Tại sao CSVN không thể bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tại sao CSVN không thể bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền?

Bao giờ mới hết cảnh người phụ nữ Việt Nam phải đau khổ lo sợ mỗi khi chồng ra khơi đánh cá. Courtesy danviet.vn

Theo Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok – 15-10-2015

Lại có tin tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa bị tảu kiểm ngư TC đâm chìm, cướp hết tài sản.
Vậy chính sách của chính phủ Việt Nam trong quan hệ với TC về chủ quyền biển đảo ra sao để ngư dân có thể đánh bắt trong vùng biển truyền thống của Việt Nam?
Vụ việc mới 
Số nạn nhân mới nhất là 10 ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đi trên chiếc tàu đánh bắt hải sản QNg 90352 TS do ông Đặng Dũng làm thuyền trưởng.
Tờ Người Lao Động loan tin tàu kiểm ngư TC mang số hiệu 02 đâm trực diện tàu của ông Đặng Dũng vào ngày 29 tháng 9. Sau đó một nhóm 5 người từ tàu kiểm ngư O2 nhày sang sử dụng dao và dùi cui điện tấn công, buộc tất cả thuyền viên về phía mũi tàu, bắt quỳ, giơ tay qua đầu và tra khảo họ suốt cả tiếng đồng hồ.
Sau đó nhóm này cướp tất cả tài sản trên tàu QNg 90352 TS chuyển sang tàu kiểm ngư 02, rồi bỏ đi trong khi chiếc tàu của ngư dân Việt Nam bị thủng, nước biển tràn vào và chìm dần.
Tàu QNg90325 TS phát tín hiệu cầu cứu và may mắn được 2 tàu cá Việt Nam hoạt động gần đó đến cứu được cả 10 thuyền viên trên chiếc tàu bị nạn. Tất cả về đến đảo Lý Sơn vào chiều ngày 12 tháng 10 vừa qua.
Chính sách “bám đảo, bám biển”
Một ngư dân ở Bình Châu không muốn nêu tên cho biết được tin tàu của ông Đặng Dũng bị nạn trong khi con trai ông này cũng đang đi đánh bắt tại Hoàng Sa. Ngư dân này nhắc lại Hoàng Sa là vùng biển truyền thống của Việt Nam và đi đánh bắt tại đó còn là một nhiệm vụ. Ông trình bày:
“ Có chiếc bị nó đâm chìm mà (người) về rồi. Đảo Hoàng Sa của Việt Nam mình nên cứ đi miết “bám đảo, giữ đảo”. Nhà nước khuyến khích đi làm rồi dầu mỡ cũng có ít nhiều gì đó.  Dân cũng yêu cầu Nhà nước quan hệ làm sao để dân làm ăn cho tự do, không còn bị xua đuổi, bắt bớ”.
Theo một chuyên gia trong ngành ngoại giao CSVN, hiện đang tỵ nạn chính trị ở Thụy Sĩ, Đặng Xương Hùng, thì việc ngư dân Việt cứ ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa rồi bị tấn công, cướp hết tài sản như lâu nay là một chính sách “thí quân” mà Hà Nội từng thực hiện trong các cuộc chiến. Ông nói:
Trong chiến tranh thì người cộng sản Việt Nam rất “thí quân”; tức để chiến thắng thì thí quân rất nhiều. Ví dụ như ở Quảng Trị và vấn đề thí quân đó đang xảy ra với ngư dân Việt Nam. Tức sử dụng ngư dân để nói lên rằng Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của Việt Nam. Tuyên bố đó ra với bên ngoài để giành được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, còn ngư dân thì chịu thiệt thòi không được bảo vệ từ phía quân đội Việt Nam”.
Một trong những lần tàu TC bám sát và đâm thẳng vào tàu Việt Nam hồi đầu năm 2015
Vũ Cao Phan, nguyên tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Trung và nay là một học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa hai nước Việt Nam, TC cho biết ý kiến của ông trước tin tàu cá của ngư dân Việt lại bị tàu của TC tấn công cướp và đâm chìm:
“Hôm qua tôi vừa nhận được tin tổng kết của hiệp hội đánh cá là chỉ từ tháng 5 đến nay có hơn 30 vụ Trung Quốc tịch thu ngư cụ, đâm chìm tàu thuyền Việt Nam đánh cá ở vùng Hoàng Sa. Đó là một điều mà nhức nhối”.
Biện pháp  đề xuất
Thông tin cho biết Tập Cận Bình có thể tiến hành một chuyến thăm Việt Nam trong tháng 10 này. Nhiều ý kiến trên mạng phản đối chuyến đi đó cho rằng không thể mời một vị khách khi họ lại là người đang chiếm biển, đảo của Việt Nam. Ngoài Hoàng Sa bị cưỡng chiếm hết vào năm 1974, thì đến nay TC gấn  như hoàn tất cải tạo những bãi và đá chiếm của Việt Nam từ năm 1988, biến những nơi đó thành đảo nhân tạo với những căn cứ kiên cố trên đó.
Tuy vậy, theo Vũ Cao Phan thì dịp Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần này là cơ hội để chính quyền Hà Nội đề cập thẳng thắng vấn đề tại Biển Đông với người đứng đầu Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Hoa. Vũ Cao Phan đưa ra đề xuất:
“Biện pháp mà tôi đưa ra là Việt Nam phải chủ động đề nghị Trung Quốc đàm phán về vấn đề Hoàng Sa. Trong khi đàm phán ở trạng thái hòa bình thì hai nước sẽ có những ứng xử vừa phải. Chưa nói kết quả đạt được như thế nào nhưng cần phải đàm phán. Theo tôi nghĩ trước mắt ít nhất Việt Nam phải yêu cầu Trung Quốc, thảo luận, thương lượng là quyền đánh cá của ngư dân Việt Nam tại vùng nước lịch sử đó đã hàng ngàn năm nay không thể không được dùy trì”.
Đặng Xương Hùng thì đặt nghi vấn liệu Hà Nội có thể “thoát Trung” được hay không:
 “Về chính sách của Việt Nam thì tôi nghĩ cho đến lúc này với việc ký kết TPP vừa rồi, Việt Nam muốn lợi dụng thế của Mỹ để cân bằng, để tránh khỏi bị o ép trong quan hệ tay đôi với Trung Quốc Tuy nhiên việc Việt Nam có thực sự muốn thoát hẳn khỏi Trung Quốc hay không thì đó là vấn đề mà tôi muốn đặt câu hỏi. Tôi cũng thắc mắc về ý đồ Việt Nam có muốn thoát khỏi Trung Quốc hay không. Do đó chuyến đi của ông Tập Cận Bình lần này là mẫu thử xem xét tình hình Việt Nam có thực sự muốn thoát khỏi Trung Quốc hay không, hoặc cứ muốn chơi con bài “đung đưa” trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc”.
Trong khi đó thì Vũ Cao Phan lại cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và TC có khác khi so quan hệ giữa TC và Philippines chẳng hạn. Vì vị trí địa lý của Việt Nam và TC liền kề nhau.
 Quan hệ giữa hai nước Việt- Trung không thể không hữu nghị, không thể không dựa vào nhau; nhưng cách thức như thế nào đó để Trung Quốc phải hiểu Việt Nam chứ không phải Trung Quốc muốn nói thế nào, muốn làm thế nào thì Việt Nam cũng phải nghe theo. Quan điểm này của tôi khác với nhiều người, ngay cả ở cấp lãnh đạo. 
Tôi không còn làm việc ở Hội Hữu nghị Việt- Trung nữa nhưng tôi còn làm việc với tư cách một học giả và trong những cuộc họp giữa hai bên tôi đều nói hai nước cần có quan hệ tốt vì hai nước không thể thay đổi lịch sử và hai nước láng giềng ở cạnh nhau và chúng ta phải như thế.
Việt Nam đồng ý nhân nhượng Trung Quốc ở điểm này, điểm khác; nhưng không thể khuất phục với kiểu Trung Quốc muốn áp đặt làm theo ý Trung Quốc. Trung Quốc muốn thế nào thì nói như  thế .
Cái cách Trung Quốc (nói), tôi phải nói, nhiều khi không chính xác mà thậm chí có khi sai hẳn đi. Ví dụ nói Việt Nam hiện nay dựa vào Mỹ và Nhật để chống Trung Quốc. Không có chuyện đó, nếu nói đúng hơn, chính hành xử của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào lòng các nước khác”.
Hồi giữa tháng sáu vừa qua, ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam- TC họp phiên thứ 8 tại Bắc Kinh. Trong dịp đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng CSVN Phạm Bình Minh khi gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường có yêu cầu Bắc Kinh kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Yêu cầu đó hầu như không hề được đáp ứng.
G.M
Xem thêm

Tàu TC cướp tài sản, 
đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi

14-10-2015
TT – Đang đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chiếc tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu TC dùng vũ lực cướp hết tài sản và đâm chìm tàu.
Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ngãi lấy lời khai của thuyền trưởng Dũng - Ảnh: Trần Mai

Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ngãi lấy lời khai của thuyền trưởng Dũng – Ảnh: Trần Mai
Ngày 13-10, tàu cá QNg 96697 của ngư dân Lê Khởi đã chở sáu ngư dân trên tàu cá QNg 90352 của ngư dân Đặng Dũng (40 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) về đến trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) trình báo sự việc bị tàu TC dùng vũ lực cướp tài sản và đâm chìm tàu khi đang đánh bắt hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bốn thuyền viên còn lại đang theo tàu cá của ngư dân Bình Châu tiếp tục đánh bắt và trong vài ngày tới cũng sẽ về đất liền khai báo sự việc.
Những khuôn mặt mệt mỏi, phờ phạc sau chuyến biển dài lần lượt trình báo sự việc với lực lượng chức năng.
Thuyền trưởng Dũng cho biết khoảng 8g sáng 29-9, sau một đêm lặn, tàu thả neo để các ngư dân nghỉ ngơi ở khu vực biển thuộc đảo Lưỡi Liềm thì một tàu TC màu trắng bất ngờ tiến đến tông thẳng vào mạn phải tàu.
Tiếp đó, 5 người bên tàu TC cầm theo dao và dùi cui điện lên tàu cá dùng vũ lực dồn ngư dân về phía mũi tàu rồi lục lọi cướp 2 máy dò, 2 máy định vị, 1 máy đàm, 9 bành dây hơi, 1 thúng, dụng cụ lặn… cùng khoảng 2 tấn hải sản vừa đánh bắt được.
Sau khi phía TC bỏ đi, thuyền trưởng Dũng phát hiện tàu bị vỡ, phá nước. Các ngư dân lập tức dùng ba máy bơm liên tục hút nước từ tàu ra vừa cấp tốc chạy về hướng đảo Đá Lồi, đồng thời lấy icom đàm các tàu đánh bắt ở gần khu vực cầu cứu.
Đến 17g, tàu cá QNg 90352 tới gần khu vực đảo Đá Lồi và lúc này nước ngập vào khoang máy, tàu bắt đầu chìm dần. Đến khoảng 19g tàu chết máy, sau đó một tiếng thì chỉ còn ló nóc cabin, 10 người đã chuẩn bị áo phao và can nhựa lênh đênh trên biển.
“Tôi lấy bộ đàm kêu cứu lần cuối cùng hi vọng tàu nào đó đánh bắt gần khu vực nghe được. Rất may đã nối được với tàu QNg 90440 do ông Đặng Duy Bình làm thuyền trưởng” – ông Dũng kể lại.
Đến khoảng 24g cùng ngày, tàu ông Bình tiếp cận được. Sau khi lên được tàu ngư dân Bình, các ngư dân dùng icom điện về đài icom cộng đồng của Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu để báo cáo toàn bộ sự việc.
Đến ngày 11-10, tàu cá của ông Bình gặp tàu QNg 96697 do ngư dân Lê Khởi (xã An Hải, huyện Lý Sơn) và đưa sáu ngư dân về đất liền trình báo sự việc với lực lượng chức năng.
Ngay sau khi vào bờ, lực lượng biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với các ngư dân để lấy lời khai và hoàn tất các thủ tục báo cáo sự việc lên trên. Ước tính thiệt hại của vụ việc khoảng 2,3 tỉ đồng.
Nguyễn Thành Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Khi tiếp nhận được thông tin mà ngư dân Dũng báo về qua đài icom, chúng tôi đã làm báo cáo sơ bộ ban đầu gửi lên huyện Bình Sơn, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi…”. 
T.M
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151014/tau-trung-quoc-cuop-tai-san-dam-chim-tau-ca-quang-ngai/984787.html