Kinh tế trong vụ khủng hoảng di dân tại Âu Châu
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA – 2015-09-16
Ngoài yếu tố an ninh liên quan đến tình hình Syria khiến làn sóng tỵ nạn đã từ miền Nam tràn ngập vào biên giới của các nước Âu Châu, một động lực chậm rãi và mãnh liệt không kém cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng về di dân hiện nay tại Âu Châu. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về động lực ấy, đó là những tính toán kinh tế tại Âu Châu xuất phát từ dân số. Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Nguyên Lam thực hiện sau đây với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tình hình an ninh cực kỳ bất ổn trong khu vực trải dài từ Bắc Phi tới Trung Đông có thể đã dẫn tới làn sóng tỵ nạn đang tràn ngập Âu Châu và gây ra khủng hoảng. Là chuyên gia kinh tế, ông có thấy gì khác ngoài lý do an ninh khiến các nước Âu Châu đang gặp những thách đố này không vì hình như là trước đây, Liên hiệp Âu Châu cũng từng có nhiều đợt di dân đổ vào lãnh thổ của mình?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng cô nêu câu hỏi này là rất đúng vì cho dù là không có biến động tại Trung Đông như Syria hay Iraq hoặc tại Bắc Phi như Libya thì Âu châu vẫn phải rà soát lại chính sách di dân và nhập cư của mình vì yếu tố kinh tế. Lý do là các nước Âu Châu cần lực lượng lao động bổ sung cho một hiện tượng nhân khẩu chậm rãi và lâu dài là nạn lão hóa dân số. Vì người dân bản địa sinh đẻ ít hơn, tỷ trọng người cao niên có tuổi thọ kéo dài so với dân số lao động ngày càng giảm là một vấn đề kinh tế trường kỳ cho ngân sách các nước. Ngoài ra, hiện tượng nhân khẩu này lại chẳng đồng bộ nên dẫn tới khác biệt và mâu thuẫn giữa nhiều nước trong việc áp dụng hay phát huy lý tưởng tự do lưu thông và di trú tại Âu Châu.
Nguyên Lam: Hèn gì mà người ta thấy vài nước Âu Châu tranh luận với nhau về việc nhận hay không nhận dân tỵ nạn, ai nhận và nhận bao nhiêu. Câu chuyện này quả là phức tạp vì liên hệ đến dân số, ngân sách, chính sách tự do di trú và lý tưởng tự do lưu thông Âu Châu cho nên xin đề nghị ông đi từng bước để trình bày toàn cảnh cho thính giả của chúng ta cùng hiểu rõ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thứ nhất là như tại nhiều quốc gia công nghiệp hóa tiên tiến, người dân các nước Âu Châu thường lập gia đình trễ và có con ít hơn nên về dài thì dân số càng giảm. Thứ hai, tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến con người sống thọ hơn trước và sau khi về hưu, bình quân là ở quãng tuổi 65, thì sống nhờ tiền hưu liễm mà lại cần nhiều dịch vụ y tế hơn trước cho sức khỏe. Thứ ba, tỷ trọng của lực lượng lao động, là thành phần ở lớp tuổi từ 15 đến 64, có giảm trong cơ cấu dân số, mà phải lao động và đóng thuế để công quỹ có thể chu cấp cho lớp cao niên. Thứ tư, các xã hội đó đều gặp bài toán là có “tỷ số lệ thuộc” ngày càng tăng, tức là tỷ số cao niên ngày càng lớn so với lực lượng lao động. Kết cuộc thì chênh lệch tất yếu giữa thành phần xin gọi là “sản xuất” và thành phần “tiêu thụ” gây sức ép cho ngân sách quốc gia, dù có giàu mạnh về kinh tế như Mỹ, Nhật hay Đức cũng vậy. Từ những chuyển động chậm rãi mà mãnh liệt ấy về nhân khẩu, người ta mới nói đến “dân số như một định mệnh”, là bài toán khó tránh của các chính quyền.
Nguyên Lâm: Thưa ông, có phải là vì sự chuyển động về cấu trúc dân số như vậy mà các nước mới đón nhận di dân để tăng cường nhân số cho lực lượng lao động hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa là đúng như vậy về đại thể mà lại có khác biệt vì lý do văn hóa hay chính trị. Nhật là quốc gia hải đảo đất chật và nghèo mà lại có nét văn hóa là cố duy trì sự thuần chủng nên hạn chế di dân. Hoa Kỳ là quốc gia hình thành nhờ di dân nên đón nhận di dân và là nước tương đối trẻ nhất, trên một lãnh thổ phì nhiêu bát ngát so với Âu Châu hay cả Trung Quốc. Sau này, dân số Hoa Kỳ sẽ còn trẻ hơn dân số Trung Quốc, Âu Châu hay Nhật Bản.
– Đã vậy, Âu Châu còn có lý tưởng tự do lưu thông hàng hóa và nhân lực để xây dựng hợp tác kinh tế bên trong, đấy là động lực manh nha từ năm 1982 và hình thành năm 1995 theo đó, 26 quốc gia ký kết Hiệp ước Schengen để cùng chấp nhận quyền tự do này. Tức là 26 xứ đó hết kiểm soát biên cương với nhau, và dân nước này có quyền tự do di chuyển qua nước kia, nhưng cũng có nghĩa là các nước bên trong phải tin tưởng các nước ở ngoài rìa về việc kiểm soát biên giới. Khi các nước tại vòng ngoài bị sức ép của làn sóng di dân mà không chặn được thì các nước ở vòng trong phải lo ngại vì ủy thác việc bảo vệ biên giới của mình cho xứ khác! Chuyện này còn rắc rối hơn nữa vì trong 26 hội viên của khu vực Schengen chỉ có 22 thành viên của Liên hiệp Âu châu và cơ chế Liên Âu này có những nước đang xin gia nhập nhóm Schengen như Croatia, Rumania hay Bulgaria thì cũng có Anh quốc cùng Ireland thì quyết liệt không gia nhập.
Sau khi rời khỏi các nhà ga xe lửa chính của Budapest hàng ngàn người di cư tiếp tục đi bộ đến biên giới nước Áo. Ngày 4 tháng 9, 2015. AFP
– Sau cùng, cần nói thêm rằng khối Liên Âu có quy chế đón nhận người tỵ nạn thiết lập từ năm 1997 và cải tiến nhiều lần thành ra “Quy định Dublin” được áp dụng từ Tháng Sáu năm 2013 để cùng chấp hành chính sách đón nhận và bảo vệ nạn dân theo Công ước Quốc tế tại Geneva. Thành thử truyền thông chúng ta sẽ rất lúng túng khi có tin tức dồn dập về vụ khủng hoảng hiện nay và lập trường khác biệt hoặc thay đổi của từng quốc gia hoặc tại Liên Âu, hay trong khu vực Schengen và theo Quy định Dublin hay không.
Nguyên Lam: Nhờ ông Nghĩa trình bày cho cả bối cảnh quá phức tạp này may ra thính giả của chúng ta mới hiểu được vấn đề kinh tế tiềm ẩn bên dưới những tranh luận hay thậm chí tranh chấp của các nước khi vòng ngoài bị sức ép của nạn di dân mà vòng trong lại không chịu mở cửa.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sau khi mô tả hồ sơ quá phức tạp này, ta mới trở lại bài toán kinh tế.
– Sau Thế chiến II, Âu Châu áp dụng chiến lược phát triển với niềm tin là lực lượng lao động đông đảo sẽ góp đủ thuế để chu cấp cho thành phần ở ngoài tuổi lao động. Khi thấy tỷ lệ sinh sản giảm dần, một số quốc gia có tăng trợ cấp cho gia đình đông con nhằm khuyến khích việc sinh đẻ với kết quả thật ra cũng giới hạn trước một chiều hướng văn hóa phổ biến và khó cưỡng. Vì vậy, Âu Châu mới có giải pháp di dân, là nhập khẩu sức lao động từ ngoài.
– Về lý tưởng kinh tế, di dân sẽ nâng mức lao động và số cầu kinh tế để tạo thêm việc làm và sự thịnh vượng. Thành phần di dân có tay nghề cao thì giúp kinh tế phát triển các ngành sản xuất chuyên biệt để khai thác lợi thế tương đối của từng quốc gia. Thành phần thiếu chuyên môn thì lao động trong các ngành cực nhọc mà dân bản xứ không muốn làm. Đã vậy, lực lượng lao động càng đông thì thành phần thọ thuế càng nhiều sẽ tăng mức thu cho ngân sách để nhà nước lo toan cho những người ở ngoài tuổi lao động. Nhưng lý luận kinh tế lạc quan ấy lại đụng vào thực tế cứng đầu và Âu Châu đang khủng hoảng với làn sóng di dân thứ ba, dữ dội nhất, kể từ 10 năm qua.
Nguyên Lam: Ông nói như vậy thì những gì đang xảy ra chỉ là làn sóng thứ ba thôi?. Thưa ông, hai làn sóng kia là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, các nước Âu Châu lạc quan thúc đẩy việc hội nhập để thành lập Liên hiệp Âu châu. Từ đó, Liên Âu đã “Đông tiến”, là kết hợp dân số đông đảo của các nước Đông Âu, nhất là các quốc gia có mật độ dân số cao như Ba Lan hay Rumania. Lao động Đông Âu đã “Tây tiến” và góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt dân số của các nước tân tiến hơn ở miền Tây. Đấy là đợt di dân đầu tiên, vào thời 2004-2007.
– Nối tiếp là đợt thứ nhì vào các năm 2009-2010, khi khủng hoảng tài chánh tại các nước miền Nam mở ra phong trào “Bắc tiến”. Dân cư của các nước lâm nạn ở miền Nam đi tìm việc làm trong các quốc gia giàu mạnh hơn ở “vùng cốt lõi” là miền Bắc, từ Pháp qua Đức và các lân bang. Trong hai đợt ấy, hiện tượng di dân vẫn có tính chất nội bộ Âu Châu và dù có gây va chạm, kể cả phản ứng chống di dân, thì cũng chẳng dẫn tới khủng hoảng khi 22 thành viên trong số 28 nước Liên Âu đã ký Hiệp ước Schengen về quyền tự do lưu thông người và vật từ năm 1995.
– Đợt thứ ba là ngày nay thì khác. Làm sóng di dân bùng lên từ Trung Đông và một số quốc gia bị nội loạn ở nơi khác đã dập vào bến bờ Âu Châu để xin tỵ nạn. Di dân là nạn dân và gây vấn đề trước tiên cho các nước lâm nạn kinh tế tại miền Nam, như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, rồi lan qua nước khác, với cao điểm là Hungary rồi cả quốc gia giàu mạnh nhất trong vùng cốt lõi là nước Đức.
Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về hoàn cảnh và lập trường của nước Đức trong vụ khủng hoảng này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì có nền kinh tế mạnh nhất và tinh thần rộng lượng nhất với nạn dân nên Đức quyết định đón nhận 800 ngàn người một năm. Nhưng thật ra, Đức là nạn nhân của nạn lão hóa dân số. Theo dự phóng của Liên Âu, từ năm 2020 đến 2060, dân số Đức sẽ mất 10 triệu người.
– Nhìn cách khác, lực lượng lao động tại Đức sẽ mất một phần tư. Và “tỷ số lệ thuộc” của thành phần cao niên sống nhờ hưu bổng và trợ cấp y tế do lực lượng lao động tạo ra lại từ 36% trong hiện tại tăng đến mức 59%, cao nhất của Âu Châu. Cho nên bài toán ngân sách của đệ nhất cường quốc kinh tế Âu Châu sẽ là thiếu tiền. Đức chủ trương đón nhận di dân nhiều hơn xứ khác là vì lý do nhân khẩu và kinh tế. Nôm na là Đức hào phóng với di dân để nhập khẩu sức lao động.
– Nhưng trong vụ khủng hoảng hiện nay, sự rộng lượng ấy lại khiến Đức là thỏi nam châm thu hút nạn dân. Mà thiên hạ từ Bắc Phi, Trung Đông hay từ các khu vực bất ổn miền Đông Nam Âu Châu mà muốn vào Đức thì phải đi qua các nước ở vòng ngoài. Các nước này, như Hy Lạp, Hung thì cần phương tiện chu cấp cho dân tạm trú và cần xứ khác đón nhận nhiều và sớm để giảm sức ép. Vì thế, Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel mới bị áp lực từ các nước bên ngoài và bên trong thì nhiều người Đức lại lo sợ làn sóng nạn dân sẽ gây hỗn loạn, chưa nói đến nạn khủng bố.
Nguyên Lam: – Bàn về trường hợp của Đức thì người ta nhớ đến lập trường cùa nước Anh. Trong vụ khủng hoảng này, dường như là nước Anh lại rất kín tiếng. Ông giải thích thế nào về điều ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Là quốc gia hải đảo thật ra cũng chật hẹp, Anh đã chẳng ký Hiệp ước Schengen và cố đứng ngoài vòng tranh luận – dù bị đả kích – vì không gặp bài toán nhân khẩu như Đức. Anh quốc sẽ là nước đông dân nhất Âu Châu: từ 67 triệu vào năm 2020 dân số Anh sẽ lên tới 80 triệu vào năm 2060. Nhìn cách khác, tỷ lệ sinh sản tại Anh thuộc loại cao nhất Liên Âu: trong quãng đời sinh sản của mình, bình quân một phụ nữ đẻ được 1,9 con . Nhờ các bà lạc quan yêu đời như vậy, tỷ số lệ thuộc tại Anh chỉ tăng từ 30% đến 43% trong khoảng thời gian dự phóng của Liên Âu từ 2020 đến 2060. Anh không có nhu cầu nhập khẩu lao động như Đức, lại từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công ngay trong ruột gan nên cố tránh né bài toàn di dân của các nước kia. Tôi nghĩ rằng vì vụ khủng hoảng này, cả Âu Châu sẽ phải duyệt lại chính sách di dân và những khác biệt quá lớn giữa các nước sẽ khiến Liên Âu càng bị rạn nứt vì vụ khủng hoảng.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.