Nhận xét về dân chủ tại Ðại hội Ðảng CSVN

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhận xét về dân chủ tại Ðại hội Ðảng CSVN

Nguyễn Đình Cống

Quy định ĐH chỉ được bầu người có trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị, không công nhận người được ứng  cử hoặc đề cử trực tiếp tại ĐH là một quy định phản dân chủ. Tôi rất hy vọng vào việc tại ĐH XII sắp tới có được vài đại biểu đứng lên phản bác, đòi bỏ ngay điều vô lý, phản dân chủ ở trên để ĐH thảo luận và biểu quyết, vì ĐH có quyền cao hơn cả. Nếu ĐH không làm được việc này thì chỉ lộ rõ là toàn bộ đại biểu dự ĐH không có ai có được đồng thời trí tuệ và sự dũng cảm cần thiết. Một ĐH mà không có lấy nổi vài đại biểu có đồng thời cả trí tuệ và dũng cảm thì kết quả của nó liệu có đáng tin cậy.
Đại hội Đảng bàn nhiều vấn đề trong đó bầu ban lãnh đạo mới thuộc vấn đề thiết yếu nhất. Quyền dân chủ thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó quyền tự do trong bầu cử thuộc loại quan trọng nhất.
Ở Việt nam có chuyện lạ là chưa bầu cử nhưng nhiều người đã biết chắc ai sẽ trúng vào chức vụ gì. Vào năm 2011, khi Quốc hội chưa họp để bầu Chủ tịch nước và các chức danh chủ chốt thì nhiều người đã khẳng định “Sang Trọng Hùng Dũng”. Việc bầu người vào cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và các cuộc bầu cử trong các cơ quan đó đều theo lối “Đảng cử, dân bầu”, chỉ là dân chủ hình thức, thực chất là mất dân chủ, là bị áp đặt. Tưởng rằng việc như vậy chỉ xảy ra với nhân dân và cơ quan dân cử, không ngờ trong Đảng còn mất dân chủ hơn và trong Đại hội các cấp còn mất dân chủ hơn nữa. Mất dân chủ như vậy thì làm sao bầu ra được những người thực sự có năng lực, thực sự xứng đáng.
Đảng kêu gọi ĐỔI MỚI, nhưng những việc liên quan đến chính trị, đến thể chế thì cố duy trì cái cũ. Đổi mới quan trọng nhất là đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, từ đó mới có đổi mới trong hành động. Với mỗi người thì đó là sự tự đổi mới tư tưởng, quan điểm, một việc rất khó, phải có được nhận thức cao, phải tự đấu tranh để chiến thắng bản thân. Với tổ chức thì đổi mới tư duy có thể theo và kết hợp hai cách: (1) Phát hiện và dùng những người có tư duy mới, thay thế người có tư duy cũ hoặc người tuy có đổi mới trong lời nói nhưng bản chất vẫn là cũ, họ nói muốn đổi mới chỉ để đánh lừa; (2) Dùng lại một số người cũ đã chứng tỏ tự đổi mới thực sự. Trong hai cách trên thì cách 1 có hiệu quả hơn, chỉ khi không tìm ra người như vậy mới buộc phải dùng cách 2 và kết hợp.
Xem xét ĐH các cấp thấy rằng ĐH cấp dưới phải chịu sự chỉ đạo chặt chẽ cuả cấp trên liền kề. Mà đó là cấp trên cũ, cấp trên sẽ được thay thế. Nếu gặp may (mà gặp may là rất ít), có được cấp trên đã tự đổi mới, biết tôn trọng cấp dưới, biết ủng hộ cái mới, biết tôn trọng dân chủ thì kết quả bầu cử có nhiều khả năng chọn được người có năng lực, có phẩm chất. Còn nếu gặp phải cấp trên nặng tư duy cũ, cấp trên cần phải thay đổi thì họ thường chỉ đạo để bầu ra những người theo cùng quan điếm, nhân dân thường gọi là Nguyễn Y Vân, Vũ Như Cẫn.
Trong một thư góp ý trước đây, tôi có đề nghị ở các ĐH cấp dưới nên bầu cử 2 vòng. Vòng 1 chỉ bầu đại biểu đi dự ĐH cấp trên và bầu cử trên nền tảng dân chủ thực sự, bầu ra người đại diện cho tư duy mới. Cấp trên có xuống dự thì chủ yếu là quan sát, theo dõi chứ không chỉ đạo bầu cụ thể. Vòng 2, sau ĐH trung ương sẽ bầu cấp ủy mới. Cách làm như vậy đã từng được thực hiện nhưng rồi bị bãi bỏ. Ý kiến của tôi chắc cũng nhanh chóng bị vứt vào sọt rác, chẳng ai thèm quan tâm, bị cho là “trứng đòi khôn hơn vịt”.
Quy định ĐH chỉ được bầu người có trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị, không công nhận người được ứng cử hoặc đề cử trực tiếp tại ĐH là một quy định phản dân chủ. Tôi rất hy vọng vào việc tại ĐH XII sắp tới có được vài đại biểu đứng lên phản bác, đòi bỏ ngay điều vô lý, phản dân chủ ở trên để ĐH thảo luận và biểu quyết, vì ĐH có quyền cao hơn cả. Nếu ĐH không làm được việc này thì chỉ lộ rõ là toàn bộ đại biểu dự ĐH không có ai có được đồng thời trí tuệ và sự dũng cảm cần thiết. Một ĐH mà không có lấy nổi vài đại biểu có đồng thời cả trí tuệ và dũng cảm thì kết quả của nó liệu có đáng tin cậy?
Hiện nay BCH Trung ương Đảng đang họp kỳ thứ 12 (nhiệm kỳ 11) để bàn một số việc, trong đó vấn đề nhân sự của ĐH là quan trọng bậc nhất. Tổng bí thư cho rằng đã qua 2 vòng đề cử, Bộ Chính trị đã có một danh sách đáng tin cậy để đưa ra cho TƯ thông qua. Danh sách bầu cử sẽ được TƯ chốt chặt lại. Đó là một cách làm vi phạm quyền dân chủ của các đại biểu, hạ thấp vai trò của Đại hội, càng làm mất thêm lòng tin của toàn Đảng, toàn dân. Tại ĐH VI từng có chuyện liên quan đến đổi mới là Dự thảo báo cáo đã viết xong, bị xóa bỏ để viết lại. Hy vọng ở ĐH XII này sẽ có gì đó tương tự xảy ra, danh sách bầu cử đã chốt rồi bị ĐH xóa bỏ để lập lại danh sách khác, phản ảnh được xu thế đổi mới về quan điểm chính trị, quan điểm về đổi mới thể chế, lấy lại phần nào lòng tin của toàn Đảng, toàn dân…
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN