Quốc, mang đủ tính năng của hàng không mẫu hạm. Và năm 2016 có lẽ sẽ thêm một chiếc thứ tư.
Nhật Bản cũng có một lực lượng không quân lớn với 552 chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ tư như F-15 và chiếc F-2, một khu trục cơ phản lực tự chế theo mẫu của chiếc F-16 của Hoa Kỳ, cùng với một số đáng kể về máy bay và trực thăng săn tàu ngầm. Nhật cũng sẽ được cung cấp 17 chiếc máy bay vận tải lên thẳng V-22 Osprey với giá trị là 3 tỉ USD để trang bị cho những tàu sân bay và trong tương lai sẽ nhận 42 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.
Việc duy trì giao thông tự do trên Biển Đông là một vấn đề sống còn đối với Nhật Bản. Tất cả nguyên liệu cung cấp cho Nhật từ Trung Đông cũng như toàn bộ hàng hóa trao đổi giữa Nhật và Âu châu đều đi qua vùng biển này. Mưu đồ bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này qua chuổi căn cứ quân sự đang được thiết lập ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo nên một rủi ro lớn cho nền kinh tế của Nhật và Đại Hàn.
Trong một phản ứng của Nhật, theo thông tin của công ty IHS Jane’s đầu tháng Hai 2015, bộ trưởng quốc phòng Nhật, tướng Nakatani, đã cho biết ông có thể hình dung là hải quân Nhật sẽ thực hiện những chuyến đi tuần trên Biển Đông.
Ý định để hải quân đi tuần trên Biển Đông sẽ là một sự khiêu khích đối với Trung Quốc. Cùng lúc, theo một phát biểu vào cuối tháng Giêng 2015 của đô đốc hải quân Mỹ Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội Bảy đóng tại Yokosuka, việc đó lại sẽ được sự tán thành của Hoa Kỳ. Chính phủ Obama hiện đang lo âu là Trung Quốc uy hiếp các nước láng giềng trong vùng này. Theo ông Thomas, Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng để giữ ổn định trên Biển Đông.
Nhưng đó chỉ là những hành động có tính cách tượng trưng. Xác xuất để hải quân Nhật hoạt động thường xuyên trên Biển Đông không cao lắm vì những cản trở do hiến pháp, mặc dù chính phủ Nhật đã đưa một luật mới vào quốc hội nhằm tạo khả năng cho quân đội Nhật tham gia vào những hoạt động chiến đấu ở nước ngoài.
Sự hiện diện của hải quân Nhật trên Biển Đông cũng sẽ không có ích lợi gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên những quần đảo, nếu Việt Nam vẫn khư khư giữ cái lập trường „ba không“ vô lý. Nhật không thể ngăn cản những hành động bành trướng của Trung Quốc trên những đảo. Thậm chí nếu có sự đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam, hải quân Nhật cũng không can thiệp được vì không có một căn bản pháp lý nào cả.

Đại Hàn

Đại Hàn là đồng minh quan trọng thứ nhì của Hoa Kỳ ở Á Đông. Nước Mỹ đã trả một giá khá cao bằng máu để giữ nền độc lập cho Nam Hàn và vẫn còn bảo đảm cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với một lực lượng thường trực lớn ở Nam Hàn.
Mối quan tâm của Đại Hàn về Biển Đông cũng tương tự như Nhật Bản vì quốc gia này cũng lệ thuộc rất nhiều vào những tuyến giao thông trên Biển Đông. Nhưng khác với Nhật, Đại Hàn cho đến nay không lên tiếng về vấn đề này. Đó cũng vì quốc gia này liên tục bị xứ anh em phía Bắc đe dọa cho nên lúc nào cũng phải đề phòng trước những hành động bất chấp thủ đoạn của tên quốc trưởng điên khùng của Bắc Hàn. Thêm nữa, thế lực duy nhất còn có một chút ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng là Bắc Kinh, cho nên Đại Hàn cần một quan hệ ít căng thẳng với Trung Quốc để kềm chế Bắc Hàn.
Ngoài việc bảo vệ những tuyến giao thông trên biển, Đại Hàn còn có một số vấn đề liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ, tỉ dụ với Nhật Bản về quần đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) và với Trung Quốc về bãi đá ngầm Socotra Rock dưới biển Đông Hoa.
Vì những lý do đó Đại Hàn có một quân đội hùng mạnh hiện được xếp vào hạng mười trên thế giới. Nền kỹ nghệ cao cũng cho phép quốc gia này trang bị cho quân đội với những hệ thống vũ khí tinh vi như chiến hạm hoặc máy bay chiến đấu tự sản xuất.
Theo thống kê của viện nghiên cứu Anh Quốc IISS, hải quân Đại Hàn hiện nay bao gồm 9 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 23 tàu ngầm. Trong đó 3 chiếc khu trục hạm hạng Sejong thuộc vào những chiến hạm mạnh nhất thời nay. Đại Hàn hiện đang đóng bốn chiếc tàu chở quân đổ bộ có sân bay lớn cỡ chiếc Izumo của Nhật. Trong tương lai hải quân Đại Hàn sẽ được thêm năm tàu ngầm hạng U-214 của Đức và sẽ đóng thêm cho tới 24 chiếc hộ tống hạm mới.
Lực lượng không quân Nam Hàn cũng khá mạnh với 568 chiến đấu cơ phản lực, trong đó có 224 chiếc tối tân thuộc thế hệ thứ tư như chiếc F-15 K và F-16 C/D. Quốc gia này tiếp tục duy trì mức độ kỹ thuật và khả năng chiến đấu cao của lực lượng không quân và đã đặt 40 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.

Những tiến triển quân sự ở Đông Nam Á

Singapore

Các quốc gia ở Đông Nam Á cũng tăng cường lực lượng vũ trang, tuy không nhiều như những quốc gia ở Bắc Á. Nhưng những chương trình đó cho thấy một nổ lực lớn của các quốc gia này.
Nổi bật nhất là Singapore. Quân đội của nước này được xem là hiện đại nhất ở Đông Nam Á. Hiện nay không quân Singapore có 24 chiếc chiến đấu cơ F-15 SG và 60 chiếc F-16 C/D. Singapore đã đặt thêm 12 chiếc F-15 với tầm hoạt động xa, có lẽ để đi tuần trên biển, và sẽ tân trang những chiếc F-16. Trong tương lai Singapore có thể sẽ đặt chiếc phi cơ tàng hình F-35 mới của Hoa Kỳ.
Singapore cũng có một lực lượng hải quân đáng kể và tiếp tục tăng cường lực lượng này. Đầu năm 2014 hai chiếc tàu ngầm hạng Archer của Thụy Điển đóng đã được bổ xung vào lực lượng hải quân bao gồm 7 hộ tống hạm, 4 tàu ngầm và 6 tuần duyên hạm.
Tuy không liên quan trực tiếp đối với vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nhưng Singapore cũng lo ngại trước những diễn biến tương lai trong vùng. Những rủi ro có thể xảy ra với giao thông hàng hải qua vùng Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Singapore vì phần lớn số thuyền vận chuyển hàng hóa đến Bắc Á đều qua cảng Singapore. Vì thế nên chính phủ Singapore tìm một sự phù trợ chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ và chấp nhận cho hải quân Hoa Kỳ đóng một chiến hạm thường trực tại đây.

Mã Lai

Sứ láng giềng của Singapore từ trước đến nay vẫn im lặng đối với những diễn biến trên Biển Đông. Mã Lai muốn giữ một quan hệ tốt với Trung Quốc và muốn được sự hổ trợ của Bắc Kinh trong những tranh chấp với Indonesia. Nhưng sự tăng cường hoạt động của Trung Quốc về hướng Nam khiến Mã Lai cũng phải lo ngại về một đụng độ trong tương lai. Tháng năm năm nay hải quân Mã Lai đã phải bố trí một hộ tống hạm để quan sát một chiến hạm của Trung Quốc khi chiếc này đi sát đến hải phận Mã Lai.
Việc tăng cường và tân trang lực lượng hải quân và không quân cũng sẽ là một ưu tiên đối với quốc gia này. Lực lượng chủ lực của hải quân Mã Lai hiện nay bao gồm 10 hộ tống hạm, 4 tuần duyên hạm và hai tàu ngầm. Mã Lai đang đóng một số chiến hạm ven bờ theo mẫu của Pháp. Đáng chú ý là lực lượng không quân của nước này tổng cộng có 67 chiến đấu cơ tối tân vừa gốc Hoa Kỳ (F-18 D) và gốc Nga (MiG-29 và Su-30MKM).

Phillipines

So với hai quốc gia tưong đối giàu có này thì những nổ lực của Phillipines để trân trang quân đội không thấm thiá gì cả. Trong các quốc gia ở Đông Nam Á Phillipines và Việt Nam là hai nước phải chịu áp lực của Trung Quốc trên biển nhiều nhất.
Cho đến năm 1992 khi Hoa Kỳ rút quân khỏi những căn cứ ở Phillipines, quốc gia này hoàn toàn nhờ cậy vào quân đội Hoa Kỳ trong việc phòng thủ. Quân đội Phillipines chỉ được xử dụng để giữ an ninh trong nước và kềm chế những lực lượng du kích hồi giáo như nhóm Abu Sayaf hoặc nhóm Moro. Năm 2011 chính phủ Aquino có lên chương trình đẩy mạnh việc tăng cường quân đội để đối phó với những đe dọa từ bên ngoài nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả đáng kể. Phillipines hiện vẫn còn giữ lực lượng không quân và hải quân lạc hậu và yếu kém nhất Đông Á, nhưng cũng lại là quốc gia phản đối mạnh nhất đối với những hành động của Trung Quốc. Có lẽ cũng vì vẫn còn tin cậy có Hoa Kỳ đứng sau lưng hổ trợ.

Việt Nam

Giống như Phillipines, Việt Nam cũng đóng giữ một số các hòn đảo ở Trường Sa. Và khả năng quân sự của Việt Nam vẫn còn yếu so với các quốc gia khác trong vùng. Sau ba thập niên gần như không có một biện pháp tân trang nào cho quân đội, Việt Nam đã bắt đầu mua thêm những hệ thống vũ khí mới và tinh vi. Nước này đã đặt mua bốn chiếc hộ tống hạm hạng Project 11660 (biệt danh của Nato là Gepard), sáu chiếc tàu ngầm hạng Project 877 (Kilo) và ba chiếc tuần duyên hạm hạng Project 1241E Molnija (Tarantul) của Nga. Hai chiếc hộ tống hạm, bốn chiếc tàu ngầm và cả ba tuần duyên hạm đã được bàn giao cho hải quân Việt Nam. Đó là những bước quan trọng và tăng cường sức lực đáng kể cho một quân đội với truyền thống du kích chiến trên đất liền và mức trang bị kỹ thuật của thập niên 60. Những đơn vị mới nhập quân đồng thời cũng là lực lượng chủ lực của hải quân Việt Nam vì ngoài đó ra, hải quân Việt Nam chẵng có gì để hải quân Trung Quốc phải bận tâm đến.
Việt Nam cũng đã đặt thêm 12 chiếc Su-30MKK cho không quân. Những chiếc máy bay này sẽ tăng số chiến đấu cơ tân tiến của Việt Nam lên 46 chiếc, trong đó là 11 chiếc Su-27 và 35 chiếc Su-30. Nhưng với tốc độ hiện đại hóa rất chậm của những năm qua, không quân Việt Nam có lẽ đến năm 2017 mới đạt được tổng số này. Ngoài ra không quân Việt Nam hiện nay còn có thêm 63 chiếc MiG-21 và Su-22. Những máy bay này đã quá lỗi thời và hay gây tai nạn. Chỉ nên nhớ lại rằng không quân Singapore hiện đang có 84 chiếc chiến đấu cơ tối tân để bảo vệ một lãnh thổ bằng 1/3 diện tích Sài Gòn, không quân Đài Loan có khoảng 400 chiến đấu cơ hiện đại cho một lãnh thổ bằng 1/9 Việt Nam!
Nhưng khác với Phillippines, Việt Nam không có một đại cường quốc bảo hộ. Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào nước Nga trong vấn đề cung cấp và huấn luyện cho quân đội. Nhưng vì những lý do được phân tích sau đây, nước Nga sẽ không phải là một đồng minh đáng tin cậy cho Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền.
Những yếu tố đó cho thấy là việc bảo vệ hải phận cũng như những hòn đảo Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây… những đảo lớn và có giá trị tại quần đảo Trường Sa, sẽ là một thách thức khó khăn. Và nếu giới lãnh đạo tại Việt Nam không có một chính sách rỏ ràng và cương quyết, vấn đề chủ quyền sẽ nằm trong một nguy cơ lớn.

Sự hình thành của những liên minh mới

Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản

Tình hình hiện tại ở Đông Á nói chung và trên Biển Đông nói riêng đang thu hút sự chú ý của một thế lực từ xưa đến nay giữ một vai trò trung lập đối với những biến chuyển ở Biển Đông. Đó là Ấn Độ. Vốn cũng có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc tại hai vùng Aksai Chin phía tây Tây Tạng và Arunachal Pradesh phía đông Tây Tạng, quốc gia này cũng đang quan tâm về sự bành trướng của hải quân và thuyền đánh cá Trung Quốc trên biển Ấn Độ Dương. Quan hệ giữa quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới và Trung Quốc luôn có căng thẳng từ thập niên sáu mươi. Sự giao thiệp mật thiết giữa Trung Quốc và Pakistan, kẻ thù truyền thống của Ấn Độ, dĩ nhiên cũng đè nặng lên mối ban giao này. Trước sự phát triển nhanh chóng của sức lực quân đội Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nổ lực tân trang quân đội và đã tăng ngân sách quốc phòng lên thêm 6.2% so với năm 2013.
Ấn Độ là một quốc gia có vũ khí nguyên tử. Quân đội Ấn Độ cũng tương đối lớn, tuy là không tân tiến như Nhật Bản hoặc Đại Hàn. Ấn Độ hiện đang cộng tác chặt chẻ hơn với Hoa Kỳ, và gần đây nhất, quốc gia này tìm cách thiết lập sự cộng tác với Nhật Bản trên lãnh vực quân sự.
Hiện nay Nhật đang chuẩn bị bán 12 chiếc máy bay thám thính và cứu nguy ShinMaywa US-2i trị giá khoảng 1,6 tỉ USD cho hải quân Ấn. Và Nhật đã được chính phủ Ấn Độ yêu cầu chào giá cho sáu chiếc tàu ngầm hạng Soryu, một trong những kiểu tầu ngầm tân tiến nhất thế giới. Cái hợp đồng cho sáu chiếc tàu ngầm này có thể có giá trị khoảng 8 tỉ USD.
Hoa Kỳ, dưới chính phủ Obama đã bắt đầu chú tâm đến vùng Thái Bình Dương nhiều hơn các chính phủ trước, đã tỏ sự quan ngại qua nhiều phát biểu của các công chức cao cấp, đặc biệt là của ông Daniel Russel, phụ tá bộ trưởng ngoại giao, khi phủ nhận sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên toàn Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã đưa một chiến hạm đến đóng thường trực tại Singapore từ năm 2013. Và ngày 12 tháng Năm 2015, theo hãng thông tin IHS Jane´s, hải quân Mỹ cho biết là họ đang cân nhắc việc đưa máy bay thám thính và tàu chiến đi tuần đến gần những đảo do Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa. Đây được xem là phản ứng đối với một biến cố xảy ra đầu tháng Năm, khi chiếc USS Fort Worth, một chiến hạm ven biển mới nhất (Littorial Combat Ship), bị một chiến hạm của Trung Quốc theo dỏi khi đang đi tuần ở miền nam quần đảo Trường Sa.
Sự cộng tác Nhật Bản – Ấn Độ cùng với quan hệ của hai quốc gia này với Hoa Kỳ sẽ đưa đến một mối quan hệ quân sự bốn bên giữa hai nước này với Hoa Kỳ và Úc, một quan hệ chính phủ Hoa Kỳ đang nổ lực thiết lập để kềm chế những tham vọng đại cường của Trung Quốc. Sự hiện diện của tổng thống Mỹ Obama trong buổi lễ duyệt binh quốc khánh của Ấn Độ là một dấu hiệu sâu sắc cho quan hệ này. Hơn nữa, tuy không phải là nhà cung cấp vũ khí truyền thống của Ấn Độ, nhưng trong năm 2013 Hoa Kỳ đã bán máy bay vận tải C-17 cho không quân Ấn. Và cuối tháng Chín 2015 Ấn Độ đã ký hợp đồng giá trị 3 tỉ USD mua 15 chiếc trực thăng vận tải CH-47F Chinook và 22 trực thăng chiến đấu AH-64E Apache.
Mặc dù về mặt quân sự và kinh tế, liên minh bốn nước này hơn hẳn Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục lấn áp chiếm đảo ở Trường Sa, các quốc gia này cũng không có cách nào để ngăn chận và chỉ có thể lên án và phản đối hành động của Bắc Kinh. Không ai trong bốn quốc gia này bị đụng chạm trực tiếp về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Do đó sự can thiệp bằng phương tiện quân sự sẽ không xảy ra.
Ngay đến Hoa Kỳ cũng sẽ không có những biện pháp mạnh đối với Trung Quốc. Thứ nhất vì mối quan hệ kinh tế song phương đã thành rất chặt chẻ. Thứ nhì vì Hoa Kỳ cần sự cộng tác của trung Quốc trong nhiều vấn đề kinh tế và chính trị trên thế giới, đặc biệt là trong vấn đề Bắc Hàn.

Trung Quốc và Nga

Tình trạng ở Đông Nam Á lại càng thêm phức tạp từ đầu năm 2015 khi một cường quốc xuống cấp vùng vẫy vươn lên và tìm cách lập lại thời đại huy hoàng của mình. Nước Nga dưới quyền Vladimir Putin đang bị cô lập trên lãnh vực ngoại giao qua những biến chuyễn ở Ukraine và hiện đang hâm nóng lại quan hệ với Trung Quốc. Cuối năm 2014 Nga đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc cho 30 năm tới với giá trị khoảng 800 tỉ USD. Putin đã mời Xi Jinping làm khách danh dự ở buổi lễ duyệt binh kỹ niệm ngày kết thúc thế chiến thứ hai. Gần đây nhất hải quân Nga đã tập trận với hải quân Trung Quốc trên biển Địa Trung Hải.
Ở bề ngoài quan hệ Trung – Nga xem như là một liên minh của hai cường quốc bình đẳng. Nhưng thực ra Putin ngày càng rơi vào sự lệ thuộc với Trung Quốc. Nếu những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và Tây Âu kéo dài vì vấn đề Ukraine, kinh tế của Nga sẽ suy thoái nặng nề và vì đó nước Nga sẽ cần Trung Quốc nhiều hơn. Từ việc bán nguyên liệu để thu ngoại tệ, qua những cộng tác chặt chẻ hơn trên những lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, cho đến bán hết những công nghệ vũ khí tinh vi cho Trung Quốc… Nga sẽ thành một đồng minh vai em của Trung Quốc.
Sự yếu thế của Nga cũng đã bắt đầu lộ ra khi so sánh lực lượng hải quân của Nga ở Thái Bình Dương với Trung Quốc. Thời đại huy hoàng của quân đội Xô Viết đã qua từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Với nền kinh tế Liên Xô xuống dốc, quân đội Xô Viết cũng đã phải trãi qua một sự suy thoái trầm trọng. Hiện nay hạm đội Thái Bình Dương của Nga chỉ còn có 2 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm và 22 tàu ngầm. Như vậy chỉ bằng khoảng 1/3 lực lượng hải quân của Trung Quốc.
Nước Nga là đồng minh và nguồn hổ trợ truyền thống của chính phủ cộng sản Việt Nam. Toàn bộ vũ khí của Việt Nam là do Nga cung cấp. Hải quân Nga có quyền vào cảng Cam Ranh thường xuyên và không cần phải báo trước theo quy luật hàng hải quốc tế. Máy bay ném bom Nga đã ghé Việt Nam tiếp nguyên liệu khi tổ chức cuộc đi tuần phô trương sức mạnh vào cuối năm 2014.
Nhưng Việt Nam không thể trông cậy vào sự bảo hộ của Nga trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông được nữa, vì trong thời điểm này Nga sẽ không gây xích mích với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam.

Những diễn biến tương lai

Trong tình thế này tương lai sẽ có hai diễn biến có khả năng xảy ra.
Thứ nhất Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hành những biện pháp như xây đảo nhân tạo, khoan dò dầu khí trong vùng Trường Sa và Hoàng Sa, cấm các nước láng giềng đánh cá trong vùng biển này… để giữ áp lực và uy hiếp hai nước cạnh tranh lãnh thổ ở Biển Đông nhiều nhất, Việt Nam và Phillipines. Trung Quốc sẽ lấn tiếp, có thể sẽ thiết lập vùng ADIZ trên toàn Biển Đông một khi sân bay trên đảo Chữ Thập bắt đầu hoạt động. Như thế Bắc Kinh sẽ từ từ tạo những sự kiện chủ quyền không thể thay đổi được nữa, vì ai sẽ ra tay đuổi Trung Quốc ra khỏi vùng này ?
Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ phản đối hành động của Trung Quốc. Thậm chí việc này sẽ được đưa ra trước hội đồng an ninh LHQ, nhưng sẽ không có kết quả gì vì quyền phủ quyết của Trung Quốc và Nga.
Diễn biến thứ hai là Trung Quốc sẽ tìm cách gây chiến với Việt Nam để tấn công và chiếm các đảo Việt Nam còn đóng giữ. Những đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết và thậm chí đảo Trường Sa đều nằm trong tầm hoạt động của những lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc sắp đóng trên các đảo nhân tạo. Cũng như trường hợp Đài Loan, quân đội nhân dân sẽ ra tay, một khi giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy có thể khắc phục được những rủi ro của cuộc xung đột.
Trong tình thế hiện nay sức kháng cự của quân đội Việt Nam không đủ để tạo ra thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc trong một sự xung đột trên Biển Đông, cho nên tấn công các đảo sẽ không là một sự mạo hiểm lớn đối với giới quân sự Trung Quốc.
Diễn biến thứ nhất có nhiều khả năng xảy ra hơn. Trung Quốc cũng đang thực hiện từng bước để xem dò phản ứng của các quốc gia khác. Nhưng cũng không nhất thiết là diễn biến thứ hai sẽ không xảy ra. Nó cũng có thể là bước kế tiếp, sau khi nhà cầm quyền ở Bắc Kinh thành công với diễn biến thứ nhất.

Những lựa chọn của Việt Nam

Trong tình huống hiện nay, duy trì lập trường „ba không“ có nghiã là Việt Nam chỉ đơn thân độc mã đối đầu với Trung Quốc trong khi phải trông cậy vào một quân lực yếu ớt. Như vậy sẽ không thế nào thoát khỏi tình trạng bị kẻ láng giềng kia bắt nạt, và cũng không thể tránh khỏi sự mất mát chủ quyền.
Việt Nam cũng không thể trông cậy vào một thế lực bên ngoài sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình. Các quốc gia có quan tâm đến Biển Đông đều muốn ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nước nào có một căn bản pháp lý, đó là chủ quyền trong vùng đang tranh chấp, để có thể trực tiếp can thiệp. Và đối với hai cường quốc nguyên tử Hoa Kỳ và Ấn Độ, Biển Đông tuy có ảnh hưởng đế chiến lược lâu dài chính trị và quân sự của các nước này, nhưng không có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh tế, cho nên hai quốc gia này sẽ không đối kháng với Trung Quốc bằng mọi giá.
Trước mắt, quốc gia có thế lực để đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Biển Đông rơi trọn vào tay kiểm soát của Trung Quốc là Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản cũng chỉ có thể lên tiếng cảnh cáo chứ cũng không hành động cụ thể được vì những lý do đã nêu trên.
Điều Nhật Bản cần nhất trong tương lai là một đối tác hoặc đồng minh có thể giúp nước này bảo vệ an toàn cho những đường giao thông trên Biển Đông. Người bảo vệ mạch máu của Nhật và Đại Hàn sẽ được hai quốc gia này đền ơn với nhiều giúp đỡ về kinh tế cũng như quân sự. Việc Nhật Bản cho Việt Nam sáu thuyền tuần tiễu cho cảnh sát hàng hải có thể được xem là bằng chứng cho sự quan tâm của Nhật đối với Biển Đông và sự mong muốn liên kết chặt chẻ hơn với Việt Nam.
Việt Nam có thể lợi dụng sự quan tâm của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ để tạo cho mình một vị thế khả quan hơn, thứ nhất là để có nguồn tiếp tế quân sự và thứ nhì là có một thế lực chính trị hổ trợ sau lưng.
Việt Nam cần phải có thêm máy bay chiến đấu với khả năng tấn công chiến hạm hoặc hỏa tiễn đối hạm bắn từ đất liền để tạo một thế lực có thể ngăn chặn Trung Quốc tấn công các đảo. Cùng lúc hải quân Việt Nam cần thêm những chiến hạm hiện đại, đạc biệt là những tuần duyên hạm có thể hoạt động ở các vùng nước cạn để yểm trợ cho các đảo.
Lịch sử cho thấy là những cuộc xung đột trên biển đều được quyết định bằng số lượng, trình độ kỹ thuật và hỏa lực của không quân và hải quân. Nhưng với lực lượng không quân và hải quân hiện tại Việt Nam gần như là bất lực trong trường hợp va chạm với Trung Quốc trong tương lai gần đây.
Chính sách trang bị quân đội cho thấy là giới lãnh đạo tại Việt Nam vẫn chưa có một đường lối hoặc chiến lược để đương đầu với sự đe dọa quân sự của Trung Quốc. Đó là một tình trạng vô cùng nguy hiểm. Khư khư không muốn sự giúp đỡ của ai vì một lý do mơ hồ, mặc dù đang bị một kẻ mạnh hành hung, đó không phải là cách cư xử khôn ngoan. Đối với giới lãnh đạo một quốc gia, thậm chí đó lại là một hành động vô trách nhiệm. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới những thiếu sót và thất bại như thế đã đưa đến sự cách chức của những người cầm quyền trong chính phủ và quân đội.