Nhật Bản và biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Nhật Bản và biển Đông

Hải quân Nhật tuần tiểu trên vùng biển Thái Bình Dương. – AFP

Kính Hòa, phóng viên RFA – 2015-09-21

Trong tuần lễ thứ hai của tháng chín năm 2015, Quốc hội Nhật bản đã thông qua một dự luật về quân sự mới, cho phép nước này lần đầu tiên từ sau thế chiến thứ hai, được tiến hành các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Ảnh hưởng của sự kiện này đối với khu vực, và đặc biệt là Đông Nam Á sẽ như thế nào? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Kính Hòa: Câu hỏi đầu tiên là có vẻ như dự luật mới về quốc phòng của Nhật gặp nhiều khó khăn để được chuẩn thuận, và hiện bây giờ vẫn còn gặp nhiều phản đối của nhiều đại biểu quốc hội và cả dân chúng nữa. Đạo luật này có thể vượt qua những khó khăn đó không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì hiện tại vẫn còn sự phản đối của một bộ phận người dân và chính giới, nhưng tôi tin là sớm hay muộn thì dự luật này cũng được thông qua, vì theo như qui định thì sau khi được đưa ra Thượng viện để thảo luận thì cho dù có thông qua hay không thì cũng sẽ được đưa xuống Hạ viện để bỏ phiếu lần thứ hai. Và trong lần bỏ phiếu thứ hai này chỉ cần có hai phần ba số đại biểu đồng ý thì dự luật sẽ được thông qua bất chấp là Thượng viện có phản đối. Mà hiện nay trong Hạ viện, đảng Dân chủ tự do của ông Abe và đảng Komeito, tức là đảng Công minh, chiếm hai phần ba. Như vậy nếu đảng của ông Abe được sự hậu thuẫn của đảng Komeito trong liên minh cầm quyền thì dự luật chắc chắn sẽ được thông qua.

Kính Hòa: Dự luật này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình an ninh và ổn định ở vùng châu Á Thái Bình Dương?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Chúng ta biết rằng sau năm 1945 thì Hiến pháp của Nhật do người Mỹ soạn thảo qui định nước Nhật không được tham gia bất cứ một hành động quân sự nào ở nước ngoài. Ta gọi là bản Hiến pháp hòa bình. Thì bản Hiến pháp hòa bình này trong thời kỳ chiến tranh lạnh giúp kềm chế hoạt động quân sự của Nhật bản. Việc này làm an lòng các nước láng giềng của Nhật không lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật bản.

Đây là lần đầu tiên Nhật bản có một vai trò quân sự đích thực trong khu vực kể từ sau thế chiến thứ hai. Và đương nhiên sự trỗi dậy về quân sự của Nhật bản sẽ làm thay đổi cán cân khu vực, thay đổi tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là đối với TQ

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Tuy nhiên chúng ta thấy rằng trong thời gian gần đây, trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung quốc gia tăng, và có thể nói là Trung quốc đã có những hành động gây ra mất ổn định và an ninh trong khu vực. Điều này làm Nhật bản cảm thấy bất an và họ tìm cách thay đổi tình thế này. Ban đầu họ tìm cách thay đổi Hiến pháp, tuy nhiên việc này không khả thi vì cần có sự ủng hộ của cả lưỡng viện quốc hội cùng với sự ủng hộ rộng lớn của người dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, cho nên là không dễ. Vì thế họ tìm cách sửa đổi điều 9 của Hiến pháp liên quan đến hoạt động của các lực lượng vũ trang ở nước ngoài.

Khi dự luật này được thông qua thì Thủ tướng Abe đã thành công trong việc diễn dịch lại điều 9 của Hiến pháp. Thay đổi này cho phép Nhật bản hỗ trợ đồng minh trong các xung đột, các tranh chấp quân sự ở nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên Nhật bản có một vai trò quân sự đích thực trong khu vực kể từ sau thế chiến thứ hai. Và đương nhiên sự trỗi dậy về quân sự của Nhật bản sẽ làm thay đổi cán cân khu vực, thay đổi tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là đối với Trung quốc. Trong thời gian tới có thể là chúng ta sẽ thấy tình hình căng thẳng tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nếu Trung quốc tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự và có hành vi áp đặt gây lo ngại cho các quốc gia trong đó có Nhật bản.

Kính Hòa: Ngoài Hoa kỳ là nước ủng hộ hoạt động quân sự của Nhật ở hải ngoại, thì người ta nói là có hai quốc gia khác cũng hợp tác chặt với Nhật trong những hoạt động quân sự trong thời gian qua, đó là Philippines và nước Úc. Riêng đối với Việt nam thì theo ông có những thay đổi gì không trong hợp tác quân sự Việt Nhật sau khi đạo luật mới này ra đời?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì người Nhật có một chiến lược gọi là hợp tung liên hoành như thời xưa vậy. Chiều dọc họ có quan hệ với Úc và Philippines như anh vừa mới nói, còn trục hoành thì Nhật rất coi trọng hợp tác với Ấn độ và các nước tiểu vùng Mekong trong đó có Việt nam.

Mặc dù Nhật bản rất coi trọng Việt nam trong hợp tác quân sự như là đã hào phóng tặng cho Việt nam các tàu tuần tra, và vừa rồi trong chuyến đi của ông Trọng, Nhật hứa là sẽ cung cấp cho Việt nam 200 triệu Yen để tiếp tục mua sắm các tàu tuần tra này. Tuy nhiên về phía Việt nam thì mặc dù rất coi trọng sự hợp tác này nhưng vẫn có những sự thận trọng nhất định để làm sao một mặt có thể nhận được sự hỗ trợ từ Nhật bản, đồng thời không làm cho Trung quốc cảm thấy lo ngại về các bước đi này của Việt nam.

Tôi cho rằng trong thời gian tới Việt nam tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác về quân sự và quốc phòng với Nhật bản, tuy nhiên mức độ sẽ là chừng mực và tiệm tiến. Đặc biệt là Việt nam sẽ xem xét các động thái của Trung quốc gây hấn tới mức độ nào để có sự điều chỉnh tương ứng

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Vì vậy tôi cho rằng trong thời gian tới Việt nam tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác về quân sự và quốc phòng với Nhật bản, tuy nhiên mức độ sẽ là chừng mực và tiệm tiến. Đặc biệt là Việt nam sẽ xem xét các động thái của Trung quốc gây hấn tới mức độ nào để có sự điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên về lâu dài thì tôi cho là xu hướng hợp tác quân sự quốc phòng với Nhật ngày càng gia tăng.

Kính Hòa: Xin ông cho câu hỏi cuối là trong thời gian ngắn vừa qua chúng ta thấy những hoạt động diễn tập quân sự của người Nhật ở vùng Đông Nam Á như là diễn tập chung với quân đội và hải quân Philippines. Theo ông sự hiện diện quân sự của người Nhật trong vùng Đông Nam Á sẽ tăng lên hay không?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì với những diễn biến trong nước (Nhật) như chúng ta đã đề cập với sự diễn dịch lại Hiến pháp và tăng cường hoạt động quân sự, thì xu hướng chung là vai trò và sự hiện diện quân sự và an ninh của Nhật trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì sẽ gia tăng, đặc biệt với các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Trung quốc. Trong khu vực Đông Nam Á đó là Philippines và Việt nam.

Tuy nhiên khi vai trò của Nhật gia tăng thì nó có thể mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực, nhưng đồng thời nó lại kéo thêm các căng thẳng vốn đã cao rồi. Tuy vậy chúng ta phải thấy đây là một vòng xoáy xuất phát từ hai phía. Một mặt Nhật bản có vai trò trong tiến trình (căng thẳng) này. Nhưng phía quan trọng là Trung quốc. Chính Trung quốc là người khơi mào xu hướng an ninh này, và chỉ có Trung quốc mới có thể đảo ngược lại xu thế này.

Kính Hòa: Xin cám ơn ông.