Tin Thế Giới – 2/10/2015
Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt sau các vụ đánh bom ở Quảng Tây
Giới hữu trách ở Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm duyệt truyền thông trong nước tường thuật về những vụ đánh bom gây chết người ở tỉnh Quảng Tây, trong đó có 7 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương vào trước ngày lễ Quốc Khánh.
Một thông cáo của cục tuyên truyền trung ương công bố hôm qua hạn chế tất cả các cơ quan truyền thông Trung Quốc, kể cả mạng truyền thông xã hội, không được gửi phóng viên đến Liễu Châu hay đăng tải các bài tường thuật đặc biệt trong khi một thông cáo khác của cục phụ trách không gian ảo cấm việc sử dụng các hình ảnh cận cảnh về các vụ nổ.
Chỉ thị được một hãng tin độc lập là China Digital Times, chuyên tường thuật về các chính sách kiểm duyệt, trích dẫn nói rằng: “Chỉ đăng tải lại các nguồn tin có thẩm quyền như Xinhua News… Những người vi phạm phải điều chỉnh ngay tức khắc vấn đề này và xóa bỏ các bài đã đăng”.
Các từ khóa tìm kiếm có liên quan đến các vụ nổ hay nghi can trên các cổng thông tin và mạng truyền thông xã hội như Weibo sau đó đã bị kiểm duyệt gắt mặc dù công an đã xác định bản chất những vụ nổ là “hình sự”.
Giới phê bình nói việc chính quyền Trung Quốc giảm thiểu việc lan truyền tin xấu hay khả năng phổ biến tin đồn là chuyện thường tình, nhất là khi các vụ nổ lại xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm trước ngày ăn mừng lễ Quốc Khánh.
Họ cũng lo ngại tin xấu có thể châm ngòi cho những ảnh hưởng chính trị hay gây phương hại cho thanh danh của nhà nước vì nó chứng tỏ chính phủ đã không quảng bá pháp trị một cách hữu hiệu, theo lập luận của nhà bỉnh bút Willy Lam làm việc tại Hồng Kông.
Ông Lam nói: “Đó là một thí dụ nữa về các công dân bất mãn sử dụng các phương tiện riêng và rất bạo động cho hả sự bất mãn bởi vì họ không có cách nào khác để có được công lý về những vấn đề nghiêm trọng với các tòa án Trung Quốc thường bị chính trị hóa một cách nặng nề”.
Ông Lam nói thêm rằng dân chúng Trung Quốc đã mất tin tưởng vào hệ thống pháp lý, đặc biệt trong trường hợp ở các vùng nông thôn như Liễu Châu, nơi tòa án có phần chắc nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản.
Về việc điều tra các vụ nổ, giới hữu trách ở Liễu Châu không cung cấp tin tức cập nhật trong ngày hôm nay.
Nhưng họ đã xác nhận ông Ngụy Ngân Dũng, 33 tuổi, ở thị trấn Đả Phố Lộ, là nghi can chính và đưa tên đương sự vào danh sách truy nã.
Theo một thông cáo của cảnh sát, đăng trên nhật báo Southern Metropolis, ông Ngụy là một người ở địa phương thuộc xã Cần Kiệm ở Đả Phố Lộ. Ông ta đã làm việc tại một mỏ đá gần đó và đã từng đi du hành Thái Lan hồi đầu tháng 12.
Một bản tin khác của nhật báo này nói ông Ngụy là một quản đốc về chất nổ tại mỏ đá, nơi cha vợ và vợ cũng làm việc. Ông ta đã từng bị tù một năm vì đã đăng những lời bình phẩm trên mạng và bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”.
Truyền thông địa phương tường thuật rằng trước khi xảy ra những vụ nổ, ông Ngụy bị phát hiện đã đăng những lời bình quá khích như “Đã đến lúc phải giết. Chính chính quyền địa phương đã buộc tôi phải sử dụng phương tiện này”.
Trong khi đó, hai trong số những người bị thương nói với nhật báo này rằng họ đã được cho tiền để giao những kiện hàng cho một người lạ. Một người nói kiện hàng đã nổ sau khi anh ta mở nó ra theo lời yêu cầu của người nhận trong khi một người khác nói rằng kiện hàng phát nổ sau khi anh ta quay lại xe khi không tìm thấy người nhận tại một trường tiểu học. – VOA
Trung Quốc lần đầu tiên phái tàu ngầm hạt nhân tuần tra chiến đấu — Triển khai sang Biển Đông: Tàu chiến Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng
Một tàu ngầm loại 094 của Trung Quốc, được trang bị phi đạn có khả năng bắn tới Hoa Kỳ, có thể đã bắt đầu tuần tra chiến đấu, theo một nguồn tin ở Hồng Kông.
Quân đội Giải phóng Nhân dân, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc, cho biết, ông Lưu Minh Lợi, ủy viên chính trị của Hạm đội Nam Trung Hoa của Bắc Kinh, đã khen thưởng công trạng hạng nhất cho 41 thành viên của căn cứ hải quân Vịnh Yalong trên đảo Hải Nam. Theo tờ Minh Báo của Hồng Kông, lễ trao thưởng chứng tỏ Trung Quốc phái các tàu ngầm nguyên tử lớp Jin thực hiện cuộc tuần tra chiến đấu lần đầu tiên.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Ngũ Giác Đài cho biết hồi tháng 9 rằng Hải quân Trung Quốc có thể sẽ triển khai một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo JL-2 nhưng không đưa ra ngày cụ thể.
“Khả năng duy trì tuần tra răn đe liên tục là cột mốc quan trọng đối với vũ khí hạt nhân”, ông Larry Wortzel, thành viên của Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung do quốc hội Mỹ thành lập, nói với Bloomberg ngày 24/9. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ công bố khả năng này nhằm phô trương sức mạnh và uy tín”.
Ủy ban Giám sát An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung cho biết, phái tàu tuần tra là một bước tiến quan trọng đối với Trung Quốc.
Các tên lửa JL-2 có tầm bắn 4.600 dặm và có thể bắn tới Alaska nếu khai hỏa từ khu vực gần Nhật Bản, và tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ nếu bắn từ vùng biển phía đông của Hawaii.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, 41 thành viên của căn cứ hải quân Vịnh Yalong đã phóng thành công tên lửa JL-42 SLBMs từ tàu ngầm loại 094 hồi tháng 11 năm 2013 và đã được ghi nhận với giải thưởng đầu tiên.
Ông Anthony Wong, chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế Macau, cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các tàu ngầm loại 094 vào năm 1985, và lần đầu tuần tra vào năm 2005, nhưng Bắc Kinh đã vấp phải trì hoãn trong việc phóng thử tên lửa JL-2.
Tàu ngầm của Trung Quốc sẽ cần phải đi qua các rạn san hô ở Biển Đông để không bị các máy bay trinh sát tầm ngắn của Hoa Kỳ phát hiện. – VOA
***
Hải quân Ấn Độ, ngày hôm nay, 02/10/2015 thông báo, tàu chiến INS Sahyadri tới thăm cảng Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, trong vòng bốn ngày. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch triển khai hải quân tới khu vực Biển Đông và trong chính sách “Hướng đông” của New Delhi.
Theo báo Economic Times, chuyến thăm cảng Đà Nẵng của tàu Sahyadri nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương, nâng cao khả năng phối hợp hành động giữa hải quân hai nước. Tháng 08/2014, các tàu chiến của Ấn Độ đã ghé thăm cảng Hải Phòng, miền bắc Việt Nam.
Tàu Sahyadri thuộc lớp Shivalik, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo Hải quân Ấn Độ, đây là loại tàu đa năng và được trang bị một hệ thống vũ khí hiện đại, như tên lửa tầm xa chống hạm, các loại tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn, nhiều loại pháo đối phó với các mối đe dọa trên không và trên bộ. Bên cạnh đó, tàu còn có thêm hai trực thăng đa năng nâng cao đáng kể sức mạnh hỏa lực.
Trong thời gian thăm cảng Đà Nẵng, nhiều hoạt động hợp tác giữa hải quân hai nước được dự kiến, như trao đổi gặp gỡ với chỉ huy hải quân Việt Nam, đón tiếp người dân lên thăm tàu. Hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng phối hợp trao đổi thông tin cũng như trong các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Sau Đà Nẵng, tàu Sahyadri sẽ tới vịnh Sagami, Nhật Bản để tham dự Lễ Duyệt binh Hải quân (International Fleet Review).
Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năm 2003, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập cơ chế “Đối thoại an ninh”. Năm 2007, hai nước ký Thông cáo chung về việc “Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược” và năm 2009, New Delhi và Hà Nội ký “hợp tác quốc phòng”. Các tài liệu nói trên làm cơ sở cho việc tăng cường hợp tác hải quân giữa hai nước. – RFI
CIA ‘rút nhân viên khỏi Bắc Kinh’
CIA rút nhân viên ra khỏi sứ quán tại Bắc Kinh, Trung Quốc vì sợ dữ liệu bị ăn cắp có thể làm lộ điệp viên của họ, theo báo Washington Post.
Hồi tháng Tư, dữ liệu về 21 triệu nhân viên chính phủ Mỹ đã bị đánh cắp từ Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM).
Các công ty an ninh cho rằng tin tặc Trung Quốc là thủ phạm.
Nhân viên cơ quan tình báo Mỹ CIA giấu tên nói với báo Washington Post quyết định rút khỏi Bắc Kinh là nhằm “đề phòng”.
CIA từ chối bình luận chính thức.
Vụ đánh cắp dữ liệu ở OPM không có thông tin về nhân viên CIA, nhưng có hồ sơ kiểm tra nhân thân nhân viên của Bộ ngoại giao.
Tờ báo Washington Post nói những người làm việc ở sứ quán Mỹ nhưng không bị bộ ngoại giao Mỹ kiểm tra chính là người của CIA. – BBC
Bão Joaquin tăng cường độ thành bão cấp 4
Bão Joaquin đã gia tăng cường độ khi nó quét qua quần đảo Bahamas hôm thứ Năm và trở thành bão cấp 4 “cực kỳ nguy hiểm,” Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết.
Joaquin, với sức gió trung bình là 205 km/giờ, đã gây nên mưa lớn, lũ nhỏ và nước triều dâng cao đáng kể khi nó ập vào những hòn đảo thưa dân ở trung tâm và phía đông.
Đây là cơn bão thứ ba trong mùa bão Đại Tây Dương của năm 2015.
Nhà chức trách ở các bang dọc Bờ Đông của Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị đón bão, có thể sẽ đổ bộ vào đầu tuần sau, gần ba năm sau khi Siêu bão Sandy tàn phá bang New York và New Jersey, làm thiệt mạng hơn 120 người và gây thiệt hại tài sản khoảng 70 tỉ đôla.
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ ở thành phố Miami cho biết cơn bão Joaquin sẽ hoành hành ở trung tâm quần đảo Bahamas với gió và mưa suốt đêm ngày thứ Năm, nói thêm rằng San Salvador, Đảo Cat và Rum Cay dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất trước khi cơn bão chuyển lên hướng bắc tiến về phía Mỹ.
Cơ quan dự báo cho biết nước triều bão sẽ dâng lên từ 1,5 tới 3 mét ở trung tâm Bahamas, có thể lên đến 51 centimét nước mưa ở một số khu vực.
Grand Bahama, New Providence
Trước đó, một cảnh báo bão đã được ban hành cho hai hòn đảo Grand Bahama và New Providence, nơi tập trung đa số dân cư hơn 375.000 người của đảo quốc này.
Khó dự đoán được đường đi của bão Joaquin sau khi quét qua Bahamas. Nhưng ít nhất một mô hình máy tính dự đoán nó đi thẳng vào Vịnh Chesapeake của bang Virginia và Maryland vào Chủ nhật và Thứ hai trong khi xuống thành bão cấp 2. Đó sẽ là tin xấu cho những thành phố lớn nằm trong đất liền như Washington, Baltimore và Philadelphia.
Một dự báo khác cho thấy nó đi ra ngoài biển, cách xa bờ.
Trong một sự kiện riêng biệt, một hệ thống áp thấp bao phủ vùng ven Bờ Đông được dự báo sẽ trút vài centimét nước mưa trong ngày thứ Năm và thứ Sáu. – VOA