Serbia nói không kham nổi lượng di dân đổ vào

Cac Bai Khac

No sub-categories

Serbia nói không kham nổi lượng di dân đổ vào

Những người di cư la hét đòi mở biên giới gần ngôi làng Horgos, Serbia, ngày 15/9/2015.

Theo VOA – Ayesha Tanzeem – 16.09.2015

RÖSZKE, HUNGARY— Serbia nói rằng họ không kham nổi một lượng lớn di dân tụ tập ở biên giới đã bị đóng với Hungary, sau khi nhà chức trách Hungary trám chỗ hở trong hàng rào của họ với Serbia trong chiến dịch trấn áp di dân.
Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic hôm thứ Ba nói rằng Serbia không phải là “trung tâm nhận người.”
Ông nói rằng việc di dân phải quay trở về Serbia trong khi cùng lúc thêm nhiều người đang tới từ Hy Lạp và Macedonia là không thể chấp nhận được.
Sớm ngày thứ Ba, giới hữu trách Hungary đã đóng hai cửa khẩu biên giới chính thức vì điều mà họ nói là thiếu sự kiểm soát ở phía Serbia. Hungary cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hai quận miền nam trong một chiến dịch trấn áp di dân đang tìm cách tới Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói theo những biện pháp an ninh mới có hiệu lực vào ngày thứ Ba, chính quyền của ông sẽ mạnh tay với những người vượt biên trái phép.
Đòi được băng qua
Hôm thứ Ba, hàng trăm người đứng ép sát vào rào chắn và đòi được phép băng qua biên giới. Họ hô to, “Mở biên giới, mở biên giới!” trong khi cảnh sát đứng ở phía bên kia.
Những tình nguyện viên địa phương đưa thực phẩm và vật phẩm cho khoảng 200 người vượt qua biên giới hôm thứ Hai.
Tối thứ Hai, những căn lều mà tình nguyện viên dựng lên gần hàng rào đã trống trơn trong khi một vài ngày trước còn đầy ắp di dân nghỉ ngơi sau một hành trình dài.
Cách đó chừng một cây số, tại điểm vượt biên giới hợp pháp từ Serbia vào Hungary, cảnh sát đã dựng một hàng rào để ngăn nhà báo hoặc tình nguyện viên trong khi di dân đến biên giới được đẩy lên xe buýt chở đến nhà ga Röszke.
Tại nhà ga, di dân ngồi đợi hàng giờ liền, trong xe buýt hoặc bên cạnh đường ray, chờ chuyến tàu kế tiếp. Trẻ em mệt mỏi, thiếu ngủ khóc ré lên trong khi tình nguyện viên phân phát thức ăn và nước uống.
Bối rối
Không di dân nào được yêu cầu trình bất kỳ giấy tờ nào hoặc đăng ký tại biên giới của Hungary. Nhiều người không biết họ đang được đưa đi đâu. Đa số không muốn nộp đơn xin tị nạn ở Hungary.
Nhoài người ra ngoài cửa sổ xe buýt, Ali Hatim từ Iraq nói rằng không ai ở biên giới đòi xem giấy tờ của ông và ông hy vọng nhà chức trách Hungary sẽ không đăng ký tên ông; nhưng dường như ông ông cam chịu thực tế là nếu họ ép ông phải đăng ký thì ông không có lựa chọn nào khác.
Dường như có rất nhiều sự bối rối, chủ yếu là do không giao tiếp được với nhau. Hầu hết di dân không nói được tiếng Hungary và cảnh sát không biết tiếng Ả-rập, hướng dẫn họ bằng cử chỉ và thỉnh thoảng bằng vài từ tiếng Anh.
Một số di dân biết nói tiếng Anh được cho biết là tàu lửa sẽ đưa họ đến làng Hegyeshalom ở biên giới của Hungary, nơi họ có thể đi bộ vào Áo và đi xe buýt hoặc tàu lửa tới Vienna.
Một con số kỷ lục 9.380 người vào Hungary hôm thứ Hai, giới chức Hungary cho biết. Hàng trăm người khác đã qua đêm ở phía Serbia, chờ đợi cửa khẩu mở cửa.
Một số người bị câu lưu
Nhà chức trách hôm thứ Ba loan báo cảnh sát đã câu lưu ít nhất 60 người theo những biện pháp an ninh mới, có thể tống giam tới ba năm tù những người vượt biên bất hợp pháp.
Luật có hiệu lực một ngày sau khi bộ trưởng nội vụ các nước châu Âu không tán đồng một kế hoạch phân bổ 120.000 di dân khắp Liên minh châu Âu.
Trong khi phần lớn các bộ trưởng ủng hộ kế hoạch đặt ra hạn ngạch nhận di dân có tính ràng buộc, nhiều ý kiến phản đối đến từ các nước Đông Âu, trong đó có Hungary và Slovakia. Biên giới của họ là những điểm dừng chân đầu tiên cho di dân tìm cách đến Tây Âu.
Các bộ trưởng đã tán đồng một kế hoạch trước đó di dời 40.000 di dân hiện đang ở Hy Lạp và Ý.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu quy trách Đức vì nước này dang tay chào đón di dân tìm cách chạy lánh chiến tranh và khủng bố ở Syria và những nơi khác. Đức ngày càng bực bội với một số nước thành viên EU không muốn chia sẻ gánh nặng.
Hơn 430.000 di dân đang tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, bao gồm những người tị nạn từ Syria và Iraq, đã vượt biên vào châu Âu trong năm nay. Giới quan sát nói gần 3.000 di dân đã thiệt mạng trong nỗ lực này.