Đàn áp ngày càng gia tăng của CSVN
Zachary Abuza – Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ – Theo FB Lê Quốc Tuấn
Các cuộc đàn áp nhắm vào những người bất đồng chính kiến của giới cai trị đất nước này ngày càng thông minh và có mục tiêu hơn.
Vào ngày 19 tháng 9, Việt Nam trả tự do cho một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất, Tạ Phong Tần, người cựu sĩ quan công an đã thay đổi trở nên một blogger về pháp lý và trục xuất cô sang Hoa Kỳ.
Đây rõ ràng là một sự nhượng bộ trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Obamavào tháng 11/2015 và nêu bật tình trạng khó xử ngày càng tăng về nhân quyền của Việt Nam.
Cuộc viếng thăm chưa có tiền lệ của Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Washington DC và Tokyo là dấu hiệu rõ ràng rằng Hà Nội nhìn thấy cả phát triển kinh tế và an ninh gắn với phương Tây.
Đảng đã chôn vùi hy vọng ngây thơ rằng nếu chiều lòng người hàng xóm XHCN Trung Quốc, thì nó sẽ từ bỏ dã tâm thống trị biển Đông. Giờ đây Đảng đã tự mình cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại đa phương.
Nhưng sự hội nhập quốc tế càng sâu thì sự xét nét về nhân quyền dành cho Việt Nam càng lớn.
Trên nhiều phương diện, việc bảo vệ quyền con người của Việt Nam vẫn còn rất không thỏa đáng; đất nước này đứng hạng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á về các quyền tự do dân sự, các quyền chính trị, bảo vệ pháp lý, tự do tôn giáo và tự do lập hội.
Kiểm soát chặt chẽ
Đảng CSVN không cho phép bất cứ ý kiến bât đồng hoặc thách thức nào đối với độc quyền quyền lực của mình. Việt Nam có một trong những môi trường truyền thông bị kiểm soát nhất trên thế giới, và là một trong những tên cai ngục hàng đầu thế giới đối với các nhà báo và blogger.
Chính phủ đã từng đóng cửa các toà báo, chẳng hạn như tờ Người Cao Tuổi, vì những bài báo tích cực của họ về tham nhũng của chính phủ, sa thải và bắt giữ các biên tập viên, dẫn đến sự tự kiểm duyệt tràn lan. Gần đây nhất là một nhà báo nổi tiếng đã bị sa thải khỏi tờ Thanh Niên, nhật báo tiến bộ nhất của, đất nước vì những ý kiến châm biếm Hồ Chí Minh của ông.
Giới lãnh đạo Việt Nam cũng đã cố gắng để kiểm soát Internet, mặc dù họ đã không theo kịp với sự phát triển của công nghệ 3G, 4G và sự hiện diện khắp nơi của truyền thông xã hội. Xã hội dân sự vẫn còn yếu và đã bị suy giảm rộng rãi. Chính phủ vẫn dựa vào những ngôn từ mơ hồ của luật an ninh quốc gia, chẳng hạn như các Điều luật hình sự 88 và 258 hình sự, lấn át các quyền thiêng liêng của hiến pháp.
Tuy nhiên, Việt Nam về cơ bản đã không còn giống với chỉ năm năm trước đây, với những thay đổi sâu sắc trong việc tiếp cận thông tin, quyền tự do kinh tế, sự phát triển của xã hội dân sự, quyền thực hành đức tin của mình, và những cải cách gần đây để chấm dứt các hành xử tra tấn ép cung buộc tội từng rất phổ biến của công an.
Và điều này thực đáng nản lòng, như rất nhiều chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt là từ các chính trị gia và các nhóm người Việt ở nước ngoài, vẫn không thay đổi kể từ những năm 1990.
Cam kết thực hiện các quyền con người?
Trong chuyến đi hồi tháng Bảy tới Washington DC, Tổng Bí thư Trọng khẳng định: “Việt Nam rất coi trọng quyền con người”, mặc dù ông thừa nhận có “những hạn chế.”
Dù nhận ra rằng nhân quyền vẫn là một mối lo ngại trong mối quan hệ Mỹ-Việt, ông đã làm rõ rằng nó “không nên cản trở đà phát triển của mối quan hệ song phương cũng như không nên ảnh hưởng đến việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.”
Bởi vì Đảng đang đứng đằng sau những xúc tiến cải thiện quan hệ với phương Tây, chính phủ đã phải tìm cách để kiềm chế các nhà bất đồng chính kiến sao cho giảm thiểu các tác động bất lợi về ngoại giao. Lực lượng an ninh đang hoạt động với sự kiềm chế chưa từng có.
Việc giải quyết một cách hòa bình cuộc đình công chưa từng có vào tháng Ba và tháng Tư 2015 là chỉ dấu của áp lực quốc tế đối với Hà Nội khi cuộc đàm phán TPP đi vào giai đoạn cuối cùng. Tương tự, trong năm 2015 Việt Nam đã chỉ bị bắt giữ hai nhà bất đồng chính kiến, giảm mạnh từ năm 2014. Lực lượng an ninh đã trở nên khôn ngoan và có mục tiêu rõ hơn.
Nhưng trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, giới bất đồng chính kiến sẽ ít được khoan dung hơn.
Bất chấp lệnh ân xá 18,298 người trong lễ kỷ niệm 70 năm dành độc lập của Việt Nam, không một trường hợp vi phạm an ninh quốc gia – hay còn gọi là tù chính trị – nào được ân xá. Rõ ràng vẫn có những giới hạn nhất định trong sự nhượng bộ mà chính phủ sẽ thực hiện, mặc dù điều này cũng gợi ý rằng các vị trí nhân sự cao cấp vẫn chưa được lựa chọn xong trước đại hội Đảng toàn quốc.
Các cuộc tấn công vào luật sư, nhà hoạt động và các blogger
Vì việc bắt giữ và xét xử các blogger và các nhà hoạt động như Tạ Phong Tần và Phạm Thanh Nghiên thu hút các chú ý bất lợi về truyền thông và ngoại giao, chính phủ đang thực hiện năm chiến thuật để bịt miệng các nhà phê bình và ngăn chặn những người khác.
Đầu tiên, họ đang nhắm mục tiêu đến những luật sư đại diện cho các tù chính trị. Trong khi việc Trung quốc bắt giữ hơn 100 luật sư gần đây đã báo chí đưa tin, Việt Nam đã thực hành việc này trong nhiều năm. Việc sẵn sàng bắt giữ Lê Công Định, một luật sư nổi tiếng nhất từng thắng kiện trong vụ án thương mại lớn chống lại Hoa Kỳ tại WTO của họ là quyết liệt.
Định bị cầm tù từ năm 2009-2013, vì đã không làm gì ngoài việc bảo vệ những người bất đồng chính kiến khác. Bây giờ mặc dù được tự do, ông bị tước quyền luật sư, như lời nhắc nhở rõ ràng đến các luật sư khác khi muốn bảo vệ cho các trường hợp về nhân quyền.
Các luật sư khác như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ An Đôn đã hoặc bị bắt, giam giữ, hoặc bị tước quyền luật sư cho các công việc bảo vệ quyền con người của họ, dẫn đến tình trạng thiếu các đại diện pháp lý cho những người khác.
Chiến thuật thứ hai là việc sử dụng các tội hình sự khác để làm chệch hướng lời chỉ trích rằng những người bị kết án là tù chính trị. Lê Quốc Quân, người Luật sư vừa thả ra, cũng như Nguyễn Văn Hải, người từng bị kết án tù vì vi phạm Điều 88 Bộ luật hình sự vào năm 2008 đều đã bị buộc tội trốn thuế.
Tương tự như vậy, chính phủ đang bắt đầu sử dụng điều luật về tội phỉ báng để bịt miệng các nhà phê bình. Trong tháng 7 năm 2012, một phiên tòa đã kết án ba nhà hoạt động về tội phỉ báng ĐCSVN. Một khi luật được đưa vào hiệu lực, chính phủ có thể lập lại những vụ kiện phỉ báng của Singapore và Malaysia để phá sản các đối thủ chính trị.
Chiến thuật thứ ba, vì các phiên toà sẽ thu hút chú ý quốc tế, các cuộc tấn công bạo lực của công an mặc thường phục đã trở nên phổ biến hơn so với các vụ bắt bớ và truy tố chính thức. Trong tháng 11 năm 2014, một nhà báo tự do đã gần như bị đánh đến chết ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng 12 năm 2014, Nguyễn Hoàng Vi, một nữ blogger, nhà hoạt động dân chủ đã bị đánh đập bởi những phụ nữ tình nghi là công an.
Và không chỉ đối với các blogger độc lập: trong tháng 9 năm 2014, bốn nhà báo thuộc phương tiện truyền thông nhà nước bị hành hung trong quá trình điều tra tại tỉnh Quảng Ngãi. Human Rights Watch báo cáo rằng trong năm 2014 có 14 nhà báo bị đánh đập.
Rồi còn có cả các cuộc tấn công vào nhà hoạt động. Mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội đã nhượng bộ một chiến dịch công khai bởi các nhóm kiến nghị trực tuyến, như “Vì Một Hà Nội Xanh” và “6.700 người vì 6.700 cây xanh” để cứu 6.700 cây xanh không bị cưa đốn và thậm chí còn đã sa thải các quan chức chính phủ, nhưng một số người tổ chức biểu tình đã bị đánh đập dã man . Gần đây nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người viết blog với bút danh “Mẹ Nấm”, bị đánh trọng thương trong khi bị tạm giam – mặc dù không bị quy tội gì – vào tháng Bảy năm 2015.
Hai nhà hoạt động đã bị giam giữ tại sân bay trong quá khứ khi trở về từ nước ngoài: Doan Trang, một nhà báo công dân của trang Việt Nam Right Now, mạng thông tin nhân quyền và Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Mặc dù không bị buộc tội gì, vẫn đã bị giam giữ và thẩm vấn kéo dài với mục đích là để đe dọa.
Chiến thuật thứ tư là tập trung giám sát trực tuyến của Chính phủ vào các trọng điểm. Đội quân kiểm duyệt trực tuyến của Hà Nội hầu như không thể bắt kịp với 30 triệu tài khoản Facebook, cũng như các blog và phương tiện truyền thông xã hội khác ngày càng được nhân đôi trên các máy chủ ở nước ngoài. Do đó, chính quyền phải sử dụng các thuật toán riêng của họ để tìm các điểm mấu chốt. Cách tìm này dựa vào việc người xử dụng mạng tham gia vào các nhóm gì, hoặc những bài đăng nào được like, chia sẻ, bình luận, đọc nhiều nhất.
Chiến thuật cuối cùng là chính phủ tập trung sức mạnh cưỡng chế của mình trên các trang web đang cố gắng chuyển đổi từ blog cá nhân thành các cổng thông tin đa biên tập, một chuyển đổi quan trọng cho sự phát triển nền báo chí độc lập.
Dập tắt các cơ sở nền tảng của bất đồng chính kiến
Việt Nam có rất nhiều blogger dũng cảm, nhưng chính là việc tổ chức, chứ không nhất thiết là vì những bài viết, khiến đưa các cá nhân vào những rắc rối pháp lý nhất. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bày tỏ nhiều lo ngại rằng Mạng Lưới Blogger của cô đe dọa nhà nước nhiều hơn là các bài viết thực tế của mình.
Cô ấy nói đúng. Nhà nước đang bị ám ảnh về sự phát triển của các tổ chức truyền thông độc lập.
Điều này được thể hiện trong bản án tù của họ. Án tù trung bình cho 16 trong 23 blogger và nhà báo bị giam giữ trong năm 2014 là 8.1 năm. Các án trung bình đối với bốn blogger/nhà báo chủ yếu viết về các vấn đề tôn giáo và tham gia vào các hoạt động dựa trên đức tin là 11.3 năm.
Các án tù cho ba người từng cố gắng tổ chức xã hội dân sự độc lập, những người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là 13.5 năm. Bất đồng chính kiến là một tội phạm nhưng tổ chức bất đồng chính kiến là một tội ác lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, quyết định ra khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam của 20 người cầm bút vào tháng 5 năm 2015 và thành lập Văn đoàn Độc lập của mình là vô cùng dũng cảm. Sự phát triển của một xã hội dân sự mạnh mẽ và độc lập là mối đe dọa lớn nhất của chế độ.
Có hy vọng rằng sẽ có những cải thiện rõ rệt. Bất chấp những nỗ lực của mình, chính phủ chỉ đơn giản là không thể theo kịp tốc độ và không thể giám sát tất cả các phương tiện truyền thông xã hội. Thâm nhập Internet của Việt Nam là 44 phần trăm, ở thành phố còn cao hơn nhiều – cao hơn các nước giàu và phát triển kinh tế khác trong khu vực.
Có không gian cho sự cải cách?
Mặc dù việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 12 vẫn chưa được định hình, hiện nay tình hình vẫn sáng sủa cho những người chủ trương tiếp tục cải cách và hội nhập với phương Tây. Thật khó để nhìn thấy những người có tư tưởng bảo thủ tư tưởng có thể nổi lên như một thế lực thống trị. Như vậy, sẽ có những tiến triển dần dần của tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đang liên tục nói về tham nhũng như một “mối đe dọa sống còn” đến quyền lực độc quyền của Đảng. Tuy nhiên, những nỗ lực hạn chế tham nhũng của họ bằng cách bắt giữ một vài khuôn mặt nổi cộm đã thất bại trong việc ngăn chặn tham nhũng trong một nền kinh tế vốn đa phần là bị mắc kẹt giữa kế hoạch và thị trường.
Hơn nữa, các nhà báo còn phàn nàn rằng khi được phép điều tra những nhân vật nổi cộm, chắc chắn có cấu kết với một quan chức cấp cao nào đấy, thì đúng là họ đang bị sử dụng để hạ gục các đối thủ về chính trị chứ không phục vụ việc thanh tra thực sự.
Dù không phải là thuốc chữa bách bệnh cho tham nhũng, như Philippines rất tế nhị cho thấy, một nền báo chí tự do vẫn là một điều kiện tiên quyết. Nếu muốn duy trì tính hợp pháp của mình, đảng phải cởi trói cho báo chí, vốn ngày càng phải đối diện với sự cạnh tranh từ con số ngày càng tăng của các blog và các trang web độc lập mới.
Cuối cùng, đã có những lời kêu gọi nhũn nhặn cho việc cải cách từ các cấp cao nhất. Ví dụ, vào giữa năm 2014, Chủ tịch nước Trương tấn Sang lên tiếng chống lại việc thực hành tra tấn ép cung. Kể từ đó, nó đã được ưu tiên sửa đổi.
Đã có một số trường hợp trả tự do, bồi thường cho các án oan sai sai khiến công an và thẩm phán bị kết tội. Việt Nam có một chặng đường dài để đi tới, nhưng trong năm qua đã có một sự cải thiện có ý nghĩa.
Trong tháng này, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam và là thành viên bộ chính trị, công khai kêu gọi sửa đổi các luật mơ hồ về an ninh quốc gia, những công cụ đàn áp chính: “Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”
Nói quá đúng, nhưng để xem hành động như thế nào và để xem tất cả các blogger có được trả tự do hay không.
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150922/zachary-abuza-dan-ap-ngay-cang-gia-tang-cua-viet-nam#sthash.TsAzBKwN.dpuf