Tin Thế Giới – 13/10/2015
Hoà Lan điều tra: MH17 bị hỏa tiễn bắn
Chiếc phi cơ MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn là do một trái hỏa tiễn Buk do Nga sản xuất, Ủy ban An toàn Hà Lan nói.
Hỏa tiễn đã bắn trúng phần trước bên trái, khiến các phần khác của máy bay bị gãy vỡ, Ủy ban nói trong bản báo cáo cuối cùng hoạt động điều tra vụ tai nạn hồi tháng Bảy 2014, là vụ đã khiến 298 người trên khoang thiệt mạng.
Phương Tây và Ukraine nói các phiến quân do Nga hậu thuẫn đã bắn hạ chiếc Boeing 777. Nhưng Nga nói hỏa tiễn đó được bắn lên từ vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Bản phúc trình không phân tách rõ việc quy trách nhiệm, nhưng nói vùng không phận đó lẽ ra đã phải được đóng.
Các nhà điều tra Hà Lan không thể xác định được là những người trên khoang chết vào thời điểm nào. Bản phúc trình giải thích thêm rằng không loại trừ khả năng có một số người đã bất tỉnh trong thời gian khoảng một phút rưỡi, trước khi máy bay lao xuống đất.
Chiếc phi cơ bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã lao xuống vùng do các phiến quân kiểm soát ở đông Ukraine hôm 17/7/2014, đúng lúc cuộc xung đột giữa binh lính chính phủ và các phiến quân muốn ly khai được Nga hậu thuẫn đang lên tới đỉnh điểm.
Ủy ban An toàn Hà Lan đã trình bày kết quả điều tra với các thân nhân nạn nhân trước khi công bố trong cuộc họp báo tại căn cứ quân sự Gilze-Rijen ở Hà Lan.
Ủy ban đã để trong phòng họp báo những phần được phục dựng của chiếc phi cơ bị rớt ở vùng Donetsk do phiến quân kiểm soát.
Người đứng đầu Ủy ban An toàn Hà Lan Djibbe Joustra nói những phần thu được của máy bay cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn là do một trái hỏa tiễn chứ không phải do sao băng, hỏa tiễn không đối không hay do phát nổ từ bên trong.
Ông nói vết sơn được tìm thấy trên các mảnh vỡ kim loại bên trong máy bay phù hợp với các mảnh vỡ hỏa tiễn trên mặt đất.
Các bằng chứng dẫn tới một đầu đạn 9N314M, vốn cũng vừa với hỏa tiễn 9M38M1 được phóng đi bằng hệ thống hỏa tiễn đất đối không Buk, bản phúc trình nói.
Ông Joustra nói có đủ lý do để đóng cửa không phận Ukraine đối với các tuyến bay thương mại, nhưng Ukraine đã không làm việc đó, và trong ngày xảy ra vụ việc, đã có 160 chuyến bay bay qua cùng khu vực này.
Ủy ban không có thẩm quyền để phân tách việc quy trách nhiệm, theo các quy định về điều tra tai nạn hàng không quốc tế.
Một cuộc điều tra hình sự do Hà Lan dẫn đầu được trông đợi sẽ công bố kết quả điều tra trong một vài tháng tới.
Ông Joustra cho rằng chiếc phi cơ của Malaysia nhiều khả năng bị rớt do trúng một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, và giới chuyên gia nói quân đội của cả Nga lẫn Ukraine đều có thứ vũ khí này.
Chính phủ Ukraine và một số quan chức phương Tây nói hỏa tiễn này được mang từ Nga vào và được phóng đi từ phần do các phiến quân kiểm soát tại Ukraine.
Báo cáo ‘sai’
Đầu ngày thứ Ba, các quan chức Nga từ Almaz-Antey – hãng quốc doanh sản xuất ra hỏa tiễn Buk – đã một lần nữa bác bỏ các cáo buộc trên.
Trong buổi thuyết trình được chọn thực hiện vào trước lúc Hà Lan công bố kết quả điều tra, các quan chức của Almaz-Antey nói các bằng chứng cho thấy chiếc phi cơ đã bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn đất đối không Buk do các lực lượng Ukraine phóng ra.
Sử dụng đoạn video cho thấy cảnh mô phỏng vụ thân máy bay bị bắn trúng, các quan chức nói bằng chứng về đường đạn đạo cho thấy hỏa tiễn đã được phóng đi từ khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát.
Họ nói hỏa tiễn được phóng ra là loại cũ được sản xuất từ hàng chục năm trước và không còn được dùng trong kho đạn của Nga nữa.
Nga nói các nhà điều tra Hà Lan đã không xem xét tới những kết quả họ đưa ra.
Hồi tháng Bảy, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo đó muốn thành lập một cơ quan quốc tế nhằm điều tra xử lý thảm họa MH17.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó nói việc thành lập một ủy ban như vậy sẽ là “hấp tấp” và “phản tác dụng”. – BBC
Bầu cử quốc hội Myanmar có thể bị hoãn
Cơ quan bầu cử Myanmar hôm nay đã gây áp lực với các đảng phái chính để đòi họ tán đồng việc hoãn lại cuộc bầu cử quốc hội vì những vụ thiên tai mới đây. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok
Các viên chức của Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà Aung San Suu Kyi cho đài VOA biết rằng đảng của họ là đảng duy nhất bày tỏ sự phản đối tại cuộc họp khẩn do Uỷ ban Bầu cử Liên bang (UEC) tổ chức tại thủ đô Naypyidaw.
Ông Win Htein, uỷ viên ban chấp hành trung ương của Đảng NLD, phát biểu như sau.
“Tôi trả lời cho UEC rằng cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2008 đã được tổ chức vài ngày sau bão Nargis, là cơn bão giết chết hơn 100.000 người. Những thiên tai hiện nay không nghiêm trọng bằng Nargis. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi tuyệt đối chống lại việc hoãn ngày bầu cử.
Uỷ ban bầu cử đã viện những vụ lụt lội mới đây gây tử vong cho hơn 100 người ở Hakar thuộc tiểu bang Chin và ở Kawlin thuộc Vùng Sagaing làm lý do để hoãn ngày bầu cử.”
Các cơ quan chính phủ Myanmar và Văn phòng Cứu trợ Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 1 triệu 600 ngàn người “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi lụt lội ở Myanmar trong vài tháng qua.
Đảng Đoàn kết Liên bang (USP), Đảng Phát triển Nông dân (FDP) và Đảng Phát triển Quốc gia (NDP) tán thành đề nghị hoãn ngày bầu cử. Các nhà quan sát cho biết 3 đảng khác tuyên bố họ để cho uỷ ban bầu cử toàn quyền quyết định về vấn đề này. Một số đảng khác thuộc các sắc tộc thiểu số đã không đến dự cuộc họp khẩn này, mặc dù họ được mời.
Trước đó, uỷ ban bầu cử loan báo cuộc đầu phiếu ngày 8 tháng 11 sẽ không được tổ chức tại hàng trăm ngôi làng – chủ yếu là ở các khu vực của người sắc tộc thiểu số ở tiểu bang Kachin và tiểu bang Shan, nơi các nhóm vũ trang tiếp tục chống lại sự kiểm soát của chính phủ trung ương.
Một số người suy đoán yếu tố chính trị là nguyên do chính của việc hoãn ngày bầu cử.
Nhiều nhà phân tích dự báo đảng NLD của phe dân chủ đối lập, đối thủ chính của phe quân đội, sẽ giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử sắp tới.
Uỷ ban bầu cử dự kiến sẽ đưa ra loan báo trong vài ngày tới đây, và một số chính khách dự kiến uỷ ban này sẽ quyết định hoãn ngày bầu cử bất chấp sự chống đối của đảng NLD.
Bà Aung San Suu Kyi, nữ chính khách đoạt giải Nobel Hoà bình, hôm thứ bảy vừa qua đã phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Yangon. Bà kêu gọi những người ủng hộ đề cao cảnh giác trong ngày bầu cử vì “có thể có những người cố tình dàn dựng những vụ rối loạn.”
Đảng NLD đã chiếm được 80% ghế ở quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng kết quả đó đã bị quân đội tuyên bố vô hiệu hoá. Họ đã không chịu chuyển giao quyền hành và giam lỏng bà Suu Kyi trong nhiều năm.
Cuộc đầu phiếu sắp tới là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự lên nắm quyền vào năm 2011. Tuy nhiên, vì quân đội vẫn nắm chặt tiến trình bầu cử, nhiều người e rằng cuộc bầu cử có thể không được công bằng và tự do.
Theo luật lệ của Myanmar, cuộc bầu cử sắp tới phải được tổ chức trong vòng từ 30 đến 60 ngày trước khi quốc hội khoá sau khai mạc phiên họp đầu tiên của họ vào ngày 30 tháng giêng.
Hơn 6.000 người ghi danh để tranh các ghế đại biểu tại quốc hội và nghị viện tiểu bang. Tuy nhiên, ít nhất 75 ứng viên thuộc phe độc lập hoặc thuộc các đảng đối lập đã bị bác đơn ứng cử, nhiều người vì qui chế quốc tịch của cha mẹ họ.
Trong số đó có khoảng 15 hoặc 18 ứng viên thuộc Đảng Dân chủ Nhân quyền, là đảng mà đa số đảng viên là người theo Hồi giáo và các ứng viên của họ đang tìm cách ra tranh cử tại các đơn vị bầu cử ở tiểu bang Rakhine. – VOA
TC trong nghị trình thảo luận khi TT Nam Hàn đến Washington
Tuần này, Tổng thống Park Geun-hye của Nam Hàn đến Thủ đô Washington để mở các cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama để bàn về việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên và những quan ngại của Hoa Kỳ đối với tình trạng căng thẳng đang tiếp diễn giữa Nam Hàn và Nhật Bản.
Nhưng có phần chắc mối quan hệ mật thiết giữa Nam Hàn và TC cũng sẽ là một đề tài, nhất là sau khi hồi tháng trước Tổng thống Park thu hút sự chú ý trong tư cách là một vị khách nổi bật tại cuộc diễu binh rầm rộ của TC nhân dịp kỷ niệm Thế chiến thứ Hai. Bà Park là một trong số những vị khách duy nhất của một quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ tham dự buổi lễ này.
Phân tích gia trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Sách lược và Quốc tế tại Washington, ông Victor Cha nhận định: “Khi tôi nói chuyện với các giới chức chính quyền về việc đó, tôi không nhận thấy có nhiều nỗi lo âu.”
Khi bà Park hội kiến ông Obama vào ngày thứ sáu tới, có nhiều phần chắc họ sẽ thảo luận xem liệu các nỗ lực của bà nhằm lôi kéo Bắc Kinh đến gần hơn với Seoul và xa ra khỏi Bình Nhưỡng có mang lại hiệu quả hay không. Kể từ khi đắc cử Tổng thống Nam Hàn năm 2012, bà Park đã nhiều lần đi thăm TC và đã tìm cách thiết lập quan hệ thân thiết hơn qua ngoại giao cá nhân và tăng cường quan hệ kinh tế.
Cũng trong thời gian này, quan hệ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã trở nên căng thẳng. Tiếp theo vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã cùng với Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài Bình Nhưỡng. Lên nắm quyền từ năm 2011, Kim Jong Un vẫn chưa đi thăm Bắc Kinh.
Trong khi dường như sách lược của bà Park đã đạt được thành quả trong việc gạt ra ngoài lề mà không khiêu khích Bình Nhưỡng, ông Michael Green, người giữ chức chủ tịch về châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS nêu ra rằng Bắc Kinh tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế cấp thiết cho Bắc Triều Tiên.
Ông Green lập luận, “Về thực chất những gì TC đang làm để giúp cho vấn đề Bắc Triều Tiên, vẫn còn phải chờ xem sự đầu tư này có đem lại kết quả hay không.”
Quan Hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng
Chỉ mới hồi cuối tuần rồi, một phái đoàn của TC dưới sự lãnh đạo của Lưu Vân Sơn, lãnh tụ đứng hàng thứ năm trong đảng Cộng sản Trung Hoa, đã đến dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động cầm quyền, trong một cử chỉ dường như để bày tỏ sự hậu thuẫn cho Kim Jong Un.
Trong cuộc diễu binh của quân đội Bắc Triều Tiên, Lưu đã đứng cạnh Kim và người ta thấy 2 người mỉm cười và chuyện trò với nhau.
Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục ngưng các hành động khiêu khích như thử nghiệm phi đạn và thay vì thế hợp tác trong việc chủ trì những cuộc đoàn tụ các gia đình bị phân ly dự trù bắt đầu vào tuần tới, thì áp lực có thể đè nặng khiến Seoul phải hơi tách ra khỏi Washington và nới lỏng các biện pháp chế tài Bình Nhưỡng.
Trong khi liên minh quân sự vẫn vững mạnh với trên 28 ngàn binh sĩ Mỹ trú đóng ở Nam Hàn, có một vài quan ngại rằng chính phủ Park đang cưỡng lại yêu cầu của Washington muốn thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD trong nước để khỏi gây mất thân thiện với Bắc Kinh. Cả Washington lẫn Seoul đều phủ nhận điều này và nói hiện vẫn chưa có lời yêu cầu chính thức của Hoa Kỳ có liên quan đến hệ thống THAAD.
Cũng có những quan điểm trong khu vực cho rằng Nam Hàn không muốn liên kết với Hoa Kỳ để chỉ trích TC về các hành động hung hăng ở Biển Đông hay những vụ vi phạm nhân quyền. Ông Green của CSIS nói trong thời gian ở Washington, bà Park nên đề cập đến vấn đề này.
Ông Green nói, “Rõ ràng, tôi nghĩ điều sẽ rất quan trọng là Tổng thống Park phải giải thích một quan điểm về tương lai của châu Á cho thấy điều mà tất cả chúng ta đều biết là Triều Tiên có cam kết với một trật tự công khai dựa vào pháp trị và dân chủ và không có sự cưỡng ép.”
Căng thẳng với Tokyo
Ngược lại với sự thân thiện ngày càng tăng của Nam Hàn với TC là cuộc tranh chấp đang tiếp diễn với Tokyo và hàng ngàn “an úy phụ” Triều Tiên đã bị buộc phải làm gái mãi dâm trong Thế chiến thứ hai.
Trong một bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không đưa ra lời xin lỗi công khai mà bà Park yêu cầu trước khi gặp ông.
Nhưng bà Park quyết định bỏ lời yêu cầu đó bởi vì ông Abe đã hứa sẽ tôn trọng những lời cáo lỗi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây, kể cả Thông cáo Kono năm 1993 đưa ra lời xin lỗi và tỏ ý hối hận với các an úy phụ.
Bà Park và ông Abe đã đồng ý họp với Tập Cận Bình trong một cuộc họp thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay.
Nhưng vấn đề này tiếp tục gây khó khăn cho bang giao giữa hai đồng minh quan trọng của Washington tại châu Á.
Về vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế, bà Park và ông Obama có phần chắc sẽ thảo luận về lợi ích của Nam Hàn trong việc tham gia hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP bao gồm 12 quốc gia Thái Bình Dương kể cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nhưng việc mở rộng số thành viên của TPP có thể phải mất nhiều năm bởi vì thỏa thuận phải đối mặt với một tiến trình phê chuẩn lâu dài rồi phải được thực thi trong các thành viên sáng lập trước khi có thể thêm bất cứ thành viên mới nào. – Theo VOA
Đảng Dân Chủ Mỹ tiến hành cuộc tranh luận đầu tiên
Sau khi theo dõi các ứng cử viên Đảng Cộng Hoà đối đáp với nhau trong hai đợt tranh luận, giờ đã tới phiên các thành viên Đảng Dân Chủ muốn trở thành vị tổng thống của Hoa Kỳ tranh luận trong ngày hôm nay khi họ lên sân khấu tại Las Vegas để dự cuộc tranh luận đầu tiên trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2016.
Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton và vị thế của bà trong tư cách ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua trong nội bộ Đảng Dân Chủ sẽ đặt bà ở trung tâm cuộc tranh luận, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bà được đặt ngay ở vị thế đứng giữa trong nhóm 4 ứng viên khác, với hai người ở hai bên.
Các cuộc thăm dò mới đây đặt bà Clinton ở vị thế dẫn đầu với 40% người ủng hộ, trong khi đối thủ chủ yếu của bà, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, đạt mức ủng hộ 25%.
Trái ngược hẳn với cuộc đua trong nội bộ Đảng Cộng Hoà, các thành viên Đảng Dân Chủ bỏ ít thời giờ để nói chuyện với nhau hơn trong chiến dịch vận động, cho nên cuộc tranh luận vào ngày hôm nay sẽ là một diễn đàn gây nhiều chú ý để so sánh các chính sách cũng như quá trình hoạt động của các ứng viên.
Một khác biệt lớn khác so với Đảng Dân Chủ, là số ứng viên dự tranh. Cùng ra dự tranh với bà Clinton và ông Sanders có cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb và cựu Thượng nghị sĩ Rhode Island Lincoln Chafee. 3 ứng viên sau cùng đã chật vật phấn đấu để mức ủng hộ của họ lên tới được có 1% trong các cuộc thăm dò hồi gần đây.
Điều này càng khiến cho đêm tranh luận thứ Ba càng quan trọng hơn nữa đối với các ứng cử viên này, nhất là vì Uỷ ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ chỉ thu xếp 6 cuộc tranh luận cho các ứng cử viên tổng thống của họ, ít hơn phân nửa so với phe Cộng Hoà.
Cuộc tranh luận này có thể là cơ hội tốt nhất cho các ông O’Malley, Webb và Chafee để nâng cao vị thế của họ trước khi một nhân vật được nhiều người biết tiếng khác tham gia cuộc đua. Đó là Phó Tổng Thống Joe Biden, ông không tham gia cuộc tranh luận hôm nay, nhưng vẫn đang cân nhắc liệu có ra dự tranh chức tổng thống hay không.
Kết quả một cuộc thăm dò mới do hãng tin Reuters và Ipsos công bố hôm qua, cho thấy 48% người theo Đảng Dân Chủ được thăm dò muốn ông Biden tham gia cuộc đua. Nếu ông dự tranh, theo kết quả thăm dò, bà Clinton sẽ vẫn dẫn đầu, ông Sanders vẫn về nhì và ông Biden sẽ ở vị thế số 3, với 17% người được thăm dò ủng hộ ông. – VOA