Điểm Báo Pháp – 24-9-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 24-9-2015

Một công trường xây dựng tại Jakarta – REUTERS

Thanh Hà – 24-09-201

Công nhân TC đe dọa Indonesia?

Liệu rằng làn sóng lao động nhập cư từ TC kéo sang, về lâu dài có là mầm mống xung đột tôn giáo và sắc tộc cho Indonesia hay không? Đó là câu hỏi tờ Tempo phát hành tại Jakarta đã nêu lên và được tuần san Courrier International của Pháp trích dẫn lại trong số báo ra ngày 24/09/2015.

Dưới hàng tựa «Lo ngại bị công nhân TC xâm lấn», tác giả bài viết nêu lên mâu thuẫn lớn trên thị trường lao động Indonesia ngày nay: mặc dù có tới 7 triệu người đang thất nghiệp, đa số là thành phần lao động chân tay, thế nhưng Indonesia quốc gia Hồi giáo đông dân nhất địa cầu này lại mở rộng cửa đón người lao động nước ngoài.

Hiện đang có rất nhiều các công trường xây dựng do các tập đoàn TC đầu tư và điều hành. Công nhân TC đổ bộ tới Indonesia. Không biết rõ số họ la bao nhiều nhưng có những nguồn tin nêu lên con số 25.000 người. Dù lực lượng nhân công đó là bao nhiêu đi chăng nữa thì công luận Indonesia không khỏi bất bình trước hiện tượng «di dân ồ ạt» đó và một số «ngôi làng của các công nhân TC được dựng lên trên lãnh thổ Indonesia.

Bộ trưởng Lao động Indonesia đã phải thanh minh rằng những người lao động nhập cư được các tập đoàn TC điều sang, đã được cấp giấy phép làm việc trong thời hạn tối đa là 6 tháng. Tổng thống Joko Widodo lại vừa bãi bỏ điều khoản, đòi hỏi người lao động nhập cư phải có một số vốn cơ bản về ngôn ngữ xứ ông.

Nhật báo Tempo của Jakarta nhìn nhận biện pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn nước ngoài đến Indonesia hoạt động. Khuyến khích đầu tư ngoại quốc để tạo đà cho một nền kinh tế đã bị đình trệ từ bốn năm qua như Indonesia là một quyết định đúng và không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng không một quốc gia nào trên thế giới lại mở cửa ồ ạt đón công nhân nước ngoài trong khi công nhân trên chính xứ mình lại không có việc làm.

Tác giả bài báo cho rằng đã đến lúc Indonesia cần khẩn cấp xét lại vấn đề, tránh làm dấy lên hiềm tỵ trong lòng những người lao động bị mất việc vì các công nhân nước ngoài nói chung và vì nhân công TC nói riêng. Trong tình huống tế nhị hiện tại, sự hiện diện ngày càng đông của người TC có nguy cơ dẫn tới xung đột về sắc tộc trên lãnh thổ Indonesia. Từ thời kỳ Nam Dương bị người Hà Lan đô hộ tới nay, hiềm khích nhắm vào cộng đồng người Indonesia gốc Hoa vẫn tồn tại – điển hình là qua đợt bạo động hồi năm 1998-. Mối nghi kỵ đó có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà tờ báo Tempo kêu gọi chính quyền Jakarta hãy xét lại điều kiện để cho các tập đoàn ngoại quốc đưa người lao động vào Indonesia.

Tập Cận Bình trấn an giới doanh nhân Mỹ 

Báo chí Paris theo dõi sát chuyến công du Hoa Kỳ của lãnh đạo TC Tập Cận Bình. La Croix trong một bài báo ngắn nêu lên những lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh đọ sức với nhau: quân sự, thương mại, tiền tệ và trọng lượng của TC tại các định chế đa quốc gia. Nhưng đồng thời Mỹ và TC lại cũng chứng minh rằng họ cần nhau để cùng giải quyết một số các hồ sơ lớn của thế giới, như hạt nhân Iran hay chống biến đổi khí hậu.

Le Monde cũng như La Croix nhắc lại: an ninh mạng là cái gai trong quan hệ song phương. Hai siêu cường của thế giới này thường xuyên tố cáo lẫn nhau đánh cắp thông tin mật, đột nhập vào các hệ thống tin học … Ý thức được rằng hình ảnh của TC đang bị xấu đi trong mắt công luận Hoa Kỳ, đặc biệt là trong nhãn quan của một số ứng viên chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Mỹ, do vây Tập Cận Bình lợi dụng chuyến công dài ngày lần nầy để «trấn an các doanh nhân».

Chẳng hạn như trước cử tọa hàng trăm doanh nhân tại Seattle, thành trì của tập đoàn công nghệ hàng không Hoa Kỳ Boeing, lãnh đạo TC đã khẳng định: Bắc Kinh không dung túng các hoạt động tin tặc, tiến trành cải tổ của TC là không thể đảo ngược, hay các nhà đầu tư nước ngoài đến TC hoạt động sẽ được đối xử công bằng…

Chủ tịch TC đã dành cho nhật báo tài chính The Wall Street Journal, cuộc trả lời phỏng vấn duy nhất với báo chí quốc tế, về chuyến công du Hoa Kỳ của ông. Trớ trêu thay là tới nay, ở Bắc Kinh cũng tờ báo này bị đang bị kiểm duyệt chặt chẽ.

Riêng báo Les Echos và phụ trang kinh tế của Le Figaro thì chú ý vào sự kiện lịch sử : lần đầu tiên từ khi được thành lập, hãng Boeing của Mỹ mở chi nhánh ở hải ngoại. Bắc Kinh mua «Máy bay đổi lấy nhà máy gần Thượng Hải: thỏa thuận lịch sử của Boeing với TC». Tờ Les Echos không ngây thơ khi gắn liền việc Boeing thông báo mở cơ xưởng trên quê hương Tập Cận Bình với thông báo của Bắc Kinh mua 300 chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ.

Le Figaro lưu ý: Điểm đầu tiên Boeing chọn để mở chi nhánh ở hải ngoại là TC. Điều đó phản ánh tầm mức quan trọng của thị trường TC đối với hãng máy bay Mỹ này. Theo nghiên cứu mới nhất của Boeing, trong hai thập niên tới, TC cần trang bị hơn 6.300 chiếc máy bay mới tổng trị giá các hợp đồng lên tới 950 tỷ đô la. Có điều, trước mắt dự án mở cơ sở sản xuất ở TC không được nhân viên của tập đoàn này đón nhận một cách mặn mà, bởi nhiều người coi đây là một mối đe dọa tiềm tàng, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ trong nay mai. TC phải chăng là bước đầu tiên để đại tập đoàn hàng không này di dời cơ sở sản xuất ra hải ngoại?

Ai Cập, «đồng minh» mới của Pháp?

Cũng trong phần tin tin kinh tế, tất cả các tờ báo Paris đều thở phào nhẹ nhõm trước việc Pháp đã tìm được khách hàng mua lại hai chiến hạm Mistral tồn kho vì không bán được cho Nga. «Pháp bán Mistral cho đồng minh Ai Cập», tựa của tờ báo thân hữu Le Figaro. Quan hệ giữa Paris với Cairo đang trong một chu kỳ tốt đẹp : sau khi đã bán được cho Ai Cập 24 chiếc chiến đấu cơ Rafale giờ đến lượt tàu Mistal. Libération thiên tả nêu lên câu hỏi vì sao Cairo lại cần mua lại chiến hạm của Pháp?

Về phần mình tạp chí Challenges ấn bản trên mạng kể lại «6 tuần lễ cuộc chạy đua nước rút» giữa Paris với Cairo để hoàn tất hợp đồng mua 2 chiếc Mistral mà Pháp đã chế tạo cho Hải quân Nga. Thế rồi khủng hoảng Ukraina đã buộc Paris phải hủy hợp đồng với Matxcơva, bồi thường cho Nga gần 1 tỷ euro.

Nhưng đằng sau hợp đồng 950 triệu euro mà Paris vừa đạt được với «đồng minh» mới là Ai Cập còn có bàn tay của Matxcơva. Le Figaro khẳng định: điện Kremli đã đồng ý về nguyên tắc để Pháp bán lại chiếm hạm Mistral có một số trang thiết bị điện tử của Nga với điều kiện khách hàng phải là Ai Cập hay Ấn Độ. Để tìm được câu trả lời vì sao Matxcơva lại chọn Ai Cập hay Ấn Độ độc giả phải tìm đọc bài viết trên tờ Les Echos : một là Nga luôn có một mối quan hệ mật thiết với Ai Cập trong lĩnh vực quốc phòng và muốn duy trì mối liên hệ đó. Hai là Matxcơva vừa mới bán cho Ai Cập 50 chiếc trực thăng chiến đấu loại Kamov Ka-52 và những chiếc trực thăng đó được trang bị hệ thống điện tử đặc biệt ăn khớp với hệ thống điện tử đã được Nga trang bị cho tàu Mistral. Tiếc là cả hai tờ báo Le Figaro và Les Echos cùng không nhắc đến trường hợp của Ấn Độ.

Sau Volkswagen, đến lượt tập đoàn nào? 

Vụ tai tiếng gian lận của hãng xe Đức Volkswagen tiếp tục là đề tài thu hút các tờ báo trong ngày: «Volkswagen, vụ xì căng đan mang tầm cỡ quốc tế» tựa trên trang nhất báo Le Monde. Tờ báo này cho biết luôn trong hai ngày qua, hãng xe nổi tiếng này của Đức đã mất 30 tỷ euro trên các sàn chứng khoán.

«Volkswagen hy sinh chủ tịch tổng giám đốc để ngăn chận đà lây lan của cuộc khủng hoảng», tựa trên báo Le Figaro. Trong phần phụ trang kinh tế, tờ báo này không quên nhắc lại «công lao» của ông Martin Winterkorn vừa phải từ chức: trong chưa đầy 8 năm ngồi ở chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc, ông Winterkorn đã đưa nhãn hiệu xe hơi với logo hình chữ W này thành «con chim đầu đàn của nền công nghệ xe hơi thế giới».

Trong quý 1/2015 Volkswagen qua mặt Toyota để trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Volkswagen không chỉ là «Xe hơi của Nhân dân» mà còn là biểu tượng của nền công nghiệp Đức, nơi mà ngành công nghệ xe hơi đem về đến 14 % GDP toàn quốc. Điều đó cho thấy vụ tai tiếng gian lận về thông số phát thải gây ô nhiễm của hãng xe này là một vố đau đối với không chỉ ngành sản xuất xe hơi mà cả với uy tín của nền công nghiệp Đức.

Cũng trên hồ sơ Volkswagen nhưng Libération nêu lên câu hỏi: phải chăng trong thế giới cạnh tranh mở rộng như ngày hôm nay đã dẫn đến những hành động gian dối như những gì đang được phơi bày ra ánh sáng qua thí dụ cụ thể của hãng xe hơi Đức?

Xã luận của tờ báo không vòng vo: trước những áp lực quá lớn để đi tìm lợi nhuận, những vụ «dàn xếp» giữa bên sản xuất với khách hàng, hay với cấp trên ngày càng thường xuyên xảy ra hơn. Volkswagen không là một trường hợp riêng lẻ, và những vụ gian dối không chỉ dừng lại ở ngành công nghệ xe hơi. Tờ báo đơn cử từ lĩnh vực nhà hàng đến ngân hàng, hay chỉ đơn giản là gửi thư xin việc làm, đâu đâu, người ta cũng phải học nói dối để đạt được chỉ tiêu. Sự dối trá đó dẫn đến cái mà tờ báo gọi đó là một «trò bịp bợm với những hậu quả tai hại».

Khủng hoảng nhập cư, thêm một thất bại ê chề của Liên Hiệp Châu Âu 

Thêm một lần nữa, báo chí Pháp tập trung chỉ trích Hungary đóng cửa với người nhập cư. Trong bài viết trên Libération mang tựa đề «Victor Orban, từ tấm màn sắt này đến bức màn khác», nhà báo Marc Sémo nhắc lại: Ông Orban từng can đảm đứng lên đòi quân đội Liên Xô rút khỏi Hungary. Cũng dưới sự dẫn giắt của ông, mùa hè năm 1989 Budapest đã phá vỡ bức màn sắt ngăn chia hai khối Đông- Tây. Giờ đây cũng chính Orban đang xây đắp thành lũy ngăn cách Hung với Serbia, rồi sắp tới đây là với Roumani.

Victor Orban đang hiện nguyên hình là một nhà chính trị độc tài, ích kỷ và có tinh thần bài ngoại cao hiếm thấy. Thủ tướng Hungary sẵn sàng thổi bùng lên ngọn lửa hận thù để lấy lòng dân nhằm duy trì quyền lực. Tuần báo L’Obs trong bài tham luận của Pierre Haski thì xem chính sách bài ngoại và thái độ mị dân của thủ tướng Hungary là một bằng chứng mới trong số những thất bại của Châu Âu. Tác giả nêu lên những thiếu sót mà các nhà cầm quyền ở Bruxelles vi phạm từ nhiều năm qua : từ khủng hoảng tài chính Hy Lạp đến sự bất lực của Liên Hiệp Châu Âu để giải quyết các xung đột vũ trang.