Điểm Báo Pháp – 12-10-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 12-10-2015

Quảng trường Kim Nhật Thành trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên- REUTERS/KCNA 

Theo RFI – Thu Hằng – 12-10-2015

Bắc Triều Tiên: Chỉ có đảng là tất ca

Chế độ Bình Nhưỡng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng vào ngày 10/10/2015. Buổi diễu binh phô trương sức mạnh quân sự cũng là dịp thể hiện mong muốn xích lại gần Trung Quốc hơn, một đồng minh ngày càng trở nên xa cách. Hai nhật báo Libération và Le Figaro đều có bài viết phản ánh sự kiện này, nhờ Bình Nhưỡng có lời mời đặc biệt 150 nhà báo quốc tế đến dự lễ kỷ niệm.
Theo miêu tả của đặc phái viên báo Le Figaro dưới dòng tựa : « Bình Nhưỡng ưỡn ngực thách thức Washington ». Những con phố ở thủ đô Bình Nhưỡng với ánh đèn le lói, buồn đìu hiu vào buổi tối bỗng trở nên sầm uất trong những ngày trước sự kiện trọng đại với sự có mặt của khoảng 100.000 tới 200.000 người, kể cả dân sự và quân nhân. Hàng đoàn chiến xa và tên lửa tầm xa quy tụ về thủ đô với mục đích chính là « gây ấn tượng cho người dân Triều Tiên và quốc tế », theo nhận định của Libération.
Đảng Lao động Triều Tiên được Kim Nhật Thành thành lập ngay sau Thế Chiến thứ hai và cho tới nay « vẫn là lực lượng hàng đầu của chế độ, cho dù khi Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo hiện nay, tiến hành chính sách gọi là quân đội trên hết », theo nhận định của chuyên gia Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong tại Seoul.
Nếu như chế độ Bình Nhưỡng độc đảng lãnh đạo có thể duy trì được qua tay ba thế hệ dòng họ Kim, đó chính là nhờ chính sách lãnh đạo bàn tay sắt. Tuần trước, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) lại một lần nữa cáo buộc Bình Nhưỡng cưỡng bức lao động để chuẩn bị cho sự kiện long trọng trên. Người dân được huy động đóng góp công sức trong vòng nhiều tuần. Ngoài ra, « chính quyền còn yêu cầu họ quyên góp tiền để trang trải kinh phí của buổi lễ, được coi là tấm lòng đối với Đảng ».
Kim Jong-un ý thức được rằng chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại được nếu tiếp tục duy trì lòng tin của người dân. Đây là một trong ba mục đích chính ẩn sau lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Nhà lãnh đạo trẻ không bỏ lỡ cơ hội hoan nghênh người lính và quần chúng, coi họ là « nguồn phép mầu » biến Triều Tiên thành một « Nhà nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, độc lập và tự chủ về quốc phòng ».
Còn đối với tầng lớp lãnh đạo thượng tầng, Bình Nhưỡng có chế độ đãi ngộ riêng. Theo lời kể của một quan chức cấp cao của Đảng, ông Jang Jin-sung, đào thoát năm 2004, thì « đối với ông và nhiều đồng nghiệp khác, các ngày lễ quốc gia là dịp để nhận quà, thường là những sản phẩm nhập khẩu. Đây là một cách mua chuộc lòng trung thành. Những khoản tiền thưởng hay thăng quan tiến chức cũng được tiến hành vào các dịp này ».
Trong bài diễn văn thứ hai trước công chúng từ bốn năm nay, kéo dài 30 phút, tình hữu nghị Bình Nhưỡng-Bắc Kinh được đề cao, thông qua sự có mặt của thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Lưu Vân San (Liu Yunshan). Dành cho « nhân vật số 5 » có ảnh hưởng lớn tại Bắc Kinh chỗ ngồi danh dự trên khán đài, Bình Nhưỡng muốn khẳng định thoát khỏi thế cô lập và nối lại quan hệ với Trung Quốc, đồng minh có trọng lượng duy nhất.
Tình hữu nghị này được Seoul theo dõi chặt chẽ, vì Hàn Quốc cũng trong giai đoạn « hâm nóng quan hệ » với Trung Quốc. Tổng thống Park Geun-hye đã sáu lần gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi đó, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un chưa một lần được bắt tay “người anh cả”.
Theo Le Figaro, mục đích thứ ba khi tổ chức sự kiện trọng thể trên, Bình Nhưỡng không ngần ngại đưa ra ẩn ý rằng sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân để đối phó với Washington và các thế lực thù địch. Trong vòng hai giờ, Kim Jong-un lần lượt phô trương lực lượng và trang thiết bị quân sự, song theo nhận định của đặc phái viên báo Le Figaro « thường lỗi thời và khó có khả năng tác chiến ». Nhân viên Triều Tiên đi cùng với nhà báo trên tự hào về pháo của nước này có thể chạm tới Seoul. Trước ngày lễ trọng đại, rất nhiều thông tin cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ bắn thử tên lửa hạt nhân, song cho tới nay vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, lãnh đạo quân sự Lầu Năm Góc luôn cảnh báo rằng, từ giờ trở đi, lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên.
Nepal oằn mình trước sự phong tỏa của Ấn Độ
Ngày 20/09 vừa qua, Katmandou long trọng công bố bản Hiến pháp mới của đất nước. Thế nhưng, cộng đồng người Madhesi, có nguồn gốc Ấn Độ, chiếm tới 20% trên tổng số 28 triệu dân nước này bị gạt bên lề. Ấn Độ đưa ra trừng phạt đóng cửa biên giới với nước láng giềng nhỏ bé khiến Nepal rơi vào tình trạng hỗn độn và thiếu thốn trên mọi phương diện, dù một điều khoản sửa đổi đã được trình lên Nghị viện.
Tờ Le Monde cho biết « Nepal oằn mình trước sự phong tỏa của Ấn Độ » sau khi New Delhi quyết định đóng cửa nhiều cửa khẩu : Hậu quả là hàng nghìn chiếc xe tải chở xăng dầu, chất đốt và thực phẩm không được phép đi qua. Tại New Delhi, các bác tài được yêu cầu bình tĩnh chờ điều kiện an ninh được đảm bảo hơn. Còn bên kia biên giới, người Nepal cho rằng Ấn Độ đang thực hiện chính sách « phong tỏa » để bản Hiến pháp nước này phải được xem xét lại.
Các chuyến bay quốc tế tới Katmandou bị hủy bỏ, trường học bị đóng cửa, vì 60% các trường có xe riêng chở học sinh song không hoạt động vì hết xăng. Sinh hoạt của người dân bị xáo trộn : giá taxi tăng gấp bốn lần, xe máy được phép « kẹp ba », còn các xe khách có thể chở thêm người trên nóc xe, theo lời kể của một sinh viên tại Patan, ngoại ô thủ đô. Mạng xã hội Facebook một lần nữa lại trở nên hiệu quả giúp người dân tìm được người để đi chung xe hơi, vì xe buýt hết xăng để hoạt động.
Trong khi chờ đợi các cửa khẩu trên bộ được thông thương, chính phủ Nepal sắp mãn nhiệm điều hai chiếc Boeing 757 của hãng hàng không Royal Nepal Airlines tới mua xăng tại Calcutta.
Châu Âu mạnh tay với những kẻ buôn người
« Châu Âu mạnh tay trước làn sóng nhập cư » vì mùa đông đang tới gần và các trận oanh kích liên tục xảy ra gần đây tại Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước trong Liên Hiệp Châu Âu e ngại trước một làn sóng người nhập cư mới. Vấn đề này được tờ Le Monde đề cập trên trang nhất và hai trang quốc tế.
Tuần trước, Liên Hiệp Châu Âu và cộng đồng thế giới không ngừng gặp gỡ để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người nhập cư chưa từng có từ Thế Chiến thứ hai tới nay. Được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh ngày 09/10, Liên Hiệp Châu Âu được phép khám soát tầu bè ngoài khơi Địa Trung Hải trong chiến dịch mới mang tên « Sophia ».
Trong vòng một năm, sáu tầu chiến được các nước thành viên cung cấp, trong đó có Pháp, có thể tuần tiễu, kiểm tra, tịch thu và phá hủy những chiếc tầu có thể được các tập đoàn buôn người sử dụng. Những kẻ buôn người bị bắt sẽ bị xét xử tại Ý. Còn những người nhập cư sẽ được đưa tới nước này, tại đây đơn xin tị nạn của họ sẽ được xem xét.
Trong giai đoạn ba của chiến dịch « Sophia », chiến dịch quân sự ngoài khơi Địa Trung Hải có thể sẽ được phép mở rộng hoạt động vào sâu vùng lãnh hải của Libya, cùng với sự hiện diện trên lãnh thổ nước này. Chính vì vậy, các nước phương Tây không ngừng ủng hộ thành lập một chính phủ đoàn kết tại Libya bao gồm thành viên của hai chính phủ đối lập nhau hiện nay. Theo thông báo đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Bernardino Leon đưa ra vào nửa đêm thứ Năm và thứ Sáu tuần trước, hai phe đối lập đã đạt được một bản hiệp định hòa bình chung. Chính phủ đoàn kết Libya sẽ giúp Châu Âu tiến hành hiệu quả hơn kế hoạch chống buôn người. Đổi lại, Liên Hiệp sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho chính phủ mới, mà hiện nay 100 triệu euro đã sẵn sàng được gửi tới Libya.
Tối thứ Năm tuần trước, trong một cuộc họp tại Luxembourg, đại diện các nước nằm trên « trục đường Balkan » và khu vực Địa Trung Hải đã được yêu cầu tiến hành những biện pháp kiểm soát cần thiết và chấp nhận người nhập cư bị gửi trả về. Qua đó, Liên Hiệp cũng muốn đưa ra thông điệp rằng Châu Âu không phải là miền đất hứa đối với người nhập cư kinh tế. Vì vậy, Liên Hiệp cũng dự định kiểm tra gắt gao hơn đường biên giới bên ngoài của khu vực, vì lo ngại rằng « nếu không có những biện pháp hiệu quả hơn, sự sống còn của khối Schengen có nguy cơ bị đe dọa », theo nhận định của Luxembourg, đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu.
Tranh thủ tình hình hỗn loạn từ làn sóng nhập cư, các phe phái cực hữu tại Châu Âu ngày càng lớn mạnh. Vẫn theo Le Monde, tư tưởng bài ngoại ngày càng rầm rộ tại các nước Áo, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Ý và Anh.
Khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ : Nỗi đau chưa có lời giải thích
Vụ khủng bố tại thủ đô Ankara hôm thứ Bẩy tuần trước và cuộc biểu tình phản đối chính phủ ngày hôm qua đều được các nhật báo Pháp đề cập trong số ra hôm nay.
Chiếm trọn trên trang nhất của tờ Libération là hình một người biểu tình tay cầm bông hoa cẩm chướng và ảnh của các nạn nhân, kèm theo lời nhận định : « Sau vụ khủng bố khiến gần 100 người thiệt mạng, đất nước đang tìm cách thoát khỏi « mớ bòng bong » có thể sẽ dẫn tới một cuộc nội chiến ».
Còn chuyên mục « Quốc tế » của tờ Le Figaro đề cập tới « Sự tức giận bùng nổ sau vụ khủng bố tại Ankara ». Trong khi chính quyền cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo là thủ phạm, thì các phe đối lập cáo buộc trách nhiệm gián tiếp của Nhà nước. Selahattin Demirtas, đồng Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhân dân Kurdistan, phát biểu rằng « Vụ tấn công không phải nhắm vào Nhà nước và quốc gia, mà là do Nhà nước thực hiện chống lại người dân ».
Trang nhất của La Croix thì nhận định : « Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với rạn nứt xã hội » và vụ khủng bố ngày thứ Bẩy vừa qua càng chứng tỏ những bất đồng sâu sắc đang chia rẽ đất nước đúng thời kỳ mở cửa trở lại.