Thuyết Duy Vật, Vấn Ðề “Tâm – Vật” và Thử Tìm Một Quan Niệm Ðúng Ðắn Về “Tâm” – Nguyễn Hoài Vân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thuyết Duy Vật, Vấn Ðề “Tâm – Vật” và Thử Tìm Một Quan Niệm Ðúng Ðắn Về “Tâm” – Nguyễn Hoài Vân

Trong số các tư tưởng du nhập vào nước ta sau này, ngoài Ky Tô Giáo ra, có lẽ chủ thuyết Marx là quan trọng hơn cả. Chủ Thuyết Marx lại là một khai triển của tư tưởng Duy vật, một tư tưởng then chốt trong tiến trình suy nghĩ của loài người. Vì thế, trước khi bàn đến chủ thuyết Marx, chúng tôi xin sơ lược vài hàng về triết lý duy vật và nhân tiện có vài hàng về việc đi tìm một quan niệm đúng đắn về “Tâm”, khả dĩ biện minh được cho các giá trị Tự do, Dân chủ và Hoà bình.

SỰ HÌNH THÀNH CỦA TRIẾT LÝ DUY VẬT:

Theo các nhà Triết Học Sử thì triết học Tây Phương phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên nơi vùng Ionie, Tiểu Á, tại những đô thị trù phú và tiến bộ về văn hoá, khoa học và kỹ thuật như thành Milet. Nơi đây, triết gia cũng đồng thời là nhà vật lý, kỹ sư, bác sĩ, toán học, v.v… Với sự hiểu biết ngày càng phát triển, họ dần dần thoát khỏi những cách giải thích vũ trụ vạn vật dựa trên niềm tin nơi những thần linh nắm giữ các thế lực thiên nhiên (xem phần đầu của bài Ky Tô Giáo). Để thay vào đó, họ đề nghị những mô hình giải thích sự vật đặt nền tảng trên lý trí, suy luận. Xin đan cử vài thí dụ:

Nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, theo Thales (chương trình hình học có ông này) chính là nước, theo Anaximène thì đó là không khí, và theo Anaxamandre thì lại là “chân không”. Ba vị này đều là người thành Milet. Empedocle, sinh khoảng 492 trước Công Nguyên tại thành Agrigente, Sicilia, thì cho là vũ trụ có 4 nguyên tố: hoả, khí, thuỷ và thổ. Ông này không những là triết gia, bác sĩ, kỹ sư, mà còn là một chính trị gia chủ trương dân chủ… Ông cũng tin tưởng ở thuyết luân hồi và có lúc cao hứng biểu diễn nhớ lại tiền kiếp của mình!

Tiếp đến là Leucippe và Democrite (thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên) với khái niệm «nguyên tử». Theo hai ông này, mọi sự vật đều đựơc cấu tạo bởi những hạt vật chất cực nhỏ đến nỗi không thể nào bị cắt nhỏ thêm nữa được (nghĩa gốc của chữ A-Tome : A là không, Tomos là cắt). Thậm chí đến trí tuệ, linh hồn và quỷ thần cũng đều là những tập hợp đặc biệt của các hạt nguyên tử, tức đều tuân theo những định luật vật lý, như mọi chuyện khác.

Gần như cùng lúc, Protagoras (người thành Abdere như Democrite) thẳng thừng gạt bỏ mọi ý niệm về thần linh trong cuộc sống. Ông nói: “Tôi không biết thần thánh là cái quái gì cả. Vấn đề quá mờ mịt….”

Mời quỷ thần đi chỗ khác chơi, thay thế bằng một mô hình vật lý để cắt nghĩa vũ trụ, triết học Duy vật đến đây coi như đã hình thành một cách rõ rệt. Từ khởi điểm này người ta sẽ đào sâu thêm, để đi tìm giải đáp cho hai câu hỏi chính:

–         Thứ nhất: Định luật nào làm chủ những hiện tượng trong cái vũ trụ vật chất vừa được vẽ lên?
–         Thứ hai: cách suy nghĩ Duy vật khiến con người nên có thái độ nào trong cuộc sống?

Những định lý của vũ trụ vạn vật:

Theo Pythagore, những định lý ấy nằm trong toán học. Điều khá ngộ nghĩnh là ông này coi số 10 như con số then chốt của vũ trụ tương tự như người mình lấy số 5 và số 10 làm số điều hoà mọi việc, nằm ở trung ương, thuộc thổ.

Ít lâu sau, Parmenide (504 -450 AC) cho rằng căn bản của sự vật bất biến, không thay đổi, đối lại với quan niệm sự vật vô thường của Heraclite (540 -480 trước Công Nguyên) với ý tưởng mọi sự vật đều không ngừng biến dịch. Động cơ của sự biến dịch ấy là sự đối kháng và bổ túc lẫn nhau giữa những phạm trù mâu thuẫn trong Trời Đất. Heraclite cho rằng những mâu thuẫn trên được liên kết và hoà hợp bởi một định luật tối thượng, một Nguyên Lý của vũ trụ. Học thuyết Âm Dương của chúng ta cũng nói đại khái như ông này.

Thật ra Pythagore hay Heraclite chỉ mới đề nghị một hướng nhìn chứ chưa giải quyết được vấn đề. Người ta vẫn phải tự hỏi: những định lý toán học hay nguyên lý điều hoà những mâu thuẫn  như hai ông này đề ra là gì? Vì thế, suốt mấy ngàn năm dài sau đó, bao thế hệ triết gia vẫn chăm chỉ cố công tìm một giải đáp cho vấn đề, trong khi các nhà vật lý không ngừng vật lộn với các máy móc đo đạc, thử nghiệm, và những phương trình bể óc để tìm một lý thuyết có thể cắt nghĩa được mọi hiện tượng vật chất. Ngày nay, vật lý học đã nhận ra bốn «lực» cơ bản, và đang trên đường đi đến một “lý thuyết tổng hợp” (GUT hay Grand Unified Theory). Mặc dù vậy, ít nhất là hai vấn nạn đặt ra cho triết học duy vật có lẽ sẽ vẫn tồn tại: đó là sự cấu tạo và tính chất đặc thù của các sinh vật.

Thật vậy:

Vật chất làm thế nào để cấu tạo thành các sinh vật?

Dựa trên khái niệm nguyên tử của Leucippe và Democrite, Diderot (1713 -84) cho rằng những yếu tố tạo nên các sinh vật vốn vẫn từng có trong vũ trụ, và, trước khi chúng kết hợp lại để cho ra một con người chẳng hạn, thì các yếu tố ấy đã từng là những thành phần của những khoáng chất, rồi của thực vật, động vật, v.v…Theo Diderot, các yếu tố trên kết hợp thành những cá thể do những quy luật mà ta có thể coi như rất gần với luật «thân tỵ – ứng cầu» của dịch lý, hay thuyết Nhân Duyên của nhà Phật.

Sau Diderot, thuyết tiến hoá của Darwin hình dung một chuỗi biến đổi từ vi khuẩn đến các loài vật và lần lần, lên tới con người. Theo thuyết này, áp lực mưu sinh cầu tồn khiến các sinh vật phải biến đổi để thích nghi với môi trường sống của mình. Thật ra, người ta nghĩ rằng những biến đổi trong các đặc tính của từng sinh vật xảy ra một cách liên tục, trước khi được thiên nhiên lọc lựa những biến đổi thích hợp nhất. Sự biến đổi ấy cho ra một sinh vật hơi khác với sinh vật trước một chút. Rồi những khác biệt nho nhỏ như vậy cứ chồng chất tích luỹ với thời gian để cho ra những loài vật ngày càng khác nhau, theo những «nhánh tiến hóa», cho đến loài có vú bốn chân, rồi khỉ, rồi… người (xin điều chỉnh một ngộ nhận thông thường: không phải khỉ lả thủy tổ của người, nhưng khỉ và người đến từ một thủy tổ chung).

Vấn đề cấu tạo thành các sinh vật có thể coi như tạm thời giải quyết, tuy nhiên:

Làm thế nào cắt nghĩa được các tính chất đặc thù của các sinh vật?

Ngoài các vấn đề sinh lý, người ta còn phải giải thích một số khía cạnh đặc thù của “vật chất sống”, đặc biệt là ở trình độ cao nhất của nó, nơi con người, với: cảm giác, ý thức, tư tưởng, sự tổ chức thành “xã hội” v.v…

Democrite như đã nói ở trên, cho rằng sự suy nghĩ chỉ là sản phẩm của vật chất, sinh ra bởi những định luật vật lý. Diderot thì cho rằng vật chất có cảm giác. Helvetius (1715 – 1771) và Condillac (1715 – 1780) đề nghị cảm giác ấy chính là nguồn gốc của hiểu biết và tư tưởng.

Về khía cạnh “Xã hội” của các sinh vật thì ta có thể tìm đến tư tưởng của Hobbes (1588 – 1679). Ông này có một phát biểu rất nổi tiếng, là: “Người đối với người như lang sói” (homo homini lupus). Theo ông, nền tảng của xã hội loài vật cũng như xã hội loài người, là phản ứng sinh tồn, tức lòng vị kỷ, và luật của kẻ mạnh. Vì sống lẻ loi đơn độc có một số bất lợi và nguy hiểm như dễ dàng bị tấn công và tiêu diệt, nên các loài thú hợp quần thành đoàn lũ. Trong các đoàn lũ ấy, con vật khỏe mạnh nhất luôn là đầu đàn chỉ huy các con vật còn lại, và có quyền “ăn trên ngồi trước”. Xã hội con người cũng vậy. “Con vật” đầu đàn ở đây có thể là một cá nhân hay một tập đoàn, đảng phái, tôn giáo v.v… và mọi vấn đề chính trị cũng đều được giải quyết trên căn bản tương quan lực lượng, tập thể mạnh lấn át, bóc lột những người còn lại.

*

Đến đây, ta có thể nhận thấy vũ trụ vạn vật đại khái có thể được giải thích và mô tả bằng thuyết Duy vật. Sự giải thích và mô tả này đương nhiên là có tính cách rất “trừu tượng”, như tranh Picasso, mắt đi một đằng, mũi chạy một nẻo. Các nhà Duy vật cũng biết vậy, và họ hứa (như Condorcet) là một ngày nào đó, sẽ giải quyết được tất cả các thiếu sót, các chỗ “trừu tượng” kia, để đi đến một mô hình hoàn hảo có thể giải thích được mọi hiện tượng trong trời đất.

Bây giờ ta bước sang câu hỏi thứ hai đã được đặt ra ở trước:

CÁCH SUY NGHĨ DUY VẬT KHIẾN CON NGƯỜI PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NÀO TRONG CUỘC SỐNG?

Nói cách khác, ta thử đi tìm MỘT ĐẠO SỐNG DUY VẬT

Có lẽ Epicure (341 – 270 trước Công Nguyên) là người đã đề ra một “đạo sống duy vật” rõ ràng nhất. Đạo sống ấy dựa trên sự loại bỏ mọi sợ hãi, lo lắng, để đạt đến một tâm hồn bình thản ung dung (như vô uý và bình thường tâm của nhà Phật). Đạt đựơc tâm hồn bình thản cũng là đạt đến hạnh phúc.
Epicure còn chủ trương dẹp bớt dục vọng, không chạy theo những thú vui tầm thường, vì chúng có thể đem lại phiền nhiễu, đau khổ. Theo ông nếu một thú vui vô hại có đến thì cứ bình thản nhận lấy, nhưng không nên tìm cách để tranh thủ nó. Ngược lại, ông đề cao sự học hỏi, hiểu biết, coi chúng  như những thú vui cao nhất, ít đem lại ưu phiền nhất.

Lập luận nào đã đưa triết học Duy Vật đến với một đạo sống như vừa nói? Xin thử đề nghị một cách giải thích giản dị.

Thuyết Duy vật cho rằng sự vật cũng như con người đều là vật chất và tuân theo những định luật vật lý. Đã là định luật vật lý thì không có tình cảm và không có gì có thể lay chuyển được. Vì thế, thái độ thích nghi nhất của ta trước những định luật sắt đá ấy cũng là một thái độ sắt đá như vậy, tức một thái độ bình thản, ung dung, không gì lay chuyển được. Đối với người Duy Vật, việc phải đến sẽ đến, lo lắng sợ sệt không ích gì cả, chi bằng cứ bình thản nhìn xem dòng đời trôi chảy.

Quỷ thần thì sao ? Quỷ thần đương nhiên là không giúp được gì cho ta cả, ta không cần phải thờ cúng họ, và cũng không việc gì phải sợ họ, vì họ chẳng qua chỉ là những tập hợp nguyên tử và cũng phải tuân theo những định luật vật lý như chúng ta.

Thế còn sự chết? Cũng không cần phải sợ, vì hai lý do:

– Trước khi ta sống cuộc đời này, những nguyên tử cấu tạo nên ta rải rác mọi nơi và là thành phần của nhiều thực thể khác, cho đến khi chúng kết hợp lại để làm thành con người ta, cả hồn lẫn xác. Đến khi ta chết đi, chúng sẽ lại tan rã và trở về tình trạng lúc ta chưa sống cuộc sống này, tức là lại đi “đầu quân” vào nhiều thực thể khác. Nếu lúc sống cuộc sống này, ta không sợ tình trạng của ta lúc trước khi sinh ra, thì ta cũng không có lý do gì để sợ tình trạng của ta sau khi rời khỏi cõi đời này vậy.

– Sau khi chết, “cái ta” sẽ tan rã và không còn hiện hữu nữa để biết rằng ta đã chết. Nói cách khác: lúc ta còn sống thì cái chết không ảnh hưởng gì đến ta, khi ta chết rồi thì không còn có «cái ta» để cảm thấy sự chết nữa. Nói cách khác, “cái tôi” đúng nghĩa không bao giờ chết!

Cũng có thể nói khi khuyên dẹp bớt dục vọng, triết gia Duy Vật chỉ đề nghị một phương pháp giảm thiểu sự lo sợ. Thật vậy, khi ham muốn cái gì, người ta luôn lo sợ: lúc chưa được cái mình muốn thì lo lắng không biết liệu có nổi cái ấy không? Đến khi có được rồi thì lại sợ nó sẽ hư hao, hay sẽ mất đi. Triết học Duy Vật cho rằng «được» hay «mất» đều phải tuân theo những định luật vật lý. Ham muốn, lo lắng, hoàn toàn vô ích, cái gì phải được thì sẽ được, cái gì phải mất thì sẽ mất.

Khi triết lý Duy Vật khuyến khích học hỏi hiểu biết cũng không ngoài mục đích đẩy lùi sự sợ hãi. Hiểu biết cũng như ngọn đuốc sáng giúp người đi trong đêm tối đẩy lùi bóng đêm để bớt sợ sệt. Người càng dốt nát thì càng hay lo sợ viển vông, càng tăng hiểu biết càng thấy rõ những gì thực sự nguy hiểm, và loại bớt đi những lo sợ không đáng có.

*

Năm trăm năm sau khi Epicure qua đời, một đệ tử của ông, lúc ấy đã gần đất xa trời, đem khắc trên bia đá bốn phương thuốc (tetrapharmakon) mà thày mình đã truyền lại cho hậu thế.
Đó là :
–         Không sợ quỷ thần
–         Không sợ chết
–         Khắc phục đau khổ
–         Đạt hạnh phúc

*

Epicure và Democrite là hai triết gia quan trọng nhất của triết lý Duy Vật sơ khởi. Thật ra tư tưởng của hai ông có chỗ khác nhau, đặc biệt là ở quan niệm định mệnh. Tuy nhiên, ít ai để ý đến vấn đề này, cho đến khi một cậu sinh viên triết, miệng còn hôi sữa, người Đức gốc Do Thái, đệ trình luận án tiến sĩ với đề tài : “Sự khác biệt trong triết lý thiên nhiên giữa Democrite và Epicure”.
Lúc ấy là năm 1841. Cậu sinh viên kia vừa được 23 tuổi. Và trên mảnh bằng tiến sĩ của cậu, người ta đọc thấy hai chữ KARL MARX !

Xin sẽ bàn về chủ thuyết Marx ở bài sau.

*

VẤN ĐỀ “ TÂM VẬT” TRONG TƯ TƯỞNG ĐÔNG PHƯƠNG:

Tư tưởng Đông Phương chủ trương «Tâm vật hợp nhất», Tâm với Vật trở thành một, vậy Tâm là Vật. Như thế, tiền nhân ta có Duy Vật hay không?

Nhiều người sẽ trả lời là: Phải xem cái nào quy định cái nào ?

Tuy nhiên, nói như vậy, ngoài việc cho rằng cái này quy định cái kia thì không còn «hợp nhất», người ta liền phải lựa chọn giữa hai thái độ : nếu Vật quy định Tâm thì là Duy Vật, ngược lại là Duy Tâm.

Xin nhắc lại, chúng tôi đã đề nghị trong bài Nho Giáo: “ lý” của Vật, và “lý” của Tâm phải hợp lại mới đẻ ra được cái thế giới mà ta thực sự ý thức. Tương tự như vậy, trong một cá nhân, phải có cả tâm lẫn vật hợp lại, cá nhân ấy mới hiện hữu thực sự.

Thật ra, phải công nhận rằng lập luận trên vẫn chưa kéo được quan niệm «Tâm Vật Hợp Nhất» ra khỏi phạm vi của thuyết Duy Vật. Không những thế, nó còn đặt thêm ra một vấn đề quan trọng khác: đó là sự đóng khung trong quan niệm kiến thức chủ quan. Xin lần lượt phân tích hai vấn nạn này.

Sự ngộ nhận giữa quan niệm “ Tâm Vật Hợp nhất “ của Đông Phương với thuyết Duy Vật:

Nếu ta đem những gì ta vừa nói về Tâm Vật hợp nhất ra bàn với một học giả Duy Vật, thì có nhiều hy vọng ông ta sẽ hoan hỷ đồng ý ngay tức khắc. Thật ra, vấn đề nhức óc của nhà Duy Vật không nằm ở « tâm vật hợp nhất », vì đối với ông, đương nhiên là «tâm» chỉ là «vật» tiến hóa ra, tức cũng là «vật» ! Vấn đề của triết gia Duy Vật nằm ở câu hỏi:

Cần phải có bao nhiêu chất liệu căn bản để tạo nên Trời Đất ? Một, hai, ba, bốn, hay nhiều hơn?

Câu trả lời thông thường nhất là: chỉ cần một chất liệu duy nhất, như Democrite từng quan niệm một nắm “nguyên tử” đủ để dựng nên toàn vũ trụ. Tuy nhiên, nhà Duy Vật lại phải giải thích làm sao một chất liệu duy nhất lại cho ra được những sự vật hoàn toàn đối nghịch nhau như tâm và vật? Ông buộc phải công nhận rằng ông không biết, nhưng hẹn sẽ cho chúng ta câu giải đáp trong vài chục, vài trăm, hay vài ngàn năm nữa.

Tạm thời, việc hợp nhất tâm và vật để làm thành thế giới của ý thức được học giả Duy Vật gọi là “thuyết Đồng Nhất” (théorie de  l’identité). Như vậy, bạn sẽ bảo: “Tâm vật hợp nhất là Duy Vật rồi chứ còn nghi ngờ gì nữa ?”

Thưa không. Có chỗ khác biệt quan trọng. Xin giải thích:

Học giả Duy Vật khởi hành từ một chất liệu căn bản, một «bản chất», để hy vọng tìm đến sự phức tạp muôn hình vạn trạng của sự vật, trong đó có tâm và vật . Bản chất ấy lại thường được họ quan niệm dưới hình thức một định kiến, tức là một khái niệm rõ ràng được đặt ra từ đầu, như khái niệm nguyên tử của Democrite. Nói cách khác, họ đặt ra một giả thuyết, rồi từ đó tìm cách giải thích mọi sự vật.

Các trường phái lớn của Triết học Đông Phương thường làm ngược lại, tức khởi hành từ sự vật phức tạp muôn hình vạn trạng để đi tìm cái bản chất tuyệt đối của các sự vật ấy. Điều quan trọng là các trường phái ấy ít đề ra một định kiến về bản chất của sự vật, mà hay tuyên bố bản chất này không thể nào dùng lý trí suy luận mà nghĩ ra được.

Trong vấn đề “tâm – vật”, các trường phái lớn của Triết học Đông Phương có vẻ phân biệt Tâm và Vật trong những điều kiện thông thường (trong cõi «thị hiện»), và chỉ hình dung «Tâm Vật hợp nhất» trong phạm vi bản thể tuyệt đối của sự vật mà thôi. Ta có thể nói là triết học Đông Phương không cho biết tại sao tâm và vật hợp nhất được với nhau, mà ngược lại, cho rằng: có suy nghĩ cách mấy cũng không thể nào tìm ra được câu giải đáp (bất khả tri, bất khả thuyết, bất khả tư nghị).

Tâm vật hợp nhất và kiến thức chủ quan:

Nói: “Tâm Vật hợp nhất cho ta biết được sự vật”, có nghĩa là quan niệm sự hiểu biết có tính cách chủ quan. Sự hiểu biết chủ quan lại thường bị chê là  khó phát triển, ít điều kiện nảy nở.

Vì thế, để khỏi rơi vào cạm bẫy của quan niệm kiến thức chủ quan, chúng ta cần phải có một cái nhìn đúng đắn và rõ ràng về Tâm.

MỘT CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN VỀ “TÂM”:

Sự hiểu biết khách quan:

Khi đặt vấn đề “Tâm-Vật”, áp lực của thuyết Duy Vật khiến ta coi Tâm như chỉ là cái đối lại với Vật. Trong khi đó, Tâm thật sự không thể bị giới hạn trong sự tương quan Tâm – Vật. Ta nên theo chân các nhà Phật Học, luôn đi tới mãi (xem bài Phật Giáo), để tìm đến cái Tâm có thể quán được Tâm, chứ không nên dừng lại ở cái Tâm chỉ biết tiếp thu những cảm giác đến từ vật chất. Với “Tâm quán được Tâm”, ta “nhìn” lại được chính mình để phê bình chính sự hiểu biết của mình, và nếu cần, bổ túc và sửa sai cho nó. Tức là rời khỏi thế giới của ý thức chủ quan mà đi vào thế giới của sự hiểu biết khách quan, vì chính cái «tâm ý thức» đã bị khách quan hóa.

Vai trò của Văn Hóa:

Thế giới của “cái Tâm quán được Tâm” như vừa nói rất bao la. Cái Tâm này có khả năng quán được Tâm nên nó cũng quán được tất cả những gì Tâm có thể làm ra được. Thế giới của nó là thế giới của mọi sản phẩm của tâm trí con người.

Vì đối tượng của “cái Tâm quán được tâm” là Tâm chứ không phải Vật nên thế giới của nó không bắt buộc phải gắn liền với thực tại. Nói cách khác, trong thế giới của “Tâm quán được Tâm” có thể những chuyện hoàn toàn không có, hay chưa có, những sản phẩm của tưởng tượng, của lý luận thuần tuý v.v…

Văn Hoá là một thành phần quan trọng của thế giới này. Đặc tính ấy khiến Văn Hoá không thể chỉ là một công trình mô tả thực tại mà còn phải truyền đạt những ước vọng, những giả thuyết, những cái không có, chưa có … Nếu Văn Hoá chỉ gồm toàn những tác phẩm tả tình, tả cảnh, những nỗi niềm nhớ nhung, sầu bi rên rỉ, thì nền văn hóa ấy tuy rất dễ thương, nhưng vẫn chưa thích ứng được với vai trò của nó, chưa lên đến thế giới của “cái Tâm quán được Tâm” mà vẫn còn kẹt ở thế giới của ý thức chủ quan.

Có thể nói vai trò của Văn Hoá, cũng như vai trò của mọi sản phẩm khác của Tâm Trí con người là tạo ra một môi trường trung gian, một mối giây liên lạc giữa tâm tôi và tâm anh, là diễn tả thực tại và vượt lên trên thực tại, để đem đến cho mọi người những quan niệm mới, những kỳ vọng mới, những hướng đi mới.

Tự Do:

Bổn phận của “Tâm quán được Tâm” là quan sát, phê bình và sửa sai cho Tâm và những sản phẩm của nó. Điều kiện tối thiểu để cái Tâm ấy làm tròn được bổn phận vừa nói là Tự Do. Ta có thể nói: hễ có một quan niệm đúng đắn về Tâm thì cũng buộc phải chấp nhận sự Tự Do. Nếu không có Tự Do thì cái Tâm kia sẽ hoàn toàn vô tích sự, sẽ không làm tròn được bổn phận của nó, và sự hiện hữu của nó sẽ trở thành vô nghĩa.

Hoà bình và Dân Chủ:

Quan niệm Tâm một cách đúng đắn cũng chứng minh được cho ta một điều khá lý thú: đó là Hoà Bình có thể là một yếu tố tự nhiên trong xã hội con người.

Xin giải thích:

Trong trường tư tưởng thường hay có quan niệm hoà bình là một cái gì phản tự nhiên, không phù hợp với quy luật đấu tranh để sống còn trong trời đất. Người ta cũng hay xem đấu tranh bạo lực là điều kiện của sự tiến hoá của nhân loại. Theo tư tưởng này, xã hội con người tiến bộ nhờ giải quyết các mâu thuẫn, trong số đó có nhiều mâu thuẫn đến từ chính con người, và cách giải quyết thông dụng nhất cho đến nay chính là khắc phục hoặc tiêu diệt các thế lực đối nghịch.

Với quan niệm “Tâm quán được Tâm”, ta có một thế giới không bị ràng buộc bởi thực tại, gồm những sản phẩm của Tâm Trí con người, trong đó người ta có thể tha hồ “diệt” nhau mà không phải đổ một giọt máu. Thay vì sát hại nhau trong thực tế, người ta có thể cho tư tưởng, lập trường, quan điểm, chủ thuyết v.v… của mình và của đối phương “giết“ nhau trong một thế giới ngoài thực tại. Nếu chủ trương kinh tế, chính trị v.v…của tôi mâu thuẫn với lập trường của anh thì anh có thể tìm cách “giết” tôi trên đường tư tưởng, mà không cần phải mất công mang dao găm lựu đạn lội đường lội ruộng tìm đến tôi, với rủi ro bị tôi giết trước ! Với một quan niệm đúng đắn về Tâm, mỗi tối ta có thể ngồi vào bàn viết, “chém giết” nhau thoả thuê trước khi lên giường đi ngủ, và mỗi sáng thức dậy đọc báo, có thể rung đùi nhìn xem thiên hạ «giết» mình, trước khi bình thản sách cặp đi làm …

Nếu quả thật đấu tranh là động cơ của sự tiến hóa, thì con người, khi ý thức được cái Tâm của mình, phải chọn hình thức đấu tranh bằng tư tưởng thay vì bằng bạo lực. Để cho điều này có thể thành sự thật, cần một điều kiện: đó là Dân Chủ. Ta sẽ bàn đến Dân Chủ ở một bài sau.

Tóm lại:

Cùng lúc với sự thoát khỏi những mê tín dị đoan để tìm một phương thức giải thích sự vật bằng lý trí suy luận, người ta đã cho ra đời thuyết Duy Vật. Thuyết Duy Vật là gì? Là một lời hứa. Lời hứa sẽ giải thích mọi sự vật, kể cả tâm linh, bằng một mô hình vật lý.

Tư tưởng Duy Vật, trong một số trường  hợp, đã đề ra một đạo sống đáng kính trọng với nhiều điểm phù hợp với tư tưởng Đông Phương.

Đặt vấn đề Duy Vật cũng là đặt vấn đề “Tâm-Vật”. Trong khi thuyết Duy Vật tìm cách giải quyết vấn đề này bằng những định kiến, những giả thuyết, thì đa số các trường phái tư tưởng Đông Phương chủ trương không thể tìm ra giải đáp bằng lý trí suy luận.

Tư tưởng Duy Vật cũng như tư tưởng Đông Phương đều có chủ trương Tâm Vật hợp nhất. Tuy nhiên, đối với đa số các triết học Đông Phương, thì Tâm và Vật chỉ hợp nhất trong phạm vi của bản thể tuyệt đối bất khả tư nghị của sự vật, còn trong thế giới hiện tượng thì có sự phân định.

Nói: “sự hiểu biết do Tâm Vật hợp nhất mà ra” có thể rơi vào quan niệm kiến thức chủ quan, ít điều kiện triển nở. Vì thế, phải có một quan niệm đúng đắn về Tâm, một cái Tâm có thể quán được Tâm, có đối tượng là Tâm chứ không còn bị bó buộc phải đối chiếu với Vật, tức không còn đương nhiên lệ thuộc vào thực tại. Quan niệm Tâm quán được Tâm đưa đến kiến thức khách quan, đến khả năng tự quan sát, tự phê bình, tự sửa sai, và phê bình, cũng như sửa sai những sản phẩm của Tâm người khác.

Một quan niệm đúng đắn về Tâm giúp con người mở rộng Tâm của mình đến Tâm của mọi người, và là biện minh cho Dân Chủ, Tự Do, và Hoà Bình.

Cần phá bỏ mọi giới hạn của Tâm, trong cuộc hành trình đi tới mãi, đi đến tận cùng của sự tận cùng, mà vẫn còn tiếp tục tiến bước…