Đâu Là Phương Sách Đối Ngoại Cho Hoa Kỳ?
Tác giả: Joseph S. Nye
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
12-10-2015
Gần đây, khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã phát biểu tại Liên Hiệp Quốc về việc chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), có những người chỉ trích ông phàn nàn rằng ông đặt trọng tâm về ngoại giao và ít thiên về việc sử dụng vũ lực. Khi đem so sánh với sự can thiệp quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc nội chiến tại Syria; và so với chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ đang tăng tốc, một vài ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã cáo buộc Obama là theo chủ trương cô lập.
Nhưng các cáo buộc đó là một lối lập luận chính trị theo đảng phái, nó có ít cơ sở phân tích nghiêm túc về mặt chính sách. Để xem chính xác hơn về tâm trạng hiện tại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ giữa những gì Stephen Sestanovich của Đại học Columbia gọi đó là một giao động của con lắc giữa những chính sách tối đa hoá và chính sách hạn chế hoá.
Chính sách hạn chế không phải là theo một đường lối cô lập; nó là một sự điều chỉnh để thích nghi về các mục tiêu chiến lược và phương tiện. Kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến các vị Tổng Thống theo đuổi các chính sách hạn chế gồm có Dwight Eisenhower, Richard Nixon, Jimmy Carter, và bây giờ là Obama. Không có một sử gia khách quan sẽ gọi bất kỳ ai trong nhóm người này là nguời chủ trương cô lập.
Eisenhower ứng cử tổng thống vào năm 1952 vì ông phản đối chủ thuyết cô lập của Robert Taft, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa. Trong khi Nixon tin rằng Hoa Kỳ đang trong tình trạng suy vi, những người khác thì không tin như vậy. Tất cả đều là những người theo đuổi chủ thuyết quốc tế mạnh mẽ khi ta so sánh với những người thực sự theo học thuyết cô lập này của những năm 1930, họ là những người phản đối gay gắt sự trợ giúp của nước Anh trong Đệ nhị Thế chiến.
Các nhà sử học có thể tạo một bằng chứng khả tín là trong thời kỳ cam kết qúa đà của người theo thuyết tối đa đã làm thiệt hại nhiều hơn cho vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới nếu so với các thời kỳ theo thuyết hạn chế. Phản ứng chính trị trong nước theo chủ nghĩa lý tưởng toàn cầu của Woodrow Wilson gây ra một học thuyết cô lập mãnh liệt mà nó làm trì hoãn phản ứng của Hoa Kỳ đối với Hitler. Leo thang chiến tranh tại Việt Nam dưới thời Tổng thống John F Kennedy và Lyndon Johnson tạo ra một chuyển huớng hướng nội của những năm 1970. Và cuộc xâm lược sai lầm của George W. Bush tại Iraq đã tạo ra tâm trạng hiện tại của tình trạng hạn chế.
Nếu tâm trạng đó là trở thành một đề tài cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016, như lập luận khởi đầu của chiến dịch cho thấy, thì Hoa Kỳ nên bỏ đi các cuộc tranh luận sai lạc về chủ thuyết cô lập và thay vì thế, Hoa Kỳ nên giải quyết ba vấn đề cơ bản về tương lai của chính sách đối ngoại của đất nước: Phải giải quyết bao nhiêu? Can thiệp như thế nào? Và đa phương như thế nào?
Vấn đề đầu tiên là Hoa Kỳ nên chi cho kinh phí quốc phòng và đối ngoại là bao nhiêu. Dù một số người cho rằng Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn là để hạn chế việc chi xuất trong các lĩnh vực này, đây không phải là vấn đề. Như một phần của GDP, Hoa Kỳ đang chi tiêu ít hơn một nửa những gì Hoa Kỳ đã chi cho mục tiêu này cao đến tột đỉnh của Chiến tranh Lạnh, khi thế kỷ lãnh đạo của Hoa Kỳ đã được củng cố.
Vấn đề không phải là dùng súng đạn để chống lại bơ sữa, nhưng dùng súng đạn chống lại bơ sữa chống lại thuế khóa. Nếu không có ý muốn tăng thu, thì kinh phí chi cho quốc phòng bị kìm hãm trong một sự cân bằng để so sánh với các khoản đầu tư quan trọng như giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển – tất cả các biện pháp này là rất quan trọng đến sức mạnh nội địa của Hoa Kỳ và vị thế toàn cầu.
Vấn đề thứ hai liên quan đến việc Hoa Kỳ nên can thiệp nội bộ của các nước khác như thế nào và trong những cách gì. Obama đã nói rằng Hoa Kỳ nên sử dụng lực lượng quân sự một cách đơn phương nếu cần thiết, khi nền an ninh của Hoa Kỳ hoặc của các đồng minh đang bị đe dọa. Nếu không phải là trường hợp này, thì khi lương tâm của đất nước thúc giục phải hành động – để phản đối một nhà độc tài giết chết một số lớn các công dân của mình – Hoa Kỳ không nên đơn phương can thiệp và nên sử dụng vũ lực chỉ khi có một viễn cảnh tốt đẹp của sự thành công.
Đây là những nguyên tắc hợp lý, nhưng các giới hạn của vấn đề là gì? Vấn đề này không phải là mới. Gần hai thế kỷ trước, John Quincy Adams, Tổng Thống thứ sáu của Hoa Kỳ, đã tranh đấu với nhu cầu trong nước để can thiệp vào cuộc chiến tranh Hy Lạp giành độc lập khi ông có nói một câu danh tiếng là Hoa Kỳ “không nên đi ra nước ngoài để tìm kiếm những con quái vật mà tiêu diệt” Nhưng nếu chịu đựng một cuộc nội chiến giống như tại Syria liệu có nên cho phép một nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) lập một nơi trú ẩn an toàn không?
Hoa Kỳ nên đứng ngoài các cộng cuộc xâm lược và chiếm đóng. Trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc và các dân chúng được huy động trong toàn xã hội, việc chiếm đóng nước ngoài, tất cả là sinh ra lòng thù hận, như khi Eisenhower đã quyết định một cách khôn ngoan vào những năm 1950. Nhưng những gì diễn ra? Liệu không lực và huấn luyện cho lực lượng nước ngoài là đủ chăng? Đặc biệt là ở Trung Đông, nơi mà các cuộc cách mạng có thể sẽ kéo dài trong một thế hệ, một sự kết hợp thông minh của quyền lực cứng và mềm sẽ rất khó khăn để đạt được.
Các diễn từ mới đây của các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ cho thấy là cuộc tranh luận về hai vấn đề đầu tiên đã bắt đầu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không quan tâm đến vấn đề thứ ba đang trong cơn nguy hiểm. Làm thế nào Hoa Kỳ có thể hỗ trợ các định chế, tạo ra mạng lưới, và thiết lập các chính sách để quản lý các vấn đề liên quốc?
Giới lãnh đạo của các quốc gia hùng mạnh nhất là quan trọng trong việc cung ứng các tiện ích công cộng trên toàn cầu. Chuyện không may là sự bế tắc chính trị trong nước của Hoa Kỳ thường ngăn trở việc cung ứng này. Ví dụ như Thượng viện Hoa Kỳ đã thất bại trong việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, dù nó thuộc về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – thực vậy , Hoa Kỳ cần quy ước để hỗ trợ vị thế của mình về cách giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Hoa Nam.
Cũng tương tự như vậy, Quốc hội đã thất bại trong việc thực hiện cam kết của Hoa Kỳ để hỗ trợ việc tái phân bổ quyền bỏ phiếu trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho các nước thị trường mới nổi, dù làm như vậy sẽ gây tốn kém rất ít. Điều này đã mở đường cho Trung Quốc khởi động lập ra Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (mà Hoa Kỳ sau đó đã cố gắng ngăn chặn một cách nhầm lẫn làm cho danh tiếng của mình bị tổn hại nặng nề). Và sức đề kháng mạnh mẽ của Quốc hội để thiết lập giới hạn phát ra khí thải trong thời gian sắp tới Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Paris vào tháng Chạp.
Chi xuất bao nhiêu cho công tác đối ngoại và làm thế nào để can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở xa là những vấn đề quan trọng. Nhưng Hoa Kỳ cũng nên lo ngại rằng “chủ thuyết ngoại lệ” của đất nước họ đang bị thoái hóa biến thành “chủ thuyết được miễn trừ”. Làm thế nào Hoa Kỳ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu nếu các nước khác nhìn thấy Quốc hội liên tục ngăn chặn hợp tác quốc tế? Cuộc tranh luận này hãy còn bắt đầu.
_____
Joseph S. Nye, Jr., là cựu Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ, Giáo Sư Đại Học Harvard, thành viên Hội đồng The World Economic Forum Global Agenda Council on the Future of Government. Tác phẩm mới nhất của ông là Is the American Century Over?