Điểm Báo Pháp – 10-9-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 10-9-2015

Thủ tướng Angela Merkel chụp ảnh chung với một người tị nạn tại trung tâm đón tiếp Spandau, 10/09/2015 – REUTERS/Fabrizio Bensch

Trọng Thành –  10-09-2015

Thủ tướng Đức, niềm tự hào của Châu Âu 

Cuộc khủng hoảng tị nạn tiếp tục là chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay. Libération thiên tả chạy tựa lớn trang nhất: «Người tị nạn. ‘‘Chúng tôi, các nhà báo Châu Âu, chúng tôi liên hiệp lại để hối thúc các chính phủ hành động kiên quyết, nhằm giải quyết tấn bi kịch này và không để có thêm người thiệt mạng’’…». Cả một loạt tờ báo lớn của Châu Âu tham gia vào chương trình của Libération. Tờ báo thiên hữu Le Figaro thì giới thiệu chương trình giải quyết khủng hoảng di trú của lãnh đạo đảng đối lập, cựu Tổng thống Sarkozy. Riêng Le Monde có bài xã luận «Angela Merkel, niềm tự hào của Châu Âu».

Phần giới thiệu trên trang nhất của tờ báo trung tả nhắc đến «Gương mặt mới của nước Đức của Angela Merkel», với những hình ảnh hoàn toàn khác hẳn với các ấn tượng về người Đức «ích kỷ», «cứng nhắc» trước đây, khi Berlin «phá vỡ một húy kỵ của Châu Âu, với việc chấp nhận vô điều kiện mỗi ngày gần 10.000 người tị nạn».

Bài phân tích của Le Monde ghi nhận việc hai lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Đức đã có một thái độ rộng rãi bất ngờ với người tị nạn, một phần lớn là do «tấm lòng rộng mở» của rất nhiều người Đức trong tình thế này, xu thế dân số già đi «và việc thiếu nhân công chỉ giải thích một phần». Tuy nhiên, lý do căn bản là đa số người Đức cảm thấy chất lượng cuộc sống tại Đức là tốt, thậm chí là rất tốt (91% theo một thăm dò dư luận; 76% hài lòng về cuộc sống của chính bản thân).

Merkel thúc đẩy xây dựng cộng đồng Châu Âu 

Chính sách nhập cư mới của nước Đức của bà Merkel làm thay đổi thế cân bằng chính trị hiện nay của Châu Âu, khiến Thủ tướng Đức có thể mất đi sự ủng hộ của nhiều chính phủ bảo thủ Châu Âu, cho đến nay vốn là các đồng minh thân thiết.

Le Monde có bài ngợi ca Thủ tướng Đức: «Angela Merkel, niềm tự hào của Châu Âu», với câu mở đầu: «…Angela Merkel đoạt giải Nobel hòa bình? Khả năng này không phải là phi lý». Bài xã luận nhấn mạnh đến việc Thủ tướng Đức đã «kết hợp được đạo lý của trách nhiệm (với tư cách lãnh đạo chính phủ) với đạo lý của đức tin, bảo vệ các giá trị của Châu Âu, đưa ra các quyết định thực tiễn rất thuyết phục… và có một chiến dịch truyền thông tuyệt vời». Le Monde điểm lại một số điều làm nên «niềm tự hào của Châu Âu».

Thứ nhất là sự đồng cảm với người tị nạn của hàng triệu công dân Đức, và của chính nữ Thủ tướng. Thứ hai là chính phủ Merkel đã tìm cách giải quyết làn sóng tị nạn như một thực tế cụ thể, chứ không bị dính vào các can thiệp vũ trang bên ngoài. Thứ ba là sự đóng góp đông đảo của người Đức cho phép phản công hiệu quả chống lại «các thành phần phát xít mới». Thứ tư là, sáng kiến riêng của nước Đức trước cuộc khủng hoảng chưa từng có được Thủ tướng Merkel gắn liền với việc thay đổi chính sách với người tị nạn chung của Châu Âu. Đây là điều mà Berlin nhận được sự ủng hộ của Paris, nhưng bị một số nước phía Đông phản đối. Le Monde cũng lưu ý, thái độ đối với người tị nạn của Berlin cũng không phải là «thiên thần», bởi một loạt các giới hạn đã được đề ra nhằm loại trừ sự giúp đỡ những người không được coi là «tị nạn».

Cuối cùng thì «trong cuộc khủng hoảng này, Angela Merkel đang thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng (Liên hiệp Châu Âu) và hiện tại bà là niềm tự hào của Châu Âu», tờ báo kết luận.

Châu Âu hướng đến một chính sách di cư chủ độnghơn

Về diễn biến các vận động chính trị Châu Âu nhằm giải quyết khủng hoảng tị nạn, Les Echos có bài «Juncker hối thúc (các nước Châu Âu) chấp nhận nhanh chóng kế hoạch của ông», với nội dung chính là phân chia định mức tiếp nhận bắt buộc đối với 120.000 người tị nạn. Cuộc họp các bộ trưởng Nội vụ Châu Âu thứ Hai tới hứa hẹn sẽ rất căng thẳng. Để trấn an các nước lo ngại nhất, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đưa ra một danh sách các nước được coi là «an toàn», mà dân nhập cư từ các nước này từ nay sẽ phải tự động bị đưa trả về quê. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo Ủy ban Châu Âu muốn là Liên hiệp 28 nước phải có một chính sách «chủ động» đối với vấn đề nhập cư, do «áp lực dân số và nhu cầu cần đến những tài năng từ nơi khác». Năm 2016, một dự thảo luật về nhập cư hợp pháp vào Châu Âu sẽ phải được đưa ra.

Trái ngược với Le Monde, Le Figaro lo ngại trước chủ trương thay đổi chính sách di cư của Liên Hiệp Châu Âu. Bài xã luận, với tiêu đề «Tình hình không tốt», tỏ ra ngạc nhiên về thời hạn 5 ngày mà Chủ tịch Juncker buộc 28 nước phải trả lời. Tờ báo thiên hữu nhấn mạnh đến vấn đề gánh nặng «nhập cư bất hợp pháp» bị giới chính trị Châu Âu bỏ qua, bên cạnh đó tờ báo chỉ trích việc chủ quyền quốc gia của mỗi nước thành viên trong vấn đề này bị coi nhẹ. Le Figaro có cuộc phỏng vấn ông Nicolas Sarkozy, Chủ tịch đảng Những người cộng hòa. Lãnh đạo đối lập Pháp kêu gọi «xây dựng lại hoàn toàn» chính sách nhập cư Châu Âu và khẳng định chỉ chấp nhận chế độ quota phân bổ người tị nạn, như là «hệ quả» của một chính sách nhập cư mới.

Thổ Nhĩ Kỳ: bóng ma nội chiến

Vẫn liên quan đến cuộc khủng hoảng tị nạn, tờ báo kinh tế Les Echos chú ý đến «Thổ Nhĩ Kỳ: nơi tị nạn của người Syria, lún sâu vào khủng hoảng». Theo Le Monde, kể từ thứ Hai đến nay, khoảng 300 văn phòng của đảng cánh tả HDP (đảng Nền dân chủ của nhân dân), được coi là gần gũi với lực lượng Kurdistan PKK, bị các thành phần dân tộc chủ nghĩa và Hồi giáo cực đoan đốt phá. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lên án các vụ khủng bố nhắm vào các đảng phái chính trị. Về chủ đề này, Libération có phóng sự «Thổ Nhĩ Kỳ, cái bóng của một cuộc nội chiến», với hình ảnh một văn phòng của đảng HDP bị đốt cháy tan hoang.

Đại cải cách kinh tế nhà nước: một trắc nghiệm với Tập Cận Bình

Nhìn sang Châu Á, báo Les Echos chú ý đến «TC: cuộc đại cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, một trắc nghiệm đối với Tập Cận Bình». Tờ báo kinh tế chú ý đến các tin tức không chính thức cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị một kế hoạch trình tư nhân hóa rất lớn, liên quan đến khoảng 200.000 doanh nghiệp, điều mà tờ báo gọi là «vụ nổ Big Bang lớn nhất» của khu vực kinh tế công của nước này, kể từ cuối những năm 1990. Vào thời điểm đó, 60.000 doanh nghiệp bị đóng cửa, 30 triệu người bị sa thải.

Tờ Wall Street Journal nói đến kế hoạch với độ dài khoảng 20 trang, có tên gọi «Các hướng dẫn cho việc đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp Nhà nước». Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được chia thành hai nhóm, một bên là các doanh nghiệp đem lại lời lãi, còn bên kia là các doanh nghiệp còn lại.

Các lĩnh vực chủ yếu được dự đoán sẽ bị đụng đến là : năng lượng, giao thông hay viễn thông. Kế hoạch cải cách nói trên là một chỉ báo cho thấy tham vọng của Chủ tịch TC, muốn hiện đại hóa khu vực trụ cột của nền kinh tế, để cho thị trường có vai trò quyết định, cho dù Nhà nước TC sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát.

Chủ tịch phòng thương mại Châu Âu tại TC dự báo, cuộc cải cách này là khó lường, trong trường hợp một kế hoạch to lớn như vậy không mang lại kết quả đáng kể gì, thì chắc chắn sẽ có những phản ứng đáng ngại. Điều đó cũng có thể được hiểu là ban lãnh đạo hiện nay sẽ bị «các lực lượng chống thay đổi» phản công.

Khí hậu: «Nước Pháp không phải đỏ mặt»

Về vấn đề khí hậu, báo Libération có cuộc phỏng vấn đặc biệt với nhà môi trường Nicolas Hulot, với tựa đề «Thời khắc của sự thật». Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là cuộc thượng đỉnh quyết định về khí hậu tại Paris, nơi lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có khả năng đạt được một thỏa thuận chung, nhằm phối hợp hành động hướng đến mục tiêu giới hạn nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C.

«Nước Pháp không phải đỏ mặt» là nhận xét của Nicolas Hulot. Cho đến nay, Pháp đã rất nỗ lực. Pháp đã bỏ phiếu thông qua luật về chuyển đổi năng lượng, xác định các cam kết cụ thể, và các mục tiêu này là đúng hướng, nếu thực sự được thực thi. Pháp là một trong các quốc gia đầu tiên công bố đóng góp cho quỹ Xanh, tức quỹ dành cho việc trợ giúp các nước đang phát triển để chống lại các hậu quả do biến đổi khí hậu. Không phải đỏ mặt, nhưng những thành tích của Pháp trong lĩnh vực này “cũng không phải là điều khiến Pháp có thể quá kiêu hãnh“.

Nhà hoạt động môi trường, đặc phái viên của Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến tính chất lô gic, thống nhất của các chủ trương trong lĩnh vực này, khi lưu ý đến trạng thái trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rất phổ biến. Một mặt người ta kêu gọi giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mặt khác lại tài trợ cho các năng lượng hóa thạch.

Tổng thống Pháp hứa sắp tới sẽ ngừng cấp tín dụng cho việc xuất khẩu các nhà máy điện chạy bằng than. Pháp không phải là ngoại lệ. Các lobby hậu thuẫn cho năng lượng hóa thạch có sức mạnh rất lớn, từ Washington đến Bruxelles. Tuy nhiên, theo Nicolas Hulot, một phần giới tài chính thế giới hiện nay đã tham gia vào việc kêu gọi lập ra một sắc thuế cacbon. Nhà hoạt động môi trường cũng cảnh báo, việc kìm hãm biến đổi khí hậu đòi hỏi phải thay đổi hẳn mô hình tăng trưởng.

Pháp: Cải cách lớn về luật lao động 

Về thời sự nước Pháp, chủ đề cải cách luật lao động quy mô lớn của chính phủ được nhiều báo chú ý. «Chính phủ loại trừ mọi Big Bang về luật lao động» là tựa chính của Le Monde. Les Echos đăng bài phỏng vấn Chủ tịch MEDEF, hiệp hội chủ yếu của giới chủ Pháp, với tựa đề «Luật lao động: một cơ hội lịch sử». Chủ tịch MEDEF hối thúc chính phủ cải cách mạnh mẽ bộ luật quan trọng này, đặc biệt là vấn đề quy định làm việc 35 giờ làm việc/tuần.

La Croix có bài giới thiệu chi tiết về dự án cải cách quan trọng này. Theo tờ báo, phần cơ bản của báo cáo Combrexelles, đã được giữ lại trong nội dung dự thảo cảo cách, bao gồm một số đề nghị chủ yếu như sau. Đưa «các nguyên tắc lớn của thương lượng tập thể» vào phần mở đầu của Hiến pháp ; kể từ năm 2016, dành nhiều chỗ cho thương thuyết hơn trong bốn lĩnh vực: thời gian làm việc, lương bổng, công việc, và điều kiện làm việc…

Phim «Human»: Tiếng lòng của cư dân Trái đất

Nhân dịp bộ phim đặc biệt của Yann Arthus-Bertrand mang tựa đề «Human» được công chiếu tại hơn 400 rạp trên toàn quốc, Le Figaro có cuộc phỏng vấn tác giả. Yann Arthus-Bertrand nổi tiếng với nhiều bộ phim về thiên nhiên kỳ diệu, như «Trái đất nhìn từ trời cao» (La Terre vue du Ciel), «Trái đất và các loài động vật» (La Terre et les animaux), «Hành tinh đại dương» (Planète océan)….

Đạo diễn Yann Arthus-Bertrand đưa khán giả đến với tiếng lòng của những con người vô danh khắp nơi trên thế giới với nhiều cảnh ngộ khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược, từ người dân nghèo khó, mù chữ đến nhà tỷ phú, người có học vấn cao. Quan niệm của mỗi người «về tình yêu, về ý nghĩa của đời sống hàng ngày, về lý tưởng đời người?»…

Bộ phim dài ba giờ đồng hồ phơi bày những cảnh đời khốn quẫn vì chiến tranh, bạo lực, hay đói nghèo, bên cạnh những cảnh thiên nhiên tráng lệ đến hút hồn.

Phim cho phép cảm nhận được những gì khiến con người trở nên thù địch, đố kỵ, và ngược lại những gì khiến con người đoàn kết được với nhau.

Những tâm sự và thổ lộ trong phim được chắt lọc từ hơn 2.000 cuộc phỏng vấn tại 60 quốc gia, với cùng một bộ câu hỏi, được thực hiện với sự cộng tác của 5 phóng viên. 11 triệu euro đã được đầu tư cho phim, chủ yếu do Quỹ Bettencourt cung cấp.

Trả lời phỏng vấn tờ Ouest-France, đạo diễn cho biết trong số những người nổi tiếng được phỏng vấn (gồm cả nhà tỷ phú Bill Gates), chỉ có duy nhất nguyên Tổng thống Uruguay José Mujica là được giữ lại trong phim. Cựu chiến binh nổi dậy – người tù bảy năm liền không được tiếp xúc với sách vở – đã để lại nhiều ấn tượng về chiều sâu nội tâm.

Một phiên bản của bộ phim độc đáo với 6 ngôn ngữ, dài 4 tiếng rưỡi, sẽ sớm được phổ biến miễn phí trên Youtube và Google Play. Phim cũng sẽ được cung cấp cho các hiệp hội, trường học, chính quyền địa phương…